9 Nguyên Nhân Khiến Bạn Bị ớn Lạnh: Không Chỉ Do Nhiệt độ!

Đôi lúc, khi đi trên đường dưới trời mưa hoặc lúc nhiệt độ xuống thấp, bạn cảm thấy rùng mình. Đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cũng có thể khiến những cơn ớn lạnh xảy ra bất ngờ.

Thông thường, bị lạnh run người nhưng không sốt sẽ xảy ra khi bạn bị lạnh, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động nhằm chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật.

Ớn lạnh là gì?

Tình trạng người bị ớn lạnh là khi các cơ trong cơ thể liên tục co bóp để sinh nhiệt giúp cơ thể ấm lên. Điều này hoàn toàn bình thường nếu thời tiết lạnh. Nếu ớn lạnh không rõ nguyên do, đi kèm với sốt và run lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian định kỳ và kéo dài vài phút thì bạn cần quan tâm vì rất có thể sức khỏe đang gặp trục trặc.

9 nguyên nhân gây ớn lạnh

1. Ớn lạnh là triệu chứng của cảm cúm

Cảm thấy ớn lạnh là bệnh gì? Cúm là bệnh do virus gây ra và ảnh hưởng đến toàn cơ thể, đặc biệt là mũi, họng và phổi. Khi bị cúm, bạn thường bị sốt cao và ớn lạnh, đi kèm là các triệu chứng đau đầu, đau cơ, ho và mệt mỏi trong người. Dù bạn cảm thấy bên ngoài rất lạnh, thân nhiệt của bạn lại có thể tăng lên đến 40°C.

Bạn có thể xem thêm: Cách phân biệt cảm lạnh & cảm cúm bạn nên biết

2. Nhiễm trùng

Hay bị ớn lạnh là bệnh gì? Ớn lạnh là triệu chứng phổ biến của các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và sốt rét. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Sốt
  • Ho
  • Đau họng hoặc lở miệng
  • Nghẹt mũi
  • Khó thở
  • Cổ cứng
  • Đi tiểu đau rát
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng
  • Đỏ, đau hoặc sưng ở một khu vực cơ thể.

3. Hạ thân nhiệt

Ớn lạnh là triệu chứng đầu tiên nếu bạn bị hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm xuống bất thường trong một thời gian ngắn, cụ thể là dưới 35°C. Trong điều kiện bình thường, cơ thể có nhiệt độ trung bình khoảng 37°C. Rùng mình, bị lạnh run người nhưng không sốt là biểu hiện cơ thể đang cố gắng làm nóng trở lại và cũng là dấu hiệu dễ nhận biết của hạ thân nhiệt. Các triệu chứng khác cần theo dõi là:

  • Nói lắp
  • Thở chậm, thở nông
  • Cơ thể yếu ớt, thiếu năng lượng
  • Mạch đập yếu
  • Lơ mơ, thiếu tỉnh táo
  • Ở trẻ sơ sinh có thêm dấu hiệu da đỏ ửng, người lạnh.
Bạn có thể xem thêm: Tìm hiểu về tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh

4. Thiểu năng tuyến giáp (suy giáp)

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nhỏ ở cổ của bạn. Tuyến này tạo ra một loại hormone giúp giữ ấm cơ thể và giữ cho các cơ quan hoạt động ổn định bình thường. Trong bệnh suy giáp, tuyến giáp không tạo ra đủ hormone này khiến cơ thể lạnh run người nhưng không sốt, kèm theo đó là các triệu chứng như:

  • Mặt sưng
  • Tăng cân bất thường
  • Cơ bắp bị yếu, đau hoặc cứng
  • Mệt mỏi
  • Da, móng, tóc khô
  • Đãng trí
  • Hay phiền muộn, buồn bã
  • Táo bón

Suy giáp được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Hiện không có cách chữa bệnh này nhưng bạn có thể kiểm soát nó bằng thuốc bổ sung hormone dùng mỗi ngày.

Bạn có thể xem thêm: Đi tìm lời đáp cho câu hỏi: Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

5. Hạ đường huyết gây ớn lạnh

Hạ đường huyết là tình trạng nồng độ đường trong máu của bạn giảm xuống thấp hơn mức an toàn, dẫn tới thiếu hụt glucose cho cơ thể hoạt động. Nguyên nhân thường do người bị đái tháo đường có chế độ ăn và dùng thuốc thiếu cân bằng. Mặc dù hiếm gặp nhưng những người không mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể bị hạ đường huyết. Khi đó, cơ thể hay bị ớn lạnh cùng các triệu chứng phổ biến như:

  • Lo lắng, cáu gắt
  • Run tay chân, chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Đổ mồ hôi, da lạnh ẩm
  • Cảm thấy đói cồn cào
  • Buồn nôn
  • Mắt nhìn mờ
  • Tim đập nhanh

Điều trị hạ đường huyết cần được thực hiện ngay lập tức để đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường. Bạn có thể bổ sung đường đơn giản bằng cách ăn kẹo, uống nước trái cây hoặc soda có đường. Những người bị hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc không cải thiện khi sử dụng thực phẩm nhiều đường cần được tiêm glucagon ngay.

Nếu bạn có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, hãy tự ý thức cũng như báo cho người thân biết về tình trạng của bản thân và cách xử trí. Dù có bị tiểu đường hay không, bạn cũng nên tham vấn ý kiến bác sĩ về giải pháp tốt nhất cho bản thân mình nếu thường xuyên gặp phải tình trạng này. 

6. Cơ thể quá gầy

Cơ thể quá gầy hay còn gọi là suy dinh dưỡng, thường gặp ở những người có chế độ ăn nghèo nàn, bị chán ăn, mắc bệnh lý ảnh hưởng việc hấp thụ chất dinh dưỡng… Khi thiếu hụt dinh dưỡng, các chức năng cơ thể có thể không hoạt động đúng, trong đó có việc điều chỉnh thân nhiệt. Đây cũng là lý do bạn hay bị ớn lạnh. Ngoài ra, các triệu chứng khác của suy dinh dưỡng là:

  • Hay mệt mỏi hoặc buồn ngủ
  • Cơ thể yếu ớt
  • Khó tập trung
  • Sắc da nhợt nhạt
  • Phát ban
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu hoặc choáng váng
  • Cảm giác châm chích hoặc tê bì các khớp và tứ chi
  • Ở phụ nữ có thể bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc vô sinh.

Suy dinh dưỡng còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị sớm.

7. Ớn lạnh do tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể khiến bạn bị ớn lạnh

Nếu bạn bị lạnh run người nhưng không sốt, có thể đó là do tác dụng phụ của một số loại thuốc (đơn lẻ hoặc kết hợp). Dùng thuốc sai liều cũng gây ra cảm giác ớn lạnh trong người.

Hãy luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc nhằm nắm được thông tin về tác dụng phụ. Nếu nghi ngờ nguyên nhân của những cơn ớn lạnh là các thuốc bạn đang sử dụng, hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết. Nếu có các triệu chứng bất thường hay nghiêm trọng, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám.

8. Phản ứng do cảm xúc

Người ớn lạnh có thể xảy ra nếu bạn có phản ứng cảm xúc sâu sắc hoặc mãnh liệt trước một tình huống. Sợ hãi hoặc lo lắng là hai nguyên nhân thường gặp nhất khiến bạn cảm thấy lạnh run người. Đôi khi, bạn cũng có cảm giác này nếu được trải nghiệm những thông tin sâu sắc theo hướng tích cực, chẳng hạn như nghe nhạc hoặc nghe các bài diễn thuyết truyền cảm hứng.

Các cơn ớn lạnh có thể xảy ra nhiều nhất dọc theo sống lưng. Loại phản ứng do cảm xúc này có thể do các cơ chế sinh học thần kinh kích hoạt giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine gây ra.

Ớn lạnh do nguyên nhân này là vô hại với người bình thường. Tuy nhiên, những người có bệnh lý tim mạch cần hạn chế các tình huống gây căng thẳng thần kinh quá mức.

9. Phản ứng với các hoạt động thể chất mạnh

Chạy marathon hoặc các hình thức chơi thể thao đòi hỏi cơ thể hoạt động mạnh mẽ có thể gây ra thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, dẫn đến ớn lạnh. Phản ứng này có thể xảy ra trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào nhưng phổ biến hơn ở nhiệt độ khắc nghiệt (rất nóng hoặc rất lạnh).

Ở nhiệt độ nóng, kiệt sức vì nóng và mất nước có thể gây ra phản ứng ớn lạnh rùng mình. Ở nhiệt độ lạnh, hạ thân nhiệt và mất nước có thể là thủ phạm. Trong cả hai trường hợp, bạn có thể gặp thêm những dấu hiệu khác như:

  • Nổi da gà
  • Bị chuột rút
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và nôn ói

Hoạt động thể chất quá sức mà không bù nước có thể khiến cơ thể bị sốc nhiệt, ớn lạnh

Dĩ nhiên đây là tình huống có thể phòng tránh. Khi tập luyện thể thao hay làm việc nặng nhọc, bạn nên bổ sung đủ nước và mặc quần áo phù hợp, chỉ tập vừa sức. Bạn cũng cần cân nhắc tránh tập vào những thời điểm lạnh nhất hoặc nóng nhất trong ngày.

Bị ớn lạnh phải làm gì? Ớn lạnh, lạnh run người nhưng không sốt thường có thể được khắc phục tại nhà bằng cách bổ sung đầy đủ nước, chất dinh dưỡng và giữ tâm trạng thoải mái. Tuy nhiên, hãy theo dõi để báo ngay cho bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị ớn lạnh mà không rõ nguyên nhân.

Sốt ớn lạnh thông thường là dấu hiệu của bệnh lý. Bạn cần nhanh chóng đi khám để được chẩn đoán chính xác hơn. Nếu cơn sốt không được điều trị, bạn có thể bị mất nước và gặp ảo giác nghiêm trọng. Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi cũng có thể bị co giật do sốt, lặp lại nhiều lần dẫn tới động kinh, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. 

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Các Biểu Hiện Rét Run