5 Yếu Tố Quyết định Bố Cục Slide Thuyết Trình - Slide Factory

Thuyết trình không giống như đưa cho các khán giả một quyển sách. Khi bạn đã nói xong một phần, bạn chuyển sang phần kế tiếp và khán giả không có quyền “lật lại trang trước” để đọc. Các slide thuyết trình cũng không giống như từng trang sách để kết nối với nhau bằng câu chữ.

Vậy làm thế nào để đưa các slide vào một bố cục thống nhất, tránh tình trạng như được chắp vá từ nhiều quyển sách khác nhau? 

Bố cục slide thuyết trình - Sự nhất quán

Nội dung bài viết

  • 1. Tính thống nhất trong bố cục slide là gì?
  • 2. Các yếu tố cần lưu ý để tạo nên tính thống nhất trong bố cục slide
    • a. Màu sắc
    • b. Hình khối
    • c. Font chữ
    • d. Cách sắp xếp các yếu tố trên một slide
  • 3. Ví dụ về tính thống nhất trong bố cục slide

1. Tính thống nhất trong bố cục slide là gì?

Tính thống nhất chính là khi các yếu tố trực quan liên kết với nhau, cùng bổ trợ cho nhau để làm nổi bật ý nghĩa của bài thuyết trình. Các yếu tố trên slide từ màu sắc, hình khối, font chữ, đến cách sắp xếp chữ phải được lựa chọn cẩn thận để cùng đem lại một thông điệp hay cảm xúc nhất quán.

Trái lại, nếu như các yếu tố trên slide được đặt rải rác không tính toán sẽ tạo cảm giác hỗn loạn, khiến khán giả khó nắm bắt thông điệp bạn muốn truyền đạt. Đó cũng là lí do thiết kế slide nên đơn giản, tránh cầu kỳ.

Tính thống nhất là nguyên tắc cơ bản trong bố cục slide thuyết trình

Có thể nói, tính thống nhất chính là một nguyên tắc cơ bản và phổ biến trong thiết kế (Nguồn: SlideShare)

2. Các yếu tố cần lưu ý để tạo nên tính thống nhất trong bố cục slide

a. Màu sắc

Như SLIDE FACTORY đã từng chia sẻ trong bài về màu sắc lần trước, mỗi màu lại khơi gợi một cảm xúc khác nhau. Bạn cần phải đảm bảo rằng màu sắc chủ đạo khớp với thông điệp mà bạn muốn truyền tải qua bài thuyết trình của mình.

Tại khóa học “Thiết kế Slide PowerPoint chuyên nghiệp” của SLIDE FACTORY, chúng tôi vẫn thường khuyến khích học viên sử dụng 3 màu chính, trong đó màu chữ chiếm 60%, màu phụ trợ chiếm 30% và màu nhấn mạnh chiếm 10%. Chỉ 3 màu duy nhất xuyên suốt toàn bộ bài thuyết trình sẽ tạo nên tổng thể vừa đơn giản, tinh tế lại vừa nhất quán.

Màu sắc đồng nhất với thông điệp làm tăng độ nhất quán trong bố cục slide thuyết trình

Gợi ý một số cách phối màu với 2 loại nền đen-trắng (Nguồn: Slide Factory)

b. Hình khối

Một lần nữa, bạn cần ghi nhớ những kiến thức SLIDE FACTORY từng chia sẻ về thông điệp bên trong mỗi hình khối. Hãy để tâm đến ý nghĩa bài thuyết trình của bạn, lựa chọn hình khối phù hợp và sử dụng hình khối đó làm chủ đạo trong toàn bộ các slide về sau.

Sử dụng một số hình khối chủ đạo trong bố cục slide thuyết trình

Hình tròn được lựa chọn làm hình khối chủ đạo đại diện cho quy mô dự án (Nguồn: Slide Factory)

c. Font chữ

Trữ lượng font bạn có thể tìm kiếm trên Internet có thể lên tới hàng nghìn, mỗi font lại có nhiều ý nghĩa khác nhau. Bạn cần đảm bảo rằng font chữ lựa chọn phù hợp với nội dung bài thuyết trình. Hãy cố gắng trả lời 2 câu hỏi: bạn dự định truyền đạt điều gì; khán giả của bạn là ai? Nếu như bạn thuyết trình về một vấn đề nghiêm trọng, font chữ viết tay (script) tuy ấn tượng và nghệ thuật nhưng lại không phải một lựa chọn đúng đắn. Font chữ có chân (serif – như Times New Roman) thường phù hợp cho những văn bản dài. Trong khi đó font không chân (sans serif – như Arial) lại đủ “gọn nhẹ”, lý tưởng cho văn bản ngắn trên một slide thuyết trình.

Font chữ phù hợp với thông điệp làm tăng độ nhất quán trong bố cục slide thuyết trình

So sánh trực quan giữa 2 font có chân và không chân (Nguồn: Slide Factory)

Quan trọng nhất, hãy giữ cho mọi thứ thật đơn giản. Đừng vì một font chữ có vẻ hay ho mà khiến việc giao tiếp với khán giả bị chệch hướng. Hãy giới hạn từ một đến hai font để giúp khán giả ít bị phân tâm.

d. Cách sắp xếp các yếu tố trên một slide

Sau khi đã quyết định được yếu tố màu sắc, hình khối và font chữ, việc cuối cùng bạn cần cân nhắc là đưa văn bản vào slide như thế nào, hay còn gọi là bố cục.

Có một vài bố cục cơ bản mà SLIDE FACTORY từng chia sẻ như: Nhấn mạnh, Cân bằng, Chuyển động – bạn có thể linh hoạt sử dụng chúng trên các slide tùy theo mục đích. Tuy nhiên, lưu ý rằng với các slide chung mục đích (ví dụ là slide chuyển ý) thì nên có dạng bố cục giống nhau.

Bố cục slide thuyết trình cơ bản

Slide giới thiệu khóa học của Slide Factory được thiết kế dựa trên nguyên tắc Cân bằng và Nhấn mạnh (Nguồn: Slide Factory)

Ngoài ra, SLIDE FACTORY còn chia sẻ với bạn hai công cụ vô cùng hữu ích khác để tạo sự nhất quán giữa các slide.

Thứ nhất là công cụ Guides để đảm bảo vị trí các dòng chữ được tương đồng giữa các slide.

Guides - Công cụ hỗ trợ tạo bố cục slide thuyết trình

Bằng cách tick vào ô “Guides” trong tab View của Powerpoint, bạn sẽ dễ dàng căn dòng hơn khi thiết kế slides (Nguồn: Slide Factory)

Thứ hai, sử dụng một Tracking line cho phép người đọc theo dõi  vị trí phần bạn đang nói trong toàn bộ bài thuyết trình.

Tracking line - Công cụ hỗ trợ tạo bố cục slide thuyết trình

Tracking line được giữ cố định, chỉ thay đổi phần nhấn mạnh thể hiện bạn đang thuyết trình đến phần nào (Nguồn: Slide Factory)

Nếu biết tận dụng, đây sẽ là 2 công cụ vô cùng hữu ích để slide thuyết trình của bạn thêm vuông tròn, gọn ghẽ.

3. Ví dụ về tính thống nhất trong bố cục slide

Bản slide thuyết trình dưới đây chỉ gồm 3 màu là đen, trắng và lấy xanh làm màu nhấn. Hình tròn được lựa chọn làm hình khối chủ đạo. Các slide có cùng chức năng (như slide số 11-20-25; hay 15-24) dễ dàng nhận thấy có bố cục giống nhau. Toàn bộ bài thuyết trình chỉ sử dụng duy nhất 2 font chữ và được xen kẽ khéo léo để làm nổi bật lẫn nhau. Đồng thời, các dòng cùng chức năng giữa các slide đều rất thẳng hàng với nhau (như slide số 16-17-18). Bố cục linh hoạt giữa nhấn mạnh và cân bằng.

Ví dụ về bố cục slide thuyết trình có tính nhất quán cao

Ví dụ tiêu biểu về một bài thuyết trình có tính nhất quán cao (Nguồn: Alexrister Blog)

Các slide thuyết trình không giống như từng trang sách để kết nối với nhau bằng câu chữ. Chúng kết nối bằng màu sắc, hình khối, font chữ, và bố cục mà bạn sử dụng. Thông qua việc phân tích các yếu tố, kèm theo một ví dụ trực quan, SLIDE FACTORY hy vọng các bạn có thể tạo được một mạch nối xâu chuỗi các slide, để quá trình giao tiếp thuyết trình đạt được hiệu quả cao nhất.

Từ khóa » Bố Cục Slide