9 Hướng Dẫn F0 điều Trị Tại Nhà Cần Biết - Hoạt động Của địa Phương

1. F0 nào được điều trị tại nhà?

Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

- Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;

- Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

- Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.

8 hướng dẫn F0 điều trị tại nhà cần biết - Ảnh 1.

Cán bộ y tế hỗ trợ, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà theo dõi sức khoẻ

2. Những việc F0 cần làm để theo dõi sức khỏe hàng ngày

Theo Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà như sau:

Thời gian: 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị.

Nội dung:

- Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

- Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo;

- Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên:

  • Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe);
  • Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày;
  • Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước;
  • Không bỏ bữa;
  • Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…
  • Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

3. F0 điều trị tại nhà theo dõi nhịp thở thế nào?

F0 đang điều trị tại nhà có thể tự theo dõi nhịp thở để sớm phát hiện các bất thường. Theo đó,

Đối với người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút; Đối với trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi: nhịp thở ≥ 40 lần/phút;

Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút cần báo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

Bộ Y tế lưu ý ở trẻ em cần đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

4. Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm có:

- Về thuốc hạ sốt, giảm đau

Paracetamol:

  • Cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80 mg, 100 mg, 150 mg hoặc 250 mg;
  • Cho người lớn: viên nén 250 mg hoặc 500 mg.

- Thuốc kháng virus: lựa chọn một trong các thuốc sau:

  • Favipiravir 200 mg, 400 mg (viên).
  • Molnupiravir 200 mg, 400 mg (viên).

- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc COVID-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

  • Dexamethason 0,5 mg (viên nén).
  • Methylprednisolon 16 mg (viên nén).

- Thuốc chống đông máu đường uống: Thuốc không phát sẵn cho người mắc COVID-19, thuốc phải được bác sĩ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19. Lựa chọn một trong các thuốc sau:

  • Rivaroxaban 10 mg (viên).
  • Apixaban 2,5 mg (viên).
8 hướng dẫn F0 điều trị tại nhà cần biết - Ảnh 2.

Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà Đồ hoạ: Kim Dung

Bộ Y tế lưu ý về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu: Thuốc kháng virus dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc COVID-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có bệnh nền không ổn định…

Chỉ định điều trị kết hợp đồng thời thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu khi người bệnh COVID-19 có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp và chỉ kê đơn điều trị trong một ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.

5. F0 điều trị tại nhà dùng thuốc hạ sốt thế nào?

- Đối với người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

- Đối với trẻ em: > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.

Nếu F0 bị ho thì dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

6. Các dấu hiệu suy hô hấp F0 cần biết

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc khó thở tăng lên khi vận động (đứng lên, đi lại trong nhà) hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào, và/hoặc

- Nhịp thở (ở trẻ em đếm đủ nhịp thở trong một phút khi trẻ nằm yên không khóc):

  • ≥ 20 lần/phút ở người lớn;
  • ≥ 30 lần/phút ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi;
  • ≥ 40 lần/phút ở trẻ em từ 1 đến dưới 5 tuổi;

Và/hoặc SpO2 ≤ 96% (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến một phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo)

7. 11 dấu hiệu F0 điều trị tại nhà cần được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày gồm: Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

Theo hướng dẫn do Bộ Y tế vừa ban hành, có 11 dấu hiệu người bệnh cần được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2) Nhịp thở

  • Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút
  • Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,
  • Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

(Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

3) SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7) Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

8) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

10) Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

8. F0 điều trị tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi nào?

Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, những trường hợp F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi:

- Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính virus SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine theo quy định.

- Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Theo quy định cũ ban hành trước đó, bệnh nhân COVID-19 tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi đủ 10 ngày điều trị và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

9. Vệ sinh nơi ở, xử lý chất thải khi có F0 cách ly, điều trị tại nhà thế nào?

- Cần bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm COVID-19, nên sử dụng dụng cụ dùng một lần. Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.

- Rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng. Người nhiễm COVID-19 tự rửa bát đĩa trong phòng riêng. Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa. Bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm sau khi rửa để ở vị trí riêng. Tốt nhất là để trong phòng người nhiễm.

- Về xử lý đồ vải của F0, tốt nhất là người nhiễm có thể tự giặt quần áo của mình. Nếu cần người chăm sóc giặt. Đeo găng tay khi xử lý đồ vải của người nhiễm.

- Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ. Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể. Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn. Tháo găng, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của người nhiễm.

- Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác. Đặc biệt Bộ Y tế lưu ý "không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán vi rút qua không khí"

- Về vấn đề vệ sinh, tốt nhất là người nhiễm tự vệ sinh khu vực của mình. Để vệ sinh môi trường sạch sẽ cần làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, rồi lau lại bằng nước sạch.

- Bộ Y tế lưu ý nếu cần người chăm sóc hỗ trợ việc vệ sinh phòng, người chăm sóc mang găng trước khi vệ sinh.

Nguồn: Suckheodoisong.vn

Từ khóa » Fo Triệu Chứng Nhẹ