6 Bước Xay Rau Củ Cho Bé ăn Dặm đảm Bảo An Toàn - Mamamy

Giai đoạn ăn dặm thường sẽ bắt đầu khi bé được từ 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa hoàn thiện nên con rất nhạy cảm với thức ăn. Mẹ xay rau củ quả cho bé ăn dặm sẽ giúp bé hấp thụ dưỡng chất và tiêu hóa tốt hơn hẳn. Cách chế biến thì siêu đơn giản, mẹ cứ làm theo 6 bước xay rau củ này để đảm bảo an toàn và bé ăn ngon miệng nhé.

Xay rau củ cho bé ăn dặm thật dễ dàng chỉ với 6 bước
Xay rau củ quả cho bé ăn dặm thật dễ dàng chỉ với 6 bước

Mục lục

  • 1. Bước 1: Vệ sinh dụng cụ
  • 2. Bước 2: Chuẩn bị rau củ quả
  • 3. Bước 3: Nấu chín các loại rau củ quả cần nấu
  • 4. Bước 4: Xay rau củ quả bằng máy xay
  • 5. Bước 5: Điều chỉnh độ đặc loãng 
  • 6. Bước 6: Cho bé măm măm và bảo quản rau củ quả đã xay

1. Bước 1: Vệ sinh dụng cụ

Trước khi xay rau củ cho bé ăn dặm, mẹ đừng quên vệ sinh dụng cụ thật sạch và khử khuẩn mẹ nhé. Bé ở độ tuổi ăn dặm đang rất nhạy cảm và hệ miễn dịch cũng chưa được hoàn thiện, vệ sinh đồ dùng đúng cách sẽ giúp bé tránh bị nhiễm khuẩn, hay đau bụng, khó chịu. Những dụng cụ mẹ cần vệ sinh để xay rau củ cho bé ăn dặm bao gồm: 

  • Rây thực phẩm lỗ vừa, lỗ lớn
  • Dụng cụ nghiền rau củ/ Máy xay
  • Nồi nấu
  • Dao thái rau củ quả, dao bào 
  • Thớt 
  • Bát, dĩa, đũa, muỗng

Đặc biệt với thớt, mẹ sử dụng thớt cắt rau củ trái cây và thớt cắt đồ sống, thịt cá riêng, không dùng chung trên một thớt mẹ nhé. Vi khuẩn sống trên thịt, cá rất dễ lây từ thớt đến các loại rau củ, trái cây, khi bé ăn vào dễ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn chéo, ngộ độc thực phẩm đó ạ. Mẹ nhớ tách biệt các loại thớt ra và vệ sinh kỹ sau mỗi lần sử dụng nhé.

Tách riêng thớt cắt rau củ và thớt cắt đồ sống để tránh bé bị nhiễm khuẩn mẹ nhé
Tách riêng thớt cắt rau củ và thớt cắt đồ sống để tránh bé bị nhiễm khuẩn mẹ nhé

2. Bước 2: Chuẩn bị rau củ quả

Khi mua rau củ, trái cây về, mẹ nên rửa sạch và để ráo trước khi chế biến món ăn cho bé để loại bỏ bụi bẩn, phân bón còn sót lại bám bên ngoài rau củ, hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Phần nước rau củ sau khi luộc/hấp cũng sạch hơn, mẹ tận dụng để hỗ trợ xay nghiền rau củ dễ dàng hơn đó mẹ.

Để rửa rau củ quả thật sạch và đảm bảo vệ sinh, mẹ cần quan tâm đến rất nhiều yếu tố như nhiệt độ nước, thời gian rửa, lượng muối pha loãng để rửa sao cho rau không bị mặn, và nhiều điều kiện khác. Việc pha nước rửa đảm bảo các điều kiện này sẽ khiến mẹ mất nhiều thời gian. Thay vào đó, mẹ sử dụng nước rửa chuyên dụng để đỡ tốn thời gian và tối ưu việc làm sạch rau củ quả nhé.

Mẹ rửa rau củ quả thật sạch để loại bỏ bụi bẩn còn lại trên bề mặt
Mẹ rửa rau củ quả thật sạch để loại bỏ bụi bẩn còn lại trên bề mặt

Mẹo nhỏ cho mẹ: Gợi ý mẹ sử dụng sản phẩm nước rửa bình sữa và rau quả Mamamy để rửa rau củ quả cho con. Sản phẩm được chiết xuất tự nhiên từ ngô và rượu dừa cực lành tính cùng thành phần AHS, một trong bốn chất có trong các hoạt động diệt khuẩn an toàn, chống lại 283 chủng vi khuẩn Acinetobacter, được thu hồi từ 97 bệnh viện Nhật Bản. Mẹ yên tâm dùng làm sạch các loại rau củ quả, đánh bay dư lượng thuốc trừ sâu hay hóa chất trong nháy mắt. Mẹ vừa dùng rửa sạch, khử mùi bình sữa cho bé, vừa rửa rau củ cho con măm măm hàng ngày, bảo vệ trọn vẹn hệ tiêu hóa của con yêu! An toàn, tiện lợi và siêu tiết kiệm mẹ nhỉ!

Nước rửa rau củ và bình sữa lành tính, nhẹ dịu với làm da bé sơ sinh
Nước rửa rau củ và bình sữa lành tính, nhẹ dịu với làm da bé sơ sinh

Sau khi rửa rau củ thật sạch và để ráo, mẹ bắt tay vào sơ chế rau củ. Rau củ nào ăn được vỏ (nho, khoai tây, khoai lang nhà trồng), mẹ nhớ kiểm tra vỏ xem có bị dập, bị hư thối không, nếu có thâm dập cần loại bỏ ngay, không sử dụng nấu ăn cho bé vì chất lượng không đảm bảo. Với các loại củ quả không ăn được vỏ như dưa hấu, xoài khoai tây,… mẹ bỏ vỏ đi. Dùng bao tay khi bào vỏ và sơ chế rau củ để vi khuẩn không bám vào đồ ăn của bé mẹ nhé.

Rau củ quả sơ chế xong, mẹ dùng dao cắt nhỏ thành hình hạt lựu hoặc thái lát để rau củ dễ chín và thuận lợi hơn ở công đoạn xay. Tuy nhiên mẹ chỉ cắt thái, lột vỏ ngay trước khi nấu vì nếu sơ chế quá sớm mà chưa nấu, rau củ dễ bị thâm, mất chất dinh dưỡng đó ạ.

3. Bước 3: Nấu chín các loại rau củ quả cần nấu

Đối với các loại rau củ quả cần được nấu chín trước khi cho bé ăn dặm như cà rốt, bắp, đậu que, su hào, bắp cải, rau mồng tơi,… mẹ chọn phương pháp luộc hoặc hấp để rau củ chín mềm và giữ được trọn vẹn dưỡng chất nhé. 

Luộc và hấp là hai phương pháp làm chín rau củ được nhiều mẹ sử dụng
Luộc và hấp là phương pháp được nhiều mẹ sử dụng trước khi xay rau củ quả cho bé ăn dặm

1- Phương pháp luộc

Phương pháp luộc rất phổ biến với mẹ Việt vì dễ áp dụng. Mẹ cho nước sạch vào nồi, mở bếp lên đến khi nước đạt độ sôi 100 độ thì cho rau củ vào. Nhiệt độ cao sẽ khiến rau nhanh chín hơn, không bị bay hơi vitamin và khoáng chất. Mẹ tránh cho rau vào quá sớm khi nước chưa sôi và không nên đậy vung khi luộc để giữ rau tươi xanh, không bị ngả màu và giữ được vị ngọt tự nhiên.

Thời gian luộc của mỗi loại rau củ là khác nhau nhưng các loại rau củ có đặc tính tương tự nhau sẽ có thời gian chín gần giống nhau. Cụ thể:

  • Đối với các loại củ như su hào, cà rốt, các loại khoai, mẹ luộc trong trong 10 – 12 phút là vừa chín. 
  • Đối với các loại rau như bắp cải, cải thảo, rau mồng tơi thì mẹ luộc trong 3 – 5 phút là tắt bếp được rồi. 
Thời gian luộc để rau củ chín mềm và giữ được vị ngọt
Thời gian luộc để rau củ chín mềm và giữ được vị ngọt

Mẹ để nước luộc vừa bằng xấp với rau củ trong nồi, đừng để nhiều nước quá nấu lâu tốn thời gian mẹ nhé. Rau củ quả luộc xong mẹ vớt ra ngay, để vào dĩa hoặc bát, không ngâm trong nồi lâu để giữ hương vị và dưỡng chất. Trong quá trình luộc, mẹ kiểm tra 1 – 2 lần tình trạng rau củ để xem đã chín vừa phải chưa, tránh luộc quá nhanh hoặc quá lâu, rau củ không còn ngon nữa. 

2- Phương pháp hấp

Hấp là cách làm chín mềm rau củ quả được nhiều mẹ sử dụng. Phương pháp này có ưu điểm là giúp giữ nguyên vẹn hình dạng và chất dinh dưỡng của rau củ, bé ăn ngon miệng và lớn khỏe hơn.

Mẹ sử dụng nồi hấp chuyên dụng hoặc hấp cách thủy trên bếp đều được. Với các loại rau mỏng như bắp cải, súp lơ, rau cải,… mẹ hấp từ 3 – 5 phút. Các loại củ như bí đỏ, khoai lang, cà rốt,… sẽ cần hấp lâu hơn từ 8 – 10 phút để củ mềm ra, xay nhuyễn dễ hơn. Mẹ phân loại rau củ dễ chín với rau củ lâu chín và hấp riêng để tránh tình trạng loại rau này đã mềm nhũn mà loại rau kia lại chưa chín.

Phương pháp hấp giúp rau củ quả giữ nguyên dưỡng chất và thơm ngon hơn
Phương pháp hấp giúp rau củ quả giữ nguyên dưỡng chất và thơm ngon hơn

Với các loại rau củ quả không cần nấu chín như táo, cà chua, dứa, dưa chuột,.. mẹ bỏ qua bước này mà đi thẳng tới bước kế tiếp nhé.

4. Bước 4: Xay rau củ quả bằng máy xay

Rau củ quả thường có kết cấu mềm, mẹ có thể làm nhuyễn rau củ bằng cách dùng muỗng, nĩa để nghiền nhưng cách làm nhanh chóng nhất vẫn là dùng máy xay. 

Mẹ chuẩn bị một chiếc máy xay, nhỏ hoặc to đều được. Mẹ thêm rau củ đã sơ chế và cắt nhỏ vào máy, thêm khoảng 5 – 10ml nước sôi để nguội vào rồi bật máy lên để xay. Mẹ tận dụng nước luộc/hấp rau củ để thay nước luôn càng tốt ạ, như vậy thì món ăn dặm của bé sẽ quyện lại và đầy đủ dưỡng chất hơn. Mẹ mở chế độ xay từ nhỏ đến to dần, xay trong khoảng 3 – 4 phút để rau củ được xay mịn đều mọi mặt và máy không bị đơ. 

Máy xay giúp mẹ tiết kiệm thời gian chế biến bữa ăn dặm cho bé
Máy xay giúp mẹ tiết kiệm thời gian xay rau củ quả cho bé ăn dặm và chế biến bữa ăn

Mẹ cân nhắc cho thêm dầu ăn dặm chiết xuất từ mỡ cá, gan vào xay cùng rau củ để cung cấp omega 3, DHA, EPA, giúp bé phát triển trí não tốt hơn. Bên cạnh đó, để kích thích vị giác của bé, mẹ chỉ cho 0,5g gia vị ăn dặm mỗi bữa , tránh cho quá nhiều và không nên sử dụng đường, mì chính, các loại gia vị cay vào bữa ăn dặm nếu bé dưới 1 tuổi để không ảnh hưởng đến chức năng thận của bé.

Sau khi xay, mẹ dùng muỗng khuấy đều lên để kiểm tra kỹ xem rau củ đã xay nhuyễn hết chưa. Nếu vẫn còn miếng to, mẹ mở máy ở chế độ nhẹ xay thêm 2 – 3 phút nữa cho mịn. Với bé 6 tháng tuổi mới tập ăn dặm, mẹ nên xay kỹ, rây qua rây lọc để bé ăn không bị nghẹn. Bé lớn hơn và ăn dặm giỏi rồi thì mẹ xay lợn cợn để bé luyện nhai và cảm nhận hương vị tốt hơn nhé.

5. Bước 5: Điều chỉnh độ đặc loãng 

Điều chỉnh độ đặc loãng hay còn gọi là tăng độ thô cho thức ăn rất quan trọng khi mẹ chế biến đồ ăn dặm cho bé. Mẹ thực hiện đúng cách sẽ giúp bé làm quen với thức ăn và dần hoàn thiện kỹ năng ăn uống. 

Tầm quan trọng của việc điều chỉnh độ đặc loãng cho bữa ăn dặm của bé
Tầm quan trọng của việc điều chỉnh độ đặc loãng cho bữa ăn dặm của bé

Độ đặc loãng cần được điều chỉnh phù hợp với chu trình ăn dặm của bé từ lúc mới bắt đầu đến khi bé đã ăn giỏi. Trong suốt chu trình này, nếu mẹ nấu thức ăn quá thô sẽ dễ làm bé bị nghẹn, hóc và sợ hãi với bữa ăn. Ngược lại, thức ăn quá lỏng bé không cảm nhận được hương vị, dễ bị lem dính trên quần áo gây khó khăn cho mẹ khi cho bé ăn dặm. Để điều chỉnh độ đặc loãng cho phù hợp với bé nhà mình, mẹ tham khảo 4 giai đoạn chế biến này nhé:

1 – Giai đoạn 1: Bé được từ 6 tháng tuổi, bé mới tập ăn dặm

Ở giai đoạn này mọi loại thức ăn đều cần được làm thật nhuyễn mịn để bé dễ nuốt và không bị nghẹn hóc. Mẹ chế biến thức ăn ở dạng lỏng như canh, súp cho bé uống, xay các loại rau củ mềm như bông cải xanh, khoai tây,… và rây thật kỹ sau khi xay để thức ăn không còn lợn cợn mới cho bé ăn dặm.

Mẹ nên xay rau củ thật nhuyễn khi bé mới tập ăn dặm
Mẹ nên xay rau củ quả cho bé ăn dặm thật nhuyễn khi bé mới tập ăn dặm

2 – Giai đoạn 2: Bé được từ 7 – 8 tháng tuổi 

Khi được từ 7 tháng tuổi, bé đã biết nghiền thức ăn bằng lưỡi và hàm trên nên mẹ tăng độ thô của rau củ lên để bé cảm nhận vị tốt hơn. Mẹ chế biến rau củ bằng tỉ lệ 8/2 (8 phần rây nhuyễn, 2 phần nghiền thô) rồi cho bé ăn dặm. Bé được 8 tháng tuổi trở lên thì mẹ không cần rây qua rây lọc nữa mà nghiền thật nhuyễn rồi cho bé ăn trực tiếp luôn.

Tăng độ thô của rau củ như thế nào để bé ăn ngon, không bị nghẹn?
Tăng độ thô của rau củ như thế nào để bé ăn ngon, không bị nghẹn?

3 – Giai đoạn 3: Bé được 9 – 11 tháng tuổi

Đến giai đoạn 3 này, lưỡi của bé có thể cử động lên xuống, đẩy thức ăn đến hàm và nghiền nát bằng răng. Các loại rau củ có độ cứng như cà rốt sẽ phù hợp cho bé luyện kỹ năng nhai. Mẹ cắt rau củ theo chiều dọc cỡ ngón tay trỏ rồi đem đi hấp/luộc, đến khi rau củ nghiền nhuyễn bằng tay được thì cho bé ăn dặm nhé.

4 – Giai đoạn 4: Bé được 12 tháng tuổi trở lên

Khi được 12 tháng tuổi, răng hàm của bé đã mọc dần và độ thuần thục của lưỡi cũng tốt hơn. Bé bắt đầu nhai được thức ăn cứng hơn, không cần mẹ luộc quá nhừ. Mẹ vẫn cắt rau củ với kích cỡ như giai đoạn 3 nhưng chỉ luộc/hấp rau củ đến khi cắt được bằng nĩa là cho bé ăn dặm được rồi.

4 giai đoạn điều chỉnh độ đặc loãng của bữa ăn dặm cho bé
4 giai đoạn điều chỉnh độ đặc loãng của bữa ăn dặm cho bé

6. Bước 6: Cho bé măm măm và bảo quản rau củ quả đã xay

Rau củ quả sau khi chế biến xong, mẹ cho bé măm ngay để giữ được hương vị tươi ngon và bé hấp thụ đủ chất. Tránh để thức ăn ở ngoài quá lâu vì vi khuẩn dễ xâm nhập, đồ ăn bị chua không tốt cho bé đâu ạ.

Nếu mẹ có việc bận chưa cho bé ăn được ngay,mẹ cho vào hộp, đậy nắp kín và bảo quản rau củ quả đã xay trong ngăn đông để lưu từ 2 tuần – 1 tháng hoặc để tủ mát từ 24 – 48 giờ. Mẹ lưu ý không hâm nóng rau củ lại nhiều lần, tối đa chỉ hâm lại 1 – 2 lần. Hâm đi hâm lại quá nhiều lần sẽ khiến thức ăn mất dưỡng chất, tiềm ẩn rủi ro bé bị ngộ độc thực phẩm.

Bảo quản rau củ đã xay trong tủ lạnh nếu mẹ chưa cho bé ăn được ngay
Bảo quản rau củ đã xay trong tủ lạnh nếu mẹ chưa cho bé ăn được ngay

Vậy là mẹ đã học được cách xay rau củ quả cho bé ăn dặm thật đơn giản và an toàn với 6 bước ở trên. Nếu vẫn còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận bên dưới để Góc của mẹ giải đáp cho mẹ kịp thời nhất nhé. Chúc mẹ và bé có quá trình ăn dặm thật hiệu quả và nhiều niềm vui!

Từ khóa » Cách Xay Rau Củ Cho Bé