8 Năm Sự Kiện Bảo Tồn Cây Di Sản Việt Nam - Tạp Chí Môi Trường

8 năm sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam

20/03/2018

     Ngày 17/3/2018, tại Cao Bằng, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức gặp mặt 8 năm sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.

 

Toàn cảnh buổi gặp mặt

 

     Từ những Cây Di sản đầu tiên được vinh danh, đến nay, sau 8 năm, sự kiện bảo tồn Cây Di sản vẫn luôn được sự hưởng ứng của cộng đồng, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Từ sự kiện này, 793 cây, thuộc 122 loài thực vật ở 53 tỉnh, TP của nước ta được công nhận như: quần thể cây Pơ mu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) và ở Quế Phong (Nghệ An); quần thể Chè Shan tuyết Suối Gìang (Yên Bái); quần thể cây Bàng ở Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)… Đặc biêt, có những Cây Di sản thuộc loài đặc hữu, quý hiếm như Đỗ quyên cành thô Phanxipang (Vườn Quốc gia Hoàng Liên); cây Bạch Mai ở đình Phú Tự (Bến Tre) và những cây đặc sắc, có tuổi đời nghìn năm như 2 cây Táu ở Thiên Cổ Miếu (huyệnViệt Trì, Phú Thọ), cây Nghiến đường kính thân tới 3 m ở Bắc Hà (Lào Cai), cây Lim ở Bản Ven (huyện Yên Thế, Bắc Giang), quần thể rừng nghiến cổ thụ (Cao Bằng). Ngoài ra, có những cổ thụ cây còn là chứng tích lịch sử phân định mốc biên giới như cây sấu trùm lên cột mốc 651biên giới Việt Trung ở bản Nà Sác (huyện Hà Quảng, Cao Bằng)… sau khi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đã thu hút đông đảo du khách về tham quan, chiêm ngưỡng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế cho người dân.

     Việc tổ chức xét duyệt công nhận, vinh danh gắn bia Cây Di sản Việt Nam là hoạt động ý nghĩa góp phần phát huy vai trò và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, giáo dục tinh thần bảo vệ chủ quyền quốc gia khi vinh danh những cây đứng ở cột mốc biên giới, trên đất liền cũng như hải đảo.

     Tại buổi gặp mặt, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh tài nguyên nước bị cạn kiệt do cây rừng đầu nguồn bị khai thác quá mức, sự đa dạng sinh học đang ngày càng bị chính con người tàn phá, việc tuyên truyền cộng đồng nhân rộng ý thức bảo vệ cây cổ thụ đặc biệt là bảo vệ rừng, bảo vệ những nguồn gen quý của cây trên mọi vùng miền là điều cần thiết. Do đó, hoạt động vinh danh Cây Di sản cần phải được nhân rộng hơn nữa nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

 

Thu Hằng

Từ khóa » Cây Di Sản Việt Nam Thứ 10