8. Thiên Nhiên Phân Hóa đa Dạng - Củng Cố Kiến Thức

1. Thiên nhiên phân hóa theo Bắc - Nam

a) Phần lãnh thổ phía Bắc (từ dãy Bạch Mã trở ra)

- Có kiểu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh.

- Nhiệt độ trung bình năm 22-240C.

- Phân thành 2 mùa là mùa đông và mùa hạ.

- Cảnh quan phổ biến là đới rừng gió mùa nhiệt đới.

- Thành phần sinh vật có các loại nhiệt đới chiếm ưu thế.

b) Phần lãnh thổ phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào)

- Khí hậu mang tính chất cận xích đạo gió mùa nóng quanh năm.

- Nhiệt độ trung bình năm trên 250C.

- Phân thành 2 mùa là mùa mưa và mùa khô.

- Cảnh quan phổ biến đới rừng gió mùa cận xích đạo.

- Thành phần sinh vật mang đặc trưng xích đạo và nhiệt đới với nhiều loài.

2. Thiên nhiên phân hóa theo Đông - Tây

Từ Đông sang Tây, thiên nhiên nước ta có sự phân hóa thành 3 dải rõ rệt:

a) Vùng biển và thềm lục địa

- Vùng biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Độ nông - sâu, rộng - hẹp của thềm lục địa có quan hệ chặt chẽ với vùng đồng bằng, vùng đồi núi kề bên.

- Thiên nhiên vùng biển nước ta đa dạng và giàu có.

b) Vùng đồng bằng ven biển

- Hình thành đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ, mở rộng các bãi triều thấp phẳng, thềm lục địa rộng, phong cảnh thiên nhiên trù phú, xanh tươi.

- Dải đồng bằng ven biển Trung bộ, đồi núi lan ra sát biển, chia cắt thành những đồng bằng nhỏ, đường bờ biển khúc khuỷu với thềm lục địa hẹp. Các dạng địa hình bồi tụ, mài mòn xen kẽ nhau, các cồn cát, đầm phá khá phổ biến.

c) Vùng đồi núi

- Sự phân hóa thiên nhiên ở miền đồi núi rất phức tạp, chủ yếu là do tác động của gió mùa với hướng của các dãy núi.

- Trong khi vùng núi Đông Bắc có mùa đông lạnh đến sớm thì ở vùng núi thấp phía nam Tây Bắc mùa đông bớt lạnh nhưng khô hạn, mùa hạ đến sớm. Khí hậu Tây Bắc lạnh chủ yếu do địa hình núi cao.

- Trong khi sườn Đông Trường Sơn có mưa vào thu đông, thì vùng núi Tây Nguyên lại là mùa khô, nhiều nơi khô hạn gay gắt. Tây Nguyên vào mùa mưa thì bên sườn Đông Trường Sơn nhiều nơi lại chịu tác động của gió Tây khô nóng.

3. Thiên nhiên phân hóa theo độ cao

a) Đai nhiệt đới gió mùa

- Miền Bắc có độ cao trung bình dưới 600 - 700m. Miền Nam có độ cao 900 - 1000m.

- Khí hậu nhiệt đới biểu hiện rõ rệt, mùa hạ nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 250C). Độ ẩm thay đổi tùy nơi, từ khô đến ẩm.

- Có hai nhóm đất: Nhóm đất phù sa (24%), nhóm đất feralit vùng đồi núi thấp (chiếm 60% diện tích đất tự nhiên).

- Sinh vật: các hệ sinh thái rừng nhiệt đới:

+ Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh hình thành ở những vùng núi thấp mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt, mùa khô không rõ. Rừng có cấu trúc nhiều tầng.

+ Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa: rừng thường xanh, rừng nửa rụng lá, rừng thưa nhiệt đới khô. Trên các loại thổ nhưỡng đặc biệt có: hệ sinh thái rừng thường xanh trên đá vôi; rừng ngập mặn trên đất mặn ven biển; rừng tràm trên đất phèn; hệ sinh thái xavan; cây bụi gai nhiệt đới trên đất cát, đất thoái hóa vùng khô hạn.

b) Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

- Miền Bắc có độ cao từ 600 - 700m đến 2600m. Miền Nam có độ cao từ 900 - 1000m đến độ cao 2600m.

- Khí hậu mát mẻ, không có tháng nào nhiệt độ trên 250C, mưa nhiều hơn, độ ẩm tăng.

- Từ 600 - 700m đến 1600 - 1700m, các hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới lá rộng và lá kim phát triển trên đất feralit có mùn (đặc tính chua, tầng đất mỏng). Trong rừng xuất hiện nhiều chim, thú cận nhiệt đới phương Bắc. Các loài thú lông dày như gấu, sóc, cầy, cáo.

- Trên 1600 - 1700m, hình thành đất mùn. Rừng phát triển kém, đơn giản về thành phần loài (rêu, địa y phủ kín thân, cành cây). Trong rừng, đã xuất hiện các loài cây ôn đới và các loài chim di cư thuộc khu hệ Himalaya.

c) Đai ôn đới gió mùa trên núi

- Độ cao từ 2600m trở lên (chỉ có ở Hoàng Liên Sơn).

- Khí hậu có tính chất khí hậu ôn đới, quanh năm nhiệt độ dưới 150C, mùa đông xuống dưới 50C. Có các loài thực vật ôn đới: đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam. Đất chủ yếu là đất mùn khô.

4. Các miền địa lí tự nhiên

a) Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

- Ranh giới của miền dọc theo tả ngạn sông Hồng và rìa phía tây, tây nam đồng bằng Bắc Bộ.

- Đặc điểm cơ bản: đồi núi thấp chiếm ưu thế, hướng vòng cung của các dãy núi, các thung lũng sông lớn với đồng bằng mở rộng. Hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh.

- Địa hình bờ biển đa dạng: nơi thấp phẳng, nơi nhiều vịnh, đảo, quần đảo. Vùng biển có đáy nông, có vịnh nước sâu thuận lợi phát triển kinh tế biển.

- Tài nguyên khoáng sản: than, sắt, thiếc, chì, kẽm... Vùng thềm lục địa vịnh Bắc Bộ có bể dầu khí sông Hồng.

- Những trở ngại lớn trong sử dụng tự nhiên của miền: Nhịp điệu mùa khí hậu, của dòng chảy sông ngòi bất thường; Thời tiết không ổn định.

b) Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

- Giới hạn của miền từ hữu ngạn sông Hồng tới dãy Bạch Mã.

- Đặc điểm cơ bản: địa hình cao, các dãy núi xen kẽ các thung lũng sông theo hướng tây bắc – đông nam với các dải đồng bằng thu hẹp, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc bị giảm sút làm tính chất nhiệt đới tăng dần với sự có mặt của thành phần thực vật phương Nam.

- Là miền duy nhất có địa hình núi cao ở nước ta với đủ ba đai cao. Địa hình núi chiếm ưu thế, trong vùng có nhiều sơn nguyên, cao nguyên, nhiều lòng chảo...

- Rừng còn tương đối nhiều ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Khoáng sản: thiếc, sắt, crôm, titan, apatit, vật liệu xây dựng...

- Vùng ven biển có nhiều cồn cát, đầm phá, nhiều bãi tắm đẹp.

- Thiên tai thường xảy ra: bão, lũ, trượt lở đất, hạn hán.

c) Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ

- Có giới hạn từ dãy Bạch Mã trở vào Nam.

- Cấu trúc địa chất - địa hình khá phức tạp, gồm các khối núi cổ, các sơn nguyên bóc mòn và cao nguyên badan, đồng bằng châu thổ sông lớn và đồng bằng ven biển. Bờ biển khúc khuỷu, có nhiều vịnh biển sâu được che chắn bởi các đảo ven bờ.

- Đặc điểm cơ bản của miền: có khí hậu cận xích đạo gió mùa (nền nhiệt cao, biên độ năm nhỏ, có hai mùa mưa và khô rõ rệt).

- Rừng cây họ Dầu phát triển. Có các loài thú lớn: voi, hổ, bò rừng, trâu rừng. Ven biển phát triển rừng ngập mặn, các loài trâu, rắn, cá sấu đầm lầy, các loài chim. Dưới nước giàu tôm, cá.

- Khoáng sản: dầu khí (có trữ lượng lớn ở vùng thềm lục địa), bôxit (Tây Nguyên).

- Khó khăn trong sử dụng đất đai của miền:

+ Xói mòn, rửa trôi ở vùng đồi núi.

+ Ngập lụt trên diện rộng ở đồng bằng Nam Bộ và hạ lưu các sông lớn trong mùa mưa.

+ Thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô.

Từ khóa » đai Nhiệt đới Gió Mùa Trên Núi Có độ Cao