529. Người Việt Theo Chế độ Phụ Hệ Từ Khi Nào? - Lược Sử Tộc Việt

Trong các nghiên cứu được công bố trong khoảng vài chục năm gần đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam đề xuất giả thuyết cho rằng thời kỳ Đông Sơn, người Việt vẫn còn trong chế độ mẫu hệ, văn hóa Việt thời kỳ đó cũng còn đang trong xã hội nguyên thủy, kém văn minh và không phát triển. Giả thuyết này bắt nguồn từ thuyết bản địa, theo đó một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng người Việt phát triển từ các văn hóa thời nguyên thủy tại Việt Nam đi lên, tuy nhiên, người Việt không phải người bản địa phát triển lên từ thời văn hóa Hòa Bình như các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ trương, mà có nguồn gốc trực tiếp từ vùng Dương Tử, cư dân Dương Tử cũng di cư từ Đông Nam Á đi lên, [1], việc cho rằng người Việt “có nguồn gốc bản địa” sẽ gây ra những vấn đề khó tìm được sự lý giải hợp lý.

Vì vậy chúng ta cần khảo cứu các thông tin từ vùng Dương Tử, kết hợp với các tài liệu ở Việt Nam để xác định về chế độ xã hội thời kỳ này, không thể dựa vào các tài liệu khảo cổ tại Việt Nam thời tiền Phùng Nguyên để khẳng định chế độ và tổ chức xã hội của người Việt tại văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa sau đó. Các bằng chứng từ khảo cổ, lịch sử đều cho chúng ta thấy rằng thời kỳ Hùng Vương người Việt đã theo chế độ phụ hệ từ sớm, vấn đề này sẽ được chúng tôi khảo sát qua trong bài viết này.

1. Xã hội mẫu hệ và xã hội phụ hệ:

Đặc trưng của chế độ mẫu hệ là chế độ quần cư, quần hôn, trong mộ táng nhiều người cùng chôn một mộ, các xã hội Đông Á cổ trước thời điểm 5000 – 6000 năm trước, đa phần đều theo chế độ mẫu hệ, trong đó phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và điều hành xã hội. Trong xã hội mẫu hệ, các thành viên trong gia đình sống cùng với nhau trong một ngôi nhà chung, các ngôi nhà thường có kích cỡ tương tự nhau, khi chết, cộng đồng theo chế độ mẫu hệ có nghĩa trang công cộng riêng của từng thị tộc, ngay cả khi người đàn ông kết hôn với thị tộc bên ngoài, khi chết, vẫn phải được chôn cất trong nghĩa trang của gia tộc. Các tài sản trong xã hội mẫu hệ là tài sản chung, quyền sở hữu được truyền từ mẹ sang con gái, người đàn ông hầu như rất ít quyền lực và không có quyền sở hữu tài sản.

Xã hội phụ hệ bắt đầu khi hoạt động sản xuất có sự dịch chuyển, các hoạt động săn bắn hái lượm suy giảm, các hoạt động kinh tế chuyển dần sang nông nghiệp quy mô lớn, chăn nuôi, nam giới nắm được vai trò quan trọng hơn trong tổ chức xã hội, bắt đầu xuất hiện hình thức một vợ, một chồng, người vợ theo chồng về gia đình nhà chồng, con cái sống cùng cha mẹ và gia đình nhà chồng, thay vì là ở cùng mẹ và không biết cha mình là ai. Khi chết, chồng được chôn cùng với vợ, người trong gia tộc phụ hệ được chôn cùng với nhau.

Xã hội phụ hệ tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn nhiều so với xã hội mẫu hệ, nam giới đóng vai trò tổ chức và điều hành xã hội, các hoạt động kinh tế, chính trị và các hoạt động tâm linh đều nằm trong quyền kiểm soát của nam giới. Sự phát triển về của cải thúc đẩy sự hình thành các giai cấp, với sự chiếm hữu của cải của một bộ phận nhất định trong xã hội, dần dần thoát khỏi chế độ thị tộc, tiến tới chế độ phụ hệ và xã hội có nhà nước và văn minh.

Các xã hội tiền Việt ở Dương Tử như Đại Khê, Hà Mẫu Độ là các văn hóa đang còn ở chế độ mẫu hệ, đặc biệt là Hà Mẫu Độ, đây là một xã hội mẫu hệ, tới thời kỳ Lương Chử, thì xã hội tộc Việt đã sớm chuyển sang chế độ phụ hệ.

2. Chế độ phụ hệ trong vùng trung lưu Dương Tử:

Trong các tài liệu khảo cổ, thì trong vùng trung lưu Dương Tử, với thành phố cổ Thành Đầu Sơn, thuộc các giai đoạn văn hóa Đại Khê (Daxi, 5000 – 3300 BC), Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3000 – 2600 BC) và văn hóa Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC), đây đã được chứng minh là nơi xuất hiện sớm nhất của chế độ phụ hệ. Vùng trung lưu Dương Tử, nơi có hồ Động Đình, là nguồn gốc trực tiếp của tộc Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, trong đó trực tiếp hơn là người Việt ngày nay.

◊ Sự xuất hiện của gia đình một vợ một chồng và chế độ phụ hệ:

Gia đình một vợ một chồng cũng là một biểu hiện quan trọng của một xã hội tiến tới một trình độ phát triển và phân hóa cao. Đặc trưng của chế độ xã hội mẫu hệ đó là các ngôi mộ chủ yếu được phân chia giữa nam và nữ trưởng thành (nghĩa là chôn cùng giới hoặc chôn riêng), một ngôi mộ thường chôn nhiều người. Khi phát triển chế độ gia đình phụ hệ, thì hai vợ chồng trong gia đình phụ hệ được chôn chung trong một ngôi mộ tương tự như hình thức chôn cất còn tới ngày nay ở văn hóa Việt và các dân tộc theo chế độ phụ hệ. [2]

Trong giai đoạn văn hóa Đại Khê, thì có rất ít ngôi mộ chôn cất đồng giới tính cho người lớn được tìm thấy, về cơ bản, văn hóa này không có ngôi mộ chôn cất nhiều người cùng một mộ, cho thấy chế độ xã hội của văn hóa này đã vượt qua chế độ mẫu hệ. Bên cạnh đó, tại văn hóa Đại Khê cũng có rất nhiều khu nhà được tìm thấy có thể phản ánh gia đình một vợ một chồng. Phần lớn các nhà ở Văn hóa Đại Khê là những công trình dành cho một gia đình, được chia thành lớn, vừa và nhỏ, với diện tích khoảng 20-52m2. Trong văn hóa Khuất Gia Lĩnh, đã tìm thấy hai ngôi nhà nối liền nhau ở phía bắc và phía nam, mỗi ngôi có 4 phòng, mỗi phòng có diện tích từ 15 đến 30 mét vuông. Trong ngôi nhà được tìm thấy một số lượng lớn đồ dùng sản xuất và sinh hoạt, trong số 45 ngôi mộ ở khu mộ chỉ tìm thấy 18 đồ tùy táng, có thể thấy đây là một ngôi nhà bình thường của một gia đình. [2]

◊ Sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ba đời và hệ thống cha truyền con nối dòng dõi nam:

Hệ thống cha truyền con nối nam giới có xuất hiện trong văn hóa Đại Khê hay không, chúng ta có thể thấy từ các di tích tôn giáo thời bấy giờ. Tôn giáo không phải lúc nào cũng xuất hiện trong các nền văn hóa, tôn giáo cấp cao và văn hóa tế lễ là một bộ phận quan trọng trong các yếu tố của nền văn minh. Mức độ phát triển của nó phản ánh trực tiếp trình độ văn minh. [2]

Tại thành phố cổ Thành Đầu Sơn, người ta tìm thấy những bàn thờ lớn thuộc giai đoạn đầu tiên đến giai đoạn đầu tiên của giai đoạn thứ hai của nền văn hóa Đại Khê (khoảng 6.400 đến 5.800 năm trước) trong thành phố cổ Thành Đầu Sơn, có 3 bàn thờ (bàn thờ) đều là hình tròn. Bàn thờ số 2 và 3 có tường bên cao khoảng 30 cm xây bằng gạch nung, bên trong tường bên là bệ đất cao ở giữa, xung quanh thấp làm bằng hoàng thổ nguyên chất. Đáng chú ý nhất là viên sỏi lớn hình “祖” (tổ) đặt trong hố tế lễ thuộc giai đoạn thứ hai của Văn hóa Đại Khê. Xét về phần mộ nam và nhóm đá nổi bật với hình “tổ” mang ý nghĩa cúng tế tổ tiên, bàn thờ này mang ý nghĩa chuyển từ lễ tế trời thuần túy sang thờ cúng tổ tiên và duy trì hai nghi lễ cùng lúc. [2]

Tôn giáo và các yếu tố khác của nền văn minh có sự phát triển tương ứng. Thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa hai yếu tố này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa hiện tượng tôn giáo. Sự thay đổi nội dung và phương pháp tế lễ tôn giáo ở trung lưu sông Dương Tử từ năm 6400 đến 5500 năm trước có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của xã hội phụ hệ và sự xuất hiện của các gia đình nhỏ một vợ một chồng vào thời điểm đó. [2]

3. Chế độ phụ hệ ở văn hóa Lương Chử:

Văn hóa Lương Chử đã sớm chuyển sang chế độ phụ hệ, vì sự phát triển của nông nghiệp, nông nghiệp chủ yếu dựa vào sức lao động của nam giới, phụ nữ chỉ có thể đảm nhận một số công việc phụ trợ. Văn hóa Hà Mẫu Độ, tiền thân của văn hóa Lương Chử có sự tương phản rõ nét. Văn hóa Hà Mẫu Độ chỉ tìm thấy hạt gạo, không có vựa lúa quy mô lớn, trong di tích của thành phố cổ Lương Chử, người ta tìm thấy nhiều kho chứa gạo hàng trăm vạn cân. [3][4]

Vào thời văn hóa Hà Mẫu Độ, văn hóa này vẫn còn ở giai đoạn cuối của xã hội mẫu hệ, và không có bằng chứng nào cho thấy địa vị của nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, ở các khu mộ văn hóa Lương Chử, chúng ta thấy được sự vượt trội của lăng mộ dành cho nam giới và các đồ tùy táng trong các mộ nam vượt trội so với các mộ nữ. Có thể ví dụ cụ thể như các ngôi mộ nam được khai quật trong khu lăng mộ cao cấp ở Phàn Sơn, cho thấy các mộ nam được chôn cùng với rất nhiều ngọc bích, trong đó có những ngôi mộ được chôn cùng nhiều các ngọc bích và ngọc tông đại diện cho quyền lực tối cao, trong khi ở lăng mộ nữ chỉ có những mảnh khung dệt và kẹp tóc, các cổ vật cũng nhỏ hơn, từ đó ta thấy phụ nữ hiển nhiên thua kém nam giới về “đẳng cấp” trong xã hội Lương Chử. [3][4]

Chế độ mẫu hệ và phụ hệ có một khác biệt rất cơ bản, đó chính là mộ táng, mộ táng của chế độ mẫu hệ, thường chôn nhiều người cùng một mộ, chôn đồng giới tính, nhưng trong văn hóa Lương Chử, hiện tượng đó không xảy ra. Các ngôi mộ cũng có sự phân biệt rất rõ ràng về địa vị qua giới tính, mộ nam có nhiều cổ vật hơn hẳn so với các mộ nữ, thể hiện thời kỳ này có nam đóng vai trò cốt lõi của xã hội Lương Chử. Chính vì vậy, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định xã hội Lương Chử đã theo chế độ phụ hệ.

4. Tài liệu khảo cổ chế độ phụ hệ ở Việt Nam thời văn hóa Đông Sơn:

Người Việt có nguồn gốc chủ yếu từ vùng Dương Tử [5][6], cư dân tộc Việt các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà di cư về Việt Nam vào khoảng 4000 năm trước, hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên, vì vậy chúng ta có thể khẳng định được người Việt đã kế thừa văn hóa trong vùng Dương Tử, thời điểm đó đã chuyển sang chế độ phụ hệ. Tới thời kỳ Đông Sơn, cũng đã có những bằng chứng chứng minh tổ chức xã hội thời kỳ này cũng là phụ hệ.

“Trong các khu cư trú rộng lớn như vậy, hẳn đã sống tập trung một số lượng cư dân khá đông đúc. Họ đã sống chung với nhau như thế nào? Tổ chức và kết cấu tính chất của đơn vị ra sao? Tài liệu khảo cổ học góp phần nào soi sáng các vấn đề trên. Trước tiên về vết tích cư trú, tại địa điểm Đông Sơn nổi tiếng đã phát hiện được nhiều cọc gỗ, cột gỗ được chôn đứng (Janse 1947) hay những đống gỗ đổ nát có vết tích đục đẽo (Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh 1963), những hàng lỗ cột hay đá xếp (Chử Văn Tần 1970).

Các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc (Nguyễn Khắc Tụng 1982) cho hay ở Đông Sơn đã gộp 2 loại kiến trúc. Loại đơn giản có diện tích rộng khoảng 9m2 và loại nhà với bộ sườn có vì (hay vì kèo chưa rõ) hai cột, duy gần gian bếp có ba cột có quy mô 12m x 6m = 72m2.

Những hình khắc trên trống đống cũng cho hay có 2 loại nhà: một loại nhà người ở rộng có mái cong và một loại nhà kho hẹp hơn mái tròn. Cả hai đều thuộc loại nhà sàn. Những ngôi nhà này chắc hẳn thuộc một gia đình phụ hệ trong đó sống vài ba thế hệ.

Tư liệu mộ táng cũng cho những gợi ý suy nghĩ theo hướng đó. Trong ngôi mộ số 1 ở Núi Nấp đã phát hiện được 2 bộ xương: một của ông già 50 tuổi, một của phụ nữ 20 tuổi chôn chồng lên nhau, đồ tùy táng ngoài rìu, giáo đồng… đáng chú ý là chiếc ấn khắc chữ “Tỷ” và chiếc trâm lược ngà 6 răng, 2 bộ xương được định chủng thuộc loại hình Indonesien.

Cũng ở khu mộ Núi Nấp, trong ngôi mộ số 2, gặp một bộ xương đàn ông chừng 30 – 40 tuổi cải táng còn hộp sọ, chôn cùng một hố với 4 cá thể khác trong đó có 1 trẻ em. 3 sọ định chủng được thuộc loại hình Nam Á. Ở các khu mộ táng Quỳ Chử, Thiệu Dương cũng đều gặp những ngôi mộ táng chồng nhau, trong trường hợp định giới được cũng cho thấy đó là những cặp đôi nam nữ.

Tài liệu kiến trúc và mộ táng bổ sung cho nhau đã góp và soi sáng tố chức đơn vị xã hội cơ sở cho thấy, có khả năng đó là những gia đình phụ hệ, trong đó các thế hệ ông bà, bố mẹ con cái sống chưng với nhau dưới một mái nhà và được chôn cùng nhau hay bên nhau khi chết.” [7]

Từ tài liệu này chúng ta thấy được đặc trưng xã hội Việt thời Đông Sơn không có những đặc điểm của một xã hội mẫu hệ, mà là một xã hội đã chuyển sang chế độ phụ hệ.

5. Đối chiếu với các tài liệu trong truyện họ Hồng Bàng:

Các tài liệu trong truyện họ Hồng Bàng cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng để đối chiếu với các tài liệu khảo cổ, về vấn đề độ tin cậy của truyện họ Hồng Bàng, chúng tôi cũng có bài viết khảo cứu [8], vì vậy, chúng ta đủ cơ sở để sử dụng truyện họ Hồng Bàng để tìm hiểu thêm về chế độ xã hội thời kỳ này.

“Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.” [9]

Chi tiết đầu tiên này cho chúng ta thấy được ngay từ thời cháu ba đời họ Thần Nông là Đế Minh đã theo chế độ phụ hệ, cha truyền, con nối, Đế Minh sinh ra Đế Nghi và Lộc Tục, chia cho Lộc Tục làm vua phương Nam, Đế Nghi làm vua phương Bắc. Giai đoạn này tương ứng với văn hóa Lương Chử (Liangzhu, 3300-2000 BC). Sau đó Kinh Dương Vương tiếp tục truyền ngôi cho Lạc Long Quân, kế thừa nhà nước ở văn hóa Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500-2000 BC).

“Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quang Lang [35], con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.” [9]

Các con của Cha Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là con trai, 50 con trai theo Mẹ Âu Cơ về miền Bắc Việt Nam, lên ngôi, lấy hiệu là Hùng Vương, “đời đời cha truyền con nối”, các Lạc tướng là em của vị vua Hùng đầu tiên được phân chia cai trị các vùng, cũng đời đời cha truyền con nối.

Như vậy các tài liệu trong truyện họ Hồng Bàng cũng cho chúng ta thấy những dữ kiện tương đương với các tài liệu khảo cổ tại vùng Dương Tử và Việt Nam. Từ thời Lạc Long Quân trở về trước thì người Việt có địa bàn trong vùng Dương Tử, từ đầu thời Hùng Vương, thì địa bàn của người Việt kéo dài tới miền Bắc Việt Nam, trong đó trung tâm nhiều thời kỳ nằm tại miền Bắc Việt Nam.

6. Các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Bà Triệu:

Các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Bà Triệu là các cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt sau khi rơi vào vòng lệ thuộc người Hán, các cuộc khởi nghĩa này nổi tiếng với các vị tướng và vua là nữ giới, vì vậy có nhiều tác giả dựa vào đây cho rằng thời kỳ Hùng Vương đang còn trong chế độ mẫu hệ.

Tuy nhiên, dựa vào các bằng chứng khảo cổ mà chúng tôi đã dẫn ở trên, thì có thể khẳng định người Việt đã theo chế độ phụ hệ từ sớm, tuy nhiên, vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt vẫn rất quan trọng, có vị thế và tiếng nói chứ không bị đàn áp như chế độ phụ hệ của người Hán, chính vì vậy nữ giới đất Việt cũng đã có đủ quyền và tiếng nói để tổ chức các cuộc khởi nghĩa.

Tìm hiểu về thông tin cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chúng ta thấy cuộc hôn nhân của bà Trưng Trắc với Thi Sách là sự liên kết giữa hai gia đình Lạc Tướng ở Mê Linh và Chu Diên, bà Trưng Trắc được “gả cho làm vợ Thi Sách”, chúng ta thấy chế độ phụ hệ được thể hiện rất rõ trong chi tiết này.

Hậu Hán thư cũng chép: “Đến năm thứ mười sáu (năm 40), có người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tiến đánh quận thành. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên, là người rất hùng dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định đem pháp luật để ràng buộc, Trắc phẫn nội, bèn chống lại. Vì vậy người man Lái ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, phàm cướp được sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua.” [10]

Nếu như Thi Sách không bị Tô Định hãm hại, thì người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này sẽ là cả hai vợ chồng Thi Sách và bà Trưng Trắc, tuy nhiên Thi Sách bị Tô Định giết hại, nên bà Trưng Trắc cùng em gái đã đứng dậy thay chồng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành độc lập của người Việt. Cuộc khởi nghĩa đã đạt được những thành công vang dội, chiếm được 65 thành, tức là toàn bộ vùng Lĩnh Nam và Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa này cũng có rất nhiều những nữ tướng, tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biểu hiện chứng minh sự tôn trọng nữ giới của người Việt trong xã hội thời Hùng Vương, nữ giới có vai trò thấp hơn nam giới, tuy nhiên họ cũng có đủ tiếng nói để bảo vệ nền độc lập dân tộc, như những người phụ nữ anh hùng đất Việt trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc trong thời tự chủ.

Về bà Triệu, thì bà là em gái của Triệu Quốc Đạt. Triệu Quốc Đạt đã đứng lên tập hợp lực lượng khởi nghĩa tại vùng núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa. Triệu Quốc Đạt không muốn em gái của mình là bà Triệu tham gia, đã khuyên can em ở nhà lấy chồng, nhưng bà Triệu đã cứng cỏi đáp lại lời anh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”. Như vậy là bà đã tham gia cuộc khởi nghĩa do anh trai mình khởi xướng. Quân của hai anh em từ vùng núi Nưa, tỉnh Thanh Hóa kéo tới đánh các thành ấp khiến quan quân đô hộ rối loạn, các quan đô hộ tìm cách dẹp yên nhưng không thành. Thật đáng tiếc là sau đó Triệu Quốc Đạt qua đời, Bà Triệu đã đứng dậy lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thay anh trai mình.

Từ đó chúng ta có thể thấy được Bà Triệu kế thừa nghĩa quân của anh trai mình tổ chức, không phải là ngay từ đầu bà đã có đủ quyền lực để tổ chức một đội quân lớn như vậy để khởi nghĩa đánh đổ ách đô hộ của giặc phương Bắc.

Từ các tư liệu trên chúng ta có thể thấy được cơ bản rằng các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu không phải ngay từ đầu đã do những người phụ nữ lãnh đạo, vì vậy cũng không đủ cơ sở để dựa vào đây và khẳng định rằng người Việt theo chế độ mẫu hệ, mà chỉ có thể nói người phụ nữ có vai trò và địa vị cao trong xã hội người Việt, không thấp kém và ít tiếng nói như xã hội của người Hán.

7. Kết luận:

Như vậy thông qua các tài liệu khảo cổ, lịch sử, chúng ta có thể thấy được người Việt đã theo chế độ phụ hệ từ rất sớm, ngay từ thời kỳ văn minh sông Dương Tử, khi di cư về Việt Nam người Việt cũng kế thừa từ những di sản tại đó, vẫn tiếp tục theo chế độ phụ hệ. Các bằng chứng tại miền Bắc Việt Nam cũng cho thấy người Việt đã theo chế độ phụ hệ. Vì vậy, chúng ta có thể bác bỏ những giả thuyết cho rằng người Việt còn theo chế độ mẫu hệ quần cư, quần hôn kém phát triển, chưa có văn minh.

Lang Linh

Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh, Khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt. https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/06/04/497-khao-cuu-ve-nguon-goc-dan-toc-viet/

[2] Liu Junnan 刘俊男. Sự hình thành của thành phố núi Chengtou – Dựa trên quan điểm về các đặc điểm cơ bản của đất nước 城头山城邦的形成-基于国家本质特征的视角[J]. Tìm kiếm 求索, 2018(05):162-171.

[3] Maya Zhen 马亚振, Về nguồn gốc và sự lan truyền của câu chuyện Yu và Shun từ văn hóa Liangzhu 从良渚文化看虞舜故事的起源与传播http://yushun.zj.cn/Article.asp?GuideID=603

[4] Chen Minghui 陈明辉, Trung Quốc và thế giới trong kỷ nguyên Lương Chử 良渚时代的中国与世界, xuất bản 2019, Nhà xuất bản Đại học Chiết Giang.

[5] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[6] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[7] Hà Văn Tấn (1994). Chương “Cấu trúc xã hội Đông Sơn”. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Viện Khảo cổ học.

[8] Lang Linh, Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam. https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[9] Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp, bản dịch Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960.

[10] Hậu Hán Thư, Quyển 86 – Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

Chia sẻ với bạn bè:

  • Facebook
  • Twitter
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Chế độ Phụ Hệ ở Việt Nam