6 Chấn Thương Phổ Biến Khi Chơi Bóng Chuyền - VnExpress Sức Khỏe

Bóng chuyền là môn thể thao quen thuộc tại các giải đấu lớn, nhỏ trên thế giới. Tại SEA Games 31 đang diễn ra do Việt Nam đăng cai tổ chức, đội chủ nhà tham dự ở cả 2 nội dung nam và nữ.

Bóng chuyền sử dụng hầu như toàn bộ các bộ phận trên cơ thể, liên quan đến các chuyển động trên cao lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đập bóng, chặn bóng, phát bóng... Người chơi bóng chuyền dễ gặp chấn thương ở vùng vai và tay do 2 bộ phận này cần lực để đánh bóng, bên cạnh đó chấn thương đầu gối, chân cũng dễ gặp phải vì vận động viên phải di chuyển, nhảy thường xuyên trong suốt trận đấu.

[Caption]Đội bóng chuyền nữ Việt Nam (áo đỏ) thi đấu tại Seagame 31. Ảnh: Đức Đồng

Đội bóng chuyền nữ Việt Nam (áo đỏ) thi đấu tại SEA Games 31. Ảnh: Đức Đồng

Với việc phải vận động, di chuyển liên tục vận động viên bóng chuyền thường đối diện với các nguy cơ chấn thương sau.

Viêm gân tay quay

Trong khi giao bóng và đánh bóng, các cơ bắp tay cần tạo ra lực đánh bóng theo ý định. Động tác đánh bóng khiến các cầu thủ có thể bị rách bắp tay hoặc cơ bị mệt sau khi sử dụng quá mức.

Chấn thương tay

Ngón tay dễ bị chấn thương trong các động tác đánh bóng chuyền, chẳng hạn như chặn bóng, đập bóng hay đỡ bóng ở vị trí chuyền 2. Các chấn thương ngón tay thường gặp bao gồm gãy xương, trật khớp, rách gân và dây chằng.

Khi chơi bóng chuyền, nếu ngón tay bị đau và khó uốn cong như bình thường, người chơi nên liên hệ với chuyên gia thể thao hoặc bác sĩ để đánh giá tình trạng.

Không chỉ ngón tay, cổ tay và bắp tay của tuyển thủ cũng dễ bị tổn thương nếu không được bảo vệ cẩn thận.

Bật nhảy liên tục khi chơi bóng chuyền khiến vận động viên đối diện nguy cơ chấn thương. Ảnh: Đức Đồng

Bật nhảy liên tục khi chơi bóng chuyền khiến vận động viên đối diện nguy cơ chấn thương. Ảnh: Đức Đồng

Bong gân

Bong gân mắt cá chân là chấn thương phổ biến nhất đối với các cầu thủ bóng chuyền. Các động tác bật nhảy liên tục trong thi đấu hoặc khi tham gia chơi bóng chuyền cần đúng kỹ thuật, đúng tư thế. Người chơi bóng chuyền dễ bị bong gân nếu bật nhảy hoặc chạy quá sức, té ngã không đúng kỹ thuật...

Bong gân mắt cá chân nên được cố định càng sớm càng tốt để quá trình phục hồi nhanh hơn. Trung bình một lần bị bong gân mắt cá chân, người bị thương cần tập luyện phục hồi chức năng hàng ngày trong 8 tuần để giảm nguy cơ tái chấn thương. Chấn thương có thể được điều trị dứt điểm bằng nẹp và vật lý trị liệu hoặc các bài tập phục hồi chức năng tại nhà. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp bong gân mắt cá chân có thể liên quan đến gãy xương hoặc chấn thương sụn, cần được đánh giá thêm, bao gồm chụp X-quang hoặc MRI.

Viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè là tình trạng viêm ở vị trí gân nối xương bánh chè với xương chày (hoặc xương ống chân). Thường gặp ở vận động viên phải thực hiện các hoạt động nhảy lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng hạn như nhảy cầu và cản phá.

Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL)

Giống như bong gân mắt cá chân, hầu hết các chấn thương dây chằng chéo trước ở các vận động viên bóng chuyền xảy ra khi họ tiếp đất vụng về, sai kỹ thuật sau khi nhảy. Thông thường chấn thương này gây ra tiếng kêu và biểu hiện qua việc sưng đầu gối ngay lập tức. Người bị chấn thương dây chằng chéo trường sẽ mất khoảng 6-9 tháng để phục hồi. Nếu là vận động viên thi đấu chuyên nghiệp, thời gian phục hồi này có thể làm họ bỏ lỡ nhiều trận đấu đáng nhớ, do vậy khi tham gia chơi bóng, người chơi nên làm theo hướng dẫn của huấn luyện viên và đảm bảo kỹ thuật nhảy, chạy chính xác, giảm tối đa nguy cơ chấn thương.

Đau lưng

Đau thắt lưng là một nguyên nhân phổ biến của chứng đau mạn tính ở những người chơi bóng chuyền. Nguyên nhân của hầu hết các cơn đau thắt lưng liên quan đến động tác căng cơ hoặc dây chằng. Nếu cơn đau ở mức độ nhẹ, người chơi có thể nghỉ ngơi tại nhà để phục hồi nhưng nếu đau thắt lưng kèm theo cơn đau lan xuống chân và tê hoặc yếu ở bàn chân, mắt cá chân, người chơi có thể bị thoát vị đĩa đệm. Trong trường hợp này người chơi nên tìm đến chuyên gia y tế để đánh giá mức độ đau.

Những người chơi bóng chuyền cũng có thể có nhiều nguy cơ bị một loại gãy xương do căng thẳng ở lưng được gọi là chứng thoái hóa đốt sống. Nếu cơn đau kéo dài hơn một tháng và tồi tệ hơn khi ngã người về phía sau, người chơi bóng chuyền hãy cân nhắc tham khảo ý kiến bác sĩ.

Theo các chuyên gia, nếu gặp phải chấn thương khi chơi bóng chuyền, trước hết hãy chườm lạnh vào vị trí chấn thương gây đau. Tiếp đó, người sơ cứu sử dụng băng dán vào khu vực bị chấn thương để gân khớp được phục hồi. Người bị thương cần theo dõi tình trạng chấn thương, nếu nặng hãy thông báo với bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được điều trị.

Để ngăn ngừa những chấn thương khi chơi bóng chuyền, người chơi cần chú ý tới một số vấn đề như khởi động cơ thể trước khi luyện tập, thi đấu. Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng sau đó mới thử sức với các bài tập khó hơn. Người chơi nên sử dụng các phụ kiện bảo hộ bóng chuyền cần thiết như đai bảo vệ cổ chân, cổ tay, giày, vớ cổ chân, trang phục. Trong quá trình tham gia thi đấu, người chơi chỉ nên chơi vừa sức, không cố gắng quá mức, sau khi chơi đừng quên giãn cơ.

Anh Chi (Theo UR Medicine)

Từ khóa » đập Bóng Chuyền Bị đau Vai