8 Phi Tần Có Kết Cục Bi Thảm Nhất Trong Hậu Cung Nhà Thanh Trung ...
Có thể bạn quan tâm
1. Đại phi A Ba Hợi buộc phải tự vẫn để tuẫn táng
Đại phi Ô Lạp Na Lạp A Ba Hợi (1590 - 1626) là một trong số những phi tần tiếng tăm nhất dưới thời Thanh Thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Bà là sinh mẫu của Nhiếp Chính vương Đa Nhĩ Cổn dưới thời Thuận Trị đế.
Nàng A Ba Hợi là người của bộ lạc Ô La, tộc người Nữ Chân, sinh ở dưới chân núi Trường Bạch Sơn, bên bờ sông Tùng Hoa. Khi trở thành thiếu nữ, nàng sở hữu nhan sắc rạng rỡ với dáng người thướt tha yểu điệu. Năm thứ 29 Vạn Lịch Minh triều, tức năm 1601, do nhu cầu lợi ích chính trị, công chúa Ô La A Ba Hợi lúc mới 12 tuổi đã trở thành phi tần của Hậu Kim Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích 43 tuổi.
Vốn là người thông minh nhanh nhẹn, lại là người rất hiểu ý người khác nên nàng luôn chiếm được cảm tình với những ai từng tiếp xúc với nàng. Chính vì thế, Nỗ Nhĩ Cáp Xích vô cùng sủng ái và coi nàng như viên ngọc quý trong hậu cung. Chuyện tình hoàng đế Nỗ Nhĩ Cáp Xích với nàng A tiểu phi trong những năm đầu vô cùng tươi đẹp. Hai năm sau, đại phi Diệp Hách Na Lạp bị bệnh qua đời, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã phong A Ba Hợi trở thành đại phi. Bốn năm sau, A Ba Hợi sinh cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích thập nhị a ca A Tề Cách, rồi sinh tiếp thập tứ a ca Đa Nhĩ Cổn và thập ngũ a ca Đa Đạc. Nỗ Nhĩ Cáp Xích vô cùng sủng ái ba hoàng tử do A Ba Hợi sinh ra. Ông dồn công sức dạy dỗ và đào tạo họ trở thành những Kỳ chủ của đội quân Bát Kỳ.
Cuộc sống của A Ba Hợi cứ thế trôi đi bình yên và hạnh phúc viên mãn thì bất ngờ tai họa ập đến. Năm thứ 48 Vạn Lịch, tức năm 1620 công nguyên cũng là năm thứ 8 Thiên Mệnh của triều Thanh, hai thị nữ kề cận của A Ba Hợi vì mâu thuẫn nhỏ mà cãi nhau, không ngờ nội dung câu chuyện này bị một tiểu phi nghe được liền bẩm báo với Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ông lập tức cho đại thần điều tra vụ này kết quả phát hiện ra A Ba Hợi đã từng đồng ý cho một thị nữ của mình đem tặng cho người yêu cô ấy một súc vải màu xanh.
Trong vương cung, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã từng quy định rất nghiêm ngặt: Tất cả các phi tần, nếu không được sự đồng ý, không ai được phép cho người khác vải hoặc gấm, nếu không sẽ mắc tội lừa dối. Nếu đúng là người thị nữ này đã tặng vải cho người mình yêu là đã phạm vào lệnh cấm của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Việc A Ba Hợi biết và đồng ý là dung túng cho thị nữ của mình, nhưng đây cũng không phải lại chuyện quá to tát. Nhưng không ngờ, người tiểu phi bẩm báo tiếp rằng: “Ngày hai ba lần, đại phi thường xuyên sai đem sơn hào hải vị đến phủ Đại Bối Lặc, dường như giữa hai người đang có chuyện gì đó. Thậm chí có hôm nửa đêm khuya khoắt đại phi còn xuất cung”. Không ngờ kết quả điều tra cho thấy chính xác như lời vị tiểu phi nói. Không chỉ có thế, đại phi A Ba Hợi và Đại Bối Lặc còn tư thông với nhau. Mỗi khi hoàng gia có tiệc, A Ba Hợi thường xuyên trang điểm lộng lẫy, liếc mắt đưa tình với Đại Bối Lặc. Khi nghe tin này Nỗ Nhĩ Cáp Xích vô cùng tức giận, nhưng sau một hồi suy nghĩ ông cũng trấn tĩnh lại, đây là chuyện xấu trong nhà không nên để lộ ra bên ngoài.
Đầu tiên ông ban thưởng hậu hĩnh cho nàng tiểu phi đã có công tố giác, nâng mức đãi ngộ cho nàng ấy và cho phép được ăn cùng mâm. Tiếp theo, ông cũng yêu cầu nàng tiểu phi không được phép nhắc lại chuyện này cũng như không để cho ai biết. Sau đó, ông cho đại thần thân tín điều tra tài sản của A Ba Hợi, kết quả trong nhà con trai A Tề Cách của A Ba Hợi có 300 xúc gấm. Ông tức giận đuổi A Ba Hợi ra khỏi vương cung của Hậu Kim.
Sau gần 20 năm sống với Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đang sống trong nhung lụa giàu sang, được yêu chiều sủng ái nhất mực bỗng chốc bị đuổi ra khỏi vương cung, A Ba Hợi đành dắt theo A Tề Cách 15 tuổi, Đa Nhĩ Cổn 8 tuổi và Đa Đạt 6 tuổi bắt đầu sống chuỗi ngày thê lương, ảm đạm. Nhưng với Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đây cũng chỉ là chuyện nóng giận tức thời chứ trong lòng khó có thể quên được hình bóng của A Ba Hợi. Hơn nữa, căn cứ vào những bằng chứng do đại thần thân tín điều tra cũng không đủ kết tội nàng ngoại tình, nên rất có thể là cái bẫy do người khác hãm hại. Sáng sớm ngày 21/3 năm thứ 6 Thiên Mệnh (tức năm 1621) sau khi chiếm lĩnh Liêu Dương, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cho triệu A Ba Hợi hồi cung và phục vị là đại phi và tiếp tục được sủng ái.
Nhiều người cho rằng, chuyện này là do bát a ca Hoàng Thái Cực đã tìm cách hãm hại A Ba Hợi. Mẹ Hoàng Thái Cực là đại phi Diệp Hách Na Thị, vì thế từ nhỏ Hoàng Thái Cực đã được nhận đãi ngộ đặc biệt. Khi Diệp Hách Na Thị qua đời, vị thế của Hoàng Thái Cực không những bị hạ thấp mà vị thế đám hoàng tử con của A Ba Hợi tự nhiên ngày càng tăng lên. Cho nên trong lòng Hoàng Thái Cực đương nhiên là rất hận A Ba Hợi. Vì thế dã tâm tranh quyền đoạt lợi sẽ càng ngày càng lớn. Cho nên việc tố cáo A Ba Hợi có mối quan hệ vụng trộm với Đại Bối Lặc chính là đòn chí mạng đánh vào A Ba Hợi. Nàng tiểu phi của Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ của Hoàng Thái Cực mà thôi.
Năm thứ 11 Thiên Mệnh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích mắc bệnh qua đời, Ái Tân Giác La Hoàng Thái Cực kế vị. Ông đã ép đại phi A Ba Hợi và nàng tiểu phi đã từng bẩm báo việc đại phi ngoại tình kia phải tuẫn táng theo phụ hoàng. Hoàng Thái Cực đã khiến cuộc đời của A Ba Hợi chấm dứt ở tuổi 37, đồng thời đoạt mất cơ hội đăng cơ của Đa Nhĩ Cổn. Sau này, khi triều Mãn Thanh vào Bắc Kinh, đến năm thứ 7 Thuận Trị, tức năm 1650, Đa Nhĩ Cổn chấp chính truy phong cho mẹ là Hiếu Liệt Vũ hoàng hậu, toàn thụy là Hiếu Liệt Cung Mẫn Hiếu Triết Nhân Hòa Tán Thiên Lệ Thánh Vũ Hoàng hậu.
2. Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu Đổng Ngạc thị được sủng ái vẫn qua đời trong u sầu
Hiếu Hiến Đoan Kính Hoàng hậu Đổng Ngạc thị (1639 - 1660) có xuất thân chính bạch kỳ Mãn Châu, là con gái của đại thần Ngạc Thạc. Bấy giờ, hậu cung của Thuận Trị đế vốn không thiếu mỹ nhân giai lệ, nhưng người được nhà vua coi trọng và sủng ái hơn cả lại là Đổng Ngạc phi vốn ốm yếu nhiều bệnh.
Ngày 24/1/1658, Hoàng tứ tử không may yểu mệnh qua đời. Sự ra đi đột ngột của người con trai này đã trở thành một cú sốc lớn đối với Đổng Ngạc phi và khiến sức khỏe của bà giảm sút đáng kể. Tới năm Thuận Trị thứ 17 (năm 1660), sau một thời gian dài gắng gượng, Hoàng quý phi Đổng Ngạc thị đã qua đời khi chỉ vừa 21 tuổi.
Cái chết của vị ái phi ấy là một đả kích rất lớn đối với Thuận Trị đế. Vị Hoàng đế này đau lòng tới nỗi ngừng thiết triều trong 4 tháng để để tang cho Đổng Ngạc thị. Thậm chí lúc bấy giờ, Thanh cung còn phải cắt cử người trông chừng Thuận Trị cả ngày lẫn đêm nhằm đề phòng Hoàng đế tự vẫn vì quá đau lòng.
Tới ngày 21/8 năm ấy, Thuận Trị ra chỉ dụ truy phong Đổng Ngạc Hoàng Quý phi làm Hoàng hậu. Chỉ 1 năm sau, vị Hoàng đế si tình ấy cũng buông tay trần thế khi mới chỉ 22 tuổi.
3. Đức phi Ô Nhã thị: Nghi án bị con trai ruột bức tử
Đức phi Ô Nhã thị (1660 - 1723) là phi tần của Thanh Thánh Tổ Khang Hi và là thân mẫu của Thanh Thế Tông Ung Chính đế. Mặc dù là mẹ của vị Hoàng tử kế thừa ngôi vị, nhưng Ô Nhã thị lúc còn tại thế chưa bao giờ được ở ngôi Hoàng hậu mà chỉ được truy phong ngôi vị này khi đã qua đời.
Trong lịch sử hậu cung Thanh triều, bà được biết tới là vị Thái hậu yểu mệnh nhất, cũng là người có cái chết mang nhiều điểm nghi vấn. Sinh thời, Ô Nhĩ thị không có xuất thân danh giá mà từng là một cung nữ bưng trà rót nước. Trải qua nhiều năm tranh đấu, bà từ thân phận nô tài đã bước lên vị trí chủ tử của Vĩnh Hòa cung.
Sử cũ ghi lại, mối quan hệ của Đức phi cùng người con trai Ung Chính vốn từng nảy sinh không ít bất hòa. Theo đó, sau khi Ung Chính kế vị, Ô Nhã thị từng khẳng định rằng việc con trai thừa kế đại cục "kỳ thực không phải là mong muốn cả ta". Thậm chí, vị phi tần này từng có ý muốn quyên sinh để chết theo Khang Hi đế nhưng bị Ung Chính ngăn cản. Sau này, bà từng cự tuyệt sắc phong Hoàng Thái hậu và từ chối đến ở Từ Ninh Cung.
Hết thảy những sự từ chối thẳng thừng này đã khiến không ít người nghi ngờ về tính hợp pháp trong việc kế thừa ngai vị từ di chiếu vua cha của Ung Chính đế. Chỉ vài tháng sau khi con trai đăng cơ, Đức phi đột ngột lâm bệnh qua đời. Có nhiều giai thoại còn khẳng định bà bị con trai ruột là Ung Chính bức tử.
4. Hoàng Quý phi Niên thị: Nỗi đau mất con kéo theo cả cuộc đời bất hạnh
Niên Quý phi (?-1725) là phi tần được sủng ái dưới thời Ung Chính và cũng là em gái của Niên Canh Nghiêu - một trọng thần nổi bật thời bấy giờ.
Sinh thời, Niên thị xuất thân trong một gia đình hiển hách, có cha ruột là Nhất đẳng Công, Tuần phủ Hồ Quảng, các anh trai đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Khi Khang Hi còn tại vị, bà từng là người được đích thân Hoàng đế chỉ hôn làm trắc phúc tấn của Tứ a ca Dận Chân - tức Ung Chính đế sau này. Năm Ung Chính nguyên niên, ngay sau khi kế thừa ngai vị, Ung Chính đã phong bà làm Quý phi, địa vị trong hậu cung chỉ đứng sau duy nhất Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị.
Các tài liệu về Thanh cung miêu tả, Niên thị sinh thời thân thể yếu ớt, khi mang thai hoàng tử thứ chín lại đúng vào lúc đại tang Khang Hi. Bấy giờ, việc lao lực quá độ lại thêm phải cúi đầu hành lễ đã khiến Niên Quý phi động thai, dẫn tới sanh khó và khiến Cửu a ca vừa ra đời đã yểu mệnh. Tháng 11 năm Ung Chín thứ ba, Quý phi Niên thị lâm bệnh nặng, không lâu sau đó thì qua đời và được truy phong Đôn Túc Hoàng Quý phi.
Trong lịch sử nhà Thanh, ngoài Đổng Ngạc thị Hoàng Quý phi của Thuận Trị đế được truy phong Hoàng hậu, thì Niên thị là phi tần đầu tiên qua đời với tư cách Hoàng Quý phi. Thế nhưng sắc phong dù có cao quý tới đâu cũng không thể làm nguôi ngoai nỗi đau mất con của vị phi tần vốn được nhà vua sủng ái ấy.
5. Kế hậu Ô Lạp Na Lạp thị chết trong ghẻ lạnh vì một lần tự cắt tóc mình
Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị (1718-1766), xuất thân Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, là vị Hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long. Bà vốn là con gái của Tá Lĩnh Nạp Nhĩ Thái, dưới thời Ung Chính được chỉ hôn cho Bảo Thân vương Hoằng Lịch (Càn Long sau này) làm trắc phúc tấn. Vào thời kỳ đầu khi Càn Long mới lên ngôi, Ô Lạp Na Lạp thị từng được phong làm Nhàn phi và sau đó là Nhàn Quý phi. Tới khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, bà tiếp tục được tấn phong làm Hoàng Quý phi, đồng thời được giao quyền cai quản lục cung. Đến năm Càn Long thứ 15, vị Hoàng Quý phi này mới chính thức được sắc phong làm Hoàng hậu. Thế nhưng ít ai ngờ rằng ngôi vị mẫu nghi thiên hạ ấy lại đem tới cho Ô Lạp Na Lạp thị không ít bất hạnh.
Vào tháng giêng năm Càn Long thứ 30, Kế hậu và Hoàng đế đã nảy sinh mâu thuẫn trong chuyến đi nam tuần. Trong giây phút phẫn bách, Ô Lạp Na Lạp thị đã cắt đi mái tóc của mình. Đây vốn là việc làm đại kỵ trong phong tục của người Mãn Châu và bị xem là hành động đại bất kính đối với Hoàng đế. Ngay sau đó, bà bị đưa trở về kinh thành trước thời hạn và giam vào lãnh cung để rồi chết trong sự ghẻ lạnh.
Trong số các phi tần của Càn Long, Kế Hoàng hậu có lẽ chính là người duy nhất dám công khai làm ra một hành động phản kháng lại Hoàng đế như vậy. Thế nhưng cái giá mà bà phải trả cho việc làm liều lĩnh ấy là quá đắt. Mặc dù từng được sắc phong Hoàng hậu, nhưng lễ tang của bà chỉ được cử hành một cách qua loa theo nghi thức dành cho Hoàng Quý phi. Thậm chí Càn Long còn tuyệt tình tới nỗi thu hồi 4 đạo sắc phong từng ban cho và hủy nhiều tranh chân dung của Ô Lạp Na Lạp thị.
Từ Kế trong cách gọi dành cho bà cũng không phải thụy hiệu mà chỉ đơn thuần mang hàm nghĩ là Hoàng hậu kế tiếp của Càn Long. Ô Lạp Na Lạp thị cũng là vị Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Thanh triều không được truy phong thụy hiệu sau khi qua đời.
6. Hoàng hậu Nữu Hỗ Lộc thị: Phúc trạch thâm hậu vẫn không thể an hưởng phú quý
Nữu Hỗ Lộc thị (1776 - 1850) là Hoàng hậu thứ hai của Gia Khánh đế, còn được gọi là Cung Từ Hoàng Thái hậu.
Khi Gia Khánh còn là thân vương, Nữu Hỗ Lộc thị từng được chỉ hôn cho ông làm trắc phúc tấn. Khi nhà vua kế vị, bà được phong làm Quý phi. Sau khi Hoàng hậu tiền nhiệm qua đời, Nữu Hỗ Lộc thị được tấn phong làm Hoàng Quý phi và chính thức trở thành Hoàng hậu vào năm Gia Khánh thứ 6.
Mặc dù là một phi tử trong hậu cung, nhưng từ thời Gia Khánh, sự suy vong ngày một hiện rõ của Thanh triều từ lâu đã trở thành một thanh kiếm đâm xuyên qua những bức tường thành, ngay tới Tử Cấm Thành cũng không thể giấu hết bao lục đục, rối ren của tầng lớp thống trị, và cả đại dương vạn dặm sóng gió ngoài kia cũng không thể trở thành tấm bình phong che chở vương triều khỏi đại bác xâm lược của Tây dương.
Cho nên mặc dù được xem là một vị Hoàng Thái hậu có phúc trạch thâm hậu, nhưng chung quy Nữu Hỗ Lộc thị vẫn bị coi là phi tần có cuộc đời bất hạnh khi không được thanh thản hưởng phúc như những phi tần, thái hậu khác mà còn phải chứng kiến cơ nghiệp giang sơn trượt dài trên con đường suy vong…
7. Quý phi Vinh Phi: Cuộc sống đầy nước mắt chốn hậu cung
Qúy phi Vinh Phi tên thật là Mã Giai thị, sinh ngày 04/12/1727, là con gái của Viên ngoại lang Cái Sơn. Sau khi được tiến cung, nàng được phong làm Vinh quý nhân. Tháng 8 năm thứ 16 Khang Hy được phong là Vinh tần. Đến tháng 12 năm thứ 20 Khang Hy, nàng cùng Nghi phi Quách Lạc La Thị, Đức phi Ô Nhã Thị được tấn phong là phi. Vinh phi trở thành một trong 4 nàng phi đầu tiên của Khang Hy.
Tuy không phải là người có nhiều câu chuyện ly kì nhất, nhưng Vinh Phi nổi tiếng là người đã sinh hạ cho Khang Hy nhiều người con nhất. Tổng cộng, Mã Giai thị trải qua 6 lần sinh dục, 5 trai 1 gái, không chỉ là phi tần sinh dục sớm nhất, mà còn sinh ra nhiều con nhất cho Khang Hy đế.
Năm thứ 16, Khang Hi đại phong hậu cung. Mã Giai thị được sắc phong làm Vinh tần, địa vị cao hơn Huệ tần Na Lạp thị, Nghi tần Quách Lạc La thị và Hi tần Hách Xá Lí thị. Trong lần đại phong hậu cung tiếp theo năm Khang Hi thứ 20, Vinh tần được tấn phong Vinh phi. Tuy nhiên lúc này tứ phi trình tự đã thay đổi. Địa vị của Vinh phi giảm xuống thấp nhất trong bốn người, xếp dưới Huệ phi, Nghi phi và Đức phi. Tuy nhiên, bà và Huệ phi Na Lạp thị được Thái hậu ra chỉ dụ cùng hiệp trợ Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu lúc đó đang ở tước Hoàng quý phi xử lý lục cung sự vụ.
Vinh phi từ những năm đầu tiên nhập cung hầu hạ Khang Hi với danh phận thứ phi, không có phong hào. Ân sủng tuy không sánh được với Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu nhưng cũng có 10 năm xuân phong đắc ý, liên tục sinh sản. Điều đó thể hiện một điều là Khang Hy thực ra rất sủng ái Vinh Phi. Tuy nhiên, điều bất hạnh của nàng đó là có đến 5 người hoàng tử của Vinh Phi không may chết yểu ngay từ khi mới lọt lòng.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu các con của Vinh Phi đều khỏe mạnh trưởng thành thì địa vị trong hậu cung của nàng không phải tầm thường. Nhưng không hiểu nguyên nhân gì mà sau 20 năm ở bên Khang Hy cho đến lúc Hoàng đế băng hà, nàng không được thêm một lần tấn phong nữa.
8. Trân Phi bị Từ Hi Thái hậu ra tay sát hại dã man
Trân Phi xuất thân từ gia tộc Tha Tháp Lạp Thị, một dòng họ không mấy hiển hách nếu không muốn nói là tương đối thấp kém thời nhà Thanh. Là con của vợ lẽ, từ nhỏ đã sinh sống ở Quảng Châu - nơi có người nước ngoài xuất hiện nên bà được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính vì vậy mà Trân Phi có tư tưởng rất phóng khoáng, tính cách hoạt bát lanh lợi, luôn tò mò và hứng thú tìm hiểu những điều mới lạ của phương Tây. Bà còn có sở thích chụp ảnh và giả trai, đây quả là một trong những vị phi tần thú vị nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Vào năm Quang Tự thứ 14 (1888), sau khi trải qua 4 lần tuyển tú, Trân Phi chính thức được nạp vào cung làm phi tần của Hoàng đế Quang Tự. Bởi Trân tần có dung mạo diễm lệ, lại am hiểu văn hóa phương Tây, thời ấy vua Quang Tự luôn muốn học hỏi để cải cách đất nước, phá bỏ những luật lệ cũ kỹ của triều đại phong kiến nên bà được nhà vua sủng ái và yêu thương hết mực. Hơn nữa, bà còn được Hoàng đế vô cùng nể trọng, đánh giá cao.
Vốn ban đầu, Từ Hi rất yêu mến Trân tần bởi bà thấy được ở Trân tần hình ảnh của chính mình thời trẻ, một người phụ nữ thông minh lanh lợi, nhạy bén lại thấu tình đạt lý. Tuy nhiên càng ngày Trân tần càng đắc sủng, đồng nghĩa với việc cháu gái của Từ Hi Thái hậu là Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu bị vua ghẻ lạnh, hắt hủi. Hoàng hậu thường xuyên nói xấu Trân Phi với Thái hậu, khiến bà sinh lòng căm ghét Trân Phi. Hơn nữa, Từ Hi luôn can ngăn vua Quang Tự học theo các nước phương Tây, bà luôn muốn giữ nguyên một đất nước Trung Quốc thời phong kiến lạc hậu, ấy vậy Trân Phi lại theo hội Duy Tân mà chống lại bằng cách hàng ngày đều tỉ tê khuyên nhủ Hoàng thượng cải cách theo nền văn hóa phương Tây hiện đại, nên càng bị Thái hậu thù ghét hơn.
Vào năm Quang Tự thứ 20 (1894), nhân dịp đại thọ Từ khánh 60 tuổi của Từ Hi Thái hậu, vua Quang Tự quyết định phong Trân tần lên làm Phi. Tuy nhiên, lễ sắc phong chưa kịp diễn ra thì Trân Phi bị Thái hậu giáng xuống làm Quý nhân vị tội nhiều lần khất thỉnh, can thiệp triều chính, có thói xa hoa.
Sau khi bị giáng vị, Từ Hi cho người lột quần áo Trân Phi ra đánh đòn, vua Quang Tự xót thương quỳ gối xin tha cho nhưng không thành, Trân phi sau đó bị đày vào lãnh cung.
6 năm sau, khi liên minh 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, Từ Hi và mọi người vội vàng tháo chạy, trong lúc loạn lạc, bà vẫn không quên rắp tâm hãm hại Trân Phi. Giữa lúc đó, bà sai thái giám Thôi Ngọc Quý ra tay làm việc này. Ông ta đến nơi ở của Trân Phi và lôi bà đến một cái giếng. Mặc cho bà tha thiết cầu xin được gặp Thái hậu, Ngọc Quý thẳng tay đạp Trân Phi xuống giếng, hắn còn nhẫn tâm ném vài khối đá to xuống để lấp xác.
Để che giấu miệng lưỡi thiên hạ, Từ Hi Thái hậu quyết định truy phong Trân Phi lên làm Trân Quý phi. Một năm kể từ khi Trân Phi mất, bà mới cho người nhà của vị phi tần này khai quật giếng để an táng. Bất bình thay, di hài Trân Phi không những không được xây lăng mộ mà chỉ được chôn qua loa ở khu mộ dành cho cung nữ phía ngoài Tử Cấm Thành.
Tiếc thay cho phận đời hồng nhan bạc phận đã ra đi một cách đầy đau đớn và tủi nhục, cái chết ấy chính là một bằng chứng thể hiện sắc nét hơn sự tàn nhẫn của Từ Hi Thái hậu.
Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu du khách yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn tự mình khám phá nhiều điều thú vị hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành Viet Viet Tourism nhé!
Từ khóa » Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích
-
Nỗ Nhĩ Cáp Xích – Wikipedia Tiếng Việt
-
A Ba Hợi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thanh Thái Tổ - Thiên Mệnh (1559-1626) - Nhân Vật Lịch Sử
-
Nàng đại Phi Xinh đẹp Cắm Sừng Vua Và Cái Kết Bị Chôn Cùng Chồng
-
Việc Làm Man Rợ Của Hậu Bối Nỗ Nhĩ Cáp Xích Trong Lịch Sử Trung ...
-
Hiếu Từ Cao Hoàng Hậu (Thanh Thái Tổ) - Wikiwand
-
Nỗ Nhĩ Cáp Xích - Người Thống Nhất Tộc Nữ Chân, Tạo Nền Móng ...
-
[Thanh Triều Hậu Phi | Quan Hệ Trong Tộc Ô Lạp Nạp Lạt Của Thái Tổ ...
-
Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích - Tin Mới
-
Nỗ Nhĩ Cáp Xích Vợ Chồng - Vị Hoàng Hậu Duy Nhất Bị Tuẫn Táng ...
-
Nỗ Nhĩ Cáp Xích - Tieng Wiki
-
Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích - Khoa Học đời Sống
-
[Wiki] Thanh Thái Tổ Nguyên Phi Là Gì? Chi Tiết Về Thanh ... - LATIMA