8 Nguyên Tắc để Thích ứng An Toàn Với đại Dịch COVID-19

Truy cập nội dung luôn Cổng thông tin Bộ Y tế

8 nguyên tắc để thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19

31/10/2021 | 22:35 PM

|

Đại dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của con người và những nỗ lực phòng tránh vẫn phải được tiếp tục. Thích ứng an toàn và linh hoạt với COVID -19 là cách mà chúng ta góp phần kiểm soát đại dịch này.

news-relate

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm gây viêm đường hô hấp cấp tính với tác nhân là virus SARS- CoV-2. Triệu chứng của COVID-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, diễn biến từ nhẹ như một cảm cúm thông thường, đến nặng như suy hô hấp và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh này đã trở thành một trong những đại dịch được cho là đã làm thay đổi cả thế giới.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề phòng bệnh là chủ yếu, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu với sự tham gia của toàn dân, với mục đích là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Chiến lược này đã được cụ thể hóa ở từng quốc gia, vùng miền và được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng.

Con người sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành?

Đại dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của chúng ta và những nỗ lực phòng tránh vẫn phải được tiếp tục.

Nhưng tiếp tục đến bao giờ? Tương lai của con người sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, cuộc sống của mọi người rồi sẽ xoay sở ra sao?

Câu hỏi này được đặt ra ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đi theo đó là hàng loạt các biện pháp phòng chống mang tính quyết liệt với hy vọng loại trừ dịch bệnh một cách triệt để nhất.

Tuy nhiên, đến giờ này thế giới của chúng ta đã trải qua năm thứ 3 của đại dịch COVID-19 với nhiều cuộc "tổng tấn công" quyết liệt và thần tốc. Nhưng mối nguy cơ vẫn còn hiện hữu, số người nhiễm trên toàn thế giới vẫn còn cao, virus thì liên tục biến đổi …

Cần thay đổi quan điểm về COVID-19

Nếu còn quan điểm quá lo sợ trước COVID-19 thì bao giờ mới hết lo? Thế giới này hơn 7 tỷ người, chỉ cần 1 người bị nhiễm thì nỗi lo vẫn còn đó.

Chúng ta phải thay đổi quan điểm về đại dịch này. Trong bối cảnh mà việc loại trừ virus SARS-CoV-2 có thể là bất khả thi, thì phải xem nó như là một "hiện tượng" hay một "phần tất yếu" của thế giới hiện đại, và phương án phải sống chung với đại dịch này đang dần được chấp nhận.

Như vậy, trong cuộc chiến cam go này, thay vì theo đuổi mục tiêu "xóa sổ virus", chúng ta chuyển sang mục tiêu "vừa đánh vừa đàm", có nghĩa là phải học cách sống chung với dịch. Để làm được như vậy, trước hết phải thay đổi từ nhận thức về đại dịch, từ đó mới thay đổi hành động ứng phó.

1. Về nhận thức: Chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh cũng như đại dịch này, hiểu rõ các khả năng lây nhiễm, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin, hiểu biết và trách nhiệm.

2. Về hành động cụ thể: Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm nguyên tắc 5K trong hầu hết các hoạt động xã hội, song hành với đó là các kỹ năng cơ bản để sống chung với dịch như:

Thực hiện thông điệp 5K một cách nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, có trách nhiệm và đồng bộ: mỗi một "K" đều phải thực thi đúng chuẩn, không qua loa, đối phó. Bên cạnh đó chúng ta còn phải vận động mọi người xung quanh cùng hưởng ứng thực hiện.

3. Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19: Đừng chần chừ vì đây là ưu tiên quan trọng cùng với thông điệp 5K, chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"

4. Về vấn đề chăm sóc sức khỏe: Chúng ta cần phải được tư vấn đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe nói chung và nghi ngờ COVID nói riêng, chúng ta phải chọn một cơ sở y tế mà mình cảm thấy thuận tiện, từ đó thiết lập nên một kênh liên lạc để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Bên cạnh đó, việc cài đặt các ứng dụng được khuyến cáo nhằm cảnh báo nguy cơ tiếp xúc gần rất cần thiết như ứng dụng PC-COVID.

5. Nâng cao thể trạng: Hơn lúc nào hết, chúng ta phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bản thân mình bằng cách ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau quả. Cần từ bỏ hoặc giảm tối đa các yếu tố gây hại (nếu có) như rượu bia, thuốc lá... thay vào đó là sự rèn luyện, bồi bổ về thể chất lẫn tinh thần một cách khoa học và hợp lý. Khoa học ở đây có nghĩa là làm đúng theo hướng dẫn, còn hợp lý ở đây là tùy thuộc theo điều kiện hiện tại của bản thân.

6. Vệ sinh nhà và nơi làm việc có sử dụng chất sát khuẩn: Đây là việc nên làm thường xuyên, vừa ngừa được COVID-19, vừa ngừa được nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác.

7. Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đây có thể xem như một cơ hội để chúng ta "ghi điểm" đối với người thân của mình khi thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" hay nói cách khác "đi đến nơi, về đến chốn". Có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ không còn "la cà" như xưa nữa, mà mỗi khi tan ca, ta lại trở về nhà và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình.

8. Đối với những người có bệnh nền: Với người có các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… cần tuân thủ quy trình điều trị một cách tuyệt đối, phải kiểm soát được bệnh của mình, phải cùng với bác sĩ đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thời dịch bệnh và các phương án ứng phó để không bị động, bất ngờ.

Chấp hành tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch bệnh để chung sống an toàn

Đại dịch này sẽ còn kéo dài và việc sống chung an toàn với nó là một xu thế của thế giới ngày nay khi xem đây là một phần tất yếu của cuộc sống loài người và không còn sự lựa chọn nào khác.

Trước hết, chúng ta đều phải thực hiện thông điệp 5K, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để đối diện với nó.

Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, "design" lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đề phòng đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, không để nó gây hại đến các mối quan hệ của con người, không làm cản trở đến giáo dục, và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.

Sống chung với dịch không có nghĩa là đầu hàng, mà phải xem đây là một sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn đại dịch.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành áp dụng các biện pháp phòng chống quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, phòng chống đại dịch có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, nhiều bệnh viện dã chiến đã được thành lập và đi vào hoạt động, hàng ngàn cán bộ y tế, lực lượng vũ trang đã được huy động vào những điểm nóng để hỗ trợ chống dịch, có nhiều sáng kiến đã được đưa ra, nhiều kỹ thuật hiện đại đã được áp dụng …

Với những chủ trương đúng đắn, hành động quyết liệt, phối hợp kịp thời, thêm vào đó là tình đoàn kết thống nhất, tương thân tương ái của nhân dân, đến nay về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

  • Tweet
Tin liên quan
  • Các bệnh viện cần đảm bảo khám, cấp cứu trong mưa lũ, thiên tai
  • Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống
  • Toạ đàm ‘Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?’
  • Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công
  • Việt Nam làm chủ được nhiều kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu, huyết học
  • Nhiều trường hợp tai nạn do chơi pháo tự chế
  • 8 điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2025
Hoạt động Lãnh đạo Bộ
Tin tổng hợp
Thông tin chỉ đạo điều hành
Hoạt động của địa phương
Điểm tin Y tế
Chuyển đổi số y tế

Liên kết

---Trang liên kết--- Cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ Các Bộ, Ngành Các đơn vị thuộc Bộ Khối Bệnh viện Khối Viện Khối trường Đại học, Cao đẳng Các Tổng công ty Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW Y tế các ngành

Thăm dò ý kiến

  • %
Bình chọn Kết quả Ghi lại

Từ khóa » Giải Pháp để Sống Bình An Trong đại Dịch Covid