8 Dấu Hiệu Của Người Say Rượu Cần Nhập Viện Ngay

Tùy vào lượng rượu uống mà sẽ gây ra những tác động khác nhau đối với cơ thể. Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khi có các dấu hiệu sau phải đưa ngay người say rượu vào viện.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, khi uống rượu đến ngưỡng nồng độ rượu trong máu từ 50 – 100mg/dL, người uống sẽ chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

Vì thế, dù ở ngưỡng thấp người ta vẫn đưa ra khuyến cáo người đã rượu bia không nên lái xe để phòng những bất trắc khi lưu thông trên đường.

Từ 100 – 200mg/dL, người say sẽ có hiện tượng nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ…

Từ 200 – 400mg/dL, người say bị ức chế hô hấp, thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.

Ở mức trên 400 có nguy cơ trụy tim mạch, tử vong.

8 dau hieu cua nguoi say ruou can nhap vien ngay

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, bia rượu gây tác động xấu tới cơ thể con người. Ảnh: H.Hải

Ở người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, tương đương 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%; với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%.

Tuy nhiên, khi đã ngồi trong bàn nhậu, rất khó “định lượng” được lượng uống vào là bao nhiêu, ở ngưỡng an toàn hay đã vượt ngưỡng an toàn, chưa kể nguy cơ uống phải rượu giả pha methanol.

Vì thế, sau khi uống rượu, bị say cần đặt người say nằm nghiêng sang bên phải. Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn.

Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Trong khi để bệnh nhân nằm nghiêng, cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết.

Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết.

Còn khi bệnh nhân có 1 trong 8 biểu hiện dưới đây, đừng chần chừ hãy đưa người say đến cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật. Khi bệnh nhân bị co giật, giữ tư thế nằm nghiên an toàn. Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng. Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Đái, ỉa ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

BS Nguyên lưu ý, mọi người cần có ý thức uống chừng mực, uống rượu có nguồn gốc xuất xứ để tránh nguy cơ ngộ độc, thậm chí cả tử vong vì rượu trong những ngày Tết.

Theo Dân trí

Từ khóa » Dấu Hiệu Say Rượu