7 Loại Tổn Thương Mắt Thường Gặp Và Cách điều Trị - All About Vision
Có thể bạn quan tâm
Bởi Burt Dubow, OD
Một số tổn thương mắt, chẳng hạn vết rách sâu hoặc chảy máu trong mắt, đòi hỏi phải được điều trị hoặc phẫu thuật ngay để phòng ngừa tổn thương mắt vĩnh viễn dẫn đến mất thị lực. Nếu bạn lo lắng rằng bạn đã bị tổn thương mắt, hãy thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt gần nơi bạn ở.
Nhưng các tổn thương khác — chẳng hạn vết xước nhẹ trên bề mặt mắt — thường chỉ đòi hỏi theo dõi sau lần thăm khám ban đầu với chuyên gia chăm sóc mắt để đảm bảo các biến chứng như nhiễm trùng mắt không xảy ra.
Dưới đây là một số gợi ý hữu ích về những việc phải làm nếu bị các tổn thương mắt thường gặp.
Mắt bị xước (trầy xước giác mạc)
Trầy xước giác mạc là vết xước trên mặt trước trong của mắt. Nguyên nhân bao gồm bị chọc vào mắt hoặc dụi mắt khi có dị vật, chẳng hạn bụi hoặc cát. Trầy xước giác mạc rất không dễ chịu và gây ra đỏ mắt và nhạy cảm nghiêm trọng với ánh sáng.
Nếu bạn biết vật gì đã làm xước mắt của mình, điều quan trọng là thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt hoặc đến phòng cấp cứu hoặc A&E để được điều trị tổn thương mắt ngay lập tức.
Các vết xước cũng có thể làm cho mắt của bạn dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm. Một số loại vi khuẩn và nấm có thể thâm nhập vào mắt qua vết trầy xước giác mạc và gây ra những tổn hại nghiêm trọng trong chưa đầy 24 giờ. Thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Điều này đặc biệt đúng nếu vật làm xước mắt bạn bẩn hoặc nhiễm bẩn. Ví dụ, trầy xước giác mạc do móng tay em bé hoặc cành cây có thể gây ra nhiễm trùng mắt nghiêm trọng.
Nếu mắt bạn bị trầy xước, không được dụi mắt. Và cũng không được dán mắt. Các vi khuẩn thích những nơi tối, ấm để phát triển, và miếng dán có thể tạo ra môi trường lý tưởng. Đơn giản là nhắm mắt lại hoặc dùng băng dính dán hờ một chiếc cốc giấy hoặc miếng che mắt lên đó. Đến thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt của bạn sớm nhất có thể để kiểm tra loại tổn thương mắt này.
Dị vật hoặc vật đâm xuyên trong mắt
Nếu một dị vật như mảnh kim loại hoặc móc câu đâm xuyên vào mắt bạn, hãy đến thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt hoặc đến cơ sở y tế A&E ngay lập tức. Bạn thậm chí có thể làm cho mắt tổn thương thêm nếu cố gắng tự lấy dị vật đó ra hoặc nếu bạn dụi mắt.
Nếu có thể, hãy lấy băng dính để dán hờ một chiếc cốc giấy hoặc miếng che mắt lên mắt để bảo vệ; sau đó yêu cầu giúp đỡ.
Mắt bạn cũng có thể có dị vật trên giác mạc, đây là những mẩu nhỏ, sắc (thường là kim loại) dính chặt trên bề mặt mắt (giác mạc), nhưng không đâm xuyên vào phần trong của mắt.
Dị vật là kim loại có thể nhanh chóng hình thành một vòng gỉ và một vết sẹo đáng kể. Bác sĩ (GP) của bạn phải loại bỏ những dị vật này sớm nhất có thể.
Tổn thương mắt do hóa chất
Thật đáng sợ khi vô tình bị vẩy hoặc xịt vào mắt những chất không phải nước sạch, vô hại. Một số chất gây bỏng rát hoặc đau nhói nhưng khá là vô hại trong dài hạn, nhưng những chất khác có thể gây tổn thương nghiêm trọng. Thành phần cơ bản của hóa chất có thể tạo ra rất nhiều sự khác biệt, chẳng hạn:
Axit. Theo quy luật chung, axit có thể đây mẩn đỏ và bỏng rát đáng kể nhưng bạn có thể rửa trôi khá dễ dàng.
Chất kiềm. Các chất hoặc hóa chất có tính bazơ (chất kiềm) sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nhưng có thể dường như không phải vậy bởi chúng không gây đau mắt hoặc đỏ mắt ngay lập tức nhiều như axit. Một số chất có tính kiềm như chất làm sạch lò vi sóng, chất làm sạch bồn cầu và thậm chí là bụi phấn.
Tiếp xúc và bỏng hóa chất thường do bị vẩy dung dịch vào trong mắt. Nhưng cũng có thể đến từ nguyên nhân khác, chẳng hạn do dụi mắt và truyền hóa chất từ tay sang mắt hoặc bị thuốc xịt tóc hoặc các sol khí khác xịt vào mắt.
Nếu bạn bị vẩy vào mắt, hãy đưa đầu vào dòng nước máy hơi ấm, chảy liên tục trong khoảng 15 phút. Chỉ cần để nước chảy vào mắt và xuống mặt.
Sau đó thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt hoặc đến khoa A&E để xem họ có khuyến nghị chăm sóc thêm gì không cho tổn thương mắt của bạn. Hãy cho người nói chuyện qua điện thoại biết chính xác loại chất đã thâm nhập vào mắt bạn và bạn đã làm gì đến thời điểm đó.
Nếu bạn biết mắt bạn gặp rủi ro bởi vì mắt đỏ hoặc mờ bất thường, khi đó, hãy đến ngay chuyên gia chăm sóc mắt hoặc khoa A&E sau khi bạn đã xả nước vào mắt. Bạn có thể chườm lạnh, ẩm hoặc để túi đá lạnh lên mắt, nhưng không được dụi mắt.
Tùy thuộc vào chất thâm nhập vào mắt bạn, ảnh hưởng của phơi nhiễm hóa chất gây tổn thương mắt có thể từ kích ứng nhẹ và đỏ mắt đến tổn thương mắt nghiêm trọng và thậm chí mù lòa.
Sưng mắt
Sưng mắt và mí mắt sưng, húp lên có thể do bất kỳ vật di chuyển nhanh nào đập vào mắt gây ra.
Liệu pháp trước mắt tốt nhất đối với loại tổn thương mắt này là chườm túi đá lạnh.
Bạn có thể bị thâm mắt đơn giản (thâm quanh mắt), nhưng bạn nên thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt để đảm bảo không có tổn thương bên trong.
Xuất huyết dưới kết mạc (chảy máu mắt)
Tổn thương mắt này thường trông có vẻ nặng hơn thực tế. Xuất huyết dưới kết mạc là rò rỉ máu từ một hoặc nhiều chỗ vỡ trong mạch máu nằm giữa phần trắng của mắt (củng mạc) và lớp phủ trong suốt (kết mạc).
Xuất huyết dưới kết mạc khá phổ biến và có thể xảy ra do một tổn thương mắt, thậm chí đó là tổn thương nhỏ. Xuất huyết dưới kết mạc có thể chỉ xảy ra ở một khu vực nhỏ của mắt hoặc có thể lan ra toàn bộ mắt, khiến cho củng mạc màu trắng trông có màu đỏ tươi.
Xuất huyết dưới kết mạc không đau và không gây mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn. Không cần điều trị. Trong thời gian vài tuần, máu sẽ sạch và mắt sẽ trở lại hình thức bình thường.
Viêm mống mắt do chấn thương
Viêm mống mắt do chấn thương là tình trạng viêm phần có màu của mắt, xảy ra sau khi mắt bị chấn thương. Viêm mống mắt do chấn thương có thể do một cú chọc vào mắt hoặc một cú đập từ một vật cùn, chẳng hạn như bàn tay hoặc quả bóng, vào mắt.
Viêm mống mắt do chấn thương thường cần phải được điều trị. Ngay cả được điều trị y khoa thì vẫn có nguy cơ giảm thị lực vĩnh viễn.
Xuất huyết tiền phòng và gãy bung thành hốc mắt
Xuất huyết tiền phòng là tình trạng chảy máu ở tiền phòng của mắt, đây là không gian giữa giác mạc và mống mắt.
Gãy bung thành hốc mắt là những vết nứt hoặc gãy ở xương mặt quanh mắt.
Xuất huyết tiền phòng và gãy bung thành hốc mắt là những tổn thương mắt nghiêm trọng và cần cấp cứu y tế. Nguyên nhân là do chấn thương từ lực mạnh của vật cùn vào mắt và mặt.
Các bước chăm sóc tổn thương mắt
Nếu bạn bị bất kỳ tổn thương mắt nào, hãy liên hệ với chuyên gia chăm sóc mắt ngay hoặc đến khoa A&E ngay lập tức để được tư vấn.
Khi bạn được chăm sóc chuyên môn, đảm bảo cho họ biết nếu bạn có đeo kính áp tròng, để họ tư vấn có phải bỏ kính ra hay không.
Tùy thuộc vào loại tổn thương mắt của bạn, họ có thể muốn bạn rửa mắt bằng nước hoặc dung dịch muối. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần phẫu thuật.
Điều trị tất cả các tổn thương mắt như thể là trường hợp cấp cứu tiềm tàng, và đừng bao giờ ngần ngại liên hệ với hoặc thăm khám với chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức. Không được đánh cược với thị lực của bạn. Hãy nhớ, bạn chỉ có một đôi mắt.
LO LẮNG BẠN BỊ TỔN THƯƠNG MẮT? Hãy tìm chuyên gia chăm sóc mắt gần chỗ bạn ở.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021
Từ khóa » đá Bắn Vào Mắt
-
Những Lưu ý Khi Xử Trí Chấn Thương Mắt Tại Nhà
-
Một Số Chấn Thương Mắt Thường Gặp - Sở Y Tế Nam Định
-
Lưu ý Khi Xử Trí Chấn Thương Mắt Tại Nhà - Vinmec
-
Xử Trí Các Tổn Thương Mắt đúng Cách - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Chấn Thương Mắt, Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa
-
Chấn Thương Mắt Xảy Ra Khi Nào Và Làm Thế Nào để Xử Lý? • Hello Bacsi
-
Xử Trí Chấn Thương Mắt Tại Nhà - Tuổi Trẻ Online
-
Chấn Thương Mắt Do Tai Nạn Lao động - Bệnh Viện Mắt Bình Định
-
XỬ TRÍ MỘT SỐ TAI NẠN MẮT Ở NHÀ - Bệnh Viện Đà Nẵng
-
Top 15 đá Bắn Vào Mắt
-
Xử Lý Khi Bị Dị Vật Vào Mắt - BỆNH VIỆN QUỐC TẾ MINH ANH
-
Xử Trí Chấn Thương Mắt Thường Gặp - VnExpress Sức Khỏe
-
Cách Giải Quyết Khi Vôi Tôi Bắn Vào Mắt Bạn Nên Biết