9 Dụng Cụ Uống Trà Không Thể Thiếu Của Người Thưởng Trà

29 April, 2019 by Hương Trà Việt 12703 0 23

Dụng cụ uống trà

Khi bạn tìm hiểu các bài viết về dụng cụ uống trà, nghĩa là bạn đang quan tâm đến việc thưởng trà chuyên nghiệp và có lẽ bạn cũng đang khó khăn trong việc lựa chọn dụng cụ pha trà. Hai vấn đề này chúng tôi cho bạn những lời khuyên như sau:

– Thứ nhất, việc thưởng trà chuyên nghiệp khác với việc uống trà thông thường là ở việc sử dụng ấm pha trà nhỏ hơn và thời gian hãm trà ngắn hơn, chỉ đơn giản vậy thôi

– Thứ hai, bạn sẽ dễ bị rối khi mua trà cụ vì có quá nhiều loại ấm chén, nào là ấm đất, ấm Tử Sa, ấm sành, ấm sứ, ấm thủy tinh và các loại dụng cụ trà đạo đi kèm. Bạn hãy nhớ rằng: trà và tâm hồn trà nên đặt ở vị trí trung tâm, ấm chén chỉ là thứ yếu, không nên đặt nặng phải có ấm đắt tiền hay phải đầy đủ dụng cụ.

Ban đầu, chỉ cần có một ấm sứ trắng (hoặc chén khải – Gaiwan) đơn giản với dung tích nhỏ (110ml-180ml), loại ấm này có thể dùng pha tất cả các loại trà, bền và dễ chùi rửa.

​Tiếp theo, cần có một chén tống thủy tinh dung tích tương đương với ấm để vắt nước trà ra sau mỗi lần hãm trà, loại tống này giúp dễ dàng quan sát được màu nước. Cuối cùng, chén trà thì đơn giản, nhỏ nhỏ xinh xinh, miễn thích là được.

Lúc mới uống trà chỉ cần vậy, thậm chí nhiều người uống trà lâu năm cũng chỉ cần vậy, người ta tôn sùng sự đơn giản, có chăng người ta chỉ sắm thêm một cái lọc trà để nước không bị cặn và một khay tre nhỏ để đặt ấm chén lên.

Dụng cụ uống trà
Dụng cụ đơn giản với chén khải, tống, chén
Dụng cụ uống trà
Dụng cụ đơn giản với ấm sứ trắng, tống, chén

Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng, dụng cụ pha trà rất cầu kỳ trong giới trà đạo. Trà cụ cũng biến chuyển qua các thời đại, nói chung là đẹp hơn, thanh hơn lúc đầu. Nhưng chúng ta phải luôn đồng ý với nhau rằng, quan trọng nhất vẫn là phải có trà ngon, nước ngon và biết pha chế, trà cụ tuy quan trọng nhưng so với những thứ trên thì xếp hàng sau cùng.

Trà cụ đầu tiên phải có là ấm pha trà. Một ấm pha trà tốt cần có hai tiêu chuẩn sau: 1.- Vỏ ấm phải cứng, cầm ấm lên dùng ngón tay gõ nhẹ vào thành ấm nghe boong boong càng trong càng quý; 2.- Nắp ấm phải kín, thử bằng cách đổ ¾ nước vào ấm rồi đậy nắp lại (tay ghì giữ nắp ấm cho chặt) và nghiêng vòi nếu nước không chảy ra thì nắp ấm kín. Vỏ càng cứng càng ít thẩm thấu và nắp càng kín càng ít thoát hơi nước, có như vậy trà mới ấm lâu và ít bay thoát hương vị.

Những tay cự phách trong làng trà thường không thích ấm mới vì còn hôi mùi đất, ấm càng cũ và trong lòng ấm có gợn lớp bợn trà mới cho trà ngon. Do vậy các tay sành trà ít dùng chất tẩy rữa bên trong ấm trà, chỉ tráng qua nước nóng sau khi dùng rồi úp để ráo. Tập quán này trái ngược với nghi thức trà của Nhật. Thậm chí có người mua ấm mới về không đem ra dùng ngay, họ dùng vật nhám chà trong ngoài cho hết bụi đất lò nung gốm bám dính vào, rồi rửa sạch. Kế đó cho bã trà vào nấu nhiều giờ cho hơi trà ngấm vào gốm, có người nấu như vậy mấy ngày đêm, Lúc đó ấm có hơi trà và mùi đất nung biến mất, hương vị trà không bị át mất.

Rồi ấm trà còn phân chia theo số người uống: ấm độc ẩm chỉ để một người uống, ấm song ẩm dùng cho hai người đối ẩm với nhau, hay nhiều người thì dùng ấm quần ẩm. Nói chung là tùy số lượng người mà chọn ấm cho phù hợp, mỗi lần rót cho mỗi người đủ 2 chén là hợp lý.

Ấm trà nhỏ xinh
Cho ai uống đây?

Ấm dùng hàng ngày không nên mua loại hình dáng kỳ dị, khó pha và cũng khó rửa. Ấm trơn hoặc ấm hình kỷ hà, trang trí nhã nhặn, điểm vài chữ viết … Những ấm đắt tiền thường là đất tốt, da mịn, trông qua cũng biết loại thượng phẩm. Ấm rẻ tiền hạng soàng, sờ nhám tay, trong lòng ấm chỗ lồi chỗ lõm, thô tạo. Ấm trà bán theo bộ, nghĩa là đủ mọi thứ trong một “set” thường không phải là loại hảo hạng, chỉ dùng trong việc tiếp khách đông người.

Khi nói đến ấm pha trà, người Việt hiện thời nhớ ngay câu: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” trong Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Nhưng ít người biết thực ra ba loại này là ba chủng loại của ấm Nghi Hưng, thích hợp dùng cho những loại trà đã oxy-hóa nhiều như trà ô long, hồng trà; không nên dùng cho trà xanh hay trà trắng. Khi các cụ thời xưa ca tụng ba loại ấm này hẳn là giới trung lưu quen dùng trà tàuTrên trường quốc tế khi nói đến ấm pha trà thiên hạ nghĩ ngay đến ấm Nghi Hưng.

Hiện Trung Quốc xem nghệ thuật làm ấm đất tử sa một trong bốn quốc bảo cần bảo tồn, ba thứ còn là kinh kịch, tranh thủy mạc, và lụa Tô Châu.

Sự nổi tiếng của ấm Nghi Hưng ngoài việc nó được làm bằng tay nên mỗi chiếc như một tác phẩm nghệ thuật. Giá trị của ấm Nghi Hưng ở chỗ không có tráng men nên hấp thụ nước trà khiến càng lâu ngày trà càng có hương vị thơm hơn; cũng chính vì vậy ấm đất Nghi Hưng không được dùng chất tẩy rửa để làm vệ sinh. Thường ấm dùng xong người ta chỉ tráng nước nóng rồi úp cho ráo. Hình thức bên ngoài ấm Nghi Hưng cũng rất đa dạng, có thể vuông, lục giác, tròn, thậm chí hình trái phật thủ, sừng tê giác…

Nói đến ấm trà không thể không nhắc đến ấm sản xuất tại Đài Loan. Từ khi chính quyền dân quốc thiên di sang hòn đảo này, nhiều người trong số di dân là nhà sưu tập hoặc dân bản xứ vùng Giang Tô. Nghề làm ấm cũng được truyền theo. Ấm Đài Loan cũng đẹp không kém gì ấm sản xuất tại lục địa. Về phương diện tinh xảo và cầu kỳ có phần hơn. Tuy nhiên giá cả thường đắt một chút.

Dụng cụ pha trà
Trưng bày các sản phẩm trà cụ

Kế đến là chén trà. Người xưa có câu “ấm đất Nghi Hưng, chén sứ Cảnh Đức”; nói chén uống trà phải nói đến Cảnh Đức Trấn. Nếu Nghi Hưng có loại đất sét đỏ gọi là tử sa làm ra loại ấm đất lừng danh, thì Cảnh Đừc có loại đất sét trằng gọi là cao lanh làm ra loại chén sứ có tên tuổi không kém phần lừng lẫy. Sứ Cảnh Đức đặc sắc ở điểm có lớp men ngọc nhiều màu và men ngọc bích (celadon), men chén mỏng và nhẹ, tiếng gõ vang trong và ngân rất dài. Với đặc điểm này làm chén dùng trà khiến trà trở nên tươi ngon hơn

Thực tế ít nhất từ đời Lý-Trần Việt Nam đã làm ra dụng cụ uống trà bắng sứ rồi. Dĩ nhiên vào thời nhà lý chén trà vẫn còn hơi nặng, dù đã tạo ra men ngọc nhưng men chưa được mỏng, tiếng gõ chưa trong và ngân như chén của người Trung Hoa. Qua đời Trần thì có những sản phẩm không thua kém nhiều, gốm Chu Đậu về kỹ thuật đã đạt nhưng vấn đề nguyên liệu sản xuất rõ ràng còn thua kém đất của Cảnh Đức vốn lừng danh. Đến đời Lê-Mạc, gốm Chu Đậu được giới chuyên môn hiện nay đánh giá “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông” nên có thể nói không còn thua kém nữa. Gốm Chu Đậu hiện đã được thế giới biết đến dù số lượng trưng bày trong các viện bảo tàng khá hiếm hoi. Theo tác giả Khánh Hưng, bình gốm Chu Đậu đang trưng bày ở Viện Bảo Tàng Topkapi Sarayi (Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ) có giá lên đến 1 triệu đô-la mỹ [Nguồn trang web Eastern Culture]. Một chiếc bình Chu Đậu khác (trước kia thuộc gia sản của sứ quân Yoshiharu Tokugawa – 1737-1786) hiện đang được bảo quản Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật và được đánh giá là Tài sản Văn hóa Trọng yếu (Important Cultural Property).

Chén trà có hai loại: chén tống (trại âm từ chữ tướng) và chén quân. Chén tống dùng chuyên trà từ ấm ra, rồi rót vào chén quân để uống. Theo Vương Hồng Sển thì miền Bắc dùng một chén tống và bốn chén quân; miền Trung trở vào Nam dùng một chén tống với ba chén quân nên mới có thành ngữ “nhất tống tam quân”.

Bộ chén trà lại chia làm bốn loại để dành dùng cho từng mùa: xuân ẩm, hạ ẩm, thu ẩm và đông ẩm. Hình dạng bốn bộ chén này cỡ vừa (không lớn không nhỏ, không dày không mỏng) vào xuân thu gọi là kiểu xuân ẩm và thu ẩm; nhưng kiểu Hạ ẩm dùng cho mùa Hạ chén nhỏ thành mỏng giúp nước nhanh nguội, kiểu Đông ẩm thì chén trà dày và lòng chén sâu giữ cho trà lâu nguội.

Những dụng cụ uống trà thường thấy

Những dụng cụ uống trà thường thấy trên một bàn trà: ấm trà; tống; chén; khay trà; hủ đựng trà, lọc trà, kháo trà, bộ dụng cụ gắp, lót ly

– Ấm trà: ta nên lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu dùng, dung lượng tương thích với số người sẽ dùng sao cho lượng trà pha ra vừa đủ tránh tình trạng thiếu hoặc dư sẽ khiến nguội trà. Nếu có điều kiện chúng ta nên lựa chọn ấm Tử Sa, nếu không có thể sử dụng ấm gốm Bát Tràng, ấm sành sứ hoặc đơn giản nhất là sử dụng chén khải để pha trà.

Ấm sành sứ, ấm Bát Tràng được khuyên dùng để uống các loại trà xanh, còn các loại trà lên men như Ô Long, Hồng trà thì nên dùng ấm Tử Sa. Ấm tử sa được giới uống trà ngưỡng mộ và được đánh giá cao để có được những chén trà ngon.

Tham khảo chủ đề thảo luận về ấm Tử Sa trong bài viết: Làm thế nào để chọn một ấm Tử Sa phù hợp, ấm Tử Sa nào cho loại trà nào?

– Chén tống: (hay cũng gọi là chén tướng) là dụng cụ tối cần thiết trong bộ trà cụ, sử dụng chén tống trong qua trà có 4 công dụng:

+ Giúp nước trà được trộn đều, tránh bị chỗ đậm chỗ nhạt

+ Dùng chén tống giúp ta lọc được cặn trà, giúp nước trà được trong và thẫm mỹ hơn

+ Giúp làm giảm nhiệt độ của nước trà để trà không quá nóng khi uống

+ Nhiều người còn rót nước sôi vào chén tống trước, rồi mới đổ vào ấm trà để giảm nhiệt độ nước khi pha các dòng trà xanh (trà xanh pha nước dưới 90 độ)

Dung tích tống nên lựa chọn theo dung tích của ấm, nên chọn tống thủy tinh hoặc trắng sứ để dễ quan sát màu nước.

tống trà sứ trắng
tống trà thủy tinh

– Chén quân: lựa chọn chén quân sao cho phù hợp với màu của ấm để đảm bảo sự đồng bộ, ấm tử sa thì dùng chén tử sa, ấm sành sứ thì dùng chén sành sứ.

Chén trà còn phải phù hợp với loại trà, hợp với mùa hoặc thời tiết tại thời điểm dùng chén, đôi khi việc lựa chọn chén cũng phụ thuộc vào cảm xúc của người thưởng trà.

chén uống trà có ly ngửi
chén uống trà đơn

– Khay trà:

Tuy không đụng chạm trực tiếp gì đến trà nhưng khay trà góp một phần trong thú chơi trà. Khác với chén trà kiểu Phương Tây, chén trà Á Đông đúng nghĩa không có dĩa riêng cho từng chén. Thay vào đó là khay trà để đúng chén tống, chén quân và còn có tách dụng tránh nước trà rây ra chỗ ngồi.

Có rất nhiều loại bàn và khay trà bạn có thể chọn: bàn gỗ, bàn đá, bàn kiếng, bàn sơn mài, bàn kim loại… tùy phong cách và bài trí của mỗi người mà chọn bàn, hay khay trà phù hợp. Lựa chọn sao cho giản dị, tiện vệ sinh, khay quá cầu kỳ sẽ khiến cho những món đồ trên khay bị chìm đi.

Bàn trà gỗ
Khay trà tre

Đối với phong cách pha trà đơn giản theo kiểu Nhật, thường không sử dụng khay trà mà sử dụng một tấm khăn dài để trải lên bàn, làm nơi để các dụng cụ ấm chén pha trà

dung cu ban tra kieu Nhat
dung cu ban tra dung khan trai

– Lọc trà: Lọc trà là dụng cụ uống trà rất quan trọng trong việc thưởng trà, có tác dụng lọc cặn xác trà nhỏ để nước trà được trong và đẹp mắt hơn

Liên quan đến việc sử dụng lược trà, ta thấy phong cách pha trà kiểu Đài Loan, Trung Quốc hiện đại thì không thể thiếu dụng cụ này. Tuy nhiên, đối với phong cách pha trà truyền thống của Việt Nam thì không dùng lọc mà rót hẳn nước trà có lẫn cặn trà vào trong tống luôn.

Vì ông cha ta cho rằng người Việt Nam trong lối giao tiếp, đối đãi không bao giờ “cạn tàu ráo máng” mà lưu lại chút nghĩa chút tình với nhau, cho nên chén trà không bao giờ uống cạn. Việc không dùng lọc ẩn chứa những ý nghĩa sâu sa tốt đẹp.

lọc trà inox cổ điển
Lọc trà sứ có đế
lọc trà hình lá

– Hủ đựng trà: nhiều người cầu kỳ thích chọn hũ đựng trà bằng đất nung, tuy nhiên tùy điều kiện bạn có thể chọn hũ đựng trà bằng nhôm, thiếc, thủy tinh sao cho phù hợp.

Hủ đựng trà ngoài việc phải đảm bảo kín hơi, còn phải hạn chế được ánh sáng trực tiếp chiếu vào, vì đó là nguyên nhân khiến trà giảm hương vị.

– Kháo trà: là một chiếc bát lớn vừa phải dùng đựng nước sôi để vệ sinh và làm nóng các các dụng cụ trước khi pha trà, đồng thời bỏ nước tráng trà và bả trà sau khi dùng xong.

Nếu sử dụng bàn trà có khay chứa nước ở bên dưới thì có thể không cần sử dụng dụng cụ này, mà thao tác trực tiếp trên bàn trà.

kháo trà sành
kháo trà sành
kháo trà đất nung
kháo trà men ngọc

-Bộ dụng cụ gắp: Bộ dụng cụ pha trà này thường bao gồm một cây xúc trà, một que gắp chén, một que nhỏ để đưa trà khô vào ấm và một thông vòi. Có bộ còn có thêm 6 miếng lót ly

Bộ dụng cụ bằng tre
Bộ dụng cụ bằng gỗ có lót ly

– ​Trà cụ khác: Bên cạnh các loại dụng cụ uống trà bên trên việc pha trà không thể thiếu cái ấm nấu nước pha trà bằng kim loại, bằng sứ hay ấm điện; ngoài ra còn cần một khăn nhỏ để lau nước trà giữ cho bàn trà được sạch sẽ.

Một số người uống trà còn có một cái cân tiểu ly để định lượng trà, một nhiệt kế cầm tay để đo nhiệt độ nước cho chính xác, thậm chí là một đồng hồ bấm giờ để canh thời gian pha trà. Liên quan đến những dụng cụ này, có những ý kiến trái chiều.

Những thiết bị này có thể làm cho mọi thứ dễ dàng, nhưng trở thành đôi nạng hướng tới kỹ năng thực sự (gongfu). Cố gắng học hỏi kinh nghiệm và đừng sợ phạm sai lầm. Thực hành đo số lượng bằng trà, lắng nghe âm thanh nước reo hoặc nhìn hơi nước và dốc trà theo cảm giác.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về sự phong phú của thế giới trà cụ qua phóng sự:Tìm hiểu về dụng cụ uống trà – Nhà sưu tầm trà cụ Trịnh Quang Dũng

Share this with love
  • Làm sao để chọn được ấm Tử Sa phù hợp?

    Bài viết thảo luận chủ đề khám phá thế giới tuyệt vời của ấm Tử Sa, học cách đánh giá vẻ đẹp thẩm mỹ, khám phá tác dụng kỳ diệu mà ấm Tử Sa mang lại cho trà

  • Buổi trà ngon nhất Buổi trà ngon nhất

    “Giá của loại trà này là bất cứ thứ gì từ một Sen đến ngàn vàng. Nếu không, nó là miễn phí. Tôi chỉ ước tôi có thể đưa nó cho bạn với giá rẻ hơn!”

  • Tại sao một số loại trà đắt tiền thường "nhạt"?

    Đối với một số loại trà, đặc biệt là trà xanh, hương vị mạnh mẽ không thể đại diện cho chất lượng tốt của trà. Một loại trà tốt thực sự phụ thuộc vào sự đầy đặn và ngọt ngào…

  • nhiệt độ nước pha trà Nhiệt độ nước pha trà

    Nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng để quyết định trà pha ra ngon hay dở. Pha ở nhiệt độ nước tối ưu cho mỗi loại trà cho phép các hợp chất được giải phóng một cách cân bằng…

  • trà văn phòng Thời gian hoàn hảo cho trà văn phòng

    Uống trà là một trong những giải pháp đơn giản và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho người làm văn phòng. Điều quan trọng nhất là biết làm chủ thời gian uống.

  • các loại trà Làm sao phân biệt các loại trà?

    Phân loại 5 loại trà theo đặc điểm, công dụng và cách chế biến. Cung cấp cái nhìn chi tiết, minh họa rõ ràng để dễ phân biệt các loại trà phổ biến

  • hậu trà Bạn có thắc mắc tại sao trà có dư vị ngọt?

    Hậu trà có nghĩa là một hương vị đặc biệt được hình thành bởi vị đắng ở đầu lưỡi và vị ngọt được trả lại ở cổ họng. Trà thường có vị ngọt nhẹ và một chút se đắng với…

Từ khóa » đồ Lược Trà