7 Cách Giúp Học Sinh Tự Tin Hơn Trong Lớp Học - Táo Giáo Dục

Học sinh của bạn có tự tin trong lớp học không? Làm thế nào để học sinh tự tin tham gia nhiều hơn, nói nhiều hơn, có thể vẫn mắc sai lầm nhưng cảm thấy tự tin rằng họ có thể giao tiếp hiệu quả – họ có thể nói những gì họ muốn nói. Tất cả đều có liên quan đến thái độ và sự tự tin của người học.

Tại sao sự tự tin của học sinh lại quan trọng?

Điều quan trọng là học sinh cảm thấy tự tin vì nếu không học sinh sẽ không có khả năng giao tiếp cũng như biểu đạt những gì mình muốn nói. Học sinh thiếu tự tin thường hay kêu ca, phàn nàn hoặc nói những điều như, “con không thể làm được”; “con không biết làm thế nào”; “con sẽ không làm điều đó”. Nếu bạn cảm thấy sự tự tin học sinh là điều quan trọng, hãy cố gắng để tạo dựng nó.

Hãy thử áp dụng 7 chiến thuật dưới đây để tăng sự tự tin cho học sinh.

  1. Không sửa lỗi của học sinh quá nhiều

Điều quan trọng là sửa chữa những sai lầm của học sinh, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sửa mọi từ mà một học sinh nói? Khi học sinh mắc quá nhiều lỗi sai, và giáo viên lại cứ chăm chăm vào những lỗi đó thì sự tự tin chắc chắn sẽ không còn. Hãy chỉ sửa lỗi sai khi thực sự cần thiết theo mục đích nào đó, nhưng không làm gián đoạn hoặc sửa đổi quá nhiều những gì học sinh đang trình bày.

  1. Khen ngợi

Vấn đề tiếp theo là giáo viên quên khen học sinh những gì họ đã làm rất tốt. Sau khi tham gia một hoạt động đóng vai, hãy khen ngợi học sinh một điều gì đó, ví dụ: “Công việc tốt! Con đã nhớ sử dụng tất cả các từ khóa vừa học” hoặc “cách diễn đạt của con rất học thuật” Và sau đó có thể bổ sung những gì học sinh cần làm thêm, ví dụ như: “Nhưng con thiếu một vài sự kiện đã học từ tuần trước. con có thể bổ sung ý này trong các bài viết hoặc bài kiểm tra?. Mặc dù giáo viên đang nói với học sinh những gì họ đã làm sai nhưng học sinh sẽ đón nhận thông điệp một cách tích cực hơn.

  1. Ứng dụng, liên hệ thực tiễn

Chúng ta nên cố gắng giảng dạy và liên hệ với thực tiễn cho phép học sinh có thể dựa vào những nền tảng kiến thức mà chúng đã biết. Nếu các kiến thức đứng biệt lập và quá hàn lâm sẽ khiến học sinh khó nắm bắt, làm chủ và thể hiện nó. Nếu muốn học sinh tự tin hơn, thể hiện nhiều hơn hãy chọn những chủ đề gần gũi như, mua sắm, ăn uống, trò chơi,…  sau đó yêu cầu học sinh diễn đạt lại một cách học thuật dưới góc độ các kiến thức vừa học.

  1. Cho học sinh cơ hội để thành công

Trong lớp học, học sinh gặp rất nhiều khó khăn – không hiểu, không tập trung, không thể nhắc lại được các nội dung kiến thức. Đó là lý do tại sao cần tập trung từ điểm yếu của học sinh (thiếu kỹ năng, ngôn ngữ hạn chế) và phút huy các thế mạnh của họ. Tôi luôn phải dạy tiếng Anh cho các học sinh chuyên sử. Tôi nói với học sinh, tôi là giáo viên tiếng Anh, tôi không hiểu gì về lịch sử, hãy dạy tôi về điều đó. Hoạt động này đã tăng cường sự tự tin của học sinh một cách đáng kinh ngạc. Học sinh biết cái mà giáo viên không biết, học sinh sẽ làm một công việc tuyệt vời là giải thích cho giáo viên. Học sinh nhỏ tuổi có thể nói về những nơi bạn chưa từng đến hoặc những điều bạn chưa bao giờ làm…

  1. Sử dụng hình ảnh

Hình ảnh quảng cáo, poster, áp phích hoặc các tranh cổ động sẽ giúp học sinh có cơ sở để tiếp nhận và thể hiện sự hiểu biết. Nếu học sinh phải kể một câu chuyện cho lớp học, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu họ có những hình ảnh mang theo. Nếu học sinh cần đưa ra một chủ đề thuyết trình, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu họ có một hình ảnh để dựa vào.

  1. Làm cho việc học tập trở nên có định hướng

Tôi không thể nói hết được tầm quan trọng của việc học theo những mục tiêu cụ thể. Nếu bạn đặt mục tiêu rõ ràng với lớp học của mình, vào đầu năm học và ngay cả khi bắt đầu mỗi lớp học, học sinh sẽ có cảm giác tốt hơn, tự tin hơn về những gì họ đã hoàn thành. Giả sử bạn bắt đầu lớp học bằng cách nói cho học sinh biết: “Hôm nay chúng ta sẽ học về 3 nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới II”. Kết thúc giờ học, giáo viên có thể nói “Bây giờ chắc chắn các con đã sẵn sàng để nói cho bất cứ ai về nguyên nhân của cuộc chiến tranh”.

  1. Hình thành và duy trì các thói quen từ ngày đầu tiên

Làm cho học sinh của bạn cảm thấy tự tin không khó khăn như bạn nghĩ. Dạy cho học sinh các mẫu câu, cụm từ quan trọng mà học sinh sẽ phải sử dụng nhiều lần (Con cho rằng/ Theo ý kiến cá nhân con/ Có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng,…  Nếu học sinh liên tục lặp lại những cụm từ này thì họ sẽ sớm trở thành một thói quen và học sinh sẽ nói một cách hết sức tự nhiên. Tạo thói quen bằng cách yêu cầu học sinh lặp lại mỗi ngày / tuần. Và tiếp tục thêm những cách diễn đạt mới hoặc mở rộng phạm vi cũng như đối tượng giao tiếp.

Khi học sinh cảm thấy tự tin nghĩa là học sinh đang hạnh phúc

Những học sinh tự tin cảm thấy mình có thể hoàn thành những nhiệm vụ học tập và hơn thế nữa, học sinh biết cách ứng dụng những gì đã học vào thực tế cuộc sống.

Trong quá trình dạy học, thầy cô có những cách làm nào để giúp học sinh tự tin hơn khi nói và giao tiếp? Nếu thầy cô có những cách làm khác, hãy chia sẻ cùng chúng tôi!

Tác giả: CLAUDIA PESCE

Nguyễn Hữu Long dịch

Từ khóa » Giải Pháp để Tăng Cường Sự Tự Tin