541. Nguồn Gốc Của Trống đồng Và Văn Hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn là một trong những nền văn hóa có sức ảnh hưởng lớn nhất trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ đồ đồng, bên cạnh đó trống đồng Đông Sơn cũng là một trong những hiện vật nổi tiếng và quan trọng nhất của văn hóa Đông Á và Đông Nam Á trong khoảng hơn 2 thiên niên kỷ gần đây. Sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng rộng lớn của văn hoá trống đồng, đã góp phần tạo nên những cuộc tranh luận khá sôi nổi về nguồn gốc của trống đồng trong giới học thuật quốc tế.

Trong bối cảnh đó, ở thời điểm nửa sau của thế kỷ trước, đã diễn ra tranh luận về nguồn gốc trống đồng của các học giả Việt Nam và Trung Hoa. Cuộc tranh luận gây ra bầu không khí khá gay gắt của các học giả hai nước, tuy nhiên chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc chưa tiếp cận vấn đề một cách toàn cảnh, cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu hai nước có yếu tố chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, chưa nhìn nhận vấn đề dưới thực tế lịch sử trong thời kỳ trống đồng xuất hiện và phát triển.

Cuộc tranh luận về nguồn gốc của trống đồng không thực sự cần thiết, vì nhìn nhận một cách tổng quan, chúng ta có thể nhận thấy trống đồng là hiện vật thuộc sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt hay Bách Việt được ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa, các cư dân có nguồn gốc tộc Việt đều là chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, sự hiện diện trống đồng và văn hóa Đông Sơn trên đúng địa bàn sinh sống trong khắp vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam là cơ sở cho chúng ta thấy được điều đó.

Về vấn đề văn hóa Đông Sơn cũng như vậy, văn hóa Đông Sơn cũng là nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt, thuộc sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, qua việc khảo cứu kỹ lưỡng các tài liệu khảo cổ, chúng ta sẽ thấy rằng đặc trưng văn hóa này xuất hiện trong hầu hết các địa bàn có các cư dân tộc Việt sinh sống. Tuy nhiên về vấn đề nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ tồn tại của nó, cũng như trung tâm của văn hóa trống đồng, là những vấn đề có thể xác định thông qua các tài liệu nghiên cứu khoa học, hiện tại cũng đã có một số nghiên cứu cho chúng ta thấy được trung tâm của văn hóa trống đồng và văn hóa Đông Sơn là ở đâu.

Chúng tôi không kỳ vọng rằng bài viết của mình sẽ giải quyết được một cách dứt khoát vấn đề nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn, nhưng qua việc tiếp cận các bằng chứng khoa học khách quan, chúng ta sẽ có đủ cơ sở kết luận và tiến gần nhất tới sự thật về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc của trống đồng, từ đó có cái nhìn tổng quan nhất về một vấn đề rất quan trọng trong không gian về nguồn gốc người Việt này.

I. Nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn là một thuật ngữ bao hàm sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á, bên cạnh đó, văn hóa Đông Sơn cũng được hiểu trong một phạm vi nhỏ hơn là nền văn hóa với các hiện vật văn hóa thời kỳ đồ đồng được tìm thấy tại vùng miền Bắc Việt Nam. Thuật ngữ văn hóa Đông Sơn đã được các nhà nghiên cứu đầu ngành xác định, không gian văn hóa Đông Sơn không chỉ bó hẹp trong vùng miền Bắc Việt Nam, mà còn bao trùm những vùng có các cổ vật mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn.

Heine Geldern xác định về phạm vi của văn hóa Đông Sơn như sau:“Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau.” (Heine Geldern 1937: 186)

Giáo sư Phạm Huy Thông (1990:272), người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm 1967 – 1988, đã đề xuất quan điểm cho rằng văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố bao gồm vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam: “với vùng trung du sông Hồng là trung tâm, phía Nam tới tận xứ Quảng, phía Bắc không xa hồ Động Đình gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng của Trung Hoa”. [1]

Về sở hữu của vùng văn hóa Đông Sơn lớn trong vùng nam Đông Á và Đông Á, về cơ bản có thể xác định rằng văn hóa Đông Sơn thuộc về sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, mỗi vùng sẽ có những dân tộc hậu duệ còn tồn tại tới ngày nay, họ chính là những chủ nhân của các di chỉ Đông Sơn tại các vùng đó. Nhưng về nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Đông Sơn, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn thông qua các nghiên cứu khoa học về khảo cổ, nhân chủng và di truyền.

Về nguồn gốc, thì văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam và tiền thân của nó là văn hóa Phùng Nguyên được xác định là có nguồn gốc từ vùng nam Đông Á di cư về Việt Nam vào khoảng 4000 năm và 2700 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [2][3], đây không phải là các văn hóa có nguồn gốc bản địa như đề xuất của các nhà nghiên cứu Việt Nam.

Những đặc trưng về hoa văn, cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể tìm về nguồn gốc từ một văn hóa khác trong vùng miền Bắc Việt Nam trong cuối thời kỳ đá mới, đó là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Sơn được kế thừa qua các giai đoạn từ văn hóa Phùng Nguyên trên rất nhiều loại hình cổ vật, các hoa văn Đông Sơn cũng kế thừa trực tiếp từ văn hóa này, hầu hết các hoa văn trên trống đồng đều có thể tìm nguồn gốc trong văn hóa Phùng Nguyên.

1. Sự kế thừa về cổ vật:

Các cổ vật gốm thể hiện sự kế thừa trực tiếp giữa văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn. [Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học, số 2 năm 1977]

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [4]

Rìu lưỡi hài văn hóa Phùng Nguyên và rìu lưỡi hài văn hóa Đông Sơn. Sự kế thừa trong loại hình rìu đá và rìu ngọc thể hiện một tiến trình phát triển liên tục: những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên cũng là những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn; Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Vòng ngọc văn hóa Phùng Nguyên và vòng tay văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller]

2. Sự kế thừa về hoa văn:

Một số hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn. [5]

Các hoa văn Đông Sơn được kế thừa trực tiếp từ hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên. (I.C. Glover and P.S. Bellwood – 2004, dẫn lại qua trang Bronze Drums, dẫn)

Các ý tưởng thiết kế của văn hóa Đông Sơn (phải) có nguồn gốc từ văn hóa Phùng Nguyên (trái). [4]

Đồ hình trên trống đồng của văn hóa Đông Sơn có thể tìm thấy nguồn gốc của nó từ đồ hình trang trí trên đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên.

Đồ hình trên đồ gốm Phùng Nguyên, nguồn gốc của đồ hình trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Hà Văn Tấn, Tạp chí Khảo cổ học số 13]

Trống Kính Hoa là một chiếc trống rất đặc biệt, cho chúng ta thấy được sự kế thừa về đồ hình, hoa văn của văn hóa Phùng Nguyên trong văn hóa Đông Sơn, với cách trang trí dạng băng dải trong không gian hình tròn, và hoa văn chữ S tiếp tuyến rất đặc trưng trên đồ gốm Phùng Nguyên.

Trống đồng Kính Hoa với hệ thống hoa văn đặc sắc. [Nguồn: dẫn]

Bên cạnh đó, các hoa văn của đồ đồng và trống đồng Đông Sơn đều có thể tìm được trong các di vật của các văn hóa trong vùng miền Bắc Việt Nam kể từ văn hóa Phùng Nguyên tới Gò Mun, cũng như văn hóa Hoa Lộc.

Các hoa văn của các văn hóa trong vùng miền Bắc Việt Nam và hoa văn văn hóa Đông Sơn. [6]

3. Kết luận:

Từ những cơ sở này, chúng ta có thể kết luận rằng văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa tại miền Bắc Việt Nam, các cổ vật văn hóa Đông Sơn trong vùng miền Bắc Việt Nam được sáng tạo bởi cùng một tộc người với văn hóa Phùng Nguyên, những đặc trưng cơ bản nhất của văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc trực tiếp tại Việt Nam, được sáng tạo và phát triển tại đây sau đó lan tỏa sang các vùng khác chứ không phải được tạo nên từ nơi khác và đem tới Việt Nam. Các nghiên cứu di truyền và nhân chủng học sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn chủ nhân thực sự của văn hóa Đông Sơn trong vùng miền Bắc Việt Nam.

Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học [7], cư dân ở văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á.

Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm) [7]

Công trình nghiên cứu di truyền của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy người Việt có tỉ lệ khác biệt gen so với thời kỳ Đông Sơn chỉ là 10-15%, tức là ảnh hưởng của các nguồn khác chiếm tỉ lệ nhỏ so với nguồn gen gốc. [2]

Admixture công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 thể hiện gen người Việt khác biệt không đáng kể với mẫu của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp). [2]

Như vậy chúng ta đã thấy được văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc chính từ miền Bắc Việt Nam, với chủ nhân là người Nam Á, cư dân Nam Á của văn hóa Đông Sơn có hậu duệ trực tiếp là người Việt – Mường vẫn sinh sống trong địa bàn cũ của văn hóa Đông Sơn ngày nay.

II. Nguồn gốc của trống đồng:

Về trống đồng, thì trống đồng thuộc sở hữu của chung cộng đồng tộc Việt, là di sản chung của tất cả các dân tộc có nguồn gốc từ tộc Việt ngày nay trong vùng nam Đông Á và Việt Nam, không thuộc về riêng dân tộc nào. Tuy nhiên về nguồn gốc, nơi phát tích trống đồng thì để xác định chính xác, chúng ta cần có thêm các bằng chứng và nghiên cứu để làm rõ về nơi xuất hiện đầu tiên của trống, cũng như trung tâm của nền văn hóa trống đồng trong thời kỳ thịnh đạt.

Trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Hoàng Hạ, những trống đồng Đông Sơn sớm, lớn và đẹp nhất trong tất cả các vùng xuất hiện trống đồng. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Về mặt niên đại, thì trống đồng được tìm thấy sớm nhất tại miền Bắc Việt Nam và Vân Nam (700-800 năm BC). [8]. Văn hóa Điền Việt của Vân Nam và người Lạc Việt của miền Bắc Việt Nam là hai văn hóa có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, điều này đã được nghiên cứu quốc tế xác nhận. [9]

Bên cạnh đó, tại vùng đồng bằng sông Hồng, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy mô hình trống đồng bằng gốm có niên đại vào khoảng 850 năm TCN, đây là phiên bản sơ khai nhất và sớm nhất của trống đồng Đông Sơn được tìm thấy.

Trống đồng gốm tí hon có niên đại vào khoảng 850 năm TCN được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng. [10]

Các nhà khảo cổ Trung Quốc chủ trương rằng trống đồng Vạn Gia Bá là nguồn gốc chính của trống đồng Đông Sơn, tuy nhiên, không chỉ ở Trung Quốc mới tìm thấy loại hình trống đồng này, tại vùng miền Bắc Việt Nam cũng tìm thấy khá nhiều trống đơn giản giống loại hình Vạn Gia Bá. [11]

Chúng tôi cũng cho rằng đây là loại hình trống đồng sớm nhất của văn hóa Đông Sơn, với những hoa văn đơn giản cùng với Mặt Trời ở chính tâm, giai đoạn đầu luôn thể sự đơn giản về ý tưởng, trước khi cư dân Đông Sơn hoàn thiện và phát triển các hoa văn cũng như nghệ thuật trên trống đồng, dần dần tiến tới độ hoàn mỹ trên các trống đồng lớn nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.

Trống Tùng Lâm, loại hình trống sơ khai của trống đồng Đông Sơn, bên cạnh đó tại Việt Nam cũng tìm thấy nhiều loại trống đồng tương tự như trống Tùng Lâm. [12]

Về trung tâm của nền văn hóa trống đồng, thông qua số lượng trống đồng loại I Heger chúng ta sẽ thấy được một phần trung tâm của nền văn hoá này. Theo thống kê năm 2015, thì số lượng trống đồng loại I Heger đã được tìm thấy tại các vùng là như sau: 137 ở Việt Nam, 73 ở Trung Quốc, 8 ở Thái Lan, 9 ở Lào, 2 ở Campuchia, 4 ở Malaysia và 12 ở Indonesia, 5 ở Myanmar, tổng số 250 chiếc trống đồng loại I [13].

Chúng ta thấy được Việt Nam đã chiếm phân nửa trong tổng số 250 chiếc trống đồng Heger loại I trong tất cả các vùng xuất hiện trống đồng, ở đây cũng là nơi tìm thấy nhiều trống loại I lớn và đẹp nhất, các vùng khác trống đa phần đều thấp và nhỏ hơn so với trống đồng Đông Sơn tại Việt Nam, các trống lớn hơn trống loại I tại Việt Nam trong các vùng khác đều là các trống giai đoạn muộn, với các tượng động vật ở bốn góc. Điều này cho chúng ta thấy được Việt Nam thực sự là trung tâm của nền văn hóa trống đồng, là nơi sản xuất trống lớn nhất trong tất cả các vùng tộc Việt. Bên cạnh đó, trống đồng cũng là vật lễ khí, biểu tượng quyền lực [14][15], nên những trống lớn nhất cũng đồng nghĩa với quyền lực cao nhất, điều đó cũng góp phần chứng minh về tính trung tâm của vùng miền Bắc Việt Nam trong nền văn hóa trống đồng.

Tại Việt Nam cũng là nơi duy nhất tới nay tìm được khuôn đúc trống đồng Đông Sơn truyền thống, có niên đại vào khoảng thế kỷ IV sau công nguyên, sớm hơn so với khuôn đúc trống Đông Sơn tại Indonesia. Điều này đã trực tiếp chứng minh rằng trống đồng được đúc ở trong vùng miền Bắc Việt Nam, chứ không phải đem từ nơi khác tới.

Các mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy tại Luy Lâu. [Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh, dẫn; Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

Qua tài liệu lịch sử chúng ta cũng thấy được một phần quan niệm cổ xưa cho rằng vùng miền Bắc Việt Nam là trung tâm của văn hóa trống đồng, nền văn hóa này là của người Lạc Việt.

Thủy Kinh chú sớ dẫn Lâm Ấp ký nói: “Sông này thông với phía ngoài xứ Đồng Cổ là cửa Hoàng Cương Tâm Khẩu huyện An Định, nước Việt, có lẽ nhờ sông ấy mà sang đất Đồng Cổ tức là Việt Lạc vậy.” [16]

Qua những bằng chứng này, chúng ta có thể kết luận trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc chung từ cộng đồng tộc Việt, nhưng trung tâm của văn hóa trống đồng nằm tại miền Bắc Việt Nam, miền Bắc Việt Nam là địa bàn chính của văn hóa trống đồng trong thời gian thịnh đạt nhất. Trống đồng và văn hóa Đông Sơn không phải có nguồn gốc ngoại lai, mà thành hình tại miền Bắc Việt Nam, sau đó ảnh hưởng tới các vùng khác.

III. Vấn đề địa bàn xuất hiện và nguồn gốc của trống đồng:

Về vấn đề xuất hiện của văn hóa trống đồng trong một địa bàn rất rộng lớn trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á, thì dựa vào đây đã có nhiều quan điểm đề xuất rằng văn hóa trống đồng có nhiều nguồn gốc, do nhiều tộc người tạo ra, tuy nhiên nguồn gốc của một hiện vật thường xuất hiện tại một địa điểm và lan tỏa ra các vùng khác, không thể đồng thời nhiều dân tộc sáng tạo ra một hiện vật giống hệt nhau trong cùng một thời kỳ. Như chúng tôi đã chứng minh, thì văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc chính tại miền Bắc Việt Nam, miền Bắc Việt Nam cũng là một trong những vùng xuất hiện trống đồng có niên đại sớm nhất, và cũng là trung tâm của văn hóa trống đồng. Từ trung tâm này, văn hóa trống đồng đã lan tỏa ra các vùng xung quanh.

Các vùng Đông Nam Á lục địa như Thái Lan, Lào, Campuchia đều tiếp nhận trống đồng Đông Sơn từ miền Bắc Việt Nam, có một số trống thuộc loại I Heger, và một số trống thuộc loại hình trống giai đoạn muộn, các trống lớn nhất được tìm thấy đều là trống giai đoạn muộn, được sản xuất và đem sang các vùng này từ Việt Nam. [16]

Trống đồng được tìm thấy tại Lào thuộc giai đoạn Đông Sơn muộn. [Nguồn: dẫn]

Về vùng Indonesia, thì theo các nghiên cứu, tại đây đã tìm được một số trống loại I Heger truyền thống, được nhập trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn, chất liệu, hoa văn và kỹ thuật đúc là của văn hóa Đông Sơn. Tại Indonesia cũng tìm được một số trống Đông Sơn rất lớn, những trống lớn nhất được tìm thấy tại đây là các trống loại I Heger giai đoạn muộn với các tượng cóc trên mặt trống, trống được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam sau khi Đông Sơn chính thống sụp đổ và đưa tới Indonesia [17]. Chính vì vậy, chúng ta không thể cho rằng Indonesia là chủ nhân của văn hóa trống đồng hay văn hóa Đông Sơn, mà đây chỉ là một vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn mà thôi.

Các trống Heger loại I được tìm thấy tại Java, Indonesia. [16]

Trống đồng lớn được tìm thấy tại Indonesia là trống đồng giai đoạn Đông Sơn muộn. [Nguồn: dẫn]

Sau đó cư dân Indonesia đã nhập kỹ thuật đúc đồng từ miền Bắc Việt Nam và nhập các nguyên liệu đúc đồng từ lục địa để đúc các cổ vật theo phong cách Đông Sơn, các cổ vật được địa phương hóa và có sự khác biệt đáng kể với đồ đồng Đông Sơn truyền thống.

Cổ vật văn hóa Đông Sơn có phong cách địa phương. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller]

Các trống đồng được đúc bởi người bản địa vẫn có phong cách và những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, nhưng đã được địa phương hóa, nên các hoa văn mang đặc trưng riêng của các dân tộc Nam Đảo.

Các hoa văn trên các mặt trống đồng được địa phương hóa. [18]

Trống Pejang là loại hình trống phát triển từ trống đồng Đông Sơn truyền thống, cũng chia thành ba phần như trống Đông Sơn, nhưng dáng dài hơn, hoa văn cũng rất khác biệt so với Đông Sơn. Các di vật khảo cổ cũng cho chúng ta thấy được tiến trình thay đổi hình dáng của trống Pejang.

Các trống đồng minh khí phong cách địa phương thể hiện rõ ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, đây cũng là giai đoạn đầu khi trống bắt đầu được địa phương hóa và thay đổi về hình dáng. [18]

Trống Pejang của Indonesia. [Nguồn: dẫn]

Chúng ta có thể kết luận rằng văn hóa Đông Sơn và trống đồng không phải có nguồn gốc từ nơi khác, mà do người Việt hình thành và phát triển, các bằng chứng khảo cổ đều cho thấy rằng văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam, trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc tộc Việt và Việt Nam là trung tâm chính của văn hóa trống đồng và văn hoá Đông Sơn.

IV. Kết luận:

Những nghiên cứu khoa học liên ngành đã cho chúng ta đủ cơ sở để kết luận rằng văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ văn hoá Phùng Nguyên và các văn hoá trong vùng miền Bắc Việt Nam, văn hoá này cũng có trung tâm là vùng miền Bắc Việt Nam, không phải có nguồn gốc từ nơi khác tới. Trống đồng cũng không phải là vật được sáng tạo bởi nhiều dân tộc, mà là sáng tạo của riêng cộng đồng tộc Việt, trung tâm của nền văn hoá trống đồng trong thời kỳ thịnh đạt cũng nằm tại miền Bắc Việt Nam, từ vùng trung tâm này văn hoá đã lan tỏa sang các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Lang Linh

Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Huy Thông, Phạm Minh Huyền, Lại Văn Tới. Dong Son Drums in Viet Nam. Ha Noi: Viet Nam Social Sciences Publishing House. 1990, page.272.

[2] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[3] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[4] Nguyen Ba Phach, 1978, “Phung Nguyen”https://www.jstor.org/stable/42929153

[5] Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hoá cổ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997.

[6] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.

[7] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[8] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[9] Chiou-Peng, Tzehuey. (2008). Dian Bronze Art: Its source and formation. IPPA BULLETIN. 28. 34-43. 10.7152/bippa.v28i0.12013.https://www.researchgate.net/publication/228660856_Dian_Bronze_Art_Its_source_and_formation

[10] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[11] Nguyễn Văn Hảo, Trống Vạn Gia Bá – Nhìn từ phát hiện ở Việt Nambaotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/70903/trong-van-gia-ba-nhin-tu-phat-hien-o-viet-nam.html

[12] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[13] Li Kunsheng, Huang Derong 李昆声,黄德荣. Trên trống đồng loại I Heger 论黑格尔Ⅰ型铜鼓[J]. Tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc 考古学报,2016(02):173-208.

[14] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[15] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[16] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.

[17] Imamura, Keiji. (2010). The Distribution of Bronze Drums of the Heger I and Pre-I Types : Temporal Changes and Historical Background. https://www.researchgate.net/publication/43193874_The_Distribution_of_Bronze_Drums_of_the_Heger_I_and_Pre-I_Types_Temporal_Changes_and_Historical_Background/citation/download

[18] H. R. van Heekeren, The Bronze-Iron Age of Indonesia, Springer Netherlands, 1958.

Chia sẻ với bạn bè:

  • Facebook
  • Twitter
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Trống đồng đông Sơn ở đâu