63 Năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh: Viết Tiếp Trang Sử Mới

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, thì trong thời bình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chú thích ảnh
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù để xây dựng và phát triển tuyến đường, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn không chỉ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mà còn chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện vật chất. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN

Đoàn quân khởi đầu một huyền thoại

Hiệp Định Gieneve năm 1954 tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền. Miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời giữ vai trò hậu phương cho tiền tuyến miền Nam chiến đấu, giành lại chính quyền đang đặt dưới sự kiểm soát của ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra đòi hỏi bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.

Con đường mòn xuyên dãy Trường Sơn đã được sử dụng từ thời kháng chiến chống Pháp. Những chuyến xe thồ, những gùi lương thực, đạn dược đã theo con đường nhỏ hẹp này tỏa ra các mặt trận từ Bắc đến Nam, tuy nhiên không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh.

Trước tình hình mới, ngày 19/5/1959 - trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ Chính trị T.Ư Đảng quyết định thành lập “Đoàn công tác đặc biệt”, biên chế bước đầu là 500 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia.

Ra đời tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đây, đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh”, bắt đầu đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân-dân Việt Nam.

Con đường của ý chí và tình đoàn kết hữu nghị

Đoàn 559 có nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân. Với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa, đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng. Sau 3 tháng mở đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn được chính thức bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.

Chú thích ảnh
Phân đội Thanh niên xung phong 39 mở đường Trường Sơn. Ảnh: Vương Khánh Hồng/TTXVN

Cũng từ đó, đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận tải chiến lược không thể chia cắt của quân đội ta. Ban đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12/1961, xe cơ giới bắt đầu được đưa vào phục vụ và tăng lên nhanh chóng. Về sau, ta còn lợi dụng dòng chảy của các con sông để vận chuyển hàng hóa, bằng cách thả trôi từ đầu nguồn, rồi dựng rào, lưới ở cuối nguồn để thu về.

Với khẩu hiệu "Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi", trong 16 năm (1959-1975), những chiến sỹ bộ đội Trường Sơn đã không ngừng củng cố, mở rộng con đường, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thành “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Khi cuộc chiến kết thúc, tuyến chi viện chiến lượng này (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước, với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000 km tỏa ra các chiến trường cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên một hệ thống liên hoàn bền vững. Nhân dân các dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia trên tuyến đường hành lang đi qua đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà, góp phần xây dựng, bảo vệ con đường trong suốt những năm chiến tranh. Trong gần 6.000 ngày đêm, đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn một triệu tấn hàng hóa vũ khí, hơn hai triệu lượt người cho các chiến trường, góp phần quyết định thực hiện thành công chiến lược: giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với ta, đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông có ý nghĩa sống còn, là mạch máu nối liền hai miền Nam-Bắc.

Từ khóa » đường Trường Sơn Việt Nam