7 MÔN NGHỆ THUẬT VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM TRÁI NGƯỢC

Nghệ thuật thứ 7 thì ai ai cũng biết đó là điện ảnh, nhưng còn 6 môn nghệ thuật đứng trước điện ảnh là gì? Câu hỏi nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng nếu bạn cất công đi tìm hiểu, bạn sẽ thấy bất ngờ vì nó quá nhiều các quan điểm cũng như thứ tự sắp xếp khác nhau, thậm chí là rất khác biệt. Nếu để mang đề tài “Danh sách chính xác về 7 môn nghệ thuật” thì có lẽ chỉ có 2 vị trí được định hình chính xác nhất đó chính là Văn học và Điện ảnh, nằm ở vị trí đầu tiên và vị trí cuối cùng của danh sách.

7 môn nghệ thuật và những quan điểm khác biệt

Có rất nhiều những công trình nghiên cứu của những tên tuổi lớn ở trong nước, cũng như trên thế giới đã được công bố, với chủ đề xoay quanh quan điểm về danh sách 7 loại hình nghệ thuật. Nhưng kết quả đang trở thành vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, thậm chí nếu bạn là một sinh viên chuyên ngành Đạo diễn hay bạn đang làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật cũng không thể xác định một cách chính xác nó bao gồm là những môn nghệ thuật nào, tên gọi chính xác là gì? Để làm rõ hơn vấn đề, kyxaodienanh.com xin giới thiệu đến các bạn, những luận điểm dựa trên các nghiên cứu của giới chuyên môn nhìn nhận về 7 loại hình nghệ thuật cũng như cách sắp xếp nhé.

7 môn nghệ thuật và công trình nghiên cứu trong nước

Trong công trình nghiên cứu của 3 Tác giả Nguyễn mạnh Lân và Trần Duy Hinh và Trần Trung Nhàn với tựa đề “ Văn học dân gian và Nghệ thuật tạo hình điện ảnh” do NXB Văn học xuất bản năm 2002. Những học giả này đã phân chia 7 môn nghệ thuật theo danh sách thứ tự như sau: Văn Học, Múa, Âm nhạc, Hội họa, Kiến trúc, Sân khấu và cuối cùng là Điện ảnh.

Nhưng trong cuốn “Điện ảnh – Nghệ thuật thứ 7” Do tác giả Cao Thụy biên soạn và được phát hành bởi NXB Trẻ (2004), thì nội dung của các môn nghệ thuật lại được hệ thống theo một quan điểm khác. Danh sách về những môn nghệ thuật đứng trước Điện ảnh là: Văn học, Kiến trúc. Nghệ thuật tạo hình, Sân khấu, Múa, Âm nhạc..

Vậy là so với nội dung của công trình nghiên cứu của 3 tác giả trên thì hai môn nghệ thuật là Hội họa và Kiến trúc đã được gom lại thành Nghệ thuật tạo hình.

Quan điểm về 7 môn nghệ thuật và những nghiên cứu của học giả quốc tế

Nếu như những nghiên cứu trong nước có những độ chênh nhất định, thì những nghiên cứu của các học giả Quốc Tế cũng không đi đến được một thể thống nhất, mỗi nhà nghiên cứu có quan điểm và cái nhìn khác nhau và có xu hướng tách biệt thành hai nhóm nghệ thuật Tĩnh và Động, để nói về 6 môn nghệ thuật.

Trong cuốn sách “ Phân loại nghệ thuật” NXB Leningrad (1972), Nhà Mỹ học người Nga M.Kagan đã kể rằng, chính nhà nghiên cứu nghệ thuật người Đức Max Dessoir đã phát hiện ra vào thời hậu Aristote (Nhà triết học lừng danh thời Hi lạp cổ đại) người ta đã định hình được 6 loại hình nghệ thuật khác nhau và căn cứ vào tính chất của từng loại hình mà chia chúng thánh 2 nhóm Tĩnh và Động

  • Nhóm nghệ thuật tĩnh gồm các loại hình nghệ thuật như: Kiến trúc, Điêu khắc, Hội họa
  • Nhóm nghệ thuật động gồm: Âm nhạc, Thơ và Múa

Ricciotto Canudo - Cha đẻ của cụm từ "Nghệ thuật thứ 7"

Ricciotto Canudo (1879 – 1923) Nhà văn, Nhà thơ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật người Pháp gốc Ý, được xem là người tiên phong đặt nền móng cho lý luận Điện ảnh, Ông được biết đến với công trình nghiên cứu mang tựa đề “ Tuyên ngôn của bảy Nghệ thuật”. Trong nội dung của nghiên cứu này Canudo đã chia thành 2 môn nghệ thuật chính là Kiến Trúc và Âm Nhạc và mỗi môn sẽ kèm theo những môn nghệ thuật phụ trợ theo cách diễn giải như sau:

Kiến trúc

  • Điêu khắc
  • Hội họa

Nhóm 1 bao gồm 3 tính chất: Nghệ thuật không gian, Nghệ thuật tĩnh và Nghệ thuật tạo hình

Âm Nhạc

  • Thơ
  • Múa

Nhóm 2 bao gồm 3 tính chất: Nghệ thuật thời gian, Nghệ thuật động và Nghệ thuật tiết tấu

Và chính Canudo là người đầu tiên dùng cụm từ “ Nghệ thuật thứ 7” để viết về điện ảnh, trong quá trình nghiên cứu về tính chất và mối quan hệ của các loại hình nghệ thuật. Dù ban đầu ông dùng nghệ thuật thứ 6 để chỉ điện ảnh khi ông loại bỏ “Thơ” ra khỏi danh sách, nhưng trong cuốn “ Tuyên Ngôn của 7 nghệ thuật” Canudo đã mang ” Thơ” trở lại và danh xưng nghệ thuật thứ 7 dành cho điện ảnh chính thức có từ năm 1923 và Nghệ thuật thứ 7 dành cho Điện ảnh luôn là một danh xưng xứng đáng bởi điện ảnh là loại hình nghệ thuật duy nhất có thể tổng hợp tính chất của 6 môn nghệ thuật trên một cách hoàn hảo nhất.

Vậy một bản danh sách chính xác 6 loại hình nghệ thuật đứng trước Điện ảnh sẽ bao gồm những loại hình nghệ thuật nào? vẫn đang là một câu hỏi có đáp án mang tính tương đối. Chính vì thế, nếu giáo án xuôi theo dòng chảy của từng luận điểm, cũng đã tạo nên những quan điểm hết sức khác biệt về tên gọi và cách nhìn nhận về 6 loại hình nghệ thuật đứng trước điện ảnh, phải chăng trong tương lai sẽ có câu trả lời cho một đáp án đồng nhất từ giới Học giả.

Hoang Tuan Minh

Từ khóa » Thứ Tự 7 Môn Nghệ Thuật