8 Luật, Bộ Luật Nổi Bật Có Hiệu Lực Từ 1/1/2021 - Phổ Biến, Giáo Dục ...

Từ 1/1/2021, 8 Luật, Bộ luật có hiệu lực gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên, Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Bộ luật Lao động; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm. Trong đó, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự...

2. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của tòa án đối với hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không áp dụng (không điều chỉnh) các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được quy định ở các Luật khác.

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật với những nội dung mới cơ bản sau: tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật là nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nghị quyết 3 bên); thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa ná nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Luật cũng sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật

4. Luật Thanh niên có 7 chương, 41 điều, sửa đổi toàn diện Luật Thanh niên năm 2005. Luật không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của Thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm. Luật cũng quy định nguyên tắc đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụi của Thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với Thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách Nhà nước đối với thanh niên; quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với Thanh niên; chính sách Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với Thanh niên và quản lý nhà nước về thanh niên.

5. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe con người và kinh tế - xã hội, thông qua các biện pháp về quản lý, giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020, người nào thực hiện hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia là vi phạm pháp luật. Đặc biệt Luật còn quy định “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

6. Luật Doanh nghiệp được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều có nhiều cải cách quan trọng. Trong đó, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”. Đồng thời, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp; thúc đẩy thị trường vốn; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp...

7. Bộ luật Lao động có 17 chương với 220 điều, trong đó, về loại hợp đồng lao động (HĐLĐ), Bộ luật Lao động đã bỏ loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Theo đó các bên lựa chọn một trong hai loại hợp đồng lao động để giao kết là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn không quá 36 tháng; khi người lao động muốn thôi việc, chỉ phải báo trước cho người sử dụng lao động mà không cần phải có lý do.

8. Luật Đầu tư 2020 được Quốc Hội thông qua ngày 17/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Luật có 07 Chương 77 Điều và 4 Phụ lục.

Nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

Từ khóa » Các Luật Và Bộ Luật Của Việt Nam