6 Tác Hại Của Ngồi Thiền Nếu Làm Sai Cách - Hello Bacsi

Nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng của ngồi thiền giúp bạn khỏe mạnh về tinh thần lẫn thể chất. Tuy nhiên, nếu thực hành sai cách, tác hại của ngồi thiền cũng sẽ khiến bạn gặp phải nhiều phiền toái.

Thiền là một bài tập về hơi thở nên bạn có thể tập luyện ở bất cứ nơi nào mà không cảm thấy tâm trí bị xao nhãng. Ngồi thiền không phải là bộ môn về tâm linh nên ai cũng có thể luyện tập được.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng của thiền có thể giúp bạn thư giãn, hỗ trợ điều trị trầm cảm, rèn luyện sự tập trung, giảm đau nhức cơ thể và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2017 của các nhà nghiên cứu từ Đại học Brown và Đại học California trên tạp chí PLOS lại chứng minh điều ngược lại.

Bạn hãy cùng tìm hiểu 6 tác hại của ngồi dưới đây để từ đó thực hiện tư thế ngồi thiền đúng cách nhằm đạt được lợi ích của bài tập nhé.

1. Tác hại của ngồi thiền khiến bạn bị ảo tưởng

Rất nhiều người chuyển sang học thiền để giúp họ trở nên lạc quan, khỏe mạnh và có cuộc sống tích cực hơn. Tuy nhiên, gần một nửa số người tham gia nghiên cứu năm 2017 đã trải qua những mâu thuẫn trong tư tưởng, thấy tiếng nói và hình ảnh vô hình giống như một dạng bệnh tâm thần phân liệt. Họ cũng nhận thấy sự suy giảm về khả năng kiểm soát bản thân và hoàn thành công việc.

Giải pháp: Trong lúc thiền, bạn hãy mở nhạc nhẹ để giúp mình tĩnh tâm tốt hơn. Bạn cũng cần điều chỉnh nhịp thở của mình đều đặn để tư tưởng không hướng đến bất kỳ suy nghĩ nào. Cách hít thở khi ngồi thiền sẽ giúp bạn thả lòng hoàn toàn, dễ chịu và đạt được những lợi ích của thiền.

2. Thiền sai cách khiến bạn mất động lực làm việc

tác hại của ngồi thiền khiến bạn mất động lực làm việc

Tác hại của ngồi thiền có thể khiến bạn trì hoãn và mất động lực để hoàn thành công việc. Theo nghiên cứu từ năm 2017, thiền sai cách khiến bạn mất hứng thú với các hoạt động mà trước đây bạn thích, điều này khá giống với những triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Giải pháp: Nếu có dấu hiệu chán nản và mất động lực làm việc khi tập thiền, bạn có thể đã quá lạm dụng phương pháp thiền này. Vì thế, bạn chỉ nên dành 2 phút mỗi ngày khi bắt đầu tập thiền, rồi tăng lên 3 phút, 5 phút, 10 phút khi quen dần. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn cũng cần tham gia những hoạt động thể chất khác để cân bằng cuộc sống.

3. Thiền khiến bạn thay đổi cảm xúc

tác hại của ngồi thiền khiến bạn nhớ kỷ niệm đau buồn

Thiền có thể mang đến những cảm xúc và ký ức bạn đã kìm nén trong quá khứ, dẫn đến một cảm xúc tiêu cực. Những người tham gia nghiên cứu năm 2017 báo cáo họ đã cảm thấy hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi, hoang tưởng, trầm cảm và đau buồn.

Giải pháp: Bạn hãy để tâm trí của mình tự nhiên, mỗi ngày giảm đi một ít những suy nghĩ trong đầu cho đến khi tâm trí trong sáng. Nếu cảm thấy khó khăn để chi phối cảm xúc, bạn hãy mở mắt khi ngồi thiền, tập đếm nhịp thở rồi quan sát hơi thở và cơ thể của mình để tận dụng hết tác dụng của việc ngồi thiền.

4. Thiền ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn

Thiền có tác dụng gì? Bộ môn thể dục trí não này có thể làm thay đổi cách bạn tương tác với mọi người theo hướng tích cực nếu thực hành đúng cách.

Tuy nhiên, một nửa số người tham gia nghiên cứu năm 2017 nói rằng họ cảm thấy khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội sau khi thực hành thiền chuyên sâu hoặc học một khóa tu thiền. Những người khác thì cảm thấy bị ảnh hưởng xã hội đến mức tác động tiêu cực đến nghề nghiệp của họ.

Giải pháp: Nếu tinh thần của bạn sa sút và gặp tác hại của ngồi thiền khiến bạn không hòa nhập với mọi người xung quanh thì bạn nên ngừng ngay việc tập thiền lại. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang tập thiền không đúng cách. Bạn nên tìm đến huấn luyện viên yoga để được tập bài bản và hiểu kỹ những nguyên tắc khi tập thiền.

5. Tác hại của ngồi thiền làm bạn bị đau nhức

tác hại của ngồi thiền khiến bạn đau nhức người

Những người tham gia trong nghiên cứu năm 2017 cho biết họ cảm thấy những thay đổi tiêu cực về thể chất như đau nhức người, đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt…

Giải pháp: Bạn cần nhớ ngồi thiền đúng cách để cơ thể được thoải mái và không có cảm giác gồng khi hít vào. Bạn ngồi với vai thấp và thả lỏng, lưng thẳng, không nên căng các cơ và không ép sát khủy tay vào người mà hơi đưa ra. Tư thế tập thiền đúng cách sẽ giúp bạn giảm đau nhức cơ thể, hỗ trợ bạn giải tỏa căng thẳng và rèn luyện thể chất. Sau khi kết thúc thiền, bạn cần xoa bóp cơ mặt, chân, cổ, lưng, hông để giãn cơ và giúp tâm trí cân bằng.

6. Thiền khiến bạn bị suy nhược cơ thể

Một số người thường chọn cách nhịn ăn để ngồi thiền nhằm giảm cân và thanh lọc cơ thể. Khi đó, họ không ăn uống bất cứ thứ gì ngoài nước. Tuy nhiên, điều này có thể gây thiếu chất, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, thậm chí tử vong.

Giải pháp: Việc nhịn ăn khi ngồi thiền cần phải được thực hiện đúng phương pháp thì mới mang lại tác dụng ngồi thiền thanh lọc tâm trí và cơ thể. Vì vậy, bạn cần phải có chuyên viên theo sát để huấn luyện phương pháp thiền nhịn ăn. Việc ăn uống lành mạnh và sinh hoạt hợp lý để thiền phát huy hết tác dụng vẫn nên được bạn ưu tiên.

Nếu ngồi thiền đúng cách, bạn sẽ biết ngồi thiền có tác dụng gì. Ngược lại, tác hại của ngồi thiền rất dễ ảy ra nếu thực hành sai cách. Tốt nhất là bạn vẫn nên tìm đến các lớp học yoga hoặc thiền để được các chuyên viên hướng dẫn thiền đúng cách chứ không nên tự tập tại nhà.

Nếu cảm thấy không phù hợp với bài tập thiền, bạn hãy lựa chọn cho mình những bộ môn thể dục phù hợp hơn như dưỡng sinh, tập các tư thế yoga, bơi lội… Dù tập bất kể bộ môn nào, bạn cũng hãy lắng nghe cơ thể của mình để hoạt động tập thể dục luôn tốt cho sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Khóc Khi Thiền