6 Lý Do Tại Sao Người Nhật Không Thể Nói được Tiếng Anh

*Bài viết này được viết bởi một người sinh ra và lớn lên tại Nhật, được hưởng nền giáo dục Nhật Bản và đã tự học tiếng Anh bằng cách của riêng mình. Tác giả sẽ tổng hợp lại những suy nghĩ và cảm nhận của mình trong quá trình học, về những khó khăn người Nhật hay gặp phải khi học tiếng Anh.

1. Việc học tiếng Anh chỉ giới hạn trong các bài học nhằm đối phó với các kỳ thi

Trong chương trình giáo dục tiếng Anh của các trường ở Nhật Bản, tiếng Anh được dạy chủ yếu thông qua hai hình thức “đọc” và “viết”. Thêm vào đó, với cách học chỉ để vượt qua kỳ thi dành cho việc đọc và viết này, thời gian dành cho những kỹ năng mang tính thực tiễn như “nghe”, “nói” là vô cùng ít. Tức là, trong giáo dục tiếng Anh tại Nhật, phương pháp giáo dục để học sinh có thể áp dụng những điều đã học vào thực tế một cách chính xác đang bị thiếu. Cùng với sự tăng dần của bậc học, hình thức viết luận văn dài được đưa vào chương trình học, nhưng nó thực sự không giúp nhiều trong việc cải thiện kỹ năng tiếng Anh của học sinh. Sử dụng một đoạn văn trong tiểu thuyết nào đó, trả lời những câu hỏi liên quan đến phần nội dung được trích dẫn đó, thì việc học sinh có đưa ra được đáp án chính xác đi chăng nữa cũng chỉ là một cách để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu, vốn kiến thức về từ vựng, cấu trúc câu. Trong khi đó mục tiêu cuối cùng là có thể sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy lại là một câu chuyện khá xa vời.

Giáo viên đứng trên bục giảng, học sinh giữ im lặng và chép bài giảng vào vở. Phương pháp giáo dục "lỗi thời" này không hề thích hợp cho môi trường học tập tiếng Anh. Mặc dù lấy được bằng cấp giáo viên, đậu được một kỳ thi ngôn ngữ nhất định, nhưng không ít trường hợp những giáo viên tiếng Anh này dù chưa đủ năng lực vẫn đảm nhận tiết dạy. Trong những năm gần đây, có một vài trường xây dựng giờ học tiếng Anh theo hình thức tương tác, trao đổi giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, những lớp học này vẫn thiếu quá trình tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng từ những lỗi sai, một trong những bước quan trọng khi học bất kỳ thứ gì. Hầu hết thời gian, giáo viên nói trước lớp, sau đó học sinh nghe và luyện phát âm theo. Đó chính là lý do vì sao các sinh viên Nhật thường có kiến thức ngữ pháp và từ vựng phong phú, nhưng lại không có cơ hội để tạo ra những lỗi sai và học hỏi từ nó.

2. Hệ thống giáo dục tiếng Anh của Nhật không chú ý đến những kỹ năng cần thiết cho việc học tiếng Anh

Vấn đề mà hệ thống giáo dục tiếng Anh của Nhật Bản đang gặp phải chính là thiếu đi thời gian để thực hành, áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Họ không biết cách làm thế nào để sử dụng những điều họ đã học, mà chỉ tập trung vào những mục tiêu trước mắt như làm sao để lấy được điểm cao hoặc vượt qua kỳ thi, mà điều này thì sẽ không giúp vốn tiếng Anh của họ khá lên được. Hơn thế nữa, môi trường học tiếng Anh ở Nhật tạo ra ít cơ hội để người học có thể nói chuyện trực tiếp với người bản xứ, những cuộc hội thoại, tranh luận, thuyết trình bằng tiếng Anh cũng không có nhiều. Ngoài ra, thay vì xem phim bằng tiếng Anh, người Nhật chủ yếu trau dồi khả năng ngoại ngữ bằng cách luyện viết.

Khi nói chuyện bằng ngôn ngữ mới, điều quan trọng không phải là từ vựng hay thông tin mà chính là kỹ năng. Dù biết cách sử dụng đúng, nhưng nếu không luyện tập và sử dụng thường xuyên thì việc không thể giỏi lên là điều đương nhiên. Điều quan trọng nhất trong một cuộc hội thoại là biến những suy nghĩ của bạn thành lời nói. Kiến thức thì có thể bổ sung sau, nhưng nếu bạn chỉ thu thập những kiến thức đó rồi để đấy thì bạn chỉ đang làm điều vô nghĩa mà thôi. Có thể nói rằng các lớp học tiếng Anh ở Nhật đang giảng dạy theo phương pháp giống như một huấn luyện viên bóng đá dạy một cầu thủ của mình đá bóng qua thủ môn thông qua lời nói chứ không phải qua luyện tập thực tế.

3. Giáo dục Nhật Bản thúc đẩy những hoạt động mang tính tập thể - Đánh mất cơ hội học hỏi vì sợ mắc sai lầm

"Bạn không thể học được những điều mới mẻ nếu không mắc sai lầm". Đây cũng không phải là suy nghĩ xa lạ gì ở Nhật. Lý do mà người Nhật gặp khó khăn khi học hỏi một ngôn ngữ mới đó là vì họ không chịu tập nói. Điều này không chỉ do phương pháp giảng dạy ở các trường học mà có lẽ nó cũng chịu ảnh hưởng bởi tính cách dân tộc của người Nhật.

Tại Nhật Bản, trong quá trình giáo dục tại trường học, học sinh được học về việc tồn tại trong tập thể, sự quan trọng của việc hành động theo tập thể. Với phương pháp giáo dục như vậy thì việc làm điều khác biệt với mọi người là một điều gì đó vô cùng đáng sợ. Mặc dù mỗi người có cá tính riêng và cách suy nghĩ cũng khác nhau, nhưng nhìn chung họ thường ưu tiên việc hành động theo tập thể hơn là việc đề cao cái "tôi" cá nhân. Tinh thần này được đưa vào trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, nên nhiều người có suy nghĩ chỉ cần làm theo tập thể thì đương nhiên là đúng.

Có thể thấy một trong những tính cách đặc trưng của người Nhật là tránh những hành động khiến bản thân phải xấu hổ, thay vì dũng cảm để đưa ra câu trả lời trong "môi trường giáo dục không ai nói được ngoại ngữ", thay vì trả lời sai, họ lựa chọn việc không tranh luận, không mắc sai lầm.

Ngoài ra, còn một nét tính cách khác của người Nhật nữa đó là xấu hổ, và để ý nhiều đến xung quanh trước khi hành động. Với người Nhật, việc đứng phát biểu trước lớp đã là hơi quá khả năng, cho nên người Nhật càng có ít cơ hội hơn để nói chuyện một cách tích cực bằng tiếng Anh.

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

4. Xã hội Nhật không cảm thấy việc sử dụng tiếng Anh là cần thiết

Đa số người Nhật coi tiếng Anh như một sự lựa chọn mà không thực sự cảm nhận được sự cần thiết của nó. Ngoài các khu vực có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài như các thành phố lớn: Tokyo, Yokohama (khu vực Kanto) hay Osaka hoặc Kyoto (khu vực Kansai) - nơi có nhiều khách du lịch và người lao động nước ngoài, thì rất ít người cảm thấy tiếng Anh là cần thiết.

Nhật Bản là đất nước phát triển cùng với sự ảnh hưởng đa phần từ văn hóa, ngôn ngữ Âu Mỹ và ngay cả ở trường cũng chỉ dạy một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh. Trong bối cảnh càng ngày càng có nhiều khách du lịch Âu Mỹ đến Nhật Bản, nhu cầu được sử dụng tiếng Anh của người Nhật trở nên mạnh mẽ hơn. Những biển hiệu bằng tiếng Anh mà người nước ngoài nghĩ là hơi kỳ quặc thì nhiều người Nhật lại không hề nhận ra điều đó. Tiếng Anh được sử dụng ở rất nhiều nơi như các biển quảng cáo trong nhà ga hay trên đường, thiết kế trên quần áo, túi xách thế nhưng nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy chúng thường bị viết sai chính tả. Phần lớn người Nhật “Dù không hiểu tiếng Anh nhưng trông nó rất ngầu”, do đó họ sẵn sàng mua và mặc chúng lên người. Họ thậm chí sẽ chằng hề mảy may suy nghĩ về ý nghĩa của câu hay từ ngữ tiếng Anh đó, đơn giản vì thiết kế đẹp, và là thương hiệu yêu thích nên họ sẵn sàng mua chúng. Nếu bạn tới Nhật du lịch, trong lúc đi bộ trên đường phố, hãy để ý những chiếc áo mà mọi người đang mặc. Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy những câu văn tiếng Anh mang ý nghĩa kỳ lạ.

Ngoài ra, so với các quốc gia khác trên thế giới, Nhật Bản là một xã hội tương đối đồng nhất, với phần lớn dân số là người Nhật. Chỉ gần đây, khi người nước ngoài nhập cư vào Nhật và số lượng khách du lịch tăng lên, bạn mới bắt gặp nhiều người nước ngoài hơn khi đi trên phố. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đến mức độ khiến người Nhật cảm thấy nếu không nói được tiếng Anh thì sẽ không làm được việc gì. Vậy nên, cơ hội để "bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh" vẫn là rất thấp.

Klook.com

5. Katakana - Bức tường cản trở sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh của người Nhật

Văn hóa Nhật Bản, từ những ngành đặc trưng như văn hóa anime-manga, các thiết bị gia dụng, điện tử như máy chơi game, ngành công nghiệp ô tô, cho đến văn hóa ẩm thực, công nghệ thông tin tất cả đều là sự tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo những ý tưởng và cách làm của các nước trên thế giới. Nhật Bản rất xuất sắc trong việc lấy các khái niệm từ nước ngoài và biến chúng thành những sáng tạo nguyên bản của riêng người Nhật. Từ trứng ốp lết biến thành món trứng cuộn cơm (Omuraisu), hay món Taco biến thành cơm Taco (Takoraisu). Cũng giống như vậy, ngoại ngữ khi du nhập vào Nhật Bản cũng bị chuyển hóa mang nét đặc trưng của văn hóa Nhật.

Ví dụ: application thành “アプリ” (Apuri), ”Patrol Car” thành “パトカー (Patocaa), “Key chain” thành ”キーホルダー” (Key holder), ”Air Conditioning” thành “エアコン” (Eacon). Việc sử dụng những từ Katakana này đã thực sự trở thành một trở ngại khi học tiếng Anh. Khi nói chuyện với những người sử dụng tiếng Anh, người Nhật cũng dùng những từ Katakana đó. Vì họ không biết từ chính xác trong tiếng Anh là gì, nên sử dụng như vậy và nghĩ đối phương cũng hiểu được ý mình. Hơn nữa, người Nhật cũng có thói quen thích giản lược, ví dụ từ “アイスクリーム“ (aisukurimu) (kem) thành ”アイス” (aisu), thương hiệu nổi tiếng thế giới Starbucks cũng bị đọc thành ”スタバ” (sutaba), Brad Pitt thành ブラピ (Burapi).

Việc sử dụng các dịch vụ nghe nhạc trả phí như Spotify, Apple Music, trong tiếng Anh gọi là supscription (nghĩa là đặt mua). Nhưng người Nhật sẽ phiên âm thành "サブスクリプション" (sapusukuripushon) và giản lược thành ”サブスク” (sapusuku). Tuy nhiên với dịch vụ xem phim như Netflix hoặc Amazon người ta lại không gọi như vậy mà gọi theo tên của từng dịch vụ. Nên ban đầu rất nhiều người Nhật không hiểu nghĩa của các từ này. Người Nhật rất thích giản lược từ để “dễ nói”, đây có thể được coi là một đặc điểm kỳ lạ trong văn hóa, ngôn ngữ Nhật.

Hơn thế nữa, trong vài năm gần đây người Nhật thường có xu hướng sử dụng từ tiếng Anh phiên âm Katakana để thay thế cho những từ vốn đã có trong tiếng Nhật. Điều này thực tế đang cản trở rất nhiều trong việc hiểu tiếng Anh của người Nhật. Ví dụ như từ “Launch” mang nghĩa khởi động, bắt đầu một cái gì đó mới, trong tiếng Nhật cũng có từ tương đương là "立ち上げ" (tachiage). Nhưng người ta lại không sử dụng từ thuần Nhật mà sử dụng từ phiên âm Katakana thay thế, "立ち上げ祝賀会" (tachiage shukugakai) thành "ローンチパーティ" (ronchi pati=Launch party). Ngoài ra người Nhật đã quen sử dụng Katakana nên họ không biết được cách phát âm chuẩn của các từ như black, red, light, right trong tiếng Anh như thế nào. Từ trước đến nay người Nhật vẫn đọc nhầm phát âm của “R” và “L” và nó đã trở thành một lỗi phát âm rất khó sửa.

6. Wasei-eigo - tiếng Anh do người Nhật sáng tạo

Một lý do khác cản trở người Nhật tiến bộ trong việc học tiếng Anh đó là tiếng Anh được Nhật hóa (wasei-eigo). Ví dụ, đặc điểm gây hấp dẫn (best feature) trong tiếng Nhật lại trở thành チャームポイント (charm point), sự đụng chạm giữa người này với người kia (physical contact) được chuyển thành スキンシップ (skin ship), cuộc điện thoại cho khách ở khách sạn vào buổi sáng (wake-up call) là モーニングコール (morning call). Đây là những từ không có trong tiếng Anh, nhưng được người Nhật sáng tạo ra để dễ sử dụng. Kết quả là, tiếng Anh vốn đã là ngôn ngữ không dễ học nay càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Một ví dụ rất nổi bật của wasei-eigo đó là khi muốn thay đổi hình ảnh bản thân người Nhật có từ “イメチェン” (imechen). Nếu nói bạn muốn thay đổi hình ảnh của mình bằng tiếng Anh "I wanna image change" (イメチェンしたいんだ) thì hiển nhiên người nước ngoài sẽ không hiểu. Về cơ bản đây là một câu sai ngữ pháp nên người khác sẽ không hiểu bạn muốn đang muốn nói gì.

Thêm nữa, thông thường khi người Nhật muốn miêu tả sự lên xuống của cảm xúc, tâm trạng, họ sử dụng từ ”テンション” (tenshon). Trong tiếng Anh “tension” mang nghĩa sự căng thẳng, còn trong tiếng Nhật lại hoàn toàn khác. Nếu nói "I’m so high tension" (わたしは今すごく気分が高まっている) để biểu đạt rằng cảm xúc của bạn đang dâng trào, thì người nghe cũng sẽ không hiểu được đâu.Trên các chương trình bản tin hay câu chuyện hằng ngày từ “ワイド“ (wide) được sử dụng mang nghĩa là được biết đến rộng rãi (幅広く). Và "ワイドショー" (wide show) cũng là từ do người Nhật sáng tạo ra với ý nghĩa một chương trình được nhiều người biết đến.

Những từ trong các ví dụ trên đều là các từ tiếng Anh được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, trên truyền thông và internet, nên có thể nói Wasei-eigo thực sự đang trở thành một tác nhân gây cản trở không nhỏ đến việc học tiếng Anh của người Nhật.

Kết luận

6 vấn đề đề cập ở trên có thể coi là những tác nhân chính gây cản trở sự tiến bộ trong quá trình học tiếng Anh của người Nhật. Vấn đề được đặt ra đó là, ngay từ bây giờ, nếu xã hội Nhật không chú ý hơn, nền giáo dục Nhật không thay đổi, thì dù thêm bao nhiêu thời gian nữa, vấn đề nãy vẫn sẽ không được cải thiện. Rất nhiều người Nhật muốn nói được tiếng Anh, nhưng để đạt được điều đó, thì cần chú ý những gì, cần làm những gì thì họ vẫn chưa biết. Đầu tiên, có lẽ họ cần thả mình vào thực tế để tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, người Nhật cần coi trọng việc nói tiếng Anh trôi chảy và chính xác. Hiểu được những nguyên nhân này, sẽ giúp cho người Nhật nói tiếng Anh một cách thuần thục hơn và đây cũng là một cơ hội để cho cả người Nhật và người nước ngoài có cơ hội tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn. Hãy chủ động và có ý thức hơn trong việc học tiếng Anh để mở ra một thế giới mới rộng lớn hơn cho chính bạn.

Từ khóa » Japan đọc Tiếng Việt Là Gì