8 Cách để Có Thể Sống Sót Qua Mùa "dị ứng Phấn Hoa" (Kafunsho) ở ...
Có thể bạn quan tâm
Đây là bệnh dị ứng theo mùa mà rất nhiều người mắc phải (kể cả những người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Nhật Bản) và căn bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của bạn. Thật khó để tìm ra một giải pháp hiệu quả để chữa dứt điểm căn bệnh dị ứng này. Tuy nhiên, trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn 8 cách thức cũng như các sản phẩm và phương pháp điều trị y khoa giúp làm giảm nhẹ các triệu chứng để các bạn có thể vượt qua mùa dị ứng phấn hoa ở Nhật một cách dễ dàng!
“Kafunsho” là gì?
Kafunsho (chữ “kafun” có nghĩa là phấn hoa, còn “sho” có nghĩa là triệu chứng) là thuật ngữ để chỉ căn bệnh dị ứng phấn hoa theo mùa ở Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do phấn hoa của hai loài thực vật bản địa tại Nhật Bản là cây “sugi” (cây tuyết tùng) và cây “hinoki” (bách Nhật Bản) bay lơ lửng trong không khí vào mùa thụ phấn. Chính điều này ảnh hưởng tới hệ hô hấp của con người trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm.
Các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa (Kafunsho)
Những triệu chứng thường gặp của bệnh dị ứng phấn hoa bao gồm:
- Mẩn ngứa, chảy nước mũi, tắc hay nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Chảy nước mắt, bị đỏ mắt
- Mắt bị ngứa, đỏ, sưng tấy, xuất hiện bọng mắt
- Miệng và cổ họng bị rát
- Mẩn ngứa trên da
- Ho
- Mệt mỏi
Nhưng làm cách nào để bạn có thể phân biệt được mình đang bị dị ứng phấn hoa hay đang bị cảm cúm? Cảm giác ngứa ngáy ở mũi, họng và mắt chính là triệu chứng rõ ràng nhất để giúp bạn phân biệt hai chứng bệnh này. Thêm vào đó, một điểm khác biệt nữa là cảm cúm là do virus gây ra trong khi dị ứng phấn hoa là phản ứng của cơ thể với phấn hoa. Vì lý do này, khi bạn bị dị ứng phấn hoa thì nước mũi sẽ trong chứ không như trường hợp bị cúm.
Nếu bạn gặp triệu chứng ho, thì hãy lưu ý rằng dị ứng phấn hoa thường khiến bạn ho khan còn cảm cúm sẽ khiến bạn bị ho có đờm. Tất nhiên là cách tốt nhất để biết chắc cơ thể mình bị dị ứng hay không là đến bác sĩ và làm xét nghiệm.
Vì sao ở Nhật Bản có nhiều người bị dị ứng phấn hoa
Điều thú vị là cho tới những năm 1960 dị ứng phấn hoa không phải là căn bệnh phổ biến ở Nhật Bản. Căn bệnh này chỉ thực sự gia tăng từ sau giai đoạn đó, bởi sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản thực hiện chính sách khôi phục rừng, số lượng các cây tuyết tùng và cây bách tăng lên. Đến giai đoạn trưởng thành cây bắt đầu thụ phấn và phát tán lượng phấn hoa khổng lồ trong không khí. Sau này, cùng với quá trình đô thị hóa, nhựa đường và bê tông càng tạo điều kiện cho việc phát tán phấn hoa trong không khí một cách dễ dàng hơn, gây nên căn bệnh dị ứng cho nhiều người như ngày nay.
Cho tới nay, theo các kết quả nghiên cứu khảo sát dịch tễ học về dị ứng phấn hoa được thực hiện bởi Hiệp hội tai mũi họng của Nhật Bản, Kafunsho ảnh hưởng tới sức khỏe của khoảng 40% dân số Nhật Bản. Con số này có lẽ sẽ còn tiếp tục tăng lên vì trong tương lai các triệu chứng dị ứng phấn có thể sẽ xuất hiện trên cơ thể của những người chưa mắc bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải chung sống khổ sở với căn bệnh này? Tất nhiên là không rồi, bởi sẽ luôn có những giải pháp, mẹo và cách chữa trị để giúp bạn vượt qua mùa dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản.
Những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết vấn đề dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản hiện tại đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề dị ứng phấn hoa. Các nhà nghiên cứu đang cho thấy những bước tiến khả quan trong việc sáng chế ra một loại thuốc chống dị ứng phấn hoa có tác dụng loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng bệnh trên khoảng 30% bệnh nhân và giảm thiểu các triệu chứng trên khoảng 50% số bệnh nhân. Chính phủ cũng đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng phấn hoa trong không khí bằng cách đốn cây tỉa cành, và nâng cao nhận thức của người dân về dị ứng phấn hoa bằng cách cung cấp các thông tin về nguyên nhân của bệnh, các biện pháp ngăn ngừa và đưa ra các dự báo về lượng phấn hoa trong không khí.
Nhằm nỗ lực giảm thiểu lượng phấn hoa, Tổ chức Nghiên cứu và quản lý rừng Nhật Bản đã phát triển một số giống cây tuyết tùng ít phấn hoa và cây tuyết tùng không có phấn hoa cũng như nhiều giống cây bách ít phấn hoa khác. Đồng thời, Cục Lâm nghiệp Nhật Bản cũng đang tiến hành thay thế cây tuyết tùng trong các khu rừng tuyết tùng nhân tạo bằng giống cây ít phấn hoa hơn, chú trọng vào các khu rừng xung quanh khu vực đông dân cư ở Tokyo và Osaka. Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao nhu cầu sử dụng gỗ cây tuyết tùng như áp dụng các kỹ thuật mới nhằm nâng cao sức chịu đựng của gỗ trong việc xây dựng các toà nhà 10 tầng.
Làm thế nào để ngăn ngừa và sống sót với Kafunsho? Những cách hữu hiệu nhất để chống lại dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản
1. Kiểm tra mức độ phấn hoa trong không khí
Thà kiểm tra cho an toàn còn hơn là phải hối tiếc! Việc đầu tiên và đơn giản nhất bạn cần làm để đảm bảo có một cuộc sống thường nhật tốt hơn trong mùa Kafunsho đó là kiểm tra mức độ phấn hoa. Vào những ngày có hàm lượng phấn hoa cao trong không khí, bạn nên hạn chế ra ngoài càng nhiều càng tốt, hạn chế phơi quần áo ra ngoài trời và hạn chế mở cửa sổ nếu có thể.
Một số trang web như tenki.jp có thể sẽ rất hữu ích cho bạn khi muốn theo dõi mức độ phấn hoa trong không khí. Ngoài ra, công cụ theo dõi lượng phấn hoa thực tế ở Nhật Bản này cũng có thể giúp bạn cập nhật hàm lượng phấn hoa trong không khí. Bạn cần nhớ rằng hàm lượng phấn hoa trong không khí thường nhiều hơn khi tiết trời ấm lên, đặc biệt vào ngày nắng đầu tiên sau ngày mưa và trong những ngày nắng có gió và không khí khô.
2. Vệ sinh để loại bỏ phấn hoa
Có một vài cách có thể ngăn ngừa được phấn hoa bay vào căn nhà của bạn. Một trong số đó là trang bị máy làm sạch không khí hoặc máy lọc không khí có trang bị bộ lọc HEPA (bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao) để có thể lọc bỏ được phấn hoa. Theo các chuyên gia, khi đầu tư vào một máy lọc không khí, bạn nên chọn loại có CADR (tỷ lệ phân phối không khí sạch) tối thiểu là 300, chọn loại cấu hình phù hợp với diện tích phòng và kiểm tra xem máy đó có được “Hiệp hội của các nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng” (AHAM) chứng nhận hay không. Một trong những sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường là máy lọc không khí Sharp HEPA.
Ngoài ra, điều này có thể khiến bạn ngạc nhiên nhưng việc lau nhà bằng khăn ẩm hoặc bằng cây lau nhà cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để làm sạch phấn hoa trong nhà. Việc này còn hiệu quả hơn là dùng máy hút bụi và khăn lau bụi thông thường vì chúng càng khiến cho phấn hoa lan ra xung quanh nhiều hơn. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng máy hút bụi thì hãy nhớ mua loại máy có bộ lọc HEPA kín để có thể giữ được phấn hoa ở túi bên trong của máy hút bụi. Nói chung, bạn nên thường xuyên làm sạch nhà trong mùa phấn hoa.
Một phương pháp đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả khác để bảo vệ bạn khỏi phấn hoa đó là phơi đồ giặt trong nhà để quần áo không bị dính phấn hoa. Đối với những đồ lớn chỉ có thể phơi khô ở bên ngoài như nệm futon thì bạn hãy nhớ sử dụng 干し袋 “hoshibukuro” (túi khô) để bọc bên ngoài đồ vật nhé!
3. Lựa chọn quần áo phù hợp trong mùa Kafunsho
Trong suốt mùa Kafunsho của Nhật Bản, việc lựa chọn và mặc quần áo phù hợp cũng tạo nên sự khác biệt rõ ràng đó. Bạn có thể bắt đầu với một mẹo đơn giản nhưng hiệu quả là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Khẩu trang là giải pháp đơn giản và dễ dàng nhất vì có thể ngăn chặn được phấn hoa ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của bạn. Bạn có thể lựa chọn một số loại khẩu trang chuyên dụng như:
- Khẩu trang PITTA, một lựa chọn thời trang nhờ chất chiệu polyurethane độc đáo có thể ngăn ngừa phấn hoa.
- Tất cả các loại khẩu trang có ghi PM2.5 超快適マスク (khẩu trang PM 2.5) thường được các tổ chức y tế khuyến cáo và công nhận là loại khẩu trang đặc biệt tốt để ngăn ngừa phấn hoa.
- Khẩu trang 花粉を水に変えるマスク (khẩu trang “Kafun wo Mizu ni Kaeru”) cũng rất tốt cho những ai bị dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản vì chúng sử dụng một phương pháp sáng tạo nhờ phản ứng hoá học biến phấn hoa và các loại bụi bẩn thành nước để đảm bảo vệ sinh, đồng thời dưỡng ẩm.
Để đảm bảo an toàn hơn cho mọi người khi đi ra ngoài “chiến đấu” với Kafunsho, Nhật Bản cũng đưa ra loại kính bảo vệ khỏi dị ứng phấn hoa. Những chiếc kính này sẽ che hoàn toàn đôi mắt của bạn, ngăn ngừa không cho phấn hoa tiếp xúc với mắt và ngăn bạn dụi mắt khi bị ngứa. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở các cửa hàng như Bic Camera, JINS hay Zoff.
Cuối cùng, nếu bạn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dị ứng phấn hoa, bạn cũng nên ghi nhớ rằng vải bông mịn và vải tổng hợp là đồng minh của bạn vì chúng ít bị bám phấn hoa hơn. Tuy nhiên, một số phấn hoa vẫn có thể dính vào quần áo của bạn, nên nhớ thay đồ ngay khi bước vào nhà và lý tưởng nhất là tắm ngay sau khi đi từ bên ngoài về.
4. Ngăn chặn phấn hoa
Một số sản phẩm sẽ có tác dụng giúp ngăn chặn phấn hoa tấn công cơ thể bạn. Trong số đó, các sản phảm xịt chống dị ứng có tác dụng ngăn không cho phấn hoa dính vào da và quần áo của bạn. Bạn có thể xịt lên quần áo và khẩu trang của mình và xịt quanh nhà để tiêu diệt các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi hay lông động vật. Một số loại xịt chống dị ứng còn có thể xịt trực tiếp lên da và tóc, thậm chí bạn còn có thể sử dụng để lưu giữ lớp trang điểm trong ngày nữa đó.
- フェアリール花粉 黄砂 PM2.5 ブロック (Fairiel Kafun Kosa PM 2.5 Block) là một trong những loại xịt chống dị ứng phấn hoa dành cho quần áo bán chạy nhất của Rakuten.
- Spacebuteエージーマスクスプレー (Ag Mask Spray) có thể xịt lên khẩu trang một cách thuận tiện và nó được đánh giá cao nhờ chứa nhiều phân tử nano bạc giúp bảo vệ bạn khỏi phấn hoa.
- アレルブロック 花粉ガードスプレー モイストヴェール (Earth Aller Block Kafun Guard Spray Moist Veil) đặc biệt được đánh giá cao vì đây là loại xịt khoáng dưỡng ẩm cho da nhờ các thành phần như axit hyaluronoc, ceramide và dầu Argan.
Để bảo vệ hơn nữa, bạn cũng có thể sử dụng kem ngăn ngừa phấn hoa ở phía trong mũi. Một số loại kem phổ biến mà người Nhật dùng bao gồm:
- Dr. Theiss アレルシャット 花粉 鼻でブロック (Allergy Shut Pollen Nose Block)
- アレルシャット 花粉鼻でブロック 鼻腔クリーム (Fumakilla Pollen Nose Block Nasal Cream)
- 資生堂薬品 イハダ アレルスクリーン ジェル (Shiseido Ihada Aller Screen Gel)
Cuối cùng, bạn cũng có thể sử dụng mặt nạ mũi để có thêm lớp bảo vệ cho mình. Sau khi đã gắn chiếc mặt nạ này vào phần dưới của mũi, mỗi bên của mặt nạ sẽ nối với lỗ mũi, và biến thành một miếng màng lọc phấn hoa và các chất bụi bẩn khác để bảo vệ mũi của bạn. Một trong những thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản là バイオインターナショナルノーズマスクピットスーパー (Bio International Nose Mask Pit Super)
5. Sử dụng các loại thuốc không kê đơn để giảm bớt các triệu chứng của dị ứng phấn hoa
Bạn có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ để xem các loại thuốc không kê đơn nào phù hợp với các triệu chứng của bạn và mua sẵn để dùng. Bạn nên uống thuốc từ 1 – 2 tháng trước mùa dị ứng phấn hoa để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Tại các hiệu thuốc ở Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng tìm mua các loại thuốc kháng histamine như クラリチンEX (Claritin EX), アレグラ (Allegra), アレジオン (Alesion), タリオン (Talion), and ジ ルテック (Zyrtec).
Để nâng cao hiệu quả công dụng của các loại thuốc và giảm nhẹ các triệu chứng của dị ứng phấn hoa, bạn có thể mua thêm một số loại thuốc sau đây tại các nhà thuốc:
- Thuốc rửa mắt như 小林製薬 アイボン洗眼薬AL (Kobayashi Pharmaceutical Aibon Eyewash AL) hoặc ロート製薬 アルガード目すっきり洗眼薬 (Rohto Allergy Guard Eyewash)
- Thuốc nhỏ mắt như ザジテンAL点眼薬 (Zaditen AL Eye Drops)
- Thuốc xịt mũi như エージーノーズアレルカット (Ag Allergy Cut Nasal Spray) và thuốc rửa mũi 小林製薬ハナノアa (Kobayashi Pharmaceutical Hananoa), hoặc bình xịt mũi ネティウォッシュセラミック ネティポット(Neti Wash Ceramic Neti Pot)
- Kẹo ngậm họng để giúp bạn có thể thở dễ dàng và giảm đau họng: ライオン花粉プラス鼻のど飴 (Lion Kafun Plus Nose Throat Candy) hoặc カンロノンシュガースーパーメントールのど飴 (Kanro Non-sugar Super Menthol Nose Throat Candy)
6. Tới các phòng khám y tế để xin đơn thuốc điều trị bệnh dị ứng phấn hoa
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng dị ứng phấn hoa nghiêm trọng, bạn có thể đến các phòng khám y khoa tại Nhật Bản để kiểm tra sức khỏe. Tại đó bạn cũng có thể yêu cầu bác sỹ kê đơn thuốc điều trị cho mình.
- 耳鼻咽喉科 (jibinkouka) hoặc 耳鼻科 (jibika) là những phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán và điều trị các triệu chứng của viêm mũi họng như hắt hơi, ngạt mũi và viêm họng.
- 眼科 (ganka) là các phòng khám nhãn khoa. Đây là nơi bạn cần đến nếu bị các triệu chứng dị ứng trên mắt, gây nên các hiện tượng như viêm kết mạc, mắt bị ngứa, mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt hoặc mí mắt bị sưng.
- 内科 (naika) là phòng khám đa khoa, họ có thể đưa ra các chỉ định điều trị nội khoa để chữa trị các triệu chứng cảm cúm hoặc dị ứng phấn hoa.
- アレルギー科 (arerugiika) là các phòng khám chuyên về dị ứng. Đây là nơi có các bác sĩ là các chuyên gia về dị ứng được Cộng đồng dị ứng học Nhật Bản cấp chứng chỉ.
- 小児科 (shonika) là các phòng khám nhi, nơi chăm sóc y tế dành cho trẻ nhỏ và là nơi bạn có thể đưa con mình đến khám nếu các bé bắt đầu mắc các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa.
7. Các biện pháp điều trị dài hạn dành cho các triệu chứng Kafunsho nghiêm trọng
Liệu bạn có thể hoàn toàn loại bỏ các triệu chứng của dị ứng phấn hoa hay không? Điều này là không thể. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn sẽ phải chịu đựng các triệu chứng nghiêm trọng của dị ứng trong suốt phần đời còn lại của mình! Hãy tham khảo tư vấn của các chuyên gia về dị ứng nếu bạn muốn tìm kiếm các phương pháp điều trị lâu dài để có thể giảm nhẹ hoặc trong một số trường hợp là loại bỏ các triệu chứng của kafunsho. Giải pháp thông dụng nhất và có tác dụng hiệu quả lâu dài cho dị ứng phấn hoa là “liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị nguyên” (AIT) hay còn được gọi là “liệu pháp làm giảm sự mẫn cảm”.
“Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với dị nguyên” có thể làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh và sự phụ thuộc vào các can thiệp y tế thường xuyên thông qua việc đưa vào cơ thể một cách có kiểm soát chất dị nguyên với liều lượng tăng dần thông qua đường tiêm truyền, thuốc uống, xịt hoặc thuốc giọt, qua đó dần dần thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch. Có hai liệu pháp AIT:
- Tiêm dưới da (SCIT) là liệu pháp tiêm các chất dị nguyên vào cơ thể. Việc này phải được thực hiện bởi các chuyên gia y tế nên bệnh nhân sẽ phải thường xuyên tới bác sĩ để tiêm. Việc tiêm chất dị nguyên ban đầu sẽ được thực hiện hàng tuần với liều tăng dần trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng. Sau giai đoạn này, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục tiêm nhắc lại hàng tháng trong khoảng thời gian từ 3 – 5 năm.
- Thuốc ngậm dưới lưỡi (SLIT) – Đây là việc nhỏ giọt hoặc ngậm viên thuốc chứa chất dị nguyên dưới lưỡi trong vòng 1 – 2 phút rồi sau đó nuốt vào bụng. Theo liệu pháp này, bệnh nhân sẽ không phải tới các phòng khám y khoa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ địa, người bệnh sẽ phải thực hiện uống thuốc với liều lượng từ 3 ngày/tuần cho tới 1 lần/ngày. Tổng thời gian điều trị theo phương pháp này là 3 – 5 năm.
8. Những biện pháp khác để giảm nhẹ triệu chứng của dị ứng phấn hoa
Những biện pháp này không trực tiếp chữa được bệnh dị ứng phấn hoa và có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, đây là các cách bạn có thể sử dụng để giảm bớt sự mệt mỏi và căng thẳng trong mùa dị ứng phấn hoa, góp phần nâng cao thể trạng của bạn để chống chọi qua mùa phấn hoa và các triệu chứng kinh khủng của bệnh.
- Sử dụng tinh dầu: một số loại tinh dầu như dầu khuynh diệp hay dầu bạc hà có thể giúp bạn thông mũi và giảm nhẹ tình trạng ngạt mũi
- Châm cứu: việc điều trị châm cứu thường xuyên hàng tuần có thể giảm nhẹ các triệu chứng của dị ứng phấn hoa như nghẹt mũi, hắt hơi, sưng mắt hay mệt mỏi.
- Men vi sinh: Bạn có thể uống các loại men vi sinh để khắc phục các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lợi khuẩn này có tác dụng giảm thiểu mức độ nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa.
- Uống trà: trong trà có chứa rất nhiều các chất polyphenol có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Vì thế, việc uống trà mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng của bệnh dị ứng phấn hoa. Trong số đó, các loại trà xanh như べにふうき (Benifuuki), べにふじ (Benifuji), and べにほまれ (Benihomare) là có tác dụng tốt hơn cả, vì các sản phẩm này có chứa chất methylated catechin có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng trên cơ thể.
Đừng bỏ cuộc!
Bây giờ bạn đã biết được Kafunsho là gì và các triệu chứng của bệnh này rồi, hy vọng bạn cũng đã sẵn sàng chống lại nó bằng các sản phẩm, thủ thuật cũng như các phương pháp điều trị mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên. Hãy yên tâm rằng bạn có thể vượt qua mùa dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản mà không gặp bất kỳ vấn đề gì! Và hãy nhớ rằng, chúng ta luôn ở cùng chung một chiến tuyến nhé!
*Đối với các loại thuốc và phương pháp điều trị, chúng tôi khuyên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé!
Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố
Từ khóa » Các Loại Dị ứng Phấn Hoa
-
Dị ứng Phấn Hoa: Tất Tần Tật Về Triệu Chứng Và Cách điều Trị Hiệu Quả ...
-
Dị ứng Phấn Hoa: Phân Loại, Triệu Chứng Và điều Trị | Vinmec
-
Vì Sao Dị ứng Phấn Hoa? | Vinmec
-
Các Loại Dị ứng Phấn Hoa Thường Gặp Và Cách điều Trị
-
11 Loại Thuốc Dị ứng Phấn Hoa Tốt Nhất ở Nhật - Smiles
-
Biểu Hiện Dị ứng Phấn Hoa Và Cách Chữa Trị Bạn Nên Biết
-
Mắt Bị Dị ứng Phấn Hoa: Triệu Chứng Và Cách điều Trị - Docosan
-
Cách Chữa Bệnh Dị ứng Phấn Hoa Bằng Nguyên Liệu Tự Nhiên
-
Dị ứng Phấn Hoa Tại Nhật, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị - Vietmart
-
Dị ứng Phấn Hoa - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Dị ứng Phấn Hoa Là Gì? Triệu Chứng, Chần đoán Và Cách điều Trị
-
Phòng Tránh Dị ứng Phấn Hoa | Sở Y Tế Nam Định
-
Các Bệnh Dị ứng Theo Mùa (dị ứng Phấn Hoa/cỏ) ở Trẻ Em
-
Dị Ứng Phấn Hoa: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Xử Lý