60 Năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: Dấu ấn Sâu đậm ...

Tuyến đường có ý nghĩa chiến lược

Đường Trường Sơn (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh) xuất hiện từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy nhiên nó chỉ là những con đường mòn nhỏ hẹp, hình thức vận chuyển chủ yếu là gùi thồ đơn giản. Trong thời kỳ chống Mỹ, trước yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến miền Nam, nếu chỉ dựa vào những con đường mòn nhỏ hẹp như vậy thì không thể vận chuyển kịp thời nhân tài, vật lực cho miền Nam tiền tuyến được, cho nên việc khai thông, mở rộng hơn nữa hệ thống đường mòn Trường Sơn là một trong những việc cấp bách cần làm ngay. Tháng 5-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 khẳng định: “Đây là một việc làm lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”(1).

Trên tinh thần đó, ngày 05-5-1959, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Phòng nghiên cứu công tác chi viện quân sự miền Nam, trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, có nhiệm vụ mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam để chuyển nhân tài, vật lực từ miền Bắc phục vụ cách mạng miền Nam cũng như cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển. Tầm quan trọng của tuyến đường Trường Sơn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định, đó là: “con đường chi viện miền Nam, cho Bạn là cơ bản nhất, chủ yếu nhất, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trước mắt và lâu dài” (2).

Cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi. Tại cuộc gặp, Trung ương Đảng hai bên nhất trí mở rộng tuyến đường Trường Sơn sang phía Tây chạy trên đất Lào. Đại diện Trung ương Đảng Lào phát biểu: “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em” (3).

Được sự đồng thuận của nước bạn Lào, việc mở đường Trường Sơn ở phía Tây được triển khai một cách nhanh chóng, đặc biệt vùng Trung và Hạ Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn ki-lô-mét đường được mở ra, sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, cho chiến trường Lào và Cam-pu-chia từ đây được tiến hành một cách thuận lợi.

Từ năm 1960 đến 1964, bộ đội Trường Sơn đã chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và Cam-pu-chia hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực các loại... Nhờ sự chi viện kịp thời đó, cách mạng Lào có những bước phát triển vững chắc, liên minh chiến đấu Lào - Việt được tăng cường.

Cùng với việc vận chuyển chi viện chiến trường, các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam còn phối hợp với bộ đội Lào đánh Mỹ, giành những thắng lợi quyết định. Tháng 1-1961, quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Pa-thét Lào đã tổ chức tiến công địch ở nhiều nơi. Chiến thắng của liên quân Lào - Việt không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường, có lợi cho cách mạng Lào, mà còn tạo khả năng mới cho đấu tranh ngoại giao của Lào giành thắng lợi, đó là việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào năm 1962.

Về phía Mỹ, không cam chịu thất bại, thông qua chính quyền bù nhìn Sài Gòn và Viêng-chăn, chúng tiếp tục đánh phá đường Trường Sơn nhằm xóa bỏ tuyến đường này trên bản đồ vận tải quân sự của chính quyền cách mạng Việt Nam và Lào. Những người hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng: tuyến đường mòn là nguyên nhân chủ yếu tạo nên nguy cơ thất bại không thể tránh khỏi. Đồng thời với việc đẩy mạnh đàn áp phong trào cách mạng miền Nam, Mỹ đã đưa quân ra đánh phá miền Bắc. Ở Lào, chúng ép Chính phủ Vương quốc Lào để không quân Mỹ tự do tiến hành chiến tranh đánh phá ở phía Tây Trường Sơn.

Ngăn chặn âm mưu của Mỹ và tay sai, hơn lúc nào hết, sự đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào cần được phát huy một cách cao độ, và một chiến thắng về mặt quân sự là biện pháp tốt nhất. Trên tinh thần đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã bàn bạc và quyết định mở chiến dịch mang Mật danh 128, với mục đích “tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá vỡ âm mưu chiếm đóng cao nguyên Trung Lào của chúng, giải phóng Nậm Thơn, tạo điều kiện cho Bạn (Lào) mở rộng phạm vi hoạt động xuống đường 13, giúp Bạn (Lào) xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển của ta (Việt Nam)” (4). Trong chiến dịch này, liên quân Lào - Việt đã tiêu diệt số lượng lớn địch, giải phóng một khu vực rộng lớn thuộc cao nguyên Trung Lào, cùng tuyến biên giới Lào - Việt dài gần 700km từ đường số 8 đến đường số 12. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào.

Cùng thời gian này, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã họp và đề ra chủ trương: tìm mọi cách giúp đỡ bộ đội Trường Sơn mở đường. Theo đó, nhân dân 17 huyện thuộc 7 tỉnh của Lào nằm trên tuyến đường Trường Sơn đã tự nguyện rời bỏ làng bản, nương rẫy của mình, sơ tán vào rừng sâu, còn bộ đội, du kích thì bám trụ làng bản, bám ruộng rẫy, bảo vệ tuyến đường. Ngoài ra, bộ đội và du kích Lào còn kết hợp chặt chẽ với bộ đội Việt Nam đánh trả máy bay địch, ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm, tập kích, biệt kích của chúng vào vùng giải phóng. Những đơn vị bộ đội, dân công Việt Nam công tác, chiến đấu trên tuyến đường đều được chính quyền, nhân dân và bộ đội nước bạn giúp đỡ như anh em ruột thịt của mình. Nhiều gia đình đời sống còn rất khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc nhưng vẫn chắt chiu từng bát gạo để nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh Việt Nam.

Đáp lại tấm lòng nhiệt huyết và chân thành của nhân dân các bộ tộc Lào, các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng tích cực cùng quân giải phóng Lào anh em chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, phát triển kinh tế địa phương, góp phần làm cho đời sống của nhân dân địa phương bớt khó khăn. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau rất đỗi bình thường đó đã tạo thêm động lực và tinh thần cho bộ đội hai nước Việt - Lào nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm cho đường Trường Sơn trở thành nỗi khiếp đảm đối với kẻ thù xâm lược. Ngày 31-12-1971, Báo Le Figaro (Pháp) đăng bài viết của học giả Giắc-cơ Rơ-ma khẳng định: Điều làm cho người ta buồn phiền là đường mòn Hồ Chí Minh không thể phá hủy được... Nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỷ đô la để hòng bóp nghẹt đường mòn Hồ Chí Minh. Nó vẫn tồn tại. Nó là con rắn trăm đầu luôn mọc lại. Không phải là những cái đầu mà chính là những cánh tay của con rắn này luôn mọc lại vì không thể bị chặt đứt cùng một lúc.

Con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đường Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã không từ một âm mưu, thủ đoạn nào để chống phá. Năm 1964, phái hữu Lào thỏa thuận cho không lực Hoa Kỳ coi dải đất Trường Sơn là nơi thí nghiệm dã ngoại của chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, do đó, mỗi năm sức hủy diệt càng tăng với tốc độ nhảy vọt. Từ năm 1965 đến 1966, riêng số lượng bom Mỹ ném xuống Trường Sơn là 136.000 quả bom loại 200 bảng Anh; năm 1967 - 1968 tăng gấp 5 lần; 1968-1969 tăng gấp 15 lần(5). Trung bình mỗi năm, mỗi ki-lô-mét thuộc khu vực đường Trường Sơn phải chịu 736 quả bom các loại(6). Hàng triệu héc-ta rừng Lào với hàng triệu mét khối gỗ bị bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ phá hủy... Bom đạn của Mỹ không chỉ tàn phá con người, của cải, vật chất mà còn để lại nỗi đau tinh thần vô cùng to lớn. Hậu quả của chất độc hóa học mà Mỹ đã rải xuống núi rừng Trường Sơn đến nay vẫn để lại di chứng cho nhiều thế hệ của nhân dân hai nước Việt - Lào.

Tuy nhiên, sức mạnh của vũ khí hiện đại không thể chiến thắng được bản lĩnh và trí tuệ của bộ đội Trường Sơn, của mối quan hệ Việt - Lào. Trong khói bom, lửa đạn, quân dân hai nước Việt - Lào vẫn sát cánh bên nhau chiến đấu mở đường. Với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, đường Trường Sơn vẫn được mở rộng, kéo dài trên lãnh thổ hai nước, hình thành mạng giao thông cơ giới 3.386km, có tới 926km đường ngang, hàng trăm đường vòng tránh trọng điểm với 610km(7), góp phần quan trọng vào những thắng lợi quân sự của quân dân hai nước Việt - Lào nói riêng và ba nước Đông Dương nói chung.

Năm 1969, R. Ních-xơn lên nắm quyền tại Nhà Trắng và đề ra chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Ở Việt Nam chúng tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; ở Lào chúng đẩy mạnh chiến lược Chiến tranh đặc biệt lên mức cao hơn là “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, dùng người Lào đánh người Lào, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương. Trước tình hình đó, để tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào và Cam-pu-chia cùng đánh Mỹ và thắng Mỹ, tháng 6-1970, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã kịp thời ra Nghị quyết quan trọng. Sau khi đánh giá những thắng lợi của ba nước và chỉ rõ những thất bại của Mỹ, Nghị quyết khẳng định: “Trước tình hình mới, ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đã trở thành một chiến trường thống nhất. Nhiệm vụ mới của chúng ta là động viên, nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc nước ta, tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, làm cho lực lượng cách mạng ba nước trở thành một khối thống nhất, có một chiến lược chung, kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” (8).

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, quân dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc giúp nhân dân Lào và Cam-pu-chia đánh Mỹ. Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân Cam-pu-chia tấn công địch, giải phóng các tỉnh thuộc miền Đông Bắc. Thắng lợi của nhân dân Lào và Cam-pu-chia làm cho vùng giải phóng Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia nối liên với vùng giải phóng Tây Nguyên của Việt Nam, tạo nên một căn cứ địa hoàn chỉnh của cách mạng ba nước Đông Dương.

Từ ngày 30-1 đến 23-3-1971, liên quân Lào - Việt đã đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch. Thắng lợi này cùng với những thắng lợi khác trên chiến trường Đông Dương, đặc biệt là thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 của quân dân miền Bắc đã giáng một đòn mạnh vào Học thuyết Ních-xơn, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Hiệp định Viêng-chăn (21-2-1973) về lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.

Để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc một cách triệt để, việc mở và hoàn chỉnh tuyến đường chiến lược Trường Sơn chi viện cho những trận đánh cuối cùng của cách mạng hai nước được Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng như Đảng và Chính phủ Lào đặc biệt coi trọng. Tháng 11-1973, Hội đồng Chính phủ Việt Nam chính thức phê chuẩn thiết kế xây dựng mạng đường Trường Sơn trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Trên đất Lào, Việt Nam chủ trương cải tạo một số tuyến ngang đường 20, đường 16, khôi phục đường 9 đến Mường Phia, đường 25 từ Ka Nốt đến Xa-ra-van,... Tính đến ngày 30-4-1975, hệ thống đường Trường Sơn có 16.700km đường cho xe cơ giới, xuyên qua cả ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Lào và 4 tỉnh của Cam-pu-chia(9).

Nếu tính chung trong toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển được 1.349.000 tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó giao cho các chiến trường và cách mạng Lào, Cam-pu-chia hơn 583.000 tấn, 515 triệu mét khối xăng dầu. Riêng 4 tháng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải 559 qua đường Trường Sơn đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 23.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào từ 1973 đến 1975 được trên 108.000 tấn hàng hóa các loại(10). Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã bảo đảm cung cấp sức người, sức của phục vụ thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của nhân dân Cam-pu-chia, nhân dân Việt Nam và Lào, hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ba dân tộc Đông Dương. Đánh giá vị trí của đường Trường Sơn đối với tình đoàn kết các dân tộc Đông Dương, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Đường Trường Sơn là tiêu biểu sức đoàn kết chiến đấu của ba nước, nên mới có độ bền vững diệu kỳ... Dù cho kẻ địch dùng trăm phương ngàn kế thì đường Hồ Chí Minh vẫn phát triển không gì ngăn cản nổi... Nó trở thành một kỳ công chiến lược đóng góp vào cuộc chiến đấu của ba nước, cùng đi đến thắng lợi giải phóng dân tộc Đông Dương trong mùa Xuân 1975”.

Như vậy, trong vòng 16 năm (1959 - 1975), bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù, đường Trường Sơn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào (năm 1972 là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), Chính phủ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Lào đã đoàn kết chặt chẽ, hết lòng giúp đỡ và cùng bộ đội và nhân dân Việt Nam xây dựng, phát triển và mở rộng tuyến đường Trường Sơn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của quân và dân hai nước đã làm cho đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngày càng vươn dài tới các chiến trường. Từ con đường nhỏ bé đi trong dân với phương thức vận tải thô sơ đã nhanh chóng trở thành một tuyến vận tải cơ giới quy mô lớn xuyên dọc Trường Sơn, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, chiến trường Lào và Cam-pu-chia. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thừa nhận: “Đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành trận đồ bát quái trong rừng rậm”(11). Còn Nhà báo Pháp Van Gớt (Van Geirt) cũng nhận xét: “Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế mà còn là biểu tượng của cuộc chiến tranh Việt Nam...”(12).

Đối với mối quan hệ Việt - Lào, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đúng như lời phát biểu sâu sắc, chí tình của cố Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5-1990 tại Hội trường Ba Đình lịch sử: “... Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác Hồ, con đường đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam... Để thực hiện di huấn của Bác Hồ, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sĩ, anh hùng, với bao dòng nước mắt đau thương của những bà mẹ, người chị, bao công sức và tâm huyết của đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình đoàn kết chân thành đó mãi mãi là truyền thống quý báu của nhân dân hai nước Việt - Lào, mà không một kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi”(13)./.

-------------------------------------------

(1) Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 1999, tr. 473(2) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí Lịch sử quân sự, Số 4-1989, tr. 15(3) Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 295(4) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 539 – 540(5) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí đã dẫn, tr. 23(6) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 239(7) Vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh, Tài liệu Tổng cục Hậu cần xuất bản năm 1988(8) Một số Văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước, tập 2,Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 199(9) Đặng Phong: 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2008, tr. 119(10) Đường Hồ Chí Minh - con đường huyền thoại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 213(11), (12) Phương Việt: Đường Hồ Chí Minh - một kỳ công chiến lược, Tạp chí đã dẫn, tr. 40(13) Báo Nhân Dân, ngày 19-5-1990, tr. 2 - 3

Từ khóa » đường Trường Sơn Là Gì