72 Môn đệ Lên đường Truyền Giáo – Chúa Nhật XIV Thường Niên

72 MÔN ĐỆ LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 10,1-12.17-20)

1. 12 môn đồ được sai đến cùng dân Israel; ngoài ra Chúa Giêsu còn sai thêm 72 môn đệ khác nữa. Đối với giáo hội sơ khai, thật là cực kỳ quan trọng khi thấy ngoài 12 tông đồ còn có một nhóm khác nữa cũng có trách vụ truyền giáo. Ngoài nhóm 12, còn có những người khác cũng được gọi là tông đồ, chu toàn sứ mệnh Chúa Giêsu.

Việc chọn con số 72 (hay 70) liên hệ với con số 72 (hay 70) dân tộc làm nên nhân loại theo bảng thống kê dân số của thánh kinh (Stk 10) Chúa Giêsu và sứ điệp Ngài nhắm đến toàn thể nhân loại. Các tiến sĩ luật nhắm đến toàn thể nhân loại. Các tiến sĩ luật xác tín rằng lề luật trước tiên được ban cho mọi dân, nhưng chỉ Israel chấp nhận lề luật đó. Thời thế mạt mới thực hiện tốt chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chỉ định các sứ giả và qua đó cho họ một sứ mệnh chính thức; sứ mệnh đó có tính cách pháp lý. Ngài sai đi từng hai người, vì họ phải hành động với tư cách chứng nhân. Ở Israel khi hai nhân chứng cùng nhất trí một vấn đề, thì chứng tá của họ có giá trị và được chấp nhận về mặt pháp lý (Đnl 19,15; Mt 18,16). Nhưng ngoài quan niệm pháp lý đó, chắc hẳn việc sai từng hai người còn có lý do này nữa là việc truyền giáo không phải là việc của một cá nhân riêng rẽ, mà phải là việc của một tập thể, dù tập thể đó còn phôi thai. Một môn độ không thể tự hào đã quán triệt sứ điệp Kitô giáo và tự hào có thể phản ảnh trọn vẹn sự phong phú của nó. Việc rao giảng Tin mừng không thể là một độc quyền mà cần phải có sự cộng tác của anh em. Nhóm 12 rao giảng cùng một Đức Kitô. Phaolô lại đối nghịch với Phêrô; 4 tác giả là sứ giả Tin mừng bất khả phân ly.

Các môn đệ đi trước Chúa Giêsu (nghĩa tự nguyện: đi trước mặt Ngài), như là phát ngôn viên hoặc sứ giả có trách nhiệm chuẩn bị cho Ngài đến. Họ đến mỗi làng, xóm trớc Ngài. Họ chỉ hoạt động trong phạm vi xứ Palestine, dù đã vượt biên giới Galilea. Các ranh giới sẽ xóa đi, sau khi Chúa Giêsu về trời.

Lúa chín thì nhiều. Nhân loại được so sánh với mùa gặt cần được chất vào kho lẫm Nước Thiên Chúa. Cánh đồng truyền giáo đang trải dài trước mắt Chúa Giêsu ở Palestine chỉ là khởi đầu của một cánh đồng, của một mùa gặt còn vĩ đại hơn, bao gồm toàn thế giới. Chúa Giêsu biết số người sẵn sàng trở lại rất nhiều. Trước công việc lớn lao và cấp bách đó, chỉ mới có một ít thợ gặt. Thiên Chúa là chủ mùa gặt. Ngài có quyền quyết định những gì liên hệ đến vụ mùa. Việc thu nhận vào nước Thiên Chúa là công việc và ân huệ của Ngài. Chính Ngài kêu gọi các môn đệ. Vì thế Chúa Giêsu kêu mời mọi người cầu nguyện để Thiên Chúa khơi lên trong con người tinh thần làm môn đệ, để họ cộng tác giúp nhiều người được vào nước Thiên Chúa, bằng cách hiến thân hoàn toàn cho Người. Thiên Chúa muốn chúng ta xin Ngài ban ân sủng. Lời cầu xin gởi thêm thợ gặt duy trì trong các tông đồ và môn đệ ý thức này: là họ đã được Thiên Chúa gọi và sai đi. “Chính nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà tôi được như bây giờ” (1Cor 15,10). “Cho nên kẻ trồng là gì, người tưới cũng chẳng là gì, chỉ Đấng làm cho mọc lên, là Thiên Chúa… vì chúng tôi chỉ là cộng sự viên của Thiên Chúa; anh em là thửa đất, là lâu đài của Thiên Chúa. Tôi đã đặt nền móng …Chiếu theo ân sủng Thiên Chúa đã ban” (1Cor 3,7-10).

2. “Hãy đi” chữ này diễn tả việc sai phái, sứ mệnh, đồng nghĩa với xuất phát, lên đường và hành động. Cuộc chuẩn bị thật kỳ lạ, chỉ tóm lại trong tiếng “hãy đi”. Đây là chữ cốt yếu, quan trọng nhất, vì là do chính Chúa Giêsu sai phái. Cái tôi của Ngài điều hành mệnh lệnh và sứ mạng Ngài uỷ thác. Quyền năng Thiên Chúa là cơ sở của cái tôi đó, đồng thời dõi theo và nâng đỡ các sứ giả.

Các môn đệ không được trang bị như người đời thường làm. Họ được sai đi như chiên con giữa sói rừng, không có vũ khí tự vệ, như người nghèo không nơi nương tựa. Họ nghèo khó thực sự vì không bao bị, túi tiền, giày dép. Mà sự khó nghèo là điều kiện để vào nước Thiên Chúa (6,20). Đó cũng là dấu hiệu giúp nhận ra các giảng viên nước Trời. Các môn đệ phải luôn nhìn đến sứ mệnh của mình. Không gì có thể làm họ xao lãng được.

Đừng chào ai dọc đường. Lời khuyên này không có ý biến các môn đệ thành con gấu thô lỗ, không biết một chút lịch sự tối thiểu trong việc giao tiếp với mọi người, nhưng nhằm đề phòng các môn đệ tránh xa những câu chuyện tầm phào vô bổ, thường thấy trong xã hội cận đông thời Chúa Giêsu. Việc tận hiến hoàn toàn cho sứ mệnh không thể nối kết với những lời chào hỏi dài dòng và phức tạp này. Trong Lc, tất cả các sứ giả đều vội vã: Maria, các mục đồng, Philipphê (Cvsđ 8,30).

Chính Chúa Giêsu và ba trình thuật ghi lại việc gọi các môn đệ, đã làm nổi bật các đức tính của người môn đệ: không tự vệ, dịu dàng khi gặp ác cảm, không nhà ở, nghèo khó, hiến thân hoàn toàn cho sứ mệnh rao giảng nước Thiên Chúa. Các nhân vật nòng cốt của việc rao giảng ơn cứu độ là Chúa Giêsu, nhóm 12 tông đồ và 72 môn đệ.

3. Phương pháp truyền giáo thật khiêm tốn và đơn giản. Giảng viên Tin Mừng đi vào từng nhà. Việc truyền giáo lan rộng trong thành phố bắt nguồn từ việc gặp gỡ tại gia. Bình an cho nhà này, là lời chào thăm và quà tặng. Lời rao giảng bắt đầu với đức tính nhã nhặn, lễ độ. Một lời khuyên của các thày Rabbi: “Bạn hãy là người đầu tiên chào hỏi mọi người”. Bình an mà sứ giả ơn cứu độ đem đến không chỉ gồm sự thoải mái gói ghém trong lời chào hỏi thường nhật (tiếng hy bá là shalôm, hiện nay vẫn còn dùng ở Israel), nhưng là ơn cứu độ vào thời gian sau hết. Các sứ giả thực hiện tốt sứ mệnh Chúa Giêsu, như đã chép: “Thiên Chúa đã sai lời Ngài đến bên con cái Israel loan báo Tin mừng bình an nhờ Đức Giêsu Kitô (Cvsđ 10,36).

Các lời chào hỏi ban tặng điều chúng ta biểu lộ, khi gặp người Thiên Chúa đặt để lãnh nhận ơn cứu độ, để làm con của sự bình an. Chúa Giêsu giáng trần đem hòa bình đến cho những người Thiên Chúa yêu. Bình an ngự trên Ngài và thuộc về riêng Ngài, vì Ngài là: “hoàng tử của bình an” (Is 9,5), là Đấng để lại bình an và ban bình an (Gio 14,27). Bình an và thánh linh là những ơn cứu rỗi lớn lao của thời sau hết. Dù không có ai mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu rỗi hoặc tỏ ra xứng đáng, thì các lời chào đó sẽ vô hiệu: sự bình an sẽ trở về với những sứ giả. “Chính Ta đã tự thề hứa: ơn cứu rỗi phát xuất tự miệng Ta, chẳng bao giờ trở lại mà không sinh hiệu quả” (Is 45,23). Lời chào hỏi không phải là một kiểu nói đơn giản, mà là lời có sức mạnh tạo điều mà nó đã loan báo.

Món quà mà người giảng viên đem đến sẽ làm phát sinh nơi con cái của sự bình an, lòng hiếu khách. Nhà đầu tiên tiếp đón môn đệ sẽ là nơi cư ngụ của họ. Các con hãy ở lại nhà đó. Đừng đi nhà này sang nhà nọ. Công việc chính của sứ giả là rao giảng nước Thiên Chúa; còn sự thoải mái riêng tư, cách người ta đón tiếp, săn sóc không đáng quan tâm. Người hay thay đổi chỗ ở cho thấy: đối với họ, giá trị tối thượng không phải là lời Chúa, mà là sự tiện nghi, thoải mái của họ. Nếu thay đổi nơi ăn chốn ở, họ nghĩ sai và làm người ta nghĩ xấu về người đầu tiên đã tiếp đón họ.

Môn đệ hãy ăn uống các thứ người ta mang đến. Chớ lo nghĩ mình là gánh nặng của thân chủ. Đừng để những lo lắng trần tục ảnh hưởng hay làm cản trở sứ mệnh của mình. Điều môn đệ lãnh nhận, không phải là quà bố thí, do đức ái gây ra, nhưng là thứ lương bổng cân xứng với những gì to lớn quí giá mà người môn đệ đã đem đến. “Thợ thì đáng lãnh lương” (1Tm 5,18). “Một khi chúng tôi đã gieo vãi những của thiêng liêng cho anh em há lại là điều quá quắt lắm sao?” (1Cor 9,11). Nhưng đồng thời môn đệ hãy vui lòng chấp nhận những gì người ta dâng, đừng bao giờ đòi hỏi chi hơn nữa.

4. Hoạt động của các môn đệ là truyền giáo trong các nhà và các thành. Thành nào tiếp đón họ chứng tỏ thành đó có dự kiến tối. Môn đệ phải thực thi điều mà vì đó họ được sai đi. Hãy ăn những gì người ta dọn cho. Đừng bận tâm suy nghĩ xem các thức ăn có tinh sạch xét theo lề luật hay không. Hình như Lc đã hiểu lời đó như thế, dù không được Chúa Giêsu nói theo nghĩa đó. Được tự do lương tâm như thế rất quan trọng trong việc truyền giáo cho dân ngoại. “Nếu có người ngoại nào mời anh em dự tiệc… anh em hãy ăn những gì người ta dọn, đừng có gạn hỏi vì cớ lương tâm” (1Cor 10,27).

Việc chữa lành các bệnh nhân chuẩn bị người ta đón nhận ơn cứu độ mà các môn đệ loan báo, phải xác quyết qua các phép lạ đó ơn Cứu độ đã bắt đầu. Đi đôi với việc làm là lời rao giảng: Nước Thiên Chúa gần đến. Việc Chúa Giêsu đến chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang đến. Vì thế Chúa Giêsu nói: “Nếu Ta lấy tay Thiên Chúa mà trừ quỉ Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ngươi” (11,20). Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ngươi (17,21). Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa.

Việc gì sẽ xảy ra, nếu có thành không tiếp đón các môn đệ? Họ phải công khai long trọng tuyên bố: đoạn tuyệt và bỏ rơi thành đó. Người Do thái phủi bụi chân khi từ một xứ ngoại đạo bước vào thánh địa Palestine. Điều đó cho thấy không có sự hiệp thông giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón tiếp các sứ giả Đức Kitô gởi đến, thì không được hiệp thông với dân Chúa, không nhận ra giờ trọng đại vừa mới khai mào: các thành chống đối lời Thiên Chúa, phải biết rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần và giờ phán xét đang đe dọa chúng. Các giảng viên chưa công bố Nước Thiên Chúa đã đến nhưng gần đến. Hãy lo hoán cải kẻo không kịp.

Ai từ chối đón nhận lời loan báo Nước Thiên Chúa và đóng kín lòng mình không tiếp nhận chính Chúa Giêsu, người đó tự chuốc cho mình án phạt. Kết quả đó còn kinh hoàng hơn án phạt đã giáng xuống thành Sođôma. Lỗi lầm của kẻ từ chối đón nhận Chúa Giêsu và các ơn huệ của Nước Thiên Chúa thì lớn hơn lỗi lầm của dân Sôđôma. Lời rao giảng của các sứ giả đem đến hồng ân cao cả nhất và tùy theo quyết định của lương tâm mỗi người mà đem đến ơn cứu độ hay án phạt.

5. Khi đi truyền bá phúc âm về, chỉ một điều được 72 môn đệ để ý trong suốt cuộc truyền giáo: uy quyền trên các quyền lực ma quỉ. Ngay cả ma quỉ cũng vâng phục họ. Không chỉ các bệnh tật bị chế ngự, không chỉ có con người ngoan ngoãn nghe lời Chúa. Điều quan trọng hơn hết là sự thần phục của các thần lực satan. Họ trở về lòng đầy vui sướng, vì đã cảm nghiệm Nước Thiên Chúa đã thực sự bắt đầu trong Chúa Giêsu. Họ coi Ngài như là Chúa; chính khi đọc tên Ngài mà họ chiến thắng ma quỉ, nhờ Chúa, sức mạnh các sứ giả đã chế ngự các quyền lực, thần lực đã từng hoành hành trong thế gian.

Việc Nước Thiên Chúa chiến thắng các quyền lực Satan được biểu lộ rõ rệt qua sự kiện các môn đệ có quyền trừ quỉ. Ta đã thấy Satan trời rơi xuống như chớp. Không chắc Chúa Giêsu nói đến một thị kiến Ngài đã có, vì không khi nào Ngài kể lại một kinh nghiệm như thế. Đứng hơn đây là một kiểu nói gợi hình (như ở 10,15) về việc các môn đệ trừ quỉ thành công. Dù sao, Chúa Giêsu như muốn xác quyết rằng việc chiến thắng satan là một sự kiện cảm kích. Cuộc chiến thắng này là kết quả tiền trưng của việc Chúa Giêsu chết trên thập giađ và sống lại vinh quang: “Chính bây giờ thế gian này bị phán xét. Chính bây giờ đầu mục thế gian này sẽ bị đuổi ra ngoài” (Gio 12,31).

6. Nhóm 72 môn đệ đã thông phần vào việc Chúa Giêsu chiến thắng Satan. Tuy nhiên điều đó có giá trị với nhóm 72 cũng có giá trị với những ai cộng tác với Ngài. Họ có quyền lực trên rắn rết và bò cạp. Kinh thánh xem các vật xảo quyệt này là khí cụ của quyền lực satan. Đấng Cứu thế thiên hạ trông đợi sẽ giải phóng khỏi sự kềm kẹp của: rắn rít, bò cạp và thần dữ. Nhờ các thiên thần Thiên Chúa che chở, Đấng Messia bước đi trên rắn rít, nghiền hát sư tử và khủng long (Tv 91,13). Khi sai phái nhóm 72 đi, Chúa Giêsu đã ban cho họ quyền lực đó. Họ không còn bị quyền lực satan khống chế, thống trị, nhưng được nước Thiên Chúa điều hành cai quản. Chính là nguồn gốc bài ca chiến thắng bài ca khải hoàn của Phaolô: “Nhưng trên hết mọi sự sống, chúng ta toàn thắng rực rỡ nhờ đấng đã yêu mến chúng ta; vì tôi thâm tín rằng dù là sự chết hay sự sống, dù là thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai hay quyền năng, dù là thiên đỉnh hay cực lạc, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 8,37-39).

Nhưng còn một lý do vui mừng nữa, khác với lý do quyền uy trên các thần dữ và việc sụp đổ ách thống trị Satan, đó là việc Nước Thiên Chúa đang bắt đầu. Nguyên nhân khiến các môn đệ vô cùng vui sướng, đó là việc họ được chọn lựa và tiền định sống đời sống vĩnh cửu. Các thành thời thượng cổ giữ lại sổ danh sách các công nhân của họ. Ai được ghi tên trong số đó, sẽ có quyền hưởng thụ mọi lợi lộc của thành. Trên trời cũng có các sổ như thế: những kẻ được Thiên Chúa chọn đều được ghi tên trong đó: chắc hẳn sổ đó là sách hằng sống (x. Tv 69,29; Xac 32,23-33; Is 4,3; 56,5; Đn 12,1; Kh 3,5; 13,8;…). Nguyên nhân vui mừng vượt trên mọi nguyên nhân chính là có thể tham dự vào Nước Thiên Chúa, có thể đón nhận cuộc sống vĩnh cửu và trở thành viên mãn trong cộng đoàn Thiên Chúa.

KẾT LUẬN

Chúa Giêsu đòi hỏi nhóm 72 những điều Ngài đã đòi hỏi ở nhóm 12 (9,1-6). Đó cũng là những yêu sách, đòi hỏi ở các nhà truyền giáo mọi thời đại rao giảng bình an của Đấng Messia, và loan báo Nước Thiên Chúa đang đến, trong tinh thần dịu hiền và nghèo khó, phục thiện, bất vụ lợi, chịu đựng mọi thiếu thốn bất an. Chính với giá đó mà Satan đã bại trận và các nhà truyền giáo thấy tên mình được ghi trên trời. Các điều kiện tông đồ truyền giáo này thuộc về chính bản chất của Kitô giáo, vì chúng phản ảnh chính con người và hành động của Chúa Giêsu.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

Khi yêu cầu đừng mang bị, mang xách, giày dép, phúc âm nói cho chúng ta biết các điều kiện cốt yếu của việc truyền bá phúc âm. Hãy sống khó nghèo, khiêm tốn, hèn yếu. Chúng ta luôn bị cám dỗ công việc được thành công dễ dãi, ngay cả trong việc rao giảng lời chúa. Chúng ta thường khích lệ một Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Một Đức kitô chiến thắng các lời châm biếm, nghi ngờ của thính giả hơn Đức Kitô chịu đóng đinh. Một Đức Kitô như thế không cần được rao giảng.

Một giáo hội giàu sang không còn là giáo hội rao giảng Đức Kitô nữa. Ngày xưa, vì chế nhạo, bộ đội đã mặc cho Chúa Giêsu áo cẩm bào và đội triều thiên vương giả. Phải chăng hôm nay chúng ta cũng cư xử như họ, khi chúng ta mặc cho Đức Kitô các tước hiệu sức mạnh, quyền năng? Có lẽ qua đó chúng ta muốn tôn thờ Con Thiên Chúa: nhưng chúng ta đã lột mặt nạ này để thay một thứ mặt nạ khác.

“Ngài sai họ từng hai người”. Bên cạnh tôi, đến lượt người anh em phải có thể loan báo Đức Kitô, theo cách của họ, khác với cách của tôi. Chính trong tinh thần đối thoại, trao đổi như thế mà tôi đề cập đến một vị Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận đối thoại với loài người đến độ đã biến thành một người trong nhân loại.

“Bình an cho nhà này”. Đó phải là tiếng tập họp mọi tín hữu trong bất cứ nơi nào hơn ở hoặc họ đến, để công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người đọc câu đó biểu lộ sự kính trọng đối với chủ nhà, đối với những người tiếp đón mình. Thiên Chúa có nhiều “con cái bình an” ở khắp nơi. Những vạ tuyệt thông, những thập tự quân và các tư tưởng cố chấp giết chết các “con cái bình an” đó, thay vì mạc khải cho họ biết họ là con cái bình an, thay vì tập họp và giúp họ nhận biết nhau, biến đổi tình huynh đệ câm nín của họ thành một hy lễ tạ ơn (eucharistie). Bình an cho nhà này, cho ngôn ngữ, tập tục, văn minh, truyền thống, giá trị, nghi lễ, quá khứ và hoài bão của nhà đó. Bình an cho nhà này cho những ai mong chờ được phúc âm mạc khải.

72 môn đệ đã chấp nhận sứ mệnh truyền giáo. Họ lên đường bất chấp mọi nguy hiểm, bất an. Và đã hân hoan trở về. Tất cả chúng ta dù đang ở địa vị nào trong giáo hội, đều sai phái như 72 môn đệ đó. Tất cả chúng ta, mỗi người mỗi cách, phải làm chứng về tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người, tình yêu mà chúng ta đã cảm nghiệm nhờ trung gian của Đức Kitô, Đấng đã biến đổi đời sống chúng ta. Phải can đảm chấp nhận sứ mệnh truyền giáo của đời Kitô hữu, bất chấp mọi nguy hiểm, bất định, và phải rao giảng Đức Kitô bằng cuộc sống gương mẫu của chúng ta, bằng cách sống như những môn đệ trung thành của Đức Kitô.

Các người chung quanh chúng ta sẽ tin vào sứ điệp chúng ta trong mức độ chúng ta loan báo sứ điệp đó với tinh thần dịu hiền, vô vụ lợi, hoàn toàn phục vụ tha nhân, phó thác vào bàn tay quan phòng vủa Thiên Chúa. Họ sẽ tin vào giá trị chứng tá của chúng ta khi họ thấy chúng ta sống “từng hai người”, nghĩa là khi chúng ta yêu thương nhau, cộng tác với nhau cách chân tình, không ganh tị và tiên kiến. Chính các Kitô hữu đầu tiên ở Antiokia đã sống như thế, và do đó đã gây một cảm tưởng tốt thật sâu xa nơi các người đồng hương, đến nỗi họ phải thán phục thốt lên: “Hãy xem họ yêu thương nhau chừng nào!”

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Post Views: 3.433

Từ khóa » Số 72 Trong Kinh Thánh