7 Tác Hại Của Việc ép Trẻ Học Quá Nhiều Và Lời Khuyên Cho Cha Mẹ
Hiện nay có rất nhiều bậc cha mẹ đang bắt ép trẻ học quá nhiều với mong muốn con học tốt và có tương lai sáng lạn. Tuy nhiên, điều này vô tình lại khiến trẻ phải chịu nhiều áp lực. Nắm rõ được những tác hại khôn lường của việc ép con học quá nhiều sẽ giúp cha mẹ sớm nhìn lại cách nuôi dạy con cái để giúp trẻ phát triển lành mạnh.
Thực trạng cha mẹ ép trẻ học quá nhiều hiện nay
Ngày nay, hầu hết mỗi gia đình chỉ có từ khoảng 1 đến 2 con. Do đó, sự kỳ vọng và mong đợi vào con cái lại càng gia tăng hơn. Bất kì bậc phụ huynh nào cũng mong rằng con mình có thể thông minh, học giỏi và đạt được những thành công trong học tập, cuộc sống. Chính vì thế, mà ngay khi còn bé, trẻ đã phải bắt đầu đi học và chịu nhiều áp lực đến từ việc học tập.
Dù là những trẻ mới bước chân vào cấp 1 hay những em học sinh cấp trung học thì các việc học tập cũng để lại áp lực như nhau. Các em đều phải học tập kín hết quỹ thời gia trong ngày, trong tuần và dường như không thể tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài. Có thể thấy, ngày nay các bậc phụ huynh dù ở bất kì đâu cũng luôn có xu hướng nhắc nhở con cái phải học tập, phải siêng năng và thành tài.
Ngoài thời gian trẻ học tập chính tại trường thì nhiều em sau khi tan học chỉ kịp ăn vội một món gì đó và tiếp tục tham gia các lớp học thêm, học năng khiếu hoặc là phải vùi đầu vào việc ôn luyện bài vở, hoàn thành các bài tập về nhà. Nhiều em chia sẻ rằng, trong hầu hết thời gian trong ngày, ngoài việc ăn và học thì trẻ dường như không còn giây phút nào để thư giãn hoặc vui chơi theo đúng lứa tuổi của mình.
Hiện nay, tuy ngành giáo dục đã nghiêm cấm việc dạy thêm để giúp trẻ giảm bớt các áp lực học tập và phòng tránh tình trạng phân biệt đối xử, chèn ép học sinh trong học tập. Tuy nhiên, cấm thì vẫn cấm nhưng việc dạy thì vẫn dạy. Cho dù, mức xử phạt về vấn đề này đã được đề ra rất cụ thể và xử lý khá nặng nhưng việc áp dụng, thực thi lại không đạt hiệu quả như mong đợi. Cũng bởi, quan điểm học thêm đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người nên việc thay đổi gặp nhiều khó khăn và hiện vẫn chưa kiểm soát tốt.
Theo một khảo sát tại trường THCS ở Hà Nội, một em học sinh lớp 7 đã chia sẻ rằng: “Em phải học chính khoá từ thứ 2 đến hết thứ 7, buổi tối các ngày em phải học thêm toán-văn-anh 2 tiếng mỗi ngày đến 9h tối mới xong, sau đó em phải làm bài tập về nhà nên hâu như ngày nào em cũng phải 11h rưỡi mới được lên giường đi ngủ”. Khi được hỏi rằng vào những ngày cuối tuần em có được vui chơi, thư giãn hoặc tham gia vào các hoạt động mà mình yêu thích không thì em tiếp tục chia sẻ “Chủ nhật tuần nào cũng vậy, thi thoảng em mới được sang nhà ông bà chơi nửa buổi, còn nếu bố mẹ bận công việc thì em phải ở nhà ôn bài và làm bài tập về nhà. Nếu không hoàn thành bài tập em sẽ bị điểm kém và bị cô giáo phê bình”.
Qua đó có thể thấy rằng, hiện nay học sinh phải đối mặt với rất nhiều các áp lực học tập, thời gian học của trẻ đôi khi còn bận rộn hơn là những người trưởng thành. Thông thường, những người đi làm văn phòng chỉ mất 8 tiếng ở cơ quan, sau đó họ sẽ được thoải mái thư giãn, tụ họp bạn bè, thậm chí vào những dịp cuối tuần còn có nhiều thời gian rảnh để nghỉ ngơi, du lịch. Trong khi đó, các em học sinh lại phải học tập một cách quá mức, từ sáng sớm cho đến tối muộn trẻ chỉ loay hoay với việc học tập, ăn uống mà không có phút nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.
Việc sẽ phải liên tục học quá nhiều thường xuất phát do áp lực đến từ cha mẹ và cả phía nhà trường. Cho dù đây là sự vô tình hay cố ý thì trẻ vẫn cảm thấy vô cùng căng thẳng, mệt mỏi khi phải học tập quá sức. Không những thế, hiện nay chương trình giáo dục của trẻ nhỏ cũng có quá nhiều kiến thức, đôi lúc trẻ phải học cả những thứ “để quên” nên gánh nặng học tập ngày càng gia tăng.
Nếu thời gian học tập của trẻ không được sớm thay đổi và điều chỉnh phù hợp sẽ gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, kết quả học tập và cả đời sống sinh hoạt của trẻ. Trẻ em chỉ có thể phát triển toàn diện khi được học tập, vui chơi, thư giãn phù hợp. Học hành tuy là điều cần thiết và quan trọng nhưng nó không phải là tất cả, trẻ cần phải được cân bằng về cả thể chất, tinh thần mới có thể phát triển tốt.
7 Tác hại khôn lường của việc cha mẹ ép trẻ học quá nhiều
Như đã chia sẻ ở trên, hiện nay học sinh phải học tập quá nhiều, nhiều em còn không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi đúng với lứa tuổi của mình do các áp lực đến từ học tập. Lịch học dày đặc khiến cho nhiều em rơi vào trạng thái stress và gây nên hàng loạt các tác hại nghiêm trọng khác.
Học tập là điều cần thiết và là yếu tố góp phần quan trọng đối với sự thành công trong tương lai của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc học chỉ đạt hiệu quả tốt nếu nó được sắp xếp và phân bố hợp lý. Vì thế, cha mẹ cần phải chú ý nhiều hơn đến thời gian học tập của trẻ nhỏ, tránh việc ép trẻ phải học liên tục, học quá nhiều.
Theo các nghiên cứu và khảo sát trên thực tế, các chuyên gia đã nhận thấy tình trạng trẻ học quá nhiều có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng như sau:
1. Suy giảm sức khỏe
Khi trẻ dành quá nhiều thời gian để học tập, không hoạt động thể chất sẽ dễ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Nhiều trẻ do căng thẳng quá mức gây tác động xấu đến hoạt động của các cơ quan bên trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Trẻ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, thiếu sức sống, mất tập trung.
Đồng thời, những trẻ chỉ chú tâm vào việc học mà quên đi tầm quan trọng của các hoạt động thể chất, thư giãn lành mạnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng về sức đề kháng. Về lâu dài trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về cơ, chậm phát triển về mặt thể chất. Nếu không được khắc phục tốt sẽ khiến trẻ nhỏ đối mặt với nhiều nguy cơ bị bệnh truyền nhiễm do cơ thể không có sức đề kháng, hệ miễn dịch cũng suy yếu.
2. Gia tăng khả năng bị các tật khúc xạ
Đây có lẽ là tác hại thường gặp nhất của những trẻ phải học quá nhiều. Khi dành hầu hết thời gian cho việc học, trẻ phải liên tục hoạt động về mắt nên rất dễ mắc phải các vấn đề như cận thị, loạn thị,…Theo chia sẻ của các chuyên gia, khi mắt điều tiết liên tục với cường độ cao sẽ làm cho thị lực dần bị suy giảm, gây nên hàng loạt các vấn đề sức khỏe liên quan đến mắt.
Đặc biệt hơn, ngày nay học sinh, sinh viên thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, các thông tin học tập cũng được lưu trữ và truyền tải qua nhiều trang mạng. Chính vì thế mà tỉ lệ trẻ em bị cận thị, loạn thị hiện nay lại càng tăng cao đáng kể. Có những trẻ ngay từ cấp tiểu học đã phải sử dụng kính để hỗ trợ cho việc học tập.
Theo số liệu thống kê nhận thấy, có đến khoảng từ 15 đến 45% các trường hợp học sinh, sinh viên bị cận thị. Trong đó hầu hết các em đều chia sẻ rằng bản thân phải học tập trong nhiều giờ liền khiến mắt mờ đi theo thời gian. Khi thị lực bị yếu đi cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và cả sức khỏe của trẻ.
3. Rối loạn tâm thần do học quá nhiều
Trong kết quả của một nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho thấy rằng, việc trẻ học tập quá nhiều chính là một trong các nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên tại nước ta gặp phải các rối loạn về sức khỏe tinh thần. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận thấy tình trạng trẻ em bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc vì học tập quá nhiều đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ.
Điều này cũng rất dễ hiểu bởi từ sáng sớm khi vừa thức dậy trẻ đã phải bận rộn chuẩn bị cho việc đến trường. Sau khi kết thúc thời gian học tập tại trường thì tiếp đó là đến các lớp học tại trung tâm, cùng với gia sư. Đặc biệt hơn là đối với những học sinh cuối cấp thì việc học lại càng mệt mỏi hơn. Các em phải liên tục đối diện với những căng thẳng, áp lực, cảm xúc bị dồn nén dữ dội.
Một điều đáng buồn đó chính là hầu hết các trường hợp gọi đến tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em đều là những cuộc gọi chia sẻ về những nỗi sợ hãi, ám ảnh về học tập. Theo các chuyên gia chia sẻ rằng, khi trẻ bị bắt ép học quá nhiều sẽ khiến cho con luôn rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, dồn nén cảm xúc, lâu ngày dễ phát sinh nên chứng trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần khác.
Trầm cảm có thể khiến nhiều trẻ cảm thấy bế tắc, mất dần hứng thú với các hoạt động xảy ra xung quanh, giảm sự tập trung, suy giảm trí nhớ. Thậm chí nhiều trường hợp còn có xu hướng sống tách biệt, thu mình, thực hiện các hành vi tự làm tổn thương bản thân và có ý định tự sát. Vì thế, trầm cảm do áp lực học tập cần phải được sớm nhận biết và can thiệp kịp thời để phòng tránh được các hậu quả nghiêm trọng.
4. Gây tác hại xấu đến chất lượng giấc ngủ
Theo một số nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy, khi trẻ học quá nhiều hoặc chịu nhiều áp lực từ việc học tập sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về giấc ngủ, phổ biến nhất là mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên mơ gặp ác mộng,… Như đã chia sẻ ở trên, hiện nay có rất nhiều các trường hợp trẻ nhỏ do phải học tập liên tục nên không được đảm bảo giấc ngủ tốt. Lịch trình học tập của trẻ đôi khi còn bận rộn và phức tạp hơn so với công việc của người trưởng thành.
Trong thực tế nhận thấy, trẻ em phải học từ sáng sớm, nhiều trường còn phải học cả 2 buổi sáng và chiều. Sau đó trẻ phải tiếp tục học tại các lớp học thêm, học cùng gia sư. Sau khi về nhà lại phải hoàn thành các bài tập được giao. Cuối tuần cũng không phải là thời gian nghỉ ngơi mà cũng chính là lúc để trẻ phải “chạy show” với những môn học.
Lịch trình học tập quá dày đặn sẽ khiến cho trẻ không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Khi giấc ngủ không được đảm bảo ra gây ra hàng loạt các ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ làm cho sức khỏe thể chất và tinh thần bị giảm đi trầm trọng, kết quả học tập cũng bị suy giảm nặng.
5. Trẻ học quá nhiều gây ra tâm lý chán nản
Từ thực trạng học tập của học sinh, sinh viên hiện nay, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc học tập quá nhiều và học với cường độ cao sẽ dễ tạo cho các em cảm giác chán nản, mệt mỏi và chán ghét việc học. Khi phải tiếp thu kiến thức một cách khuôn khổ và ép buộc sẽ dễ dẫn đến các vấn đề tâm lý, khiến trẻ có xu hướng trở nên hung hăng, thu mình lại.
Trong thực tế có không ít các em học sinh chia sẻ rằng bản thân cảm thấy quá mệt mỏi và chán ghét việc học. Nhiều trẻ còn bị ám ảnh khi liên tục bị nhắc nhở về việc học tập, cha mẹ thường xuyên “gieo” vào đầu con trẻ những câu nói như “Con phải học giỏi”, “Phải học mới có được thành công”, “Không học tốt sẽ bị nhiều người chê cười”,…Điều này vô tình lại tạo nên những áp lực lớn đối với trẻ, lâu dần trẻ sẽ có ác cảm đối với việc học.
6. Trẻ học quá nhiều sẽ dễ bỏ qua các kỹ năng quan trọng
Để phát triển một cách toàn diện nhất, trẻ nhỏ không chỉ cần đảm bảo tốt thành tích học tập ở trường mà còn phải trau dồi thêm những kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại chỉ thường chú trọng vào kết quả học tập, vào những điểm số và liên tục bắt ép con phải tiếp thu quá nhiều các kiến thức khô khan.
Tuy nhiên, việc chỉ nắm kiến thức nhưng không biết cách vận dụng sẽ không mang lại bất kì lợi ích nào cho cuộc sống của trẻ nhỏ. Khi lớn lên và bước vào xã hội trẻ sẽ hoàn toàn không biết được cách ứng phó với những trở ngại, khó khăn, từ đó khiến cuộc sống dễ mất cân bằng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia giáo dục thì việc học tập cần phải dung hòa cả kiến thức và kỹ năng. Khi có kiến thức trẻ cần biết được cách vận dụng tốt vào đời sống hàng ngày. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng phải có được những kỹ năng sống như giao tiếp, kết bạn, tạo dựng các mối quan hệ thì mới dễ dàng thành công trong tương lai.
7. Một số tác hại khác của việc học tập quá nhiều
Bên cạnh những tác hại thường gặp nêu trên thì khi trẻ phải học quá nhiều cũng có thể đối mặt với các nguy cơ sau đây:
- Suy nhược hệ thần kinh, sức khỏe não bộ bị giảm sút đáng kể.
- Gia tăng khả năng mắc phải các chứng bệnh có liên quan đến cột sống.
- Gây nên nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình, giữa cha mẹ và con cái thường xuyên có sự bất hòa. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng có nhiều xu hướng chống đối, phản kháng lại các mong muốn của cha mẹ.
- Trẻ nhỏ có thể học tập theo một cách rập khuôn, không có sự sáng tạo, bị hạn chế về tư duy vì áp lực quá lớn bởi điểm số, thành tích.
- Kết quả học tập bị sa sút, trẻ khó có thể tập trung vào việc học, trí nhớ bị suy giảm nghiêm trọng.
- Gia tăng nguy cơ trở thành tội phạm, các thành phần xấu trong xã hội. Khi liên tục đối diện với căng thẳng, áp lực từ việc học nhiều trẻ sẽ có xu hướng lạm dụng rượu bia, các chất kích thích để giải tỏa cảm xúc. Đặc biệt là những trẻ ở lứa tuổi dậy thì rất dễ bị cám dỗ, sa đà vào những hành vi xấu như trộm cắp, hút chích, bạo lực,….
Lời khuyên cho cha mẹ khi quản lý con học hành
Là người làm cha làm mẹ, bất cứ ai cũng đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần ý thức rõ các tác hại của việc ép con học quá nhiều. Từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn trong việc quản lý con học hành.
Dưới đây là một số lời khuyên rất hữu ích cho cha mẹ:
- Thay vì đặt áp lực và ép con học nhiều thì cha mẹ cần tìm cách trò chuyện và chia sẻ với con cái nhiều hơn. Việc thân thiết với con sẽ giúp cho cha mẹ nắm bắt rõ các tình hình cũng như tâm lý của con để có hướng xử lý kịp thời.
- Chú ý lắng nghe nguyện vọng của con, cha mẹ cần biết con thích gì và có mong muốn như thế nào. Tuyệt đối tránh việc áp đặt hoàn toàn suy nghĩ cũng như nguyện vọng của bản thân lên con cái.
- Trường hợp con trẻ thích các bộ môn nghệ thuật và thể thao thì nên tạo điều kiện cho trẻ phát huy. Tuy nhiên cũng nên đặt ra các quy tắc để giúp trẻ cân bằng giữa việc học tập và phát triển năng khiếu.
- Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ lên kế hoạch học tập khoa học để hướng đến kết quả tốt nhất. Cùng với đó cần xem xét cho trẻ học thêm một số môn cần thiết. Tuyệt đối không có tư tưởng nhồi nhét và bắt ép con học quá nhiều.
- Cần đảm bảo rằng trẻ có đủ thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và khuyến khích trẻ dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày. Thậm chí cha mẹ có thể tập thể dục cùng con.
- Chú ý quan tâm con nhiều hơn để kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu của các vấn đề tâm lý học đường. Điều này giúp con phát triển khỏe mạnh, đồng thời hoàn thiện nhân cách tốt cũng như nâng cao năng lực bản thân.
- Tuyệt đối không so sánh con mình với các bạn đồng trang lứa khác. Bởi trên thực tế, năng lực của mỗi trẻ là khác nhau. Tốt nhất nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên dưới sự sát cánh của cha mẹ.
- Hãy khuyến khích con trẻ tìm tỏi và nghiên cứu những điều mới mẻ. Có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng con để giúp con trau dồi kiến thức cũng như sự trải nghiệm thực tế.
- Giúp con xây dựng mục tiêu học tập phù hợp để đạt được kết quả học tập như mong muốn.
Có thể thấy, việc ép buộc trẻ học quá nhiều có thể gây ra hàng loạt các tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và kết quả học tập của trẻ nhỏ. Chính vì thế, cha mẹ cần phải biết cách sắp xếp và cân bằng thời gian học tập, vui chơi, thư giãn của trẻ nhỏ để con có thể thoải mái phát triển khả năng của mình, đồng thời có được thời gian sống đúng với lứa tuổi.
Có thể bạn quan tâm:
- Thực Trạng Stress Ở Học Sinh Hiện Nay Và Cách Giải Quyết
- Trầm Cảm Sau Mùa Thi Cử: Thực Trạng Và Cách Phòng Ngừa
- Áp Lực Học Tập Ảnh Hưởng Đến Trẻ Như Thế Nào?
Từ khóa » ép Con Học Nhiều
-
Thay Vì ép Con Học Quá Nhiều, đây Là 4 điều Cha Mẹ Nên Làm
-
Tác Hại Của Việc ép Con Học Quá Nhiều, Phụ Huynh Cần Cảnh Giác
-
Ép Con Học Quá Nhiều, Phụ Huynh đang Gây Bạo Lực Gia đình?
-
Cha Mẹ ép Con Học Quá Nhiều Hoặc Chửi Mắng Con Học Kém Là Bạo ...
-
Xin đừng ép Trẻ Em Học Quá Sức - Báo Lao Động
-
'Ép Con Học Theo Tiêu Chuẩn Của Cha Mẹ' - VnExpress
-
5 Lý Do Bạn Không Nên ép Con Học Giỏi - Hello Bacsi
-
Có Nên ép Con Học Nhiều Hơn Hay Chấp Nhận Mức Học Quá Trung ...
-
Đừng ép Con Học Quá Sức! | Báo Dân Trí
-
Ép Con Học Quá Sức: Hậu Quả Khôn Lường!
-
Thay Vì ép Con Học Quá Nhiều, Cha Mẹ Nên Làm Gì?
-
Lớp 1: Đã ép Con Học
-
Ép Con Học - Đọc Báo, Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - Afamily
-
Đừng ép Trẻ Học, Hãy để Trẻ Thích Học - VnEconomy