9 Loại Dược Liệu được Giới Chuyên Gia đánh Giá Cao - Hello Bacsi

Cây dược liệu là những loại cây có khả năng chữa bệnh, hỗ trợ điều trị một căn bệnh nào đó hoặc dùng để bồi bổ cơ thể. Chúng còn được gọi là thảo dược và được sử dụng nhiều trong Đông y hay Y học cổ truyền.

Trên thực tế, vào đầu thế kỷ XXI, có đến 252 loại thuốc tân dược cơ bản và thiết yếu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép có nguồn gốc từ thảo dược. Đến nay, các loại cây dược liệu hay thực vật làm dược liệu vẫn được mọi người tin dùng khi muốn chữa trị một căn bệnh nào đó.

Dưới đây là 9 loại cây dược liệu phổ biến được giới chuyên gia đánh giá cao về đặc tính điều trị bệnh.

1. Cây dược liệu bạch quả (gingko)

dược liệu bạch quả

Bạch quả (Ginkgo biloba L) hay còn gọi là ngân hạnh, công tôn thụ, áp cước tù là một trong những loại thảo dược tồn tại lâu đời nhất trong lĩnh vực y học cổ truyền. Trong các y văn cổ, bộ phận được sử dụng làm thuốc là hạt của cây Bạch quả, sau khi đã loại bỏ hết phần thịt của quả chín, đem đồ hoặc trụng qua nước sôi, phơi nhiệt độ thấp cho khô hẳn. Hạt Bạch quả có tác dụng liễm phế, chỉ khái hoá đàm; thường được sử dụng trong các bài thuốc hen suyễn, ho mãn tính, ho có đờm…

Ngày nay, các nhà khoa học đã có những nghiên cứu mới về tác dụng dược lý của lá cây Bạch quả (Ngân hạnh diệp). Tác dụng nổi bật nhất của cây bạch quả là tăng cường sức khỏe não bộ. Vì thế, những bài thuốc bào chế từ loại cây dược liệu này thường được dùng để điều trị cho người bị mất trí nhớ từ nhẹ đến trung bình. Nó cũng có khả năng làm chậm sự suy giảm nhận thức trong chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Gần đây, kết quả của một số cuộc nghiên cứu còn cho rằng thành phần trong cây bạch quả có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Khi còn tươi, lá cây bạch quả được bào chế thành dạng viên nang, viên nén hoặc chiết xuất làm tinh dầu. Trong khi đó, lá bạch quả khô được khuyến khích tiêu thụ như một loại trà.

Mặc dù vậy, trên một số thử nghiệm ở chuột cho thấy, sử dụng loại cây dược liệu này lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan và tuyến giáp. Dù điều này vẫn chưa được chứng minh ở người nhưng những người bị men cao và đang gặp các vấn đề về tuyến giáp cần đặc biệt thận trọng khi muốn sử dụng loại cây này.

Bạch quả cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, táo bón hoặc dị ứng. Nó có khả năng tương tác với một số loại thuốc hoặc chất làm loãng máu, tăng nguy cơ chảy máu. Vì thế, người bệnh cần trao đổi trước với bác sĩ để có hướng dẫn và chỉ định cụ thể khi muốn dùng cây bạch quả.

2. Thực vật làm dược liệu: củ nghệ

Nghệ là loại dược liệu được sử dụng từ rất lâu đời và phổ biến trên khắp thế giới, đặc biệt là các nước châu Á, trong đó Việt Nam cũng là nơi cung cấp dược liệu này cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nói đến nghệ làm thuốc, chúng ta thường nghĩ đến nhất là củ nghệ vàng (hay còn gọi là Khương hoàng). Tuy nhiên, trong Y học cổ truyền còn có các vị thuốc khác cũng từ Nghệ đó là Nga truật (củ của cây nghệ tím) hay Uất kim (củ nhánh con của cây nghệ vàng). 

Bộ phận có nhiều tác dụng nổi bật nhất trong cây nghệ là củ nghệ. Theo Đông y, củ nghệ vàng (Khương hoàng)  thuộc nhóm thuốc phá huyết, có vị cay đắng, tính ấm, quy kinh can, tỳ. Có tác dụng phá huyết hành ứ, thông lạc chỉ thống, sinh cơ. 

Đã có nhiều nghiên cứu tác dụng dược lý từ củ nghệ, trong đó nổi bật lên tác dụng của hoạt chất Curcumin: 

  • Tác dụng trị loét dạ dày, hạn chế tiết dịch vị và mức độ acid tự do trong đó.
  • Tác dụng kích thích bài tiết của tế bào gan( do hoạt chất Paratolyl metylcacbinol). Curcumin gây co bóp túi mật và tác dụng giảm cholesterol trong máu. 
  • Tác dụng chống viêm, làm giảm gamma Globulin và tăng albumin trong máu, thúc đẩy bài tiết ure thận, bảo vệ gan, kích thích thần kinh trung ương. 
  • Nước sắc nghệ làm hạ rõ rệt cholesterol máu và lipid máu toàn phần ở thỏm ngoài ra còn có tác dụng chống viêm, giảm đau, kéo dài thời gian chảy máu. 

Khương hoàng thường được sử dụng trong các phương thuốc nhằm điều trị kinh nguyệt không đều, đau dạ dày, bệnh viêm gan vàng da, đái máu, mụn nhọt… 

Không những thế, bột nghệ hoặc tinh bột nghệ là loại gia vị không thể thiếu trên kệ bếp của nhiều gia đình.

3. Cây dược liệu: anh thảo

dược liệu anh thảo

Một trong các loại cây dược liệu phổ biến là anh thảo. Cây anh thảo có hoa màu vàng rực rỡ là loại thảo dược đã được sử dụng từ cách đây rất lâu ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trong các tài liệu về thảo dược, bộ phận của cây dược liệu anh thảo được sử dụng làm thuốc bao gồm hoa, lá và quả của cây.

Tinh dầu chiết xuất từ hoa anh thảo có khả năng an thần, làm dịu thần kinh; chữa ho, hen suyễn; giảm các triệu chứng khó chịu trong đau dạ dày; các triệu chứng khó chịu ở phụ nữ và chữa lành vết thương.. Người gốc Mỹ đã dùng thuốc đắp từ cây hoa anh thảo để chữa vết thương và vết bầm tím. Lá dùng uống chữa bệnh về đường tiêu hóa và viêm họng.

Dầu hoa anh thảo có đặc tính chống viêm. Vì thế, nó cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm da dị ứng hoặc giảm đau do viêm nhiễm.

Các nghiên cứu gần đây cũng có thấy dầu từ hoa cây anh thảo giúp chữa đau vú, cải thiện đa xơ cứng, rối loạn hormone nội tiết hoặc quá nhạy cảm với insulin, ổn định huyết áp, giảm cholesterol.

Cũng như những loại cây dược liệu khác, chiết xuất từ các bộ phận của cây anh thảo có thể tương tác với một số loại thuốc tân dược. Vì thế, trước khi muốn sử dụng các loại dược liệu có chiết xuất từ cây anh thảo, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.

4. Hạt lanh

Hạt lanh là loại hạt được thu hoạch từ cây lanh. Trong khi đó, cây lanh là một loại thực vật được trồng nhiều ở Canada và vùng Tây Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, người Việt Nam có thể mua được hạt lanh ở các siêu thị hoặc cửa hàng trực tuyến. Người ta thường dùng hạt lanh để ép lấy dầu hoặc dùng nguyên hạt. Các chất dinh dưỡng được tìm thấy trong hạt lanh bao gồm: chất xơ, protein, chất chống oxy hoá, lignans và các chất béo không bão hoà.

Tác dụng nổi bật nhất của hạt lanh là chống viêm và chống oxy hóa. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hạt lanh có thể hỗ trợ giảm cân và giảm huyết áp. Acid béo Omega-3 được chứng minh là có khả năng làm giảm cholesterol xấu từ đó giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và đột quỵ Hoạt chất Lignans có trong hạt lanh được nghiên cứu có khả năng chống lại một số loại ung thư bao gồm cả ung thư vú, đặc biệt hạt lanh là loại thực phẩm chứa hoạt chất lignans nhiều nhất trong thế giới thực vật. 

Để tận dụng các lợi ích chữa bệnh của hạt lanh, nhiều người thường thêm nó vào sinh tố hoặc món salad trộn. Trong các công thức nấu ăn, bột từ hạt lanh là một trong những nguyên liệu bổ dưỡng cho các món canh, soup hoặc hầm. Ngày nay, chiết xuất hạt lanh đã được bào chế thành dạng viên nang để tăng tính tiện ích.

5. Tràm trà: Một trong các loại cây dược liệu phổ biến

dược liệu tràm trà

Tràm trà có tên khoa học Melaleuca alternifolia là loại thảo dược có nguồn gốc từ châu Úc, hiện mọc nhiều nơi trên đất nước ta. Theo y học cổ truyền, lá tràm có tác dụng khu phong trừ thấp, an thần, giảm đau, thường được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh lý cảm mạo, ho sốt; chứng đau nhức xương khớp; bệnh ngoài da; mất ngủ… 

Hiện nay, tinh dầu chiết xuất từ cây tràm trà đã được chứng minh mang đến nhiều lợi ích cho các vấn đề về da như chữa mụn nhọt trứng cá, da dầu, mẩn ngứa… Thậm chí, kết quả của một cuộc nghiên cứu đã khẳng định siêu năng lực kháng khuẩn trên vết thương và ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng tại chỗ, dùng điều trị vết thương ngoài da, trị vết côn trùng đốt. Nhờ đặc tính này, tràm trà được xem là một loại cây dược liệu có nhiều đóng góp trong việc sản xuất các loại thuốc thảo dược kháng viêm, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

Đặc biệt phải kể đến tác dụng của tràm trà đối với phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh. Chỉ với vài giọt tinh dầu tràm trà pha nước tắm, với đặc tính khả năng làm ấm cơ thể mà không gây nóng, tinh dầu tràm trà đã có thể giữ ấm cho bé và mẹ, giúp trẻ sơ sinh tránh cảm lạnh, tránh gió, tránh ho, giảm tình trạng ngạt mũi ở trẻ nhỏ. 

Tuy nhiên, chiết xuất từ cây tràm trà chỉ an toàn khi dùng ở dạng bôi, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, bạn cũng không nên bôi lên da mặt của trẻ. Bên cạnh đó nó có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm nếu bạn dùng theo đường uống. Hơn nữa, tinh dầu chiết xuất từ cây tràm trà có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì thế, bạn hoàn toàn có khả năng gặp phải các phản ứng dị ứng nếu da không tương thích với các thành phần của sản phẩm.

6. Cây dược liệu quý: Đông trùng hạ thảo

Không phải ngẫu nhiên mà đông trùng hạ thảo được xem là một trong những loại cây dược liệu quý bậc nhất trong thế giới thảo dược. Trong tự nhiên, loại dược liệu này mọc nhiều ở vùng cao nguyên Tây Tạng và dãy núi Himalaya. Vòng đời phát triển của loại dược liệu này được mô tả như sau:

Ban đầu, một loại ấu trùng sâu non sống trong lòng đất ăn rễ cây để lớn lên. Nếu không có gì thay đổi, ấu trùng này sẽ phát triển thành bướm. Song, khi bị nhiễm nấm Cordyceps Sinensis, cuộc đời của ấu trùng sẽ chuyển sang một hướng khác.

Khi đó, nấm ký sinh sẽ dần lớn lên thành sợi bằng cách hút hết chất dinh dưỡng trong cơ thể ấu trùng. Đến mùa xuân, thân nó sẽ dài ra từ xác của ấu trùng sâu non rồi vươn lên mặt đất trở thành đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo mang đến nhiều lợi ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch, cường dương, dưỡng nhan, ổn định nhịp tim, ngăn ngừa ung thư và bồi bổ khí huyết. Với tác dụng chữa bệnh, đông trùng hạ thảo là loại cây dược liệu có ích cho người bị viêm phế quản, nhiễm trùng hoặc các bệnh ở đường hô hấp. Tuy là một vị thuốc bổ và quý hiếm nhưng trong một số trường hợp, đông trùng hạ thảo có thể gây khó chịu ở dạ dày và gây các phản ứng dị ứng khi sử dụng không đúng liều lượng.

Lưu ý rằng, vì đông trùng hạ thảo, đặc biệt loại tự nhiên, là một trong các loại dược liệu quý hiếm bậc nhất thế giới nên khi sử dụng bạn nên chọn mua tại các cơ sở cung cấp dược liệu uy tín, để đảm bảo mua được loại đông trùng hạ thảo thật và có chất lượng cao.

Bạn có thể xem thêm: 5 cách sử dụng đông trùng hạ thảo tươi và khô hiệu quả

7. Chiết xuất hạt nho

dược liệu lấy từ chiết xuất hạt nho

Nho và các sản phẩm từ Nho đã được các nước phương Tây sử dụng từ rất lâu cho mục đích thực phẩm và y tế.  Tác dụng nổi bật nhất của chiết xuất hạt nho là chống oxy hóa. Ngoài ra, chiết xuất hạt nho được sử dụng cho các vấn đề về sức khoẻ như: 

  • Ổn định huyết áp
  • Hạ cholesterol
  • Ngăn ngừa các nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường
  • Các rối loạn tiêu hoá, táo bón
  • Hỗ trợ ngăn ngừa lão hoá da, làm đẹp da.
  • Làm giảm các triệu chứng trong suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
  •  Một số nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh người thường xuyên tiêu thụ chiết xuất hạt nho có khả năng ngăn chặn và chống lại tế bào ung thư.

Hiện nay, chiết xuất hạt nho là loại dược liệu được bào chế ở dạng lỏng hoặc dạng viên nang.  Bạn cũng có thể thụ hưởng các lợi ích của chiết xuất hạt nho từ rượu vang.

Tuy nhiên, loại dược liệu này có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Nó cũng có khả năng tương tác với các loại thuốc làm loãng máu hoặc thuốc điều trị bệnh huyết áp. Hoặc gây ra các phản ứng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngứa da… Do vậy, người có những vấn đề trên cần được sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ trước khi muốn sử dụng chiết xuất hạt nho.

8. Lavender (hoa oải hương)

Hoa oải hương là loài hoa có nguồn gốc từ Miền bắc Châu Phi và vùng Địa Trung Hải, có tên khoa học là Lavendula. Hiện nay Hoa oải hương đã được trồng rộng rãi trên khắp thế giới, chủ yếu để lấy hoa và sản xuất tinh dầu.

Tinh dầu hoa oải hương là loại dược liệu có khả năng xoa dịu căng thẳng, thư giãn đầu óc. Oải hương là một loại hoa màu tím, mùi hương khá mạnh. Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh mùi hương của hoa oải hương có tác động trực tiếp đến tâm trạng và khả năng nhận thức của con người. Loại dược liệu này cũng có tính an thần, giúp người dùng dễ đi vào giấc ngủ.

Bên cạnh đó, tinh dầu hoa oải hương còn có tính sát trùng và chống viêm; giúp chữa lành vết bỏng nhẹ, giảm kích ứng cho những vết côn trùng đốt, cắn; cải thiện các vấn đề về tiêu hoá như buồn nôn, nôn, ăn khó tiêu, đầy hơi chướng bụng.

Khi sử dụng, bạn cần pha loãng với một loại dầu nền khác. Tinh dầu hoa oải hương thường được dùng ở đường bôi hoặc đường hít. Nó có thể gây độc khi bạn dùng đường uống. Việc sử dụng tinh dầu hoa oải hương cho trẻ dưới tuổi trưởng thành cũng phải thật cẩn thận, do có nghiên cứu cho răng, tinh dầu hoa oải hương làm thay đổi hormone trong cơ thể trẻ.

9. Cây cỏ ngươi: Một trong các loại cây dược liệu phổ biến ở vùng quê Việt Nam 

dược liệu cây xấu hổ

Cây cỏ ngươi là một loại thực vật bụi mọc hoang trên khắp các vùng quê của Việt Nam, có tên khoa học là Mimosa Pudica L, họ Đậu- Fabaceae. Ở nhiều địa phương, cây cỏ ngươi còn có tên gọi khác là cây mắc cỡ hoặc cây trinh nữ. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của loại cây này là hoa màu tím. Khi chạm vào, lá cây khép lại làm người ta liên tưởng đến hình ảnh của một thiếu nữ e thẹn.

Theo Y học cổ truyền, cây cỏ ngươi có vị ngọt, tính hàn. Các bộ phận trên loại cây dược liệu này chứa nhiều nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Cây cỏ ngươi có khả năng giảm đau, an thần, trấn tĩnh, giảm ho, tiêu đờm. Vì thế, những người hay mất ngủ hoặc mắc chứng suy nhược thần kinh thường được các thầy thuốc khuyên dùng cây cỏ người để hãm lấy nước uống. Thông thường, người ta hay lấy rễ, lá hoặc thân cây rửa sạch, phơi khô trước khi nấu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng lợi ích của cây cỏ ngươi khi nó còn tươi.

Theo Y học hiện đại, trong cây dược liệu cỏ ngươi có chứa các hoạt chất gồm Alkaloid, Flavonoid, acid amin, acid hữu cơ… Nhờ đó, cây thuốc có tác dụng dược lý với nhiều loại bệnh như: hạ đường huyết, trị rắn cắn, hỗ trợ chức năng tim mạch, chống co giật động kinh…

Cây cỏ ngươi thường được kết hợp với các vị thuốc khác trong bài thuốc để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Tùy theo sở thích, bạn có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp cây cỏ ngươi với me đất, lạc tiên hoặc mạch môn để sắc lấy nước uống mỗi ngày.

 Lưu ý: Tuyệt đối không dùng cây cỏ ngươi cho phụ nữ có thai, người thể trạng hàn lạnh, người đang suy nhược cơ thể. 

Các loại cây dược liệu có thể giúp bạn chữa trị tận gốc một căn bệnh nào đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng là đối tượng sử dụng phù hợp. Để đảm bảo an toàn, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Những Thảo Dược Quý Hiếm