6 Bệnh đường Hô Hấp Thường Gặp Khi Thời Tiết Chuyển Lạnh - Bộ Y Tế

Truy cập nội dung luôn Cổng thông tin Bộ Y tế

6 bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh

20/10/2021 | 08:56 AM

|

Các bệnh lý đường hô hấp thường gia tăng trong giai đoạn thời tiết giao mùa, có bệnh gây chút phiền toái nhưng có những bệnh lý hô hấp có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

news-relate

Các bệnh lý đường hô hấp ảnh hưởng đến chất lượng sống

Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp là: cúm, viêm xoang, viêm thanh quản… còn các nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Các nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do virus và điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng… Tuy nhiên, các nhiễm trùng do virus có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, do đó đôi phải điều trị thêm kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.

Các nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường do nguyên nhân vi khuẩn. Các vi khuẩn điển hình: Haemophilus influenzae; Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn); Moraxella catarrhalis.

Các biến chứng nhiễm trùng hô hấp, đặc biệt là nhiễm trùng hô hấp dưới nếu không được chẩn đoán, xử trí và điều trị kịp thời, có thể gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ tử vong. Ví dụ như viêm tiểu phế quản và viêm phổi có thể dẫn đến các biến chứng và bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện để điều trị.

Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 2.

Cảm cúm là bệnh thường gặp lúc giao mùa.

I. Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên

1. Bệnh cảm cúm

* Phương thức lây truyền bệnh

Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 type A, B và C nhưng tùy loại và có thể gây thành dịch hay không. Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Virus vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện giao mùa, thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.

Cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với các biểu hiện:

  • Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, triệu chứng ho thường nặng và kéo dài.

  • Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.

  • Thời gian ủ bệnh: Thường từ 1 tới 4 ngày, bệnh có thể bắt đầu trước sốt 1 ngày và kéo dài tới 7 ngày ở người lớn, thậm có thể là nhiều tháng nếu người bị suy giảm miễn dịch mắc bệnh.

    * Những người dễ mắc bệnh cúm

    Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em. Sau khi bị bệnh, sẽ có miễn dịch đặc hiệu với virus gây nhiễm nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây và không có tác dụng bảo vệ đối với những type virus mới. Miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được khỏi mắc các biến chủng của virus cúm.

    Trẻ em, người cao tuổi, người đang mắc các bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch thường dễ cảm nhiễm hơn những người khác. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

    Các bệnh đường hô hấp do virus cúm gây ra rất khó phân biệt với các bệnh do các tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp. Cảm cúm thường sẽ lây qua đường hô hấp, trực tiếp qua giọt bắn khi bệnh nhân hắt hơi hay gián tiếp khi tiếp xúc qua tay rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Vì thế vào thời điểm giao mùa này bạn nên tránh tiếp xúc gần với những người bệnh đã mắc cảm cúm để tránh lây bệnh.

    2. Bệnh viêm xoang

    Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 4.

    Hình ảnh viêm xoang.

    Viêm xoang (viêm các xoang) là những hốc rỗng, chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán. Viêm xoang có 4 loại: xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và xoang hàm. Tất cả các xoang này được lót bởi niêm mạc (mô mềm). Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong.

    Viêm xoang có 2 dạng chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm đa xoang.

    * Triệu chứng của bệnh viêm xoang

    Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh rất khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu. Những dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng.

  • Đau nhức: Vùng xoang viêm có cảm giác đau nhức và tùy thuộc xoang bị viêm ở vùng nào thì cảm giác đau nhức sẽ xuất hiện ở vùng đó. Nếu bị viêm xoang hàm sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng má, viêm xoang trán thì đau nhức khu vực ở giữa 2 lông mày và đau trong một khung giờ nhất định. Nếu viêm xoang sàng trước thì người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở giữa 2 mắt, nếu viêm xoang sàng sau và xoang bướm sẽ cảm thấy nhức trong sâu và vùng gáy.

  • Hiện tượng chảy dịch: Khi xoang bị viêm, thường có hiện tượng chảy dịch, dịch nhày có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm. Nếu bệnh nhân bị viêm xoang trước dịch sẽ chảy ra mũi trước, nếu bị viêm xoang sau dịch chảy xuống họng. Khi bị chảy dịch, mũi bệnh nhân luôn phải khụt khịt hay cảm thấy khó chịu ở cổ họng, muốn khạc nhổ liên tục. Tùy vào tình trạng mức độ của bệnh mà dịch sẽ có màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh, có mùi hôi cực kỳ khó chịu.

  • Nghẹt mũi: Đây là hiện tượng đặc trưng không thể thiếu khi bị viêm xoang. Người bệnh có thể bị nghẹt 1 hay cả 2 bên, đồng thời thấy khó thở, khó chịu trong người và mệt mỏi.

  • Điếc mũi: Khi xoang bị viêm, nếu không được chữa trị sớm và tích cực thì bệnh sẽ trở nên nặng, nó gây phù nề nhiều, người bệnh không còn phân biệt được mùi khi ngửi do thần kinh khứu giác không còn cảm nhận được mùi.

  • Ngoài ra, viêm xoang còn có thể có một số dấu hiệu khác như đau đầu, có thể có sốt nhẹ hay sốt cao, khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau xung quanh vùng mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập. Đau nhức mỗi khi hắt hơi mạnh, người bệnh không thể tập trung, không muốn ăn. Nếu viêm xoang nặng có thể bị viêm thần kinh mắt dẫn tới mờ mắt.

    Viêm xoang là bệnh phải tuân thủ quy trình và thời gian điều trị của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng bằng những loại thuốc đặc trị để có hiệu quả tốt nhất.

    3. Viêm thanh quản

    6 bệnh đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 5.

    Viêm thanh quản là bệnh phổ biến ở nhiều đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, viêm thanh quản có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

    Ở trẻ em, viêm thanh quản cấp thường gặp ở trẻ từ 1 - 6 tuổi, niêm mạc thanh quản và tổ chức dưới niêm mạc dễ bị viêm nhiễm, phù nề dẫn đến khó thở ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân hay gặp gây viêm thanh quản cấp ở trẻ em thường do: lạnh, do trẻ khóc nhiều hoặc nói nhiều kết hợp với các yếu tố môi trường, virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

    Thông thường, trẻ bị viêm thanh quản cấp thường có triệu chứng: Sốt cao hoặc sốt nhẹ, khóc khàn hoặc khàn tiếng, ho, thở rít. Các triệu chứng thường nặng hơn khi về ban đêm.

    Viêm thanh quản ở người lớn

    Viêm thanh quản cấp tính ở người lớn là tình trạng viêm xuất tiết niêm mạc thanh quản. Bệnh thường gặp vào mùa lạnh hoặc lúc thay đổi thời tiết thất thường. Nguyên nhân gây bệnh thường do virus.

    Đối tượng dễ mắc: Hay gặp ở nam nhiều hơn nữ. Đặc biệt ở những người hay uống bia rượu, hút thuốc, những người làm việc môi trường lạnh, ô nhiễm.

    Triệu chứng: Người bệnh thường có biểu hiện: mệt mỏi, gai rét hoặc ớn lạnh, có thể sốt nhẹ. Tiếng nói khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn. Có thể có một số các triệu chứng khác như ho, đau họng, nuốt vướng.

    Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản tái đi tái lại nhiều lần hoặc quá trình viêm thanh quản kéo dài gây nên. Quá trình này dẫn đến quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính do nhiều yếu tố như:

  • Cách phát âm, sử dụng giọng không hợp lý, nói quá to, quá nhiều hoặc kéo dài, liên tục.

  • Nguyên nhân do trào ngược dạ dày thực quản.

  • Do các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng mạn tính.

  • Do các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, gout…

  • Ngoài ra còn do các yếu tố khác như: bụi, khói than, ô nhiễm môi trường.

  • - Triệu chứng: Người bệnh lúc đầu thường có biểu hiện: nuốt vướng nhẹ, nói khó, khó cất giọng cao hoặc khó hát. Sau đó, bệnh nhân thấy tiếng khàn dần rồi dần dần mất tiếng. Có thể kèm theo ho có ít đờm vào buổi sáng. Có cảm giác ngứa, cay hoặc rát nhẹ vùng thanh quản.

    Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 6.

    Bệnh viêm phế quản gây ra các cơn ho déo dài.

    II. Một số bệnh viêm đường hô hấp dưới

    1. Viêm phế quản

    Viêm phế quản là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương này gây ra hàng loạt các triệu chứng, trong đó điển hình nhất các cơn ho, đờm.

    Viêm phế quản được chia thành 2 thể là cấp tính và mạn tính:

  • Viêm phế quản cấp tính: Ở giai đoạn cấp tính, tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do virus.

  • Viêm phế quản mạn tính: Đây là giai đoạn phát triển xấu đi của thể cấp tính. Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm (đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài trong thời gian dài (từ vài tháng đến vài năm). Mức độ ảnh hưởng ở giai đoạn mạn tính nghiêm trọng hơn cấp tính nhiều lần.

  • * Triệu chứng viêm phế quản và dấu hiệu điển hình

    Khi bị viêm phế quản, người bệnh thường có những biểu hiện:

  • Ho: Triệu chứng của bệnh viêm phế quản nổi bật nhất là ho. Người bệnh có thể ho khan, ho có đờm hoặc ho thành từng tiếng.

  • Sốt: Người bệnh viêm phế quản sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, sốt cao. Các cơn sốt có thể diễn ra theo cơn hoặc sốt liên tục kéo dài. Một số trường hợp bệnh nhân không xảy ra triệu chứng này.

  • Tiết đờm: Đờm tiết ra ở đường hô hấp là sản phẩm của phản ứng viêm. Màu sắc đờm của người bệnh mắc viêm phế quản có thể là màu xanh, vàng hoặc trắng.

  • Thở khò khè: Do lòng phế quản bị thu hẹp nên thành phế quản bị phù nề, co thắt cơ trơn phế quản… Không khí qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè. Tiếng thở khò khè của người bệnh viêm phế quản khác với người bệnh hen phế quản. Cụ thể, khi thử với thuốc khí dung thì bệnh sẽ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém hơn hen phế quản.

  • * Nguyên nhân gây viêm phế quản

  • Do tác động của môi trường: Bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc… là những tác nhân phổ biến gây tổn thương đường hô hấp, từ đó gây nên viêm phế quản.

  • Sức đề kháng kém: Hệ thống miễn dịch của người bệnh bị tổn thương là điều kiện thuận lợi để vi rút tấn công gây bệnh. Đặc biệt, nếu người bệnh đang mắc phải bệnh lý khác như cảm lạnh… Thông thường, người mắc viêm phế quản do nguyên nhân này chủ yếu là đối tượng người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

  • Ảnh hưởng của công việc: Những người làm việc trong môi trường chứa chất kích thích đến phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn những người khác. Nhóm đối tượng này thường là thợ cơ khí, thợ may hoặc công nhân của các nhà máy phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, khói trong quá trình sản xuất.

  • Ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày: Theo các bác sĩ, trào ngược dạ dày có thể gây ra viêm phế quản nếu người bệnh không can thiệp kịp thời. Nguyên nhân dẫn đến tổn thương ống phế quản là do sự lặp lại của các cơn ợ nóng, ợ chua kích thích vùng cổ họng.

  • * Viêm phế quản có lây không?

    Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến viêm phế quản trở thành bệnh lý phổ biến là do lây lan. Virus hợp bào gây ra viêm phế quản rất dễ phát tán, lây lan qua không khí. Viêm phế quản có thể lây lan theo 2 đường chính là:

  • Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người: Người bình thường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có thể dẫn đến nhiễm bệnh. Virus hợp bào lây lan từ người này sang người khác thông qua con đường dịch tiết đường hô hấp.

  • Lây lan qua các vật dụng cá nhân: Nếu có dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bát, chén, bàn chải… với người mắc bệnh viêm phế quản thì nguy cơ mắc bệnh sẽ rất cao. Virus hợp bào có khả năng sống sót lên đến vài giờ trên các đồ dùng cá nhân, vì vậy, khi chạm các đồ vật cá nhân vào miệng, mũi, mắt đều có thể dẫn đến bị lây lan virus gây bệnh.

  • Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 7.

  • Sốt là một trong những dấu hiệu của viêm tiểu phế quản.

    2. Viêm tiểu phế quản

    Viêm tiểu phế quản là một bệnh phổi phổ biến thường do virus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi và trong những tháng mùa đông.

    Trong một số trường hợp, đặc biệt là nếu có vấn đề sức khỏe cơ bản hoặc trẻ sơ sinh đẻ non, viêm tiểu phế quản có thể trở nên nghiêm trọng và phải nhập viện.

    * Nguyên nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản

    Viêm tiểu phế quản xảy ra khi một loại virus lây nhiễm vào tiểu phế quản. Nhiễm trùng làm cho các tiểu phế quản sưng lên và bị viêm, tăng chất nhầy trong lòng phế quản, khiến không khí khó lưu thông vào và ra khỏi phổi.

    Hầu hết các trường hợp nguyên nhân viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào (RSV) gây ra. Các đợt bùng phát bệnh nhiễm virus RSV thường xảy ra mỗi mùa đông. Viêm tiểu phế quản cũng có thể được gây ra bởi các loại virus khác, bao gồm những loại gây ra bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Trẻ sơ sinh có thể được tái nhiễm RSV vì có ít nhất hai chủng.

    Người bệnh truyền bệnh cho người khác thông qua những giọt nước trong không khí khi bị ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể lây cho người khác bằng cách chạm vào các đồ vật sử dụng chung khăn hoặc đồ chơi và sau đó người khỏe mạnh lại chạm vào mắt, mũi hoặc miệng thì sẽ bị lây bệnh.

    * Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản

    Khi bị viêm tiểu phế quản, không có các dấu hiệu đặc trưng bởi các triệu chứng của bệnh thường giống và cũng gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp khác. Tuy nhiên các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nhận biết được trẻ có mắc bệnh không qua khám bệnh.

    Các dấu hiệu thường gặp như:

  • Ho, có thể có đờm hoặc không đờm;

  • Sốt cao hoặc nhẹ, sốt cơn hoặc liên tục, thậm chí là có trẻ không bị sốt;

  • Viêm long hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi;

  • Đờm tiết ra nhiều, có thể có màu xanh, vàng hay trắng;

  • Thở khò khè, thở nhanh;

  • Trẻ biếng ăn...

  • 3. Viêm phổi

    Các bệnh lý đường hô hấp thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 8.

    Nguyên nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus hoặc do nấm.

    Bệnh viêm phổi là tình trạng các phế nang trong phổi bị viêm do một nguyên nhân bất kỳ gây ra. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi.

    * Nguyên nhân gây viêm phổi

    Thông thường, mọi người thường mắc phải bệnh viêm phổi cấp tính. Các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện rõ ràng ngay trong ngày đầu tiên nhiễm virus. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi có rất nhiều, cụ thể:

  • Người mắc viêm phổi do vi khuẩn: Người bị bệnh viêm phổi có thể do hoạt động của vi khuẩn streptococcus pneumoniae. Bên cạnh đó, người mắc bệnh viêm phổi còn có thể do một số loại vi khuẩn khác như: haemophilus, legionella...

  • Nguyên nhân do virus: Có rất nhiều virus gây bệnh viêm phổi như cúm Influenza A, B, virus hợp bào, virus rhinovirus, adenoviruses… Người bệnh có thể bị lây nhiễm các loại virus này trong môi trường bị ô nhiễm, từ người bệnh...

  • Nguyên nhân do nấm: Nấm cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm phổi. Khi người bệnh tiếp xúc hay hít thở phải bào tử của nấm sẽ rất dễ bị viêm phổi. Khi mắc phải bệnh do nấm, tình hình phát triển của bệnh sẽ rất nguy hiểm và phức tạp. Bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

  • Điều kiện lý tưởng để nấm tồn tại và phát triển chính là môi trường ô nhiễm, khói bụi hay khói thuốc, hóa chất... Ngoài ra, với những người có thói quen sinh hoạt thiếu hợp lý sẽ rất dễ bị nhiễm nấm gây viêm phổi.

    * Triệu chứng viêm phổi

    Viêm phổi xuất hiện do nhiễm trùng một bên hoặc cả hai bên túi phổi. Khi mắc bệnh, tại vị trí viêm sẽ xuất hiện các dịch mủ. Ngay sau khi mắc bệnh, người bị viêm phổi sẽ xuất hiện các triệu chứng cụ thể như:

  • Tức ngực, khó thở

  • Gây mệt mỏi, suy nhược

  • Thân nhiệt luôn tăng cao không giảm. Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi. Trong một số trường hợp người cao tuổi và có hệ miễn dịch yếu thì nhiệt độ cơ thể sẽ giảm thấp hơn so với nhiệt độ thông thường.

  • Có thể xuất hiện các tình trạng như tiêu chảy, nôn mửa không kiểm soát.

  • Viêm phổi có thể gặp phải ở rất nhiều đối tượng bao gồm cả trẻ nhỏ. Khi trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phổi sẽ vô cùng nguy hiểm. Các triệu chứng mắc bệnh tương tự như cảm sốt nên rất dễ bị nhầm lẫn.

    Khi thấy trẻ sốt, bỏ bú, ho, khó thở, nôn mửa và mệt mỏi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để phát hiện bệnh kịp thời.

    Bệnh viêm phổi có tính lây truyền rất lớn. Với các đối tượng có nguy cơ dễ mắc bệnh như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền cần tránh xa các đối tượng mắc bệnh. Luôn cẩn trọng và chú ý khi thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng giống với bệnh viêm phổi.

    Thực hiện một số biện pháp đơn giản để phòng các bệnh đường hô hấp :

  • Thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, tới những khu vực công cộng.

  • Vệ sinh tay sạch sẽ là cách tốt để ngăn virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

  • Tránh tiếp xúc với người bệnh.

  • Thời tiết giao mùa cần tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và mọi người trong gia đình.

  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, tạo không gian thoáng mát, lưu thông không khí, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.

  • Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

  • Tập thể dục thể thao, vận động thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

  • Trong trường hợp bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, cần đi khám và điều trị sớm để phòng ngừa nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn thành mạn tính, nguy hiểm./.

  • Nguồn: Suckhoedoisong.vn
  • Tweet
Tin liên quan
  • Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp
  • Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
  • Mời báo giá Thuê dịch vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng xe ô tô
  • Thông qua Luật Dược (sửa đổi): Quy định rõ các biện pháp quản lý giá thuốc
  • Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam
  • Đào tạo quốc tế giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung tại Việt Nam
  • Dự phòng Zona ở người lớn
Hoạt động Lãnh đạo Bộ
Tin tổng hợp
Thông tin chỉ đạo điều hành
Hoạt động của địa phương
Điểm tin Y tế
Chuyển đổi số y tế

Liên kết

---Trang liên kết--- Cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ Các Bộ, Ngành Các đơn vị thuộc Bộ Khối Bệnh viện Khối Viện Khối trường Đại học, Cao đẳng Các Tổng công ty Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW Y tế các ngành

Thăm dò ý kiến

  • %
Bình chọn Kết quả Ghi lại

Từ khóa » Các Bệnh Có Thể Lây Qua đường Hô Hấp