50 Món ăn đặc Sản Nổi Tiếng Việt Nam (Món 1-11) - Quán Ngon 138

1. Phở Hà Nội:

Phở là một trong những niềm tự hào của người Hà Nội. Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị ngọt thanh mát và bổ dưỡng, bánh phở mềm, dai đi cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Phở ăn kèm với các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt...

Phở ngon ngọt không chỉ khi thưởng thức mà còn hấp dẫn bởi giãi bày trên những trang viết của nhiều nhà văn nổi tiếng như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Phở có thể dùng làm bữa điểm tâm, ăn trưa, chiều hoặc tối.

2. Chả cá Lã Vọng (Hà Nội):

Chả cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, cá nheo, cá quả. Thịt cá phi lê ướp với bột nghệ, bột ngọt, gừng sợi, nước mắm, mắm tôm, hành tím băm, tỏi băm, mẻ, ớt băm, nước củ riềng... sau đó kẹp vào cặp tre rồi nướng.

Chả cá Lã Vọng. Ảnh: VK. Chả cá Lã Vọng. Ảnh: VK. Tiếp theo phi hành tím cho thơm, bỏ thêm ít hành lá cắt khúc lớn, rau thì là cắt khúc và nước ướp cá vào chảo dầu, xào lên. Cuối cùng cho thịt cá đã nướng vào xào, đảo nhẹ tay để thịt cá không bị nát. Nêm nếm cho vừa ăn. Chả cá ăn kèm với bún, bánh tráng nướng, mắm tôm, cơm dừa xắt mỏng, đậu phộng chiên và dưa chua.

Ngày đông giá rét, ngồi bên chiếc lò nướng chả ấm áp, thưởng thức món chả cá nóng hổi cùng bánh đa nướng, bún, các loại rau thơm… lúc này bạn có thể thưởng thức món ăn này bằng cả vị giác và khứu giác của mình.

3. Bún chả (Hà Nội):

Bún chả là một món ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ gồm: chả viên và chả miếng.

Chả làm từ thịt ba chỉ (ba rọi) và loại thịt nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, chua của giấm, và cay của ớt, tỏi, thêm đu đủ, cà rốt giòn, chua. Rau ăn bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế.

4. Bún thang (Hà Nội):

Bún thang là món cầu kỳ, công phu nên thường chỉ có mặt trong những tiệc thịnh soạn của người Hà Nội.

Bún thang. Ảnh: VK. Bún thang. Ảnh: VK. Nước dùng bún thang được nấu từ nước luộc gà, xương lợn, khi đun vớt bọt liên tục để nước được trong, rồi thả vào một xâu tôm he khô. Trứng tráng thật mỏng thái sợi, giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín được xé nhỏ làm một hỗn hợp nhiều màu sắc. Sau đó cho thêm ruốc (chà bông), củ cải khô, nấm hương, rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, ít mắm tôm để ngoài và chút hương cà cuống.

5. Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội):

Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm vào có vị thanh nhẹ, mát rượi. Bánh khi sắp trong thúng, được xếp thành lớp kiểu như bậc thang, trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thạch, sắc trắng của bánh nổi bật.

Bánh cuốn khi ăn có mùi thơm dìu dịu, êm êm của bột, của hành khô. Gắp miếng bánh, chấm đẫm vào chén nước chấm rồi đưa lên miệng, người ăn sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa mùi bánh thơm dịu, mềm dai hoà quyện với nước chấm có vị mằn mặn, chua chua, cay cay.

6. Lợn “cắp nách” 6 món (Lai Châu):

Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu.

Lợn cắp nách (Lai Châu). Ảnh: VK. Lợn cắp nách (Lai Châu). Ảnh: VK. Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.

7. Thịt trâu khô (Điện Biên):

Thịt trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu, nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.

Thịt trâu khô Điện Biên. Ảnh: VK. Thịt trâu khô Điện Biên. Ảnh: VK. Cách làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.

8. Phở chua (Lạng Sơn):

Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.

Dĩa phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

9. Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh):

Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai).

Chả mực Hạ Long. Ảnh: VK. Chả mực Hạ Long. Ảnh: VK. Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng...

10. Gà Tiên Yên (Quảng Ninh):

Gà Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không làm mất vị đặc trưng. Nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn giản nhất: luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Thoạt trông, bạn có thể ngấy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt.

Thịt gà Tiên Yên ăn kèm là bánh gật gù. Bánh được tráng bằng bột gạo, cuộc thành từng cuộn cỡ ngón chân cái, bánh trong, mềm, dẻo mà không dính.

11. Bún cá rô đồng:

Cá rô được luộc lên, gỡ từng miếng thịt, ướp gia vị cho thật thấm rồi rán vàng lên, hoặc viên lại từng viên cho vào tô bún. Sự hiện diện của miếng cá rô dai mịn, thịt cá rô xào nghệ ngọt tươi, độ béo giòn của thịt cá rô chiên tạo thành hương vị có sức quyến rũ lạ thường.

Bún cá rô đồng. Ảnh: VK. Bún cá rô đồng. Ảnh: VK. Nước dùng của bát bún cá rô đồng thuần túy làm từ cá rô, không thêm xương lợn. Cho vào cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu đến khi nào thịt và xương cá rã ra thì lọc bỏ xác cá, lấy nước cốt rồi cho gia vị vào.

Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thì là tươi non, cũng có thể ăn kèm với rau cải xanh, cải cúc hay rau cần điểm xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm tạo cho bát bún thêm phần hấp dẫn.

12. Bánh đa cua (Hải Phòng):

Bánh đa cua một món ăn mộc mạc mà thân thiết của người dân đất cảng Hải Phòng.

Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ 5 màu: màu nâu hồng của gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau nhút, rau muống, hành lá, màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.

Thi Trân (vnexpress)

Xem tiếp: 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (Món 12-24)

Từ khóa » Các Món ăn Nổi Tiếng Việt Nam