7 ứng Dụng Gọi Xe Công Nghệ Phổ Biến Nhất ở Việt Nam - VNReport

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam được đánh giá rất hấp dẫn với quy mô doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm. Triển vọng và quy mô của thị trường thu hút các tập đoàn đa quốc gia gồm Grab và Gojek, và nhiều nhà đầu tư khác trong nước.

  1. Grab

Grab là ứng dụng gọi xe số một ở thị trường ở Việt Nam, chiếm khoảng 3/4 thị phần. Grab được vận hành bởi doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore, và cũng là ứng dụng gọi xe hàng đầu ở nhiều thị trường Đông Nam Á khác.

Grab định hướng mình như một “siêu ứng dụng” – cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng. Các dịch vụ chính của Grab bao gồm GrabBike (gọi xe máy), GrabCar (gọi ô tô), GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), GrabPay (thanh toán hóa đơn) …

Là một trong 2 ứng dụng gọi xe đầu tiên vào thị trường Việt Nam cùng với Uber, Grab đã mua lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của đối thủ vào năm 2018.

  1. Gojek

Gojek là đối thủ chính của Grab ở Việt Nam nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung. Cũng giống như Grab, Gojek hoạt động theo mô hình “siêu ứng dụng”, với các dịch vụ gồm GoRide (gọi xe máy), GoCar (gọi ô tô), GoFood (gọi đồ ăn), GoSend (giao hàng).

Năm 2020, Gojek chiếm khoảng 12% thị phần thị trường gọi xe Việt Nam, bằng khoảng 1/6 Grab. Theo trang web công ty, Gojek có hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng.

Công ty có trụ sở tại Indonesia bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam từ năm 2018 với cái tên GoViet, đổi lại thành Gojek từ năm 2020.

  1. Be

Be là ứng dụng gọi xe do Công ty cổ phần Be Group – một startup trong nước – phát triển. Hai dịch vụ chính của Be là beBike (gọi xe máy) và beCar (gọi ô tô). Ngoài ra là các dịch vụ beFood (gọi đồ ăn), beDelivery (giao hàng, đi chợ hộ).

Ứng dụng be đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, với nhà đầu tư chính là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Với chiến lược chi mạnh tay cho khuyến mãi khi mới gia nhập thị trường, Be nhanh chóng có được vị thế khá tốt, với thị phần gọi xe đạt khoảng 12% trong năm 2020, cạnh tranh vị trí thứ 2 với Gojek.

  1. VATO

VATO cung cấp các dịch vụ bao gồm VATO Bike (gọi xe máy), VATO Car (gọi ô tô), VATO Taxi (gọi taxi) và VATO Delivery (giao hàng). Đơn vị vận hành ứng dụng này là Công ty cổ phần thương mại điện tử Vận Thông.

VATO – từng có tên là VIVU – nhận được khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD từ Công ty Vận tải xe khách Phương Trang. Hiện, ứng dụng này chỉ cung cấp dịch vụ ở các thành phố lớn. Một điểm khác biệt của VATO là tính năng cho phép người dùng mặc cả với lái xe.

  1. Mai Linh

Hãng Taxi Mai Linh có một ứng dụng gọi taxi của riêng mình, giúp rút ngắn thời gian cho khách hàng trong các khâu gọi xe, thanh toán, kiểm soát số km.

Cách gọi xe trên ứng dụng khá giống GrabTaxi, cho phép khách gọi xe mà không cần thông qua tổng đài của Mai Linh. Đồng thời, khách hàng có thể biết trước thông tin của tài xế phục vụ mình như: họ tên, tuổi, kinh nghiệm lái xe, hạng bằng lái xe …

  1. MyGo

Tháng 7/2019, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) ra mắt nền tảng thương mại điện tử Voso.vn và ứng dụng gọi xe MyGo, bổ sung thêm vào hệ sinh thái của Viettel. Trong đó, MyGo cung cấp các dịch vụ gọi xe máy, gọi ô tô và giao hàng.

MyGo có thế mạnh ở mảng giao hàng khi thừa hưởng hệ thống vận tải của Viettel Post. Tại thời điểm ra mắt, ông Trần Trung Hưng – Tổng Giám đốc Viettel Post – cho biết dịch vụ này có hơn 105.000 xe. Trong đó bao gồm 97.893 xe máy, 7.258 ô tô và hơn 600 xe tải.

  1. FastGo

FastGo tập trung vào dịch vụ gọi xe ô tô Fast Car, với các dịch vụ con gồm Fast Airporst (gọi xe tại sân bay) và Fast Luxury (gọi xe sang trọng). Ngoài ra, hãng cũng cung cấp dịch vụ thanh toán đa dạng có tên Fast Pay.

Đơn vị vận hành ứng dụng là Công ty FastGo Việt Nam trực thuộc tập đoàn NextTech. Khác với các đối thủ, FastGo thu từ tài xế một khoản phí cố định thay vì thu phí hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm.

Từ khóa » Những ứng Dụng Gọi Xe Máy