70 Năm đi Tìm Dấu Chân Gà Lôi Lam Mào Trắng - VnExpress

"Thông tin tìm thấy gà lôi lam mào trắng thời điểm đó thực sự là tin động trời, bởi từ những năm 30 đến lúc đó, gần như không có thông tin gì về loài này trong tự nhiên", ông Tùng kể. Khi đó, ông là cán bộ kỹ thuật Vườn thú Hà Nội.

Sở dĩ ông dành gần như cả cuộc đời nghiên cứu gắn bó với giống gà lôi lam mào trắng là vì đây là loài đặc hữu của Việt Nam, tên khoa học là Lophura edwardsi. Ở Việt Nam, loài gà quý này chỉ có ở 4 tỉnh là Hà Tĩnh (Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ), Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền).

Lần đầu tiên loài này được miêu tả là năm 1896, từ 4 cá thể do các nhà truyền giáo Pháp thu được tại Quảng Trị (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia, Paris, Pháp). Từ năm 1923 đến năm 1929, nhà khoa học Jean Delacour tổ chức 7 chuyến nghiên cứu ở Đông Dương và thu được 64 cá thể, trong đó 28 cá thể được vận chuyển sang Pháp. Từ nguồn gốc này, có khoảng hơn 1.000 cá thể được nhân lên trong điều kiện nuôi nhốt. Mục đích đưa về Pháp khi đó của nhà tự nhiên học Jean Delacour là để phục vụ mục đích nghiên cứu. Ít ai nghĩ rằng, đó gần như là tất cả cá thể gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên của Việt Nam. Kể từ đó, thông tin về loài này trong tự nhiên vô cùng hiếm hoi.

Ông Tùng cho biết, trước năm 2000, thi thoảng có thông tin người dân bẫy được gà lôi lam mào trắng nhưng đa phần là gà bị chết hoặc không xác minh được. Năm 1989, Vườn thú Hà Nội mua được từ người dân 4 cá thể gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) và tiến hành nhân nuôi.

Gà lôi lam mào trắng là loài sở hữu đặc biệt của Việt Nam, phân vùng bố cục.  Ảnh: NVCC

Gà lôi lam mào trắng là loài sở hữu đặc biệt của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Tháng 9/1993, tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về nhân giống bảo tồn các loài chim Trĩ của Hội Bảo tồn Chim Trĩ thế giới (WPA) tổ chức tại Bỉ, ông Tùng có báo cáo đầu tiên về nhân giống gà lôi lam đuôi trắng. Nghĩ rằng đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam, các diễn giả rất háo hức quan tâm. Sau hội nghị này, Hiệp hội bảo tồn Chim Trĩ quốc tế tặng Vườn thú Hà Nội 4 cặp gà lôi lam mào trắng để bảo tồn, nhân giống.

Đến thời điểm đó, Việt Nam có 3 phân loài gà lôi lam, gồm gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam mào đen và gà lôi lam đuôi trắng. Năm 2012, các nhà khoa học chứng minh gà lôi lam mào đen là con lai của gà lôi lam mào trắng và gà lôi trắng. Gà lôi lam đuôi trắng là biến dị do giao phối cận huyết của gà lôi lam mào trắng. Vì thế đến nay, gà lôi lam mào trắng là loài duy nhất trong 3 loài được công nhận và có tên trong sách đỏ của IUCN với mức "rất nguy cấp".

Ông Tùng cho biết, thời điểm tiếp nhận cá thể gà lôi lam mào trắng ở Quảng Trị, các cán bộ Vườn thú Hà Nội cho phối giống với các cá thể khác đang nhân nuôi tại đây. Cá thể gà lôi lam trống này sống được đến 17 năm, thực hiện tốt chức năng phối giống. Một quần thể gà lôi lam mào trắng có nguồn gene từ tự nhiên hình thành, được duy trì cho đến nay.

Gà lôi lam mào trắng.  Ảnh: NVCC

Gà lôi lam mào trắng. Ảnh: NVCC

Tái thả vào tự nhiên để bảo tồn gene

Cũng là người theo đuổi các nghiên cứu về bảo tồn nguồn gene gà lôi lam mào trắng, TS Lê Trọng Trải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiệt Việt (Việt Nature) cho biết, ông và các nhà khoa học tìm nhiều cách để tìm kiếm ngoài tự nhiên.

Theo đó, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu đã đặt bẫy ảnh kết hợp dùng poster để phỏng vấn người dân. Đến nay, bẫy ảnh cũng đã được sử dụng ở nhiều nơi trong vùng phân bố nhưng chưa đem lại kết quả. Dù vậy, ông Trải cho rằng, chưa có bằng chứng và cơ sở để nói loài này đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Các nhà khoa học vẫn hy vọng tìm ra dấu chân loài gà đặc hữu này.

Đối với quần thể nuôi nhốt hiện có, các nhà nghiên cứu lo ngại vấn đề về đồng huyết và lai tạp, dẫn đến suy thoái nguồn gene. Vì vậy, "với những cá thể còn bộ gene thuần chủng để tái thả vào tự nhiên", TS Trải đề xuất. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian và cần phải nghiên cứu điểm tái thả là vùng phân bố lịch sử của loài, được quản lý bảo vệ tốt (kiểm soát được săn bẫy/bẫy dây) và có sinh cảnh rừng phù hợp. Đặc biệt, vị trí tái thả phải là nơi có số lượng các loại thú ăn thịt như cầy, chồn cho phép và tuân thủ các bước tái thả theo quy định của IUCN.

TS Lê Trọng Trải cho biết, việc tuyển chọn và nhân nuôi các cá thể phù hợp để có thể thả lại trong tự nhiên sẽ mất ít nhất 5-6 năm. Đây là điều phải làm nếu muốn có một quần thể gà lôi lam mào trắng tồn tại bền vững trong tự nhiên với 2-3 tiểu quần thể vào khoảng năm 2030. Theo kế hoạch hành động bảo tồn gà lôi lam mào trắng giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cần tối thiểu 1 triệu USD cho hoạt động nhân nuôi bảo tồn này.

Ông Đặng Gia Tùng cho biết, giống sao la, các nhà khoa học rất mong tìm thấy bằng chứng gà lôi lam mào trắng ngoài tự nhiên. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu gà lôi lam mào trắng bị đình trệ. Theo IUCN, trong 100 loài nguy cấp trên thế giới, Việt Nam có 5 loài, gồm sao la, rùa Hồ Gươm, gà lôi lam mào trắng, cá vồ cờ, vooc mũi hếch.

Để tái thả về tự nhiên, theo ông Tùng, phải thuần dưỡng ngược. Nghĩa là phải tạo điều kiện để con vật có thể thích nghi với sinh cảnh hoang dã như khả năng săn mồi, ứng phó với kẻ thù... Từ đó, tìm nơi có điều kiện sống phù hợp, an toàn mới có thể tái thả.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phê duyệt dự án viện trợ không hoàn lại "Tìm kiếm Gà lôi lam mào trắng trong tự nhiên", Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt là chủ dự án. Dự án do Tổ chức Wildlife Reserves Singapore (WRS) – Tổ chức các khu dự trữ động vật hoang dã Singapore tài trợ, được triển khai từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2022 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh.

Tô Hội

Từ khóa » Hình ảnh Gà Lôi Trắng