9 Phương Pháp điều Trị Sẹo Lồi Chuyên Nghiệp - Hello Bacsi

Bạn đã từng tự điều trị sẹo lồi tại nhà nhưng không hiệu quả? Đã đến lúc bạn cân nhắc đến các phương pháp điều trị sẹo lồi chuyên nghiệp tại các trung tâm thẩm mỹ rồi đấy!

Sẹo lồi là một bệnh xơ hóa lành tính gây biến dạng thẩm mỹ, khiến bạn có cảm giác đau và ngứa. Nếu bạn điều trị sẹo lồi tại nhà sẽ gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ tái phát cao do khó ức chế khả năng phát triển của sẹo lồi. Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều người tìm đến các phương pháp điều trị sẹo lồi chuyên nghiệp sau đây.

1. Tiêm corticosteroid nội thương tổn

Tiêm corticosteroid là lựa chọn ưu tiên của các bác sĩ trong ngăn ngừa và điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại. Corticosteroid làm giảm tổng hợp collagen và glycosaminoglycan, ức chế tăng sinh nguyên tế bào sợi, ngăn chặn sự phát triển của sẹo lồi.

Khi sử dụng phương pháp tiêm corticosteroid nội thương tổn, các bác sĩ thường dùng triamcinolone acetonide để tiêm trực tiếp vào sẹo lồi. Phương pháp điều trị sẹo lồi này có thể đạt hiệu quả từ 50 – 100%, với tỷ lệ tái phát từ 9 – 50% trong vòng 5 năm.

tiêm corticosteroid nội thương tổn

Phương pháp tiêm corticosteroid kết hợp với liệu pháp làm lạnh sẽ mang đến hiệu quả điều trị tốt hơn. Khi đó, các bác sĩ có thể sẽ sử dụng lidocaine (xylocaine) kết hợp với tiêm corticosteroid để giảm đau.

Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân thông thường phải tiêm từ 2 – 3 mũi. Quá trình tiêm mất khoảng 15 phút, không cần gây mê, mỗi mũi được tiêm cách nhau khoảng một tháng. Tuy nhiên, quá trình trị liệu có thể kéo dài liên tục trong sáu tháng hoặc lâu hơn.

Phương pháp này hiệu quả với sẹo lồi đang hoạt động (những vết sẹo còn đỏ, ngứa và đau) hơn là sẹo lồi cũ. Tiêm corticosteroid cũng có hiệu quả hơn khi kết hợp với phẫu thuật. Bạn áp dụng càng sớm, khả năng trị khỏi sẹo lồi hoàn toàn càng cao. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm teo da, giãn mao mạch hình mạng nhện và giảm sắc tố.

2. Sử dụng thuốc verapamil

Phương pháp tiêm verapamil (2,5 mg/ml) kết hợp với miếng dán silicone sẽ giảm tỷ lệ tái phát sẹo lồi đến 90% sau 18 tháng (54% bệnh nhân khôi phục hoàn toàn; 36% đã khôi phục một phần). Chỉ có 18% trường hợp cải thiện được tình trạng sẹo lồi khi dùng miếng dán silicone.

Verapamil thuộc nhóm thuốc hệ tim mạch và tạo máu, phân nhóm thuốc đối kháng canxi. Chúng làm giảm sản xuất collagen và có thể là sự thay thế an toàn cho việc tiêm corticosteroid trị sẹo lồi trong tương lai.

3. Tiêm fluorouracil trực tiếp

Fluorouracil là một loại thuốc hóa trị, được dùng để tiêm trực tiếp vào sẹo lồi với liều dùng 50 mg/ml, 2 – 3 lần/tuần. Fluorouracil ngăn sự sao chép DNA, từ đó ngăn chặn sự phát triển quá mức của các mô tế bào hình thành sẹo lồi. Tuy nhiên, khoảng 50% số bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này bị tái phát trong vòng 1 năm. Phương pháp tiêm Fluorouracil có thể được kết hợp với tiêm corticosteoid để trị sẹo lồi hiệu quả hơn.

Fluorouracil có thể giảm kích thước sẹo lồi một cách an toàn, tránh xảy ra tình trạng teo mô và giãn mao mạch hình mạng nhện như khi tiêm corticosteroid nhiều lần. Việc kết hợp tiêm fluorouracil, corticosteroid và laser nhuộm xung mang điến hiệu quả vượt trội hơn hẳn so với chỉ tiêm corticosteroid hoặc corticosteroid với fluorouracil.

tiêm fluorouracil trị sẹo lồi

Kết quả quan sát các trường hợp trong nghiên cứu ở tuần thứ 12 cho thấy 15% cải thiện tốt với triamcinolone acetonide, 40% với tiêm triamcinolone kết hợp fluorouracil và 70% khi áp dụng kết hợp cả ba phương pháp điều trị sẹo lồi.

Kết hợp tiêm corticosteroid và fluorouracil còn làm giảm tác dụng phụ của corticosteroid. Các biến chứng hiếm gặp của fluorouracil bao gồm tăng sắc tố da và loét vết thương. Không có trường hợp nào xảy ra tình trạng tác dụng phụ toàn thân (ví dụ: thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu) trong nghiên cứu này.

4. Trị sẹo lồi bằng bleomycin

Bleomycin thường được sử dụng để điều trị ung thư. Bleomycin ức chế TGF – β và lysyl oxidase để giảm tổng hợp collagen nhằm giảm kích thước sẹo lồi. Phương pháp tiêm bleomycin có thể gặp tác dụng phụ như tăng sắc tố da, teo da (trường hợp hiếm gặp).

Liều dùng tiêm bleomycin mức tiêu chuẩn là 0,1ml (loại 1.5IU/ml) vào sẹo lồi trong 2 – 6 buổi. Liều dùng tối qua không quá 6 ml/lần tiêm, tối đa 4 lần tiêm, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tháng.

So với tiêm triamcinolone kết hợp phương pháp phẫu thuật lạnh, tiêm bleomycin cho kết quả tốt hơn trên sẹo lồi lớn hơn 10cm2. Tác dụng phụ của bleomycin là có khả năng gây xơ hóa phổi (ở liều lớn hơn 400 U) và các phản ứng khác (ở liều 200 đến 300 U) như rụng tóc, tăng sắc tố, xơ hóa và co thắt mạch máu. Ở bất kỳ trường hợp nào gây ảnh hưởng sức khỏe, người thực hiện liệu pháp này đều phải ngừng điều trị.

5. Tiêm interferon alfa – 2b

Interferon alpha – 2b là các protein được tế bào sản sinh nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch. Interferon-alpha được tiêm sau phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi để ngăn ngừa sẹo tái phát. Phương pháp tiêm interferon alfa-2b (1,5 triệu IU hai lần/ngày trong bốn ngày) sẽ làm giảm kích thước sẹo lồi xuống 50% sau 9 ngày, hiệu quả vượt trội so với tiêm corticosteroid.

Interferon alfa-2b cũng hiệu quả hơn corticosteroid về tác dụng ngăn ngừa tái phát sẹo lồi sau phẫu thuật cắt bỏ. Nhược điểm của phương pháp này gây đau đớn khi tiêm và chi phí quá cao (khoảng 100USD/lần điều trị). Hiện nay, một số viện nghiên cứu đang tìm cách sản xuất interferon alfa-2b dạng kem dùng trong điều trị sẹo lồi.

6. Điều trị sẹo lồi bằng gel silicone

trị sẹo lồi bằng gel silicone

Gel silicone tự khô là một phương thức điều trị mới được nghiên cứu nhằm thay thế cho miếng dán silicone. Gel silicone gồm những chuỗi dài silicone polymer (polysiloxanes), silicone dioxide và thành phần dễ bay hơi. Trong đó chuỗi dài silicone polymer sẽ liên kết chéo với silicone dioxide tạo thành một lớp màng bảo vệ siêu mỏng, có tác dụng bảo vệ suốt 24 giờ mỗi ngày.

Gel silicone sẽ tự khô trong 4 – 5 phút sau khi bôi lên vết sẹo. Theo kết quả nghiên cứu của NCBI (National Center for Biotechnology Information), gel silicone có hiệu quả tốt trong điều trị sẹo lồi. Chúng làm giảm đến 86% kết cấu, 84% màu sẹo và 68% độ nhô lên của sẹo lồi. (1)

Tác động của gel silicone lên sẹo lồi bao gồm:

• Gel silicone cấp nước đầy đủ cho lớp sừng, làm giảm sự sản xuất quá mức nguyên tế bào sợi và collagen là nguyên nhân gây sẹo lồi. Chúng làm mềm và làm phẳng mô sẹo, giúp da thông thoáng hơn.

• Gel silicone bảo vệ mô sẹo khỏi sự xâm nhập của các vi khuẩn và ngăn chặn sự sản sinh quá nhiều collagen trong mô sẹo.

• Gel silicone điều chỉnh sự phát triển của các yếu tố tăng trưởng nguyên tế bào sợi (FGF β) và yếu tố tăng trưởng khối u (TGF β).

• Gel silicone làm giảm đau và ngứa ở vết sẹo lồi.

Gel silicone rất dễ sử dụng, kể cả trên da nhạy cảm và da em bé. Bạn có thể dùng một tuýp gel silicone 15gram, bôi 2 lần/ngày cho vết sẹo lồi có kích thước từ 7,5 – 10 cm trong khoảng 90 ngày.

7. Phẫu thuật lạnh – cryotherapy

phương pháp phẫu thuật lạnh

Phẫu thuật lạnh – cryotherapy là phương pháp điều trị sẹo lồi sử dụng nitơ lỏng (hoặc carbon dioxide và argon) làm lạnh thương tổn (sẹo lồi) của bạn. Sau khi kết thúc quá trình đóng băng, bác sĩ sẽ dùng băng gạc vô trùng để băng sẹo lồi lại.

Sau khi làm phẫu thuật lạnh, trừ một số trường hợp sẹo lồi trên diện rộng phải nằm viện theo dõi, hầu hết các trường hợp đều được xuất viện về nhà trong ngày. Bạn sẽ được bác sĩ kê thuốc giảm đau và hướng dẫn thay băng đúng cách tại nhà.

Sau một tuần, sẹo lồi sẽ xuất hiện tình trạng hoại tử và khô lại. Từ 2 – 8 tuần tiếp theo, lớp sẹo đã hoại tử sẽ bong ra và bắt đầu tái tạo lớp mô biểu bì. Liệu trình của phương pháp này thường kéo dài từ 3 – 10 tuần tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Phẫu thuật lạnh là phương pháp an toàn trong điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẹo lồi này có thể gây đau đớn hậu phẫu hoặc tác dụng phụ là giảm sắc tố da.

8. Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi bằng xạ trị bổ trợ

điều trị sẹo lồi bằng laser

Một nghiên cứu trên NCBI về hiệu quả của phương pháp phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi bằng xạ trị bổ trợ cho thấy sử dụng bức xạ bên ngoài – HDR brachytherapy giúp xóa sẹo lồi hiệu quả và tỷ lệ tái phát thấp hơn (trung bình 10,5%) so với các phương pháp khác.

Khi áp dụng liệu pháp xạ trị HDR này trong vòng 7 giờ sau khi phẫu thuật cắt bỏ sẹo, tỷ lệ tái phát sẽ ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, phương pháp này không được sử dụng trên những trường hợp phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc những sẹo lồi ở vị trí đặc biệt không được phép chiếu xạ (như tuyến giáp).

Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi bằng xạ trị bổ trợ tốn chi phí cao nên được xem là phương pháp điều trị cuối cùng với những sẹo lồi lớn (recalcitrant) khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

9. Trị sẹo lồi laser xung nhuộm

Phương pháp sử dụng laser xung nhuộm (pulsed dye laser) có bước sóng 585nm để điều trị sẹo lồi cho kết quả cải thiện từ 57 – 83%. Phương pháp điều trị sẹo lồi bằng laser xung nhuộm đặc biệt có hiệu quả hơn các loại laser dùng trong trị liệu khác. Sẹo lồi càng được điều trị sớm hoặc được kết hợp thêm với các kỹ thuật khác, tỷ lệ hồi phục sẽ càng cao.

phương pháp laser xung nhuộm

Các vết sẹo lồi có màu đỏ hoặc đỏ sẫm sau khi được điều trị bằng laser xung nhuộm khoảng 6 tháng sẽ nhạt màu đi, giảm ngứa và phẳng hơn. Hiệu quả của phương pháp này vẫn còn gây tranh cãi, tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu khác đều cho thấy sẹo lồi được cải thiện đáng kể. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí tốn kém và chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia da liễu.

Ngoài laser xung nhuộm, còn nhiều loại laser xâm nhập khác như laser CO2, laser Er: YAG được sử dụng trong điều trị sẹo lồi phì đại không còn hoạt động. Tuy nhiên, điều trị bằng laser khá tốn kém. Trong một số trường hợp, chúng có thể khiến vết sẹo lồi đỏ hơn, đóng vảy tiết, rỉ dịch hoặc thay đổi sắc tố da sau điều trị.

Châu Khoa HELLOBACSI

Từ khóa » Cách Trị Sẹo Lồi Là Gì