88. Tu Đạo Phải Hiểu Rõ Ma Khảo - NGỌC ĐỨC CUNG

Chia Sẻ: http://ngocduccung.edu.vn/book_chapter?alias=88-tu-dao-phai-hieu-ro-ma-khao---dao-nghia-can-ban---ngoc-duc-cung

Chương trước Phần sau

Tu Đạo Phải Hiểu Rõ Ma Khảo

Chân Đạo chân khảo cổ nan di

Hữu tình vô tình thử căn cơ

Mỹ ngọc kinh trác phương thành khí

Kiên tâm phương năng bộ vân thê

( Tế Công Hoạt Phật) Đạo với ma là hai con đường đi đôi với nhau, có Đạo là có ma, Từ cổ chí kim, chư Thánh, chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tiên đều phải trải qua con đường ma khảo mới chứng Đạo. Nên tu Đạo mà không biết ma khảo chưa phải là người tu hành. Nguyên do của ma khảo là:

  1. Phân chân ngụy,
  2. Tiêu oan khiếm,
  3. Hóa bẩm tính, 4) Định quả vị.

Phân chân ngụy: Thời kỳ phổ độ, tuy rằng cửa Đạo mở rộng nhưng chân giả khó phân. Có người chân tu, cũng có người chỉ thuận theo thế tục mà đi ngược với thiên lý, lợi dụng danh nghĩa của Đạo mà làm việc tư, làm cho những người có lòng chân tu bị mắc oan, cho nên ơn Trên mới giáng ma khảo. Sau cơn khảo nghiêm mới chọn lấy được phần tinh anh mà đào thải phần cặn bã. Như vàng thật, càng luyện càng thuần, vàng giả gặp lửa là tan.

Tiêu oan khiếm: Người tu hành ít nhiều đều mang theo oan nghiệt của tiền kiếp, nên trong thời Bạch Dương phổ độ, Thượng Đế từ bi, đem nhân và quả của những kiếp trước dồn vào kiếp này để ta dứt khoát với oan chủ mà sạch được nợ trần. Do đó trải qua một cơn ma khảo là liễu đi một phần oan khiếm. Cho nên có câu “ không vì sợ khảo gặp tai ương, chân Đạo gặp khảo hết nghiệp chướng”.

Họa bẩm tính: Con người chúng ta khi xuống đến hậu thiên, chịu ảnh hưởng của khí bỉnh vật dục nên tập tính phát không được trung hòa, như tính dễ nộ, nhu nhược, cang cường, ngạo mạn… Cho nên Tiên Phật mượn hoàn cảnh bên ngoài để đoạn luyện tính tình của người tu hành, như một vật có nhiều góc, sau nhiều lần mài giũa mà trở nên tròn đầy mà không khiếm khuyết. Khi bị mài giũa không nên sinh lòng oán hận, mà phải cảm kích sám hối, bẩm tính dần dần hóa thuần mà hợp với thiên tính.

Định phẩm vị: Cửu phẩm liên đài đều tùy theo công quả hỏa hầm mà định vị. Cho nên nói “ Chân Đạo chân khảo kiến chân tâm”. Tiên Phật trước khi chứng quả đều phải trải qua nhiều cuộc chuân triên hoạn nạn, trên thì Trời khảo, dưới thì người luyện để nghiệm chí hướng, kiến giải học vấn, công phu và hỏa hầu mà định phẩm vị

Ngày xưa Đức Khổng Tử bị vây khốn bảy này ở Biên giới của hai nước

Trần và Thái, môn đệ đi theo đều bị đói và lâm bệnh. Trong khi đó Đức Khổng

Tử vẫn ngồi khảy đàn ca hát như không có chuyện gì xảy ra. Trong lúc này, Ngài mới thử công phu và hỏa hầu của mấy vị cao đồ, trước hết Ngài gọi Tử Lộ đến hỏi:

Này Do, kinh Thi có câu: “ Chẳng phải là con tê ngưu, chẳng phải là con hổ, cũng lang thang nơi đồng vắng hay sao?”, Đạo của ta không đúng chăng? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này, như con thú dữ bị người ta đuổi?

Tử Lộ với sắc mặt không vui và trả lời rằng:

Người quân tử không bao giờ bị khốn. Theo ý con thì đức Nhân của Thầy chưa đủ nên người ta không tin, hay là đức Trí của Thầy chưa đủ nên người ta không theo Đạo ta chăng? Lại nửa, con nghe Thầy nói: “ Làm thiện trời sẽ giáng phúc cho, làm ác thì trời sẽ giáng họa cho”, nay Thầy hoài nghĩa tích đức đã lâu, tại sao lại gặp cảnh cùng đươc?

Đức Khổng Tử đáp:

Này Do, con chưa rõ đâu, để Thầy nói cho con nghe: “ Nếu cho rằng con người có nhân luôn luôn được người ta tin thì Bá Di và Thúc Tề đã không bị chết đói tại núi Thú Dương; nếu cho rằng người có trí luôn luôn được mọi người nghe theo thì Tì Can sao lại bị vua Trụ mổ tim mà chết; nếu cho rằng có lòng tốt thì Trời giáng phúc thì Quan Long Bàng đã không bị vua Kiệt hành hình; nếu cho rằng có lòng can gián sẽ được người nghe thì Ngũ Tử Tư đã không bị vua Sở giết”. Gặp và không gặp là thời, hiền hay bất tiêu là tài, người quân tử bác học thâm mưu nhưng không gặp thời cũng rất nhiều, chẳng phải có mình thầy mà thôi. Hơn nữa bông Chi Lan sinh trưởng ở nơi u cốc, chẳng vì không người biết đến mà không phất mùi hương, người quân tử tu Đạo lập đức không vì bần khốn mà đổi lòng.

Khi Tử Lộ ra, Đức Khổng Tử gọi Tử Cống đến hỏi:

Này Tứ, kinh Thi có câu: “ Chẳng phải là con tê ngưu, chẳng phải là con hổ mà cũng lang thang nơi đồng vắng hay sao?”, Đạo ta có sai chăng? Tại sao ta lại gặp phải cảnh này?

Tử Cống đáp:

Đạo của Thầy quá cao, cho nên thiên hạ không ai dung nạp được Thầy, Thầy nên hạ thấp một chút để người ta dễ theo.

Đức Khổng Tử đáp:

Này Tứ con, người nông giỏi về canh tác nhưng không tin chắc rằng sẽ được gặt hái; người thợ giỏi khéo tay nhưng vẫn không chắc sẽ làm vừa ý được khách hàng. Người quân tử tu Đạo giữ nét kỹ cương mà không cần bị người dung nạp, nay không tu Đạo mà cầu người ta dung nạp mình, chí của con không lớn, nghĩ không xa.

Tử Cống đi ra, Nhan Hồi vào, Đức Khổng Tử dùng cùng một câu hỏi để hỏi để hỏi Nhan Hồi. Nhan Hồi đáp:

Đạo của Thầy quá cao cho nên thiên hạ không thể dung nạp, nhưng Thầy vẫn theo đó mà làm. Người ta không dung nạp thầy cũng không có hại gì. Không trau dồi đạo đức là điều làm cho ta xấu hổ. Đã trau dồi đạo đức mà không được người dung nạp thì là diều xấu hổ của kẻ làm vua, không có hại gì cho Thầy cả. Chính vì không bị người dung nạp, nên Thầy mới là bậc quân tử.

Đức Khổng Tử nghe Nhan Hồi đáp xong, trong lòng vui mừng và nói:

Hỡi con nhà họ Nhan, con người có đạo. Nếu con là kẻ giàu có, Thầy sẽ làm người quản lý tài chánh cho con.

Căn cứ vào lời đối thoại của Đức Khổng Tử và ba vị cao đồ, ta hiểu được có sự khác biệt về tính tình, kiến thức, tài đức và hỏa hầu của từng người. Cảnh giới của Đức Khổng Tử là Chí Thánh, Nhan Hồi là Phục Thánh, Tử Cống thành Triết, Tử Lộ thành Hiền.

Nói tóm lại, muốn trở về cõi Niết Bàn, người ta hành phải trải qua nhiều cơn ma khảo mới đến đích được. Như hành trình của thấy trò Đường Tam Tạng phải trải qua 9 x 9 = 81 kiếp nạn mới đến được miền Cực Lạc Tây Phương.

Ma khảo có thể chia làm: 1) Nội khảo; 2) Ngoại khảo; 3) Khí khảo; 4) Kỳ khảo; 5) Thuận khảo; 6) Nghịch khảo; 7) Điên đảo khảo; 8) Đạo khảo.

Nội khảo: Khi cầu Đạo rồi thì gặp tai nạn, bị trộm cướp, hay là sinh bệnh… Khi gặp nạn dù lớn hay nhỏ đều có nhân quả. Muốn tiêu giải, hãy ôm lấy một ý chí cương quyết tin Đạo, hành công lập đức để liễu nghiệp. Sau cơn khảo nghiệm đạo hạnh sẽ cao thêm một bậc.

Ngoại khảo: Thân nhân phản đối, bạn bè hủy báng, hàng xóm chê cười, quan binh bắt bớ đều thuộc ngoại khảo. Khi gặp ngoại khảo, phải giữ vững lòng tin, đồng thời dùng lòng thành cầu xin ơn Trên từ bi cho cơn hoạn nạn chóng qua.

Khí khảo: Bị người lấy oán báo ân, xuyên tạc thị phi, vô cớ bị oan, áp bức, tình bạn biến thành cừu địch… những sự vô lý đó làm cho hành giả không thể chịu đựng được mà phải nổi cơn tam bành. Như thế đã bi khí khảo mà không hay. Khi gặp khí khảo, phải lấy lòng khoan dung đại lượng để ứng phó. Như Đức Chúa Jesu nói: Kẻ nào đánh vào má bên trái của ta, ta đưa luôn má bên phải cho họ đánh chung một lượt. Phật Di Lặc nói: “ Có người chửi lão chuyết, lão chuyết cười hi hi, nếu nhổ nước miếng vào mặt lão, cứ để nó khô, ta khỏi cần phí công đi lau chùi, kẻ nhổ bọt cũng vui”. Đó là tính bao dung của Thánh Phật mà ta phải noi theo.

Kỳ khảo: Sau khi cầu Đạo, làm ăn thất bại, vợ chồng chia ly, con cái tử vong… đều thuộc kỳ khảo. Người tu Đạo phải biết được kỳ khảo và nhận lý tu hành, nếu không dễ bị khảo đảo, chẳng những nữa đường hoang phế, nếu quay trở lại hủy bán đạo thì trụy lạc vào ác đạo. Ứng phó kỳ khảo là phải giữ lý chân mệnh, nên hiểu rằng vợ chồng con cái đều là duyên nợ, duyên tốt hay xấu, dài hay ngắn đều là nhân đã kết từ kiếp trước, dù có tu Đạo hay không, khi duyên nợ hết rồi thì đường ai nấy đi, công ai nấy hưởng, tội ai nấy chịu. Còn tiền tài ruộng đất, chỉ là thân ngoại vật, sinh ra không mang đến, chết rồi cũng không mang đi. Hiểu rõ được như thế thì sự vinh hoa đắc thất chỉ như một giấc mộng, trong lòng thản nhiên như mây trôi trên không, như nước chảy trên sông.

Thuận khảo: Có Thánh và Phàm hai loại:

Mặt Thánh: Được bậc tiền nhân khen thưởng, hậu học ủng hộ phụ họa, dần dần trở nên đắc ý vong hình, rơi vào con đường “danh” của Đạo mà trở thành ngạo mạng, bỏ quên dần đạo tâm ở sau ót. Khi được bậc trên yêu thương, hậu học xem trọng, càng phải tự cảnh tỉnh lấy mình, tài đâu đức đâu mà được sủng như vậy, trong lòng luôn luôn cảm tạ ân đề bạt của các bậc huynh tỉ, đem lòng yêu thương của các bậc tiền hiền đối với ta đi đoái hoài bậc hậu học, khiêm tốn nhún nhường, lấy thối làm tiến, làm gương mẫu cho hậu học noi theo. Đó là phương pháp biến thuận khảo làm bậc thang trên con đường tiến đức tu nghiệp.

Mặt phàm: Buôn bán phát đạt, thăng quan tiến chức, vợ chồng nặng tình, ân ái khó lìa.. Trong những hoàn cảnh như ý này, người tu Đạo dần dần trở nên trọng phàm khinh Thánh, biến tu Đạo thành tu đời mà quên đi nguyện hạnh ban đầu. Muốn thoát vòng tục lụy này, ta phải lấy trọng Thánh khinh phàm làm đầu, dùng hai chữ đạm bạc để xử thế.

Nghịch khảo: Chia làm thánh phàm hai loại:

Mặt Thánh: Trên gặp tiền nhân vô tình, có công không được khen, vô cớ bị chỉ trách, dưới thì không được hậu học kính trọng. Bao lâu khổ công hy sinh ở đạo tràng nay bị nghịch cảnh khảo nghiệm, nên người tu hành cảm thấy nản lòng thối chí. Khi gặp nghịch khảo chớ nên sinh lòng oán hờn, mà nên tự suy lấy mình. Đạo thuộc vô vi, tấm lòng son sắt đã có Trời cao soi xét, khen thưởng hay chê bai chỉ là phần nhân sự mà thôi. Một thanh sắt phải chịu đựng được cảnh trên đe dưới búa, mới luyện thành một thanh kiếm hữu dụng. Tu Đạo cũng thế, gặp khảo càng nhiều thành quả càng cao.

Mặt Phàm: Khi phát tâm hành Đạo, cha mẹ không thích, vợ chồng oán hận lẫn nhau, việc làm không thuận, cấp trên khinh khi, cấp dưới trở mặt. Gặp phải cảnh này ta phải an phận, lấy đức cảm hóa người thay đổi hoàn cảnh. Nên biết ngọc quý tuy vỡ nhưng vẫn giữ được tính cao quý trong sạch; tre tuy bị cháy nhưng vẫn giữ nguyên được khúc đốt không biến. Chí của người tu Đạo cũng thế.

Điên đảo khảo: Vì căn cơ duyên phận, nhân quả oan khiếm của mỗi người không giống nhau, có người gặp thuận khảo trước, nghịch khảo sau, có người thì gặp nghịch khảo trước, thuận khảo sau; cũng có người bị nội, ngoại, khí, kỳ, thuận, nghịch luân phiên đến khảo, làm cho người tu hành không thể tránh đỡ mà phải thất điên bát đảo, đến nỗi sờn lòng thối chí. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nào, đạo Tâm của người tu Đạo vẫn vững như thái sơn, mặc cho mây bay gió thổi. Mây mưa dù lớn có lúc ngừng, tấm lòng son sắt vẫn không phai.

Đạo khảo: Có nội và ngoại hai loại:

Nội đạo khảo phát xuất trong Đạo, nhỏ thì tranh chấp về quan niệm tu hành hay Phật quy, nghiêm trọng thì tự lập chi nhánh hay môn phái mà lìa gốc, làm cho người tu hành không biết phải trái mà theo. Khi gặp phải khảo, người tu hành phải lấy trí mà xét. Người có tôn Sư trọng Đạo chăng? Tôn Sư và trọng Đạo là hai con đường song song với nhau, nếu chỉ tôn Sư ( chỉ biết đi theo người lãnh đạo) mà không trọng Đạo thì là tu Đạo nhân tình, mà không hợp với lòng Trời, chỉ trọng Đạo mà không tôn Sư ( Chỉ lấy Đạo làm trọng, nhưng không nghe lời của các bậc Sư) thì dễ trở thành khi Sư mà biệt lập môn phái.

Ngoại đạo khảo là do bàng môn tả đạo đến khảo người trong Đạo. Mạt hậu nhất trước, tứ quý ngũ bàn[1] đều phụng mệnh xuống phàm, 36 vị Tế Công giả và 72 vị Di Lặc giả sẽ xuất hiện. Phật độ người có duyên, Ma tìm người háo kỳ. Cho nên đạo môn nhiều hơn bao giờ hết. Về pháp thuật, khi chỉ trời trời mở, chỉ đất đất lở, tàng hình, độn thổ, hiểu biết quá khứ, tiên tri vị lai… Ngoài ra có loại Thiên Ma nhập vào xác người, tự xưng là Phật, dùng thần thông biến hóa để mê hoặc lòng người. Nếu không chú ý, vì động lòng háo kỳ hay nổi lòng tham mà đi theo dễ rời khỏi chánh đạo mà vào bàng môn.

Đạo khảo thử phần trí của người tu hành, nên cũng gọi là trí tuệ khảo, khảo sự phán xét chánh tà, khảo trung hiếu tiết nghĩa là phần đức hạnh của người tu Đạo. Đối với người chưa khai huệ, tôn Sư Trọng Đạo, không tham không vọng, là một phương pháp để ứng phó đạo khảo.

Kinh Đạo viết: “ Thanh tĩnh vô vi”; sách Trung Dung: “ Vô thanh vô xú”; kinh Kim Cang: “ Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng ảo bào ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thử quan”. Lại viết: “ Nhược dĩ sắc thân kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Cổ Đức nói: “ Ma đến chém ma, Phật đến chém Phật”, vì đó là pháp hữu vi, làm cản bước tiến của người tu hành.

Trong những loại khảo nói trên, mỗi người tu hành đều có thể gặp phải, Khảo do nơi mình, dễ biết mà phòng, ma thuộc âm khó hiểu, nhưng không ngoài bốn chữ hỷ, nộ, ái, tăng ( mừng, giận, yêu, ghét). Hỷ nộ ái tăng phát không trung tiết đều dễ đi vào ma Đạo. Cho nên tu Đạo phải hiểu rõ ma tướng, trái lại chính ta đã ở trong ma đạo mà không hay. Ma không có hình tướng, tùy tâm người hiện, sắc tâm chưa dứt, thấy sắc động lòng tà dâm, thì bị sắc ma thừa cơ làm hại. Tính nộ chưa diệt, một khi phát nộ nghiến răng trợn mắt… đó là hiện thân của ma quỷ. Do đó tu Đạo phải tu tâm, tâm không nhiễm trần, không sinh niệm thì mọi sự khảo nghiệm đều như hư không, có mà không thực.

Tứ quý: Là Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngũ bàn: Là Yêu, Tinh, Ma, Qủy, Quái.

[1] Tứ quý: Là Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ngũ bàn: Là Yêu, Tinh, Ma, Qủy, Quái.

Chương trước Phần sau

Từ khóa » Các Duyên Ma Khảo