5 Truyện Ngắn Về Bà Cảm Động Và Ý Nghĩa Nhất
Có thể bạn quan tâm
Bà là một trong những người thân yêu nhất của chúng ta. Sự hi sinh và quan tâm của bà luôn cho chúng ta cảm nhận được sự ấm áp của tình thân. Dưới đây là những truyện ngắn về bà hay nhất chúng tôi tổng hợp được.
Các Nội Dung Chính
- Truyện ngắn về bà số 1- Bà Nội
- Truyện ngắn về bà số 2 – Truyện bà tôi
- Truyện ngắn về bà số 3 – Bộ váy đẹp nhất
- Truyện ngắn về bà Số 4 – Truyện cổ tích bà cháu
- Truyện số 5: Bà và Sơn
Truyện ngắn về bà số 1- Bà Nội
Những tối hè nằm trên chiếc chõng tre, tiếng ru của bà cùng tiếng gió từ chiếc quạt nan đưa tôi vào giấc ngủ. Tất cả cứ thế bình lặng và yên ả trôi theo tiếng thở của thời gian. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trong trí óc non nớt của tôi, bà là tất cả.
Tôi không có mẹ – hay nói đúng hơn – mẹ đã ra khỏi cuộc đời tôi từ khi tôi mới là đứa bé hai tuổi. Còn cha – tôi chỉ nhớ đó là người đàn ông dong dỏng cao. Mỗi khi tết đến, người đàn ông đó lại về thăm bà và tôi, đi cùng một người đàn bà và hai đứa trẻ.
Mọi người bảo đấy là cha và dì của tôi. Nhưng thường thì tôi chẳng quan tâm lắm đến họ, tôi chỉ thích chơi với hai đứa bé thôi. Đứa bé gái mặc chiếc váy trắng viền đăng ten – chiếc váy mà cả trong giấc mơ, tôi cũng chưa bao giờ mơ được mặc. Thằng con trai mặc áo trắng bỏ thùng.
Lúc ấy trong đôi mắt của tôi, chúng là thiên thần, còn tôi chỉ là một con nhóc xấu xí. Hơn thế chúng lại có rất nhiều kẹo. Những chiếc kẹo xanh đỏ thật hấp dẫn khác hẳn với thanh chè lam bà thường cho tôi ăn.
Thế nhưng tôi chỉ dám đứng nhìn mà thôi. Tôi không dám xin vì chúng như hoàng tử với công chúa, còn tôi chỉ là người hầu hạ mà người hầu thì chẳng bao giờ được ăn kẹo cùng hoàng tử, công chúa cả.
Những lúc ấy, bà thường gọi tôi vào bếp, dúi cho một thứ gì đó như nắm xôi hay quả ổi rồi bà bảo: “Ăn kẹo vào là đau bụng đấy”. Chỉ cần bà nói thế là tôi đã chẳng còn thích những chiếc kẹo ấy nữa, nhưng tôi vẫn luôn có những câu thắc mắc “chẳng hiểu sao hai đứa kia ăn nhiều kẹo thế mà không đau bụng”.
Và cuối cùng thì tôi cũng tìm được câu trả lời và cứ thế ngốc nghếch tin rằng mình đúng “chắc ông thần kẹo chẳng thích mình”.
Theo thời gian trôi, tôi không còn là đứa bé chỉ biết quẩn quanh bên chân bà nữa. Tôi đã đến tuổi đi học. Ngày đầu tiên được cắp sách đến trường quả là một ngày vô cùng trọng đại đối với tôi.
Sáng hôm ấy, bà gọi tôi dậy từ sớm, mặc cho tôi bộ quần áo đẹp nhất rồi bà đưa tôi đến trường. Có lẽ lúc ấy tôi đã nín thở để chặn sự hồi hộp đang òa vỡ trong lòng. Tôi se sẽ nắm lấy tay bà – bàn tay nhỏ bé nằm gọn trong bàn tay với những đường gân xanh nổi lên làn da nhăn nheo – khẽ khàng từng bước đi theo bà.
Đến trước cổng trường tôi ngơ ngác trước sự tưng bừng, náo nhiệt mà tôi chỉ thấy vào những ngày lễ hội. Bọn bạn tôi đứa nào cũng được bố mẹ dắt đến, chúng ăn mặc đẹp và vui cười hớn hở.
Tự nhiên tôi cảm thấy mình buồn lạ lùng khi hôm nay bố không đi cùng tôi. Tôi lặng lẽ nấp sau lưng bà – chẳng hiểu sao tôi muốn bỏ về quá. Và hình như bà cũng nhận thấy sự thay đổi của tôi nên bà cúi xuống cài lại cúc áo cho tôi, rồi bà bảo:
– Bà biết cháu buồn nhưng cháu không thích bà đi cùng hay sao?
– Không, cháu thích đi với bà lắm nhưng nhìn thấy bố mẹ chúng nó thì cháu nhớ bố cháu thôi.
Bà cười rồi bà đẩy tôi lên phía trước:
– Hãy dũng cảm lên cháu của bà.
Tan học, tôi là người chạy ra khỏi lớp đầu tiên. Tôi muốn viết cho bà xem chữ “O” đi liền với câu nói quen thuộc của bà “O tròn như quả trứng gà” và thật ngạc nhiên khi tôi thấy bà đang ngồi dưới gốc cây đa, tay bà cầm chiếc nón phe phẩy quạt. Bà đến đón tôi.
Tôi nhón chân nhẹ nhàng vòng ra sau lưng bà rồi ghé mặt thơm môi một cái rõ to. Bà giật mình nhìn tôi rồi bà cười:
– Cha cô, định trêu bà hả?
Nhanh thật là nhanh, thế là đã 9 năm trôi qua từ sau buổi học đầu tiên đáng ghi nhớ ấy. Bây giờ tôi đã là nữ sinh lớp 9 – tôi đã lớn – không còn buồn vì không có bố đưa đi học như ngày xưa. Thế nhưng với bà, tôi vẫn luôn là con bé chíp hôi như ngày nào.
Còn với tôi, bà là tất cả những gì mà tôi có. Bà là bà tiên ban phép lành trong câu chuyện cổ tích. Cha mẹ và dì chỉ còn là những cái bóng rất mờ nhạt trong tiềm thức tôi. Cũng có đôi lần bà hỏi “Cháu có nhớ mẹ không?”. Lần nào tôi cũng dựa vào lưng bà rồi khẽ lắc đầu “Cháu có bà rồi, cháu chẳng cần mẹ nữa, nhưng mẹ cháu là ai hả bà?”.
Bà ôm tôi vào lòng, bà cười nhưng giọng nói của bà lại nghẹo ngào. Dường như chúng vương cả vị mặn của nước mắt: “Cháu tôi tội quá!”, và bà chỉ nói một câu duy nhất ấy thôi, chẳng bao giờ bà trả lời câu hỏi của tôi cả. Tôi cũng chẳng thắc mắc nhiều về mẹ. Đối với tôi, từ “mẹ” sao quá mơ hồ, như một điều không có thực trên đời, lại cao xa.
Tôi luôn luôn được nghe người khác gọi mẹ, nhưng có lẽ cả cuộc đời không bao giờ tôi được thốt ra lời gọi mẹ ngọt ngào âu yếm ấy. Vì thế, tôi bằng lòng với tất cả những gì tôi hiện có. Tôi cần bà và tôi đã có bà, vậy là đủ.
… Cầm sắc đỏ hoa gạo, tôi đặt lên mộ bà. Hôm nay tôi đến chào tạm biệt bà vì ngày mai tôi sẽ ra thành phố ở cùng bố và dì. Thế là bà xa tôi gần hai tháng rồi, nhưng tôi vẫn không thể nào quen được với sự thật. Tôi luôn nghĩ rằng bà đi đâu đấy rồi một lát nữa bà sẽ về.
Những lần đi học chẳng ai nhắc tôi đội mũ, mang áo mưa và đi học cùng tôi, bởi thật đơn giản: bà đã mãi mãi đi xa chỉ vì một căn bệnh rất đỗi kỳ quặc – bệnh tuổi già. Ngày bà mất, tôi chẳng còn biểt mình đã nghĩ gì, làm những gì, nhưng duy nhất một điều mà tôi biết là tâm hồn tôi trống vắng, hoang vu. Mất bà cũng gần như tôi đã mất tất cả.
Tôi lặng lẽ ngồi bên mộ bà mặc cho làn gió khẽ mơn trớn làm tung bay mái tóc rối. Mái tóc mà ngày trước mỗi lần gội xong, bà lại chải cho tôi “Tóc cháu bà đẹp lắm, nhưng phải chăm gội bồ kết đấy nhé”.
Thế mà ngày mai tôi đã phải xa bà rồi, phải xa miền quê nhỏ bé mà tôi đã gắn bó, miền quê đã ban tặng cho tôi một người bà, tôi đã qua những tháng năm ngây thơ chạy nhảy chẳng biết phải chịu đựng những ánh mắt không mấy thiện cảm của dì và tiếng thở dài của cha, nhưng chắc chắn tôi sẽ vượt qua được tất cả vì bà luôn ở bên tôi. Bà sẽ giúp đỡ tôi, bà sẽ truyền cho tôi nghị lực để tôi vững bước bởi vì trong trái tim tôi – bà là tất cả.
Mặt trời đang từ từ xuống sau dãy núi phía xa. Từng ánh nắng vàng đục vương len mộ bà cứ nhạt dần, nhạt dần rồi mất hẳn. Mùi nhang thoảng bay trong gió làm sống mũi tôi cay cay. Hoàng hôn bao trùm mọi cảnh vật, tất cả thật yên ắng, chỉ còn lại khúc đồng ca xào xạc của rừng lau.
Một ngày đã trôi qua.
Truyện ngắn về bà số 2 – Truyện bà tôi
Bà kể rằng năm ấy nhà mình còn khổ lắm, mái tranh nghèo xơ xác đứng chơ vơ cạnh hàng muồng mang trên mình những khóm hoa vàng li ti chớm nở. Cà phê lúc ấy chỉ mới trồng còn chưa ra quả, bố mẹ quần quật làm thuê cuốc mướn cả ngày, “bỏ lại” hai bà cháu giữa rừng cà bạt ngàn heo hút. Chính lời ru ngọt ngào chất chứa tình thương yêu của bà đã đưa cháu chìm sâu vào sức ngủ, thử hỏi ngày ấy nếu không có bà, liệu cháu có khôn lớn cho tới ngày hôm nay.
Bà nói rằng cháu có nhớ không, những ngày gió thi nhau “gào thét” như muốn nuốt trôi túp lều nhà mình, bà chỉ sợ cơ thể yếu ớt của cháu không đủ sức chống lại cái rét ngoài kia. Rồi có hôm cơn giông bất ngờ kéo đến, cả nhà phải gắng sức chôn chặt dây thép để nhà không bị đổ, dẫu tay bố cháu đau đến rướm máu, cơn giông ấy vẫn không chịu buông tha, cứ thế mặc cho gió “táp” vào mặt mặn chát, cả nhà vẫn gắng sức giằng co giành lại ngôi nhà, chính là để chở che, bảo vệ cháu đấy. Đến lúc cháu chập chững tập đi, đất đỏ dính lem luốc khắp nơi, lẫn cả trong mắt xuống hai tai, vất vả lắm bà mới moi hết đất ra được.
Rồi có lần cháu mãi mê chơi ngoài vườn, bị sâu ngứa cắn từ đầu đến chân, nổi mẫn khắp cả người, vừa xát muối cho cháu bà vừa khóc, lại tự trách mình không chăm cháu cẩn thận, cháu khóc vì rát, vì đau, bà khóc vì thương cháu. Bà bảo thủa ấy nhà mình còn thưa thớt người ở lắm, ít nhất cũng hơn một cây số mới có nhà dân, cũng bởi vậy mà tuổi thơ cháu chỉ biết chơi với lũ ve, lũ kiến sau hè. Hễ có người lạ vào là cháu lại vừa chạy vừa hét lên, nom chẳng khác gì “người rừng”.
Rồi mẹ phải vất vả hai năm đưa cháu đi học, cháu ngồi học trong, mẹ đứng bên cửa sỗ, chỉ cần ngoảnh ra không thấy mẹ là cháu khóc ầm ĩ lên. Bà lo cháu nhát gan, lớn lên không dạn dĩ bằng bạn, bằng bè.
Cả đời bà lam lũ, vất vả , tất cả cũng vì thương con, thương cháu. Cứ như vậy, dưới vòng tay săn sóc của bà, cháu đã ngày một trưởng thành hơn. Bà còn nhớ chứ, cái ngày mà hai bà cháu ta dắt nhau đi dự đám cưới, vốn ở thôn quê nên được nhìn thấy cô dâu là cháu hào hứng lắm, vừa ngồi lên lưng bà cháu vừa hát líu lo, hỏi bà đủ thứ chuyện. Vậy mà lúc tới nơi thì cháu cứ ngồi ì mãi trong nhà bếp không chịu ra, nhất định phải gặp cô dâu cho bằng được, bà cũng đành chiều theo, đến lúc người ta lãng vãng ra về gần hết cháu mới thôi, thế là hai bà cháu cõng nhau lếch thếch về với cái bụng đói meo. Ngày hôm ấy, cháu bị mẹ mắng cho một trận. Sau này nghĩ lại, cháu chỉ biết thương bà, trách mình sao lúc ấy lại dại dột thế.
Có hôm cháu thèm quà vặt lắm nên lén lút ăn trộm tiền. Biết được bà hay để dành tiền ở đầu giường, chờ lúc bà ngủ trưa cháu lặng lẽ rón rén từng bước một, cháu chỉ định trộm năm ngàn mà ngờ đâu lại rút nhầm tờ năm chục, tới quán mua hai que kem thôi nhưng bà chủ quán cũng không thối lại tiền. Lúc về nhà thì cái roi trên tay bố đã chờ sẵn từ bao giờ, từ đó về sau, không bao giờ cháu giám trộm tiền bà lần nào nữa.
Mùng hai tết, lúc khách tới nhà chơi, gói kẹo dừa bị đóng đinh trên cột nhà không cánh mà bay, bố tìm cả chục phút mà không thấy đâu cả, thật ra cháu đã lấy cắp và “giấu” hết vào dạ dày, thế rồi lúc bị tra hỏi, hoảng quá cháu đã đổ lỗi cho bà làm mất. Sau khi khách rời khỏi, bố giận đến tím mặt, giận luôn cả bà, không thèm “đụng đũa” cơm tối. Đêm hôm ấy cháu cứ luẩn quẩn trong mớ suy nghĩ tội lỗi, vừa thò đầu ra định thú nhận với bà mọi chuyện thì bắt gặp bước chân của bố, thế là cháu đành im bặt trong hối hận. Vậy mà bà vẫn lặng thinh như không xảy ra chuyện gì, vì bà biết nếu bố hiểu ra sự tình, thế nào cháu cũng bị “tước” hai cái mông. Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhất cháu nói dối bà, dối bố.
Ấy vậy mà cháu lại không biết trân trọng niềm hạnh phúc khi được ở cùng bà. Cháu tự hỏi đã bao giờ ôm lấy bà mỗi lúc ngủ chung, hay phụ bà cầm chổi quét nhà, đuổi lũ gà lởn vởn trước bãi ngô vàng hạt nằm “tắm nắng” ngoài sân. Chưa bao giờ cháu nói yêu bà cả. Cũng chưa bao giờ cháu nói nhớ bà.
Ngày bà gói gém về quê, cháu cũng không rõ đó là năm nào nữa, chỉ biết rằng trong lòng cháu nghẹn ngào khó tả, cháu gọi bà, gọi mãi nhưng chỉ có tiếng gió lao xao ngoài vườn vọng vào đáp trả. Cháu thương bà chân lấm tay bùn, một thân một mình nuôi nấng từng đứa con khôn lớn, thương bà gánh hết đắng cay, dành phần ngon ngọt cất riêng cho cháu.
Thấm thoát đã gần chục năm, tóc bà cũng lấm chấm vài sợi bạc. Mỗi lúc đi ngang qua cánh đồng vàng ươm ngát mùi lúa chín, “hít hà” mùi khói hương quê tỏa ra nghi ngút, cháu lại chạnh lòng nhớ bà da diết. Miền bắc mùa này đang chuẩn bị đương đầu với cái lạnh, không biết áo bà mặc đủ ấm không, cái chân đau nhức khi trái gió trở trời có làm bà mất ngủ nữa không. Phải chi cháu có thể ghém gửi bà chút “nắng” Sài Gòn cho “ấm dạ”, dẫu phương nam đất bắc cách nhau muôn nghìn dặm, nhưng lời ru đầm ấm của bà còn vang vọng bên tai cháu mãi: “Cháu ơi cháu cứ ngủ đi Có bà chăm sóc tình thương đặm đà Cháu ơi có nhớ quê nhà Dẫu lang ít củ vẫn là quê hương”
Hôm nay cháu đã lớn, đã tự đứng vững trên đôi chân của mình, đã bắt đầu bước vào vòng xoáy cuộc đời, không còn là đứa trẻ bé bỏng cứng đầu như thuở nào, cháu đã biết nhớ, biết thương, biết nói yêu bà và mong được gặp bà nhiều lắm.
Tết này, cháu sẽ về thăm bà, bà nhé!
Truyện ngắn về bà số 3 – Bộ váy đẹp nhất
Hồi nhỏ, thầy, cô giáo, bố mẹ luôn dạy em: “Phải thương yêu bố mẹ, ông bà, cô giáo …” và tôi chỉ biết nói theo như con vẹt nhưng thật sự thì tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời nói đó. Nhưng theo năm tháng, tôi đã lớn dần trong tình thương yêu của cả nhà. Đến bây giờ, tôi đã hiểu thế nào là tình yêu thương. Và người dành vô vàn tình yêu thương cho tôi chính là người bà đáng kính.
Bà tôi năm nay cũng đã ngoài sáu mươi tuổi. Khuôn mặt bà hiền từ, phúc hậu. Mỗi khi bà cười, ánh mắt bà thật ấm áp và trìu mến.
Một lần, tôi được tham gia vào đội văn nghệ của huyện. Sáng hôm sau, tôi phải đến tập văn nghệ, nhưng do chỗ tập cách nhà khá xa mà bố mẹ tôi không thể nghỉ làm để đưa tôi nên tôi phải ở nhà. Đêm hôm ấy, tôi ra vườn khóc thút thít. Bà đến gần, đặt tay lên vai tôi và nói:
– Thôi nào, mai bà sẽ đưa cháu đi! – Tôi reo lên mừng rỡ.
– Ôi, cháu cảm ơn bà nội! – Tôi reo lên mừng rỡ
– Xem cháu bà kìa, vừa khóc vừa cười đáng ăn mười cái gì nào? Bà tươi cười trêu tôi.
Tôi hét to:
– Ăn mười gói ô mai ạ!
Bà xoa đầu tôi cười hiền từ. Sáng hôm sau, bà chở tôi đến chỗ tập văn nghệ trên chiếc xe đạp lọc cọc. Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xa đến vậy! Bà tôi đã sáu mươi tuổi nên không đạp nhanh được. Ngồi trên xe, tôi cứ hô tướng lên: “Chà, cái xe đằng trước chạy nhanh quá!”, “A, cái xe kia vượt mình rồi!” … Bà cừ gò lưng đạp để đưa tôi đến nơi cho kịp giờ. Tới nơi, tôi quên cả bà mà chạy như bay tới chỗ các bạn. Thế rồi bà ngồi đợi ở sân cho đến lúc tôi tập xong để đưa tôi về. Cứ thế mấy tuần liền, bà đưa đón tôi đi tập văn nghệ như thế.
Cuối cùng, ngày biểu diễn đã đến. Nhà trường yêu càu mỗi học sinh phải mặc bộ váy màu trắng. Tôi không dám xin tiền bố mẹ nên nằn nì xin bà. Bà tôi đã dành hết số tiền dành dụm ít ỏi của mình để mua một bộ váy áo màu trắng tuyệt đẹp cho tôi. Mấy tuần liền đưa tôi đi tập văn nghê, bà bị mệt và đau lưng. Đến sát hôm tôi biểu diễn, bà ốm nặng và không đèo tôi đi được. Vậy mà khi thấy bà ốm nằm trên giường, tôi vẫn nũng nịu bà:
– Bà ơi, thế ai đưa cháu đi bây giờ!
Dù rất mệt nhưng bà vẫn cười, nói:
– Chàu đừng lo, bà sắp khỏe rồi đây!
Nhưng hôm đó, mẹ đành nghỉ làm để đưa tôi đi biểu diễn. Thế mà, tôi hớn hở với bạn bè, quên mất là đang bị ốm vì tôi.
Chuyện xảy ra cũng đã lâu nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi thấy mình thật vô tâm và đáng trách. Từ đó, tôi đã học được cách yêu thương và quan tâm đến bà hơn. Mỗi lần bà mệt, tôi luôn ở bên chăm sóc bà và kể chuyện để bà vui.
>Truyện Ngắn Cho Bé – 15 Truyện Ngắn Hay Nhất Ba Mẹ Phải Đọc Cho Bé
Truyện ngắn về bà Số 4 – Truyện cổ tích bà cháu
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có hai em bé, một trai, một gái. Trai là anh, gái là em. Bố mẹ mất sớm, hai em về sống với bà ngoại. Bà già lắm và cũng nghèo lắm. Ba bà cháu rau cháo nuôi nhau, đời sống rất đỗi chật vật nhưng được cái lúc nào cũng hòa thuận vui vẻ. Các cháu ríu rít quấn quýt quanh bà. Bà móm mém cười hiền từ nhìn các cháu, dịu bớt những nỗi vất vả, cay đắng.
Một hôm, có bà tiên đi ngang qua, thấy tình cảnh ba bà cháu, mủi lòng [1], liền để lại một trái đào và dặn:
– Khi nào bà mất đi, hai cháu mang hạt đào này gieo lên mộ thì lập tức sẽ được giàu có, sung sướng.
Đời sống cực nhọc quá, cuối cùng rau cháo cũng khong đủ ăn, bà ngoại thương cháu, nhịn ăn liền mấy ngày để cái chết mau đến, hi vọng lời bà tiên sẽ thành sự thật, cháu mình sớm được hạnh phúc.
Quả nhiên, mộ bà vừa đắp xong, hạt đào vừa gieo xuống, phúc chốc đã hiển hiện điều lạ lùng. Hạt đào nảy mầm, cây lớn nhanh vùn vụt, rào rào nảy lá, đơm hoa, kết quả. Trùm lên mộ bà là một cây đào lực lưỡng, trĩu trịt trái vàng, trái bạc. Hai anh em hớn hở chạy quanh gốc đào, hái mỏi tay, cũng không hết của cải quý giá.
Nỗi nhớ bà khuây khỏa dần. Hai anh em trở nên rất giàu có, giàu hơn cả mọi ông hoàng, bà chúa khắp thế gian.
Nhưng rồi phát vui sướng bồng bột ban đầu dần lắng xuống. Vàng bạc, châu báu lạnh lẽo không bù lại được tình thương đầm ấm của người bà. Sống giữa cung điện cao vọi, nhiều lúc anh em cảm thấy trống trải. Nhìn đâu cũng thấy vàng bạc mà không mảy may thấy bóng dáng thân thương của bà ngoại. Nỗi nhớ thương bà cồn cào gan ruột làm hai anh em ăn ngủ không yên, vẻ mặt lúc nào cũng rầu rĩ, héo hắt. Làm sao có thể sung sướng được nếu sống thiếu bà.
Bà tiên lại đi ngang qua. Thấy hai anh em đã trở nên vô cùng giàu có mà vẫn không được thanh thảnh [2], bà dừng lại, hỏi. Em gái òa lên khóc, cầu mong bà tiên hóa phép cho bà ngoại mình sống lại. Bà tiên nói:
– Nếu bà ngoại sống lại thì ba bà cháu lại cực khổ như xưa, liệu có chịu được không?
Cả hai anh em cùng nói như reo lên:
– Chúng cháu chịu được! Khổ sở đến đâu chúng cháu cũng chịu được, miễn là bà chúng cháu sống lại!
Bà tiên phất chiếc quạt lông màu nhiệm [3]. Phút chốc, tất cả lâu đài, thành quách, cây đào với những trái vàng, trái bạc biến thành một áng mây hồng lơ lửng trôi về phía cuối trời. Bà ngoại lại hiện ra, móm mém cười, hiền hậu dang tay ôm hai cháu. Cậu bé, cô bé sà vào lòng bà ngoại thổn thức. Sẽ chẳng bao giờ họ xa nhau nữa. Ba bà cháu lại tần tảo [4] rau cháo nuôi nhau, vất vả thật, nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình thương mến.
Ý nghĩa của câu chuyện Bà cháu
Câu chuyện cho thấy tình cảm gia đình thắm thiết và sự hiếu thuận của hai anh em đối với người bà của mình.
Truyện giáo dục các bạn nhỏ biết yêu quý những thành viên trong gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị em), đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy trân quý những tháng ngày được sống bên cạnh những người thân yêu ấy.
Ngoài ra, câu chuyện còn cho chúng ta thấy được sự giàu sang chưa hẳn đã đem lại hạnh phúc, còn có rất nhiều thứ mà tiền bạc không thể mang lại ở trên đời này, ví như nỗi thương nhớ bà của hai anh em trong truyện.
Truyện số 5: Bà và Sơn
Chuyện đời xưa Sơn đã được xem trên đài truyền hình không biết bao nhiêu lần, nhưng Sơn vẫn thích nghe bà kể chuyện hơn. Cái miệng của bà móm mém là thế mà kể chuyện cổ tích đến là hay! Khoái nhất vẫn là lúc Sơn cùng bà chơi trò lắp ráp. Sơn hướng dẫn bà làm, tưởng tượng như mình là cô giáo. Oai biết bao nhiêu! Tay bà gầy bầy, run run, chật vật mãi mới ráp được một mô hình. Bắt chước cô giáo, Sơn khen: – Bà giỏi lắm! Bà cười, cái miệng móm mém nở ra, đôi mắt híp lại. Ba mẹ Sơn bận việc cơ quan tối mắt tối mũi, nhà chỉ có hai bà cháu thủ thỉ. Chung cư vừa có thêm mấy gia đình nữa dọn tới. Sơn mừng lắm vì có bạn mới. Cũng từ đó, bà bị “thất nghiệp”, không còn được Sơn mời làm “học trò” để dạy chơi trò lắp ráp nữa. Một bữa, buồn quá không biết làm gì, bà mon men đến bên lũ trẻ. Nhưng khi bà vừa chạm tay vào đồ chơi, Sơn đã la lên: – Bà bỏ xuống đi, kẻo hỏng đồ chơi của cháu! Bà tần ngần rụt tay lại rồi buồn bã quay đi. Khi lũ bạn đi vắng hết, không có ai chơi cùng, Sơn lại rủ bà. Bà mừng lắm, sà vào chơi liền, chả biết giận. Một bữa đi học về, Sơn không thấy bà đâu. Ba mẹ Sơn nói bà bị bệnh phải nằm viện. Đêm đó, không có giọng kể chuyện tỉ tê của bà, Sơn nhớ bà không ngủ được, nằm khóc thút thít, mẹ dỗ mãi mới chịu nín. Hôm sau, Sơn vào viện thăm bà. Nắm bàn tay gầy gầy đầy nếp nhăn của bà, Sơn nói: – Bà ráng uống thuốc cho mau hết bệnh, chóng lớn! Rồi cháu sẽ cho bà chơi lắp ráp. Cháu hứa đấy! Nằm trên giường bệnh, bà phì cười, đôi môi nhợt nhạt nở ra, đôi mắt híp lại … Sơn cũng cười, phô hai cái răng to như hai hạt ngô ngộ nghĩnh ….
Hi vọng những truyện ngắn về bà trên sẽ giúp bạn càng ngày càng trân quý và yêu thương những người bà của mình hơn.
Đăng ký kênh Youtube của chúng tôi để xem nhiều truyện hay và thơ hay. Đăng Ký Ngay
5/5 - (7 votes)Nếu ba mẹ thấy hữu ích hãy chia sẻ:
Related
Từ khóa » Câu Chuyện Về ông Bà
-
Bài 52: Kể Về ông, Bà (hoặc Một Người Thân) Của Em: Ông Nội Của Em
-
Đề: Kể Về ông (bà) Của Em - Giải Bài Tập
-
Ấm Lòng Những Câu Chuyện Về 'bà Nội, Bà Ngoại Tôi' - Báo Phụ Nữ
-
Chuyện ông Bà Anh - Sách Hay - Zing
-
Chuyện Về ông Bà Em: Thức Tỉnh Những Vô Tâm - Tuổi Trẻ Online
-
[PDF] Chuyện Kể Về ông Bà Em - United Nations In Viet Nam
-
Xúc động Trước Chùm Thơ Về ông Bà Hay, ý Nghĩa, đong đầy Tình Cảm
-
Lời Nhắn đặc Biệt Gửi 'ông Bún' Và Chuyện Tình Cảm động Của ông Bà ...
-
Bà Cháu [Truyện Cổ Tích Việt Nam Về Tình Cảm Gia đình]
-
Tự đọc Sách Báo: Đọc Sách Báo Viết Về ông Bà
-
Viết: Viết Về ông Bà | Tiếng Việt 2 - Cánh Diều - Blog
-
Bà Tôi Kể Chuyện “ông Ba Mươi” - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
4 Đoạn Văn Ngắn Kể Về ông Bà Em Lớp 2, Hay, Tuyển Chọn - Thủ Thuật