9 Thông Tin Thú Vị Về Chó H'mông Cộc đuôi - Quốc Khuyển Của Việt Nam

Cùng với chó Phú Quốc, Bắc Hà, Đông Dương thì H’mông cộc đuôi được mệnh danh là một trong Tứ đại Quốc khuyển của Việt Nam. Chúng được đồng bào dân tộc H’mông nói riêng cũng như vùng đất Tây Bắc nói chung coi là vật báu quý giá. Hiện nay, chúng dần phổ biến ở đồng bằng và được mọi người yêu thích. Song đây vẫn là giống chó khá mới và những thông tin về chó H’mông cộc đuôi thì không phải ai cũng biết. Do đó, để hiểu rõ hơn hãy cùng Tùng Lộc Pet đi tìm hiểu 9 thông tin thú vị về giống chó H’mông cộc đuôi này nhé!

Nguồn gốc chó H’mông cộc đuôi

Nghe tên gọi đã biết đây là giống chó bản địa của người dân tộc vùng núi phía bắc. H’mông cộc hay còn gọi là chó Mông Cộc có xuất xứ từ vùng núi Tây Bắc nơi mà người Mông sinh sống. Được cho là có xuất thân từ loài chó sói rừng cộng thêm sống trong môi trường tự nhiên hoang sơ đã tạo nên bản tính hoang dã ở chó H’mông cộc.

Có thể nói chó Mông Cộc có nguồn gốc lịch sử khá lâu đời. Chúng xuất hiện khi những người dân tộc Mông di cư đến. Nhận thấy đây là giống chó có nhiều đặc điểm nổi trội, giúp ích nhiều trong cuộc sống lao động nên đã được người Mông thuần hóa và nuôi phổ biến trong nhà. Chúng được coi là “thần giữ của”, là “vật báu” của người H’mông cũng như niềm tự hào của vùng đất Tây Bắc.

Các loại chó H’mông cộc đuôi

Đuôi chó Mông cộc có đặc điểm bị cộc bẩm sinh và mọc vểnh cao lên. Chúng thường có độ dài từ 3-15 cm. Bởi độ dài đuôi khác nhau nên vì thế người ta chia chúng làm 3 loại, cụ thể:

  • Cộc tịt: Đây là những chú chó khi sinh ra gần như không có đuôi, chỉ có 1 nhúm lông nhỏ.
  • Cộc thỏ: Đây là tên gọi để chỉ chó Mông cộc có độ dài đuôi trung bình, nhìn na ná giống đuôi con thỏ nên chúng mới được gọi là cộc thỏ. Theo quan sát, độ dài đuôi loại cộc thỏ này thường rơi vào tầm từ 3-5 cm.
  • Cộc lửng: Trong 3 loại thì đây là loại mà chó Mông cộc có đuôi dài nhất khoảng từ 8-15 cm.
Chó H’mông cộc đuôi loại cộc tịt

Nếu chỉ xét riêng đặc điểm đuôi thì chó H’mông cộc đuôi loại cộc tịt và cộc thỏ được đánh giá cao hơn. Theo quan niệm dòng Mông cộc thì chó đuôi càng ngắn càng có giá trị cao, đặc biệt người chơi cực kì chuộng loại cộc tịt vì thế mà chúng được săn tìm nhiều nhất.

Ngoại hình

Thuộc giống chó có kích thước trung bình, vẻ ngoài của Mông cộc khá đặc trưng với chiều dài thân mình dài hơn chiều cao cơ thể và nổi bật với chiếc đuôi cộc đặc trưng. Thân hình chắc nịnh, khung xương vững chắc với các đường nét góc cạnh toát lên sự mạnh mẽ, rắn rỏi. Một chú H’mông cộc trưởng thành chiều cao tính từ chân đến vai khoảng 45-55 cm, cân nặng đạt mức 15-25 kg.

So với tổng thể ngoại hình thì H’mông cộc còn sở hữu phần đầu to, rộng và hộp sọ lớn, nhìn từ trên xuống dưới giông với hình thang. Theo nghiên cứu thì những loài chó có hộp sọ lớn đều rất thông minh. Đôi tai tam giác cỡ vừa dựng đứng vừa toát lên vẻ oai vệ đồng thời giúp chúng nhận biết âm thanh tốt hơn. Mặc dù mang thân hình thanh thoát, nhỏ gọn nhưng các đường nét cơ thể không thật sự uyển chuyển, mềm mại song trong thực tế chúng khá linh hoạt và cho thấy một thể lực tốt có thể thích ứng với các diều kiện sống khắc nghiệt.

Bộ lông

Lông: Kết cấu lông dày, dài mọc thẳng nhưng không mượt khi sờ vào cảm giác thô cứng. Chúng mang bộ lông kép với lớp ngoài dày, cứng, lớp lông lót bên trong mềm mại bao phủ khắp cơ thể. Độ dài của lông không đồng đều dài nhất ở gáy, tiếp theo là phần thân, phần đầu và cuối cùng là tứ chi.

Màu lông: Màu phổ biến và được ưa chuộng nhất là: đen, vện, hung nâu. Những chú chó có màu vàng cát, hung đỏ, sô cô la cũng được chấp thuận nhưng không được đánh giá cao. Bên cạnh đó, những chú chó có lông trắng ở ngực hay các ngón chân mặc dù quý hiếm song cũng không được nhiều người chọn mua.

Tính cách

Tính cách của chó H’mông cộc đuôi được hình thành từ rất sớm. Điểm nổi bật trong tính cách của chúng đó là sự nhiệt tình và khả năng làm việc rất cao. Khi được giao nhiệm vụ, hệ thần kinh của H’mông cộc nhanh chóng tiếp nhận, xử lý và chúng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Ngoài ra, H’mông cộc cũng là giống chó có tính cách khá độc lập, bản năng bảo vệ lãnh thổ cao. Khi tiếp xúc với người lạ chúng sẽ tỏ ra thận trọng và dè chừng. Chúng rất ít sủa và thường tỏ ra im lặng nên thấy chó Mông Cộc sủa ắt hẳn là có điều bất thường xảy ra. Bản năng nhạy bén cùng sự cảnh giác mà những chú H’mông cộc thường được người dân vùng núi sử dụng để trông giữ nhà cửa, tài sản.

Đặc biệt Mông cộc được biết đến là giống chó vô cùng trung thành. Chúng luôn lì lợm và chỉ nghe theo mệnh lệnh duy nhất của chủ nhân mình. Trong mọi trường hợp săn sàng đương đầu với nguy hiểm để bảo vệ chủ nhân. Cũng vì thế mà trong những trận đi săn hay những chuyến đi đường dài người ta thường mang Mông cộc đi theo để bảo vệ an toàn.

Bên cạnh đó, nhờ có trí nhớ và khả năng tiếp nhận các thông tin nhạy bén nên chúng học hỏi rất nhanh. Khi bạn huấn luyện các thói quen chúng sẽ ghi nhớ và bắt chước ngay lập tức nhất là khi còn nhỏ. Chúng vô cùng thông thạo đường núi nên được ví như chiếc la bàn sống, bạn sẽ không phải lo lắng mình bị lạc khi dẫn theo người bạn Mông cộc này.

Tuổi thọ

H’mông cộc có tuổi thọ trung bình tương đối cao từ 15 năm đến 20 năm. Nhưng không phải con nào cũng thế mà tùy thuộc vào cách chăm sóc của chủ nhân, nếu được sống trong điều kiện lý tưởng, chăm sóc tốt thì tuổi thọ dài là điều đương nhiên và ngược lại.

Môi trường sống

Xuất thân từ núi rừng Tây Bắc, được bà con nơi đây sử dụng để trông nhà, bảo vệ gia súc và săn bắn nên ít nhiều bạn cũng thấy được môi trường sống của chó Mông Cộc thế nào rồi đúng không? Một không gian rộng rãi, thoải mái đủ chó chúng chạy nhảy. Mặc dù thích nghi nhanh chóng với mọi điều kiện, môi trường sống khác nhau tuy nhiên hãy đảm bảo nơi ở của Mông Cộc không quá chật hẹp, bí bách bởi như thế chẳng khác nào kìm hãm bản tính năng động của “người con núi rừng” này.

Chó H’mông cộc ăn gì?

Vốn là giống chó bản địa của Việt Nam nên những người bạn này có đặc điểm là rất dễ nuôi. Chúng ăn cơm là chủ yếu vì theo quan niệm của dân ta ăn cơm sẽ chắc dạ. Ngày này, chó Mông Cộc cũng được nuôi phổ biến ở vùng đồng bằng nên mặc dù dễ chăm sóc song chúng vẫn cần được quan tâm đến chế độ ăn uống. Và tùy vào từng độ tuổi sẽ có cách thức cho ăn khác nhau.

Chó Mông Cộc con hệ tiêu hóa còn kém do đó, bạn cần cho chúng ăn thức ăn mềm nhỏ, đảm bảo được nấu chín kĩ. Bạn có thể chó chúng ăn cháo, cơm nhuyễn với thịt băm và nội tạng động vật. Nên cho ăn 3 bữa/ngày và chỉ cho lượng ăn vừa đủ, không để thừa. Nếu thừa bạn nên đổ đi chứ không nên để đấy cho chúng ăn tiếp do dễ sinh bệnh vì đồ ăn ôi thiu.

Đối với những chú Mông Cộc lớn hơn bạn có thể cho chúng tập ăn với đồ tươi sống. Yêu cầu bắt buộc đối với thịt sống là phải tươi ngon, hợp vệ sinh. Mông cộc trên 1 năm tuổi bạn có thể giảm khẩu phấn ăn xuống chỉ cho ăn 2 bữa một ngày với nhiều thịt và rau, bạn có thể bổ sung xương cho chó gặm như xương bò, xương lợn tăng cường canxi giúp xương phát triển.

Vệ sinh

Là giống chó lông dài, Mông Cộc dễ bị bám bụi bẩn nên cần tắm rửa vệ sinh cho chúng thường xuyên ít nhất 1 tuần 1 lần. Trong quá trình tắm sử dụng xà phòng chuyên dụng cho thú cưng. Lúc tắm, bạn nhớ chải kỹ hết sức nhẹ nhàng để đưa hết lông rụng ra khỏi cơ thể chúng. Lưu ý sử dụng nước chỉ hơi ấm, đừng quá nóng sẽ làm chó Mông Cộc của bạn sợ nước. Bộ lông dày và dài nên khi tắm xong hãy lau người cho Mông Cộc bằng khăn khô sạch sẽ và sấy qua, tránh để chúng ẩm ướt dễ bị viêm da cũng như cảm lạnh hay viêm phổi.

Trên đây là toàn bộ thông tin được đội ngũ nội dung của Tùng Lộc Pet tổng hợp lại, hi vọng đã giúp bạn mở mang thêm vốn kiến thức về giống chó đường đường coi là Quốc Khuyển này. Nếu bạn còn biết thêm thông tin thú vị nào về người bạn này nữa thì hãy chia sẻ với chúng mình bằng cách để lại comment bên dưới. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết!

Từ khóa » Chó H'mông Cộc đuôi Thỏ