50 Năm Tìm 'cô Công Nhân Nhà Máy Dệt' Trong Túi áo Người Liệt Sĩ
Có thể bạn quan tâm
TTO - 50 năm kể từ ngày người chiến sĩ trẻ ấy ngã xuống giữa đại ngàn rừng Trường Sơn, tấm ảnh cô công nhân nhà máy dệt, mặt sau chép bài thơ xúc động "Đợi anh về" trong túi áo được đồng đội gìn giữ vẫn còn đó, đợi ngày hội ngộ cùng chủ nhân.
Nửa thế kỷ của nỗi thao thiết, ngóng trông, những người lỡ mang duyên nợ với tấm ảnh chất chứa nỗi rung động sâu sắc, vẫn nuôi hi vọng tìm được người trong ảnh năm nào, như một cách để báo đền người đồng đội chưa kịp biết tên đã nằm lại chiến trường giữa tuổi 20 xanh thắm.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Minh Phương ở Hà Nội một ngày thu se lạnh.
90 tuổi đời là 50 năm ông Phương mang nỗi canh cánh trong lòng tìm lại người con gái trong bức ảnh để trao lại kỷ vật cuối cùng của người chiến sĩ trẻ vô danh ngã xuống giữa rừng Trường Sơn.
Với trí nhớ đáng kinh ngạc, người lính, nhà báo già quê gốc Phú Yên rành rọt kể lại mối tơ duyên với tấm ảnh đặc biệt.
Và trong căn nhà tập thể cũ nơi con ngõ nhỏ, câu chuyện cảm động về hành trình lưu lạc 50 năm của tấm ảnh được mở ra bằng hình ảnh đại ngàn rừng Trường Sơn…
Người lính, nhà báo Đặng Minh Phương kể lại mối tơ duyên với tấm ảnh đặc biệt - Video: DƯƠNG LIỄU
Năm 1968, hàng trăm trận mưa bom ác liệt trút xuống vùng căn cứ kháng chiến Liên khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai). Quân địch, bị tổn thất nặng ở các thành phố trong trận Tổng tiến công Tết Mậu Thân của quân ta, điên cuồng trút cơn giận dữ lên những cánh rừng Trường Sơn.
Một chiến sĩ trẻ bị trúng bom ngã xuống giữa rừng. Chiến tranh tàn khốc, những cuộc hành quân gấp gáp, không ai kịp biết tên tuổi, quê quán của người lính trẻ.
Những người đồng đội đã cố gắng tìm kiếm một thông tin gì đó về anh trước khi để anh nằm lại với rừng, nhưng chỉ thấy trong túi áo đã sờn một tấm ảnh nhỏ cỡ 6x9cm.
Bức ảnh đen trắng nhưng được tô màu khá đẹp. Người trong ảnh là một nữ công nhân dáng người khỏe khoắn, mặc sơmi trắng, tạp dề xanh trước ngực, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt nhìn thẳng, cương nghị mà có chút gì đó vời vợi, trông ngóng.
Ánh mắt ấy và khuôn mặt ấy khiến bất cứ chiến sĩ trẻ nào có dịp nhìn thấy cũng chạnh lòng, xót thương đồng đội vừa ngã xuống và cho cả "người em gái nhỏ hậu phương".
Ông Phương tâm sự chuyện cán bộ, chiến sĩ hi sinh ở chiến trường, dù lúc đang chiến đấu hay trên đường hành quân là "chuyện thường ngày" ở chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng tấm ảnh trong túi áo người chiến sĩ ngã xuống hôm ấy làm mọi người lặng đi hồi lâu, rưng rưng nước mắt.
Mấy chiến sĩ chụm đầu xem ảnh dự đoán cô gái có lẽ là công nhân Nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội) hay Nhà máy Dệt Nam Định. Và ai cũng ngậm ngùi nghĩ chắc hẳn người trong ảnh sẽ vô cùng đau đớn khi hay tin người chiến sĩ đã bỏ mình giữa rừng sâu…
Lật tấm ảnh, thấy mặt sau có bài thơ chép tay, nét chữ rắn rỏi, đôi chỗ sửa chữa nhòe đi. Bài thơ không có đầu đề, cũng không thấy ghi tên tác giả. Chỉ có 12 câu thơ năm chữ, chia làm ba khổ.
Tấm ảnh trong túi áo người liệt sĩ với mặt sau chép bài thơ Đợi anh về - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Tấm ảnh người con gái xinh đẹp và bài thơ lay động về tình yêu đôi lứa đậm sâu trong hoàn cảnh biệt ly vì chiến tranh, những vời vợi trông ngóng ngày tái hợp trong túi áo người chiến sĩ vừa vĩnh viễn ra đi mãi mãi, khiến những người chiến sĩ trẻ không khỏi nghẹn lòng.
Thương người vừa ngã xuống, thương người con gái hậu phương, chiến tranh tàn khốc, bom đạn vô tình... Lặng lẽ gạt nước mắt, họ mang theo tấm ảnh trên đường hành quân của mình.
Không biết làm gì với bức ảnh, không biết làm sao để gửi lại di vật vô giá cho cô gái ở hậu phương, nhưng họ biết rằng mình phải giữ gìn bức ảnh ấy. Và nó đã được truyền tay từ người nọ sang người kia trên đường chiến đấu. Bài thơ được chép lại trong sổ tay từng người.
Đến một ngày, nhóm lính trẻ giữ bức ảnh ấy gặp nhà báo Đặng Minh Phương, người đang phụ trách tờ Cờ Giải phóng, trên đường hành quân trong một cánh rừng ở Quảng Nam.
Biết ông Phương (khi đó 40 tuổi) đang công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy, anh em đã gửi gắm tấm ảnh để ông giữ cho an toàn. Tất cả đều hi vọng sau này ông Phương có thể tìm được người trong ảnh và gia đình người chiến sĩ để trao lại cho gia đình chút kỷ vật vô giá cuối cùng.
Đó là khoảng cuối tháng 2-1968, những tháng ngày ác liệt nhất của cuộc chiến. Ông Phương thường xuyên phải di chuyển qua các mặt trận, với tấm ảnh luôn mang theo bên mình.
Nhiều lần đi công tác ở đồng bằng sát nách địch, ông Phương không lo lắng cho sự sống chết của mình mà chỉ canh cánh nỗi lo tấm ảnh bị thất lạc.
Thế rồi cũng đến ngày đất nước thống nhất, ông Phương trở về với gia đình cùng với tấm ảnh, lòng đau đáu nỗi niềm tìm lại người trong tấm ảnh hay gia đình của người liệt sĩ vô danh để trao lại kỷ vật thiêng liêng.
Ông Đặng Minh Phương kể chuyện 50 năm tìm người trong ảnh - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Ông nghĩ chắc hẳn món quà bất ngờ sẽ là niềm an ủi rất lớn với người trong ảnh và với thân nhân liệt sĩ vô danh.
Còn với người chiến sĩ đã ngã xuống, có lẽ cũng được an ủi phần nào khi anh được một lần "trở về" trước mặt người thân thông qua tấm ảnh, để được một lần nói lời từ biệt sau 50 năm lặng thinh.
Đó cũng là cơ hội để những người còn sống có cơ hội trả lại tên cho anh. Và biết đâu có thể may mắn tìm thấy anh giữa đại ngàn rừng núi và đưa anh về với xóm làng, quê hương.
Nhiều năm sau khi nước nhà thống nhất, ông có ý định gửi tấm ảnh cho một tờ báo nào đó đăng lên, để may ra có người xem, phát hiện ra cô công nhân trong ảnh. Nhưng ông cũng e ngại một bức hình đưa lên mặt báo sẽ chìm vào hư không, bởi báo chí lúc bấy giờ chưa có độ phủ sóng mạnh mẽ trong dân chúng, lại sợ giao ảnh cho các tờ báo vốn đang ngổn ngang nhiều nhiệm vụ cần kíp khác có thể bị thất lạc mất.
Đang còn chần chừ thì tình cờ ông được biết bài thơ trên tấm ảnh có tên Đợi anh về của nhà thơ Khương Hữu Dụng.
Nhà thơ lão thành này, ông Phương đã quen biết từ những năm kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 5, hiện đang sống ở khu phố cạnh nhà ông. Vậy là ông Phương vội rảo bộ từ nhà ông ở phố Lý Thường Kiệt tới nhà thi sĩ Khương Hữu Dụng ở phố Phan Bội Châu, đem theo bức ảnh.
Lúc này nhà thơ đã ngoài thất tuần. Nghe ông Phương kể lại hoàn cảnh nhận được bức ảnh, nhà thơ rất xúc động. Các con gái ông nghe chuyện cũng hết sức cảm kích, ngỏ ý muốn được giữ bức ảnh có bài thơ chép ở mặt sau.
Ông Phương trao lại tấm hình ông đã giữ gìn trong nhiều năm cho gia đình tác giả bài thơ Đợi anh về, không quên giữ cho mình vài bản copy.
Giữ tấm ảnh, gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng đã nhờ Đài truyền hình Việt Nam phát thông tin tìm người trong ảnh, nhưng vài phút trên truyền hình vào những năm 1990 về tấm ảnh chỉ rơi vào im lặng.
Mặc dù đã trao lại bức hình cho gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng nhưng ông Phương vẫn tiếp tục phối hợp cùng gia đình nhà thơ tìm kiếm thân nhân liệt sĩ.
Năm 2000, ông viết bài trên báo Nhân Dân hàng tháng về câu chuyện bức ảnh, mong tìm được người trong ảnh nhưng không có kết quả.
Không bỏ cuộc, con gái nhà thơ Khương Hữu Dụng lại gửi bài viết tới nguyệt san Sự Kiện - Nhân Chứng của báo Quân Đội Nhân Dân, những mong hoàn thành được tâm nguyện với người chiến sĩ đã ngã xuống.
Nhưng một lần nữa, tin vui vẫn như cánh nhạn biền biệt xa.
Thế rồi, năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phát động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng và phát động cuộc thi viết kỷ vật kháng chiến, gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng đã quyết định hiến tặng cho bảo tàng tấm ảnh này sau nhiều nỗ lực không tìm được người trong ảnh.
Bảo tàng cũng vận động ông Đặng Minh Phương viết về kỷ vật kháng chiến này. Ông Phương đã nhiệt tình tham dự, coi như có thêm một hi vọng tìm được chủ nhân của bức ảnh.
Bài viết "Bức ảnh trong túi áo người liệt sĩ" của ông Phương được trao giải Ba của cuộc thi, nhưng người trong ảnh thì vẫn mịt mùng chân trời góc bể.
Thấu tỏ nỗi niềm canh cánh đeo đẳng bạn mình, dịp 27-7-2017, nhà thơ Lê Đình Lai (CLB Thơ Hà Nội) đã đưa câu chuyện về bức ảnh trong túi áo người liệt sĩ lên trang Facebook cá nhân của ông, nhờ cộng đồng chia sẻ thông tin giúp tìm người trong ảnh.
May mắn thay, sức mạnh của mạng xã hội đã phát huy hiệu quả.
Vài tháng trước, một người đàn ông giới thiệu tên Trần Mỹ Hưng gọi cho ông Phương sau bao nỗ lực tìm số điện thoại của ông.
Anh Hưng cho ông Phương biết người trong tấm ảnh chính là bà Vũ Thị Hiếu ở TP Nam Định. Bà Hiếu là vợ của ông Phạm Văn Đến, liệt sĩ hi sinh năm 1968, chính là cậu của anh Hưng.
Cuộc điện thoại bất ngờ khiến ông Phương vỡ òa niềm vui. Vậy là tâm nguyện ông đằng đẵng mang 50 năm cuối cùng đã hoàn thành. Người chiến sĩ ấy đã được trả lại tên.
Anh Hưng còn đang dự định nhờ ông Phương giúp đỡ để tìm lại hài cốt của cậu mình.
Họ đã gặp nhau trong một chuyến Nam du của ông Phương mới đây. Nhưng người con gái trong tấm ảnh, nay là một bà lão sống tại TP Nam Định thì ông Phương vẫn chưa có cơ hội gặp gỡ.
Sau cuộc trò chuyện với ông Phương, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ lập tức tới TP Nam Định để tìm gặp người trong ảnh. Nhưng một lần nữa, thông tin bất ngờ lại đến.
Hóa ra đó chỉ là một chút trùng hợp.
Bà Vũ Thị Hiếu khi nhìn tấm ảnh nhỏ, mờ được anh Hưng gửi cho qua điện thoại mấy tháng trước đã ngỡ đó là mình, nhưng khi tận mắt nhìn tấm ảnh (bản copy) mà ông Đặng Minh Phương cung cấp và phóng viên mang tới, bà mới biết mình đã nhầm.
Khớp nối các thông tin khác mà bà Hiếu và gia đình cung cấp về chồng mình, nơi hi sinh… chúng tôi nhận ra đã có một sự nhầm lẫn trước đó.
Vậy là hơn 50 năm, tấm ảnh trong túi áo người liệt sĩ vô danh vẫn tiếp tục… vô danh trong kho tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Và người chiến sĩ trẻ nằm lại giữa đại ngàn rừng Trường Sơn 50 năm trước vẫn tiếp tục không tên giữa đất trời hòa bình hôm nay.
Bà Vũ Thị Hiếu vẫn không phải người trong tấm ảnh - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Phương đón nhận tin tức mới từ chúng tôi trong sự hẫng hụt. Giọng ông lão 90 tuổi đã trải bao gian truân, mất mát đau thương nơi chiến trường bỗng chùng xuống trong điện thoại.
Dễ hiểu nỗi thất vọng của người lính già ấy khi hay tin tấm ảnh sau 50 năm cùng ông kiếm tìm và đợi chờ đằng đẵng, vẫn tiếp tục thất lạc chủ nhân của mình và chưa biết có ngày hạnh ngộ.
Từ tấm lòng của ông Phương với tấm ảnh và người liệt sĩ vô danh, chúng tôi cũng bắt đầu cảm thấy một mệnh lệnh từ trái tim, muốn tiếp sức cùng ông trên hành trình kiếm tìm mịt mùng tưởng như vô vọng, bằng câu chuyện mà chúng tôi kể ra với bạn đọc của mình.
Nội dung: THIÊN ĐIỂU Hình ảnh: DƯƠNG LIỄU, NAM TRẦN Thiết kế: TƯỜNG VY Concept: BẢO SUZU 10/11/2018Từ khóa » Hình ảnh Cô Thợ Dệt
-
Hình Ảnh Cô Thợ Dệt Rùng Rợn Hơn Một Thế Kỷ - Gioitre10x
-
Hình ảnh Cô Thợ Dệt
-
Hình ảnh Cô Thợ Dệt | Rất-tố - Rất-tố | Năm 2022, 2023
-
Bí ẩn Bức ảnh 'cô Thợ Dệt' Rùng Rợn Hơn Một Thế Kỷ Chưa Có Lời Giải
-
Hình ảnh Cô Thợ Dệt - Dịch Vụ Quay Phim
-
Hình ảnh Cô Thợ Dệt Vải - Dịch Vụ Quay Phim
-
Hơn 50 Năm đi Tìm "cô Gái Thợ Dệt" Trong Túi áo Người Liệt Sĩ | VTC16
-
Bí ẩn Bức ảnh 'cô Thợ Dệt' Rùng Rợn Chưa Có Lời Giải - Kiến Thức
-
Vén Màn Bí ẩn đằng Sau Bức ảnh Những Cô Thợ Dệt Rùng Rợn Hơn ...
-
Hình ảnh Cô Thợ Dệt - Tử Vi Khoa Học
-
Nửa Thế Kỷ Tìm Nữ Công Nhân Từ Bức ảnh ở Túi áo Liệt Sĩ Trường Sơn
-
800+ Thợ Dệt & ảnh Dệt May Miễn Phí - Pixabay
-
Chân Dung Một Cô Gái Thợ Dệt Trong Xưởng Bức ảnh Sẵn Có - IStock