6 Năm Phán Quyết Biển Đông: Tác động đến Tranh Chấp Thế Nào?

Nhìn lại tiến trình vụ kiện

Vào ngày 22-1-2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực The Haye (PCA) về một số khía cạnh liên quan đến tranh chấp giữa hai nước này ở Biển Đông theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)

Cụ thể, Philippines khởi kiện Trung Quốc với 15 nội dung, tập trung vào 03 nội dung chính: (1) Yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS, do đó không có giá trị pháp lý; (2) Xác định quy chế pháp lý của một số thực thể, mà cả Trung Quốc và Philippines yêu sách và trên cơ sở đó xác định chúng có thể tạo ra vùng biển rộng hơn 12 hải lý hay không; (3) Cho phép Philippines thực thi các quyền của quốc gia này trong và ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS.

Bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc, ngày 21-6-2013, Tòa Trọng tài phụ lục VII UNCLOS chính thức được thành lập và đi vào hoạt động.

Trải qua quá trình tố tụng kéo dài hơn ba năm, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12-7-2016. Phán quyết của Tòa là chung thẩm và có tính ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines.

Tàu dân quân biển Trung Quốc xuất hiện ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Philippine Coast Guard/REUTERS

Tàu dân quân biển Trung Quốc xuất hiện ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ảnh: Philippine Coast Guard/REUTERS

Từ tác động đến luật biển quốc tế…

Mặc cho Trung Quốc viện dẫn quyền lịch sử của nước này tại Biển Đông - nằm trong ngoại lệ được nêu tại UNCLOS để phản đối, phán quyết của Tòa đã khẳng định một cách mạnh mẽ thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết các tranh chấp. Theo Tòa Trọng tài, ngoại lệ nhằm loại trừ thẩm quyền của Tòa đối với tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” và yêu cầu của Philippines không thuộc ngoại lệ này, do đó Tòa tuyên bố có thẩm quyền. Phán quyết đã góp phần thúc đẩy các quốc gia áp dụng biện pháp giải quyết các tranh chấp hoặc các khía cạnh của tranh chấp bằng các cơ quan tài phán.

Bên cạnh đó, phán quyết đã làm sáng tỏ nhiều quy định “mù mờ” của UNCLOS. Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế giải thích cặn kẽ nội hàm Điều 121 UNCLOS, đặc biệt là Điều 121(3) liên quan đến quy chế của đảo, đá. Tòa đã giải thích chi tiết về hai cụm “khả năng cho con người cư trú” và “ khả năng có đời sống kinh tế riêng” để xác định quy chế của các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Thông qua phán quyết, Tòa Trọng tài đã giải thích rõ mối quan hệ giữa quy chế pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế và các quyền lịch sử. Các quyền lịch sử có nội hàm trái với hàm của quy định Công ước đều bị bác bỏ, từ đó khẳng định tính thống nhất và vị trí ưu tiên của UNCLOS trong luật biển quốc tế.

Phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông thực sự là một phán quyết lịch sử, góp phần làm sáng tỏ các quy định của UNCLOS đồng thời đóng vai trò như một “hòn đá tảng” trong luật pháp quốc tế. Điển hình trong vụ đá Ba Đầu vào tháng 2-2021, phán quyết đã được các bên viện dẫn để giải quyết các tranh chấp mới nảy sinh.

Tòa Trọng tài phán quyết vụ kiện của Philippines vào ngày 12-7-2016. Ảnh: REUTERS

Tòa Trọng tài phán quyết vụ kiện của Philippines vào ngày 12-7-2016. Ảnh: REUTERS

…đến “vụ kiện thế kỷ, bước ngoặt ở Biển Đông”

Bên cạnh những đóng góp cho luật pháp quốc tế hiện đại, phán quyết Biển Đông còn tạo ra nhiều tác động tích cực đến tranh chấp ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa đã bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định Đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị pháp lý. Không còn đường chữ U, bức tranh tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và Scarborough trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết và các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông được giảm thiểu rõ rệt.

Hơn nữa, phán quyết còn làm rõ phạm vi và giới hạn các vùng biển tranh chấp cùng như những vùng biển không tranh chấp, nhờ đó các quốc gia có thể đánh giá đúng bản chất của các vùng biển tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên biển. Những lập luận chặt chẽ của Tòa trong phán quyết đã “dẫn đường” cho Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp quốc về mở rộng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở về phía Bắc.

Đặc biệt, các kết luận và lập luận trong phán quyết đã định hình lại quan điểm, thúc đẩy các quốc gia trong và ngoài khu vực thể hiện rõ hơn lập trường của mình về các vấn đề ở Biển Đông. Trong vòng một năm (từ 2020- 2021), cộng đồng quốc tế đã chứng kiến một “cuộc chiến công hàm” căng thẳng giữa các quốc gia về vấn đề Biển Đông. “Cuộc chiến’ có sự tham gia của Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Mỹ, Nhật, Úc và 3 nước châu Âu: Anh, Pháp, Đức với 25 công hàm, 2 thư ngoại giao và 1 tuyên bố.

Tàu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ quốc tế. Ảnh: SCMP

Tàu Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự hiện diện phi pháp tại Biển Đông bất chấp sự phản đối từ quốc tế. Ảnh: SCMP

Sau 6 năm, phán quyết có thực sự tác động đến Trung Quốc?

Đã 6 năm kể từ ngày Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng, Trung Quốc, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã có những phản ứng đi ngược lại với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế về một quốc gia có trách nhiệm. Trung Quốc vẫn duy trì “chính sách ba không”: không chấp nhận thẩm quyền của Tòa, không chấp nhận phán quyết và không thực thi phán quyết.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Trung Quốc hoàn toàn phớt lờ phán quyết. Thực tế, Trung Quốc đã có những chiến dịch truyền thông nhằm vô hiệu hóa những lập luận của Tòa. Từ sau Phán quyết, Trung Quốc ít đề cập hơn đến Đường chín đoạn mà thay vào đó đưa ra yêu sách có tên gọi “Tứ Sa”. Dù xuất hiện với tên gọi khác, yêu sách Tứ Sa thực chất chỉ là bổn cũ soạn lại và khái niệm này cũng “mù mờ” như Đường chín đoạn.

Sau 6 năm, bên cạnh việc từ chối thi hành phán quyết, Trung Quốc ngày càng có những hành vi, động thái bành trướng hơn trên Biển Đông. Sự hiện diện của quốc gia này ở Biển Đông, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh, có tần suất ngày càng lớn với các hoạt động xâm lấn, quấy rối ngư dân cũng như gây trở ngại cho hoạt động thăm dò dầu khí của các quốc gia trong khu vực gia tăng đáng kể.

Đứng trước sự bành trướng và bất chấp luật pháp quốc tế, là “những người thi hành luật” - các quốc gia, đặc biệt là Philippines cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để phản đối những yêu sách phi lý của Trung Quốc. Dưới thời chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã đệ trình hơn 300 công hàm ngoại giao phản đối đến Trung Quốc, theo Rappler.

Chỉ cần cộng đồng quốc tế không quay lưng với vấn đề Biển Đông, ủng hộ phán quyết và gây sức ép buộc Trung Quốc thi hành, phán quyết sẽ không phải là một “tờ giấy suông” mà là động lực thúc đẩy các quốc gia đấu tranh vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình, vì một trật tự dựa trên luật lệ. “Một Biển Đông hòa bình” chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định bằng quy trình trật tự dựa trên pháp lý.

ĐSQ Canada tại Philippines ra tuyên bố quan trọng nhân dịp Manila kỷ niệm 6 năm phán quyết Biển Đông. Ảnh: PCA

ĐSQ Canada tại Philippines ra tuyên bố quan trọng nhân dịp Manila kỷ niệm 6 năm phán quyết Biển Đông

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Go On Guard Nghĩa Là Gì