9 Truyện Cổ Tích Hay Nhất Bố Mẹ Nên Kể Cho Bé Nghe - Yêu Trẻ
Có thể bạn quan tâm
1. Truyện cổ tích là gì?
Truyện cổ tích là một thể loại văn học được tự sự dân gian sáng tác có xu thế hư cấu, bao gồm các thể loại như: truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích phiêu lưu, truyện cổ tích về các loài động vật, thực vật. Thường là những câu chuyện ngắn kể về các nhân vật trong nhân gian như: công chúa, hoàng tử, ông bụt, nàng tiên cá, phù thủy, người lùn, yêu tinh,...và sẽ có phép thuật hay bùa chú.
Qua nội dung và hình tượng nhân vật, truyện phản ánh các mối quan hệ xã hội nhằm mang lại giá trị nhân văn, giáo dục có ý nghĩa, rút ra được bài học giúp trẻ phát triển tư duy lành mạnh.
Để làm giàu kho tàng truyện cổ tích mà bố mẹ kể cho trẻ nghe, Yeutre.vn đã sưu tầm 9 truyện cổ tích rất hay lại khá quen thuộc sau đây, bố mẹ hãy lưu lại để đọc cho con nghe nhé.
2. 9 Truyện cổ tích hay nhất nên kể cho bé nghe
2.1. Truyện cổ tích hay Sự tích hồ Ba Bể
- Tóm tắt nội dung truyện Sự tích hồ Ba Bể:
Hằng năm, dân làng Năm Mẫu đều sẽ tổ chức cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá, dân chúng tập trung lại rất đông. Một hôm, có bà lão xuất hiện, quần áo rách tả tơi, bị mắc bệnh cùi hủi, bà đi xin ăn thì ai cũng xua đuổi vì sợ lây bệnh. Tuy nhiên, có một người đàn bà góa chồng sống cùng với con trai đã động lòng thương hại nên cho bà lão ăn uống đầy đủ và ở lại một đêm.
Sáng hôm sau bà lão nói với hai mẹ con bà không phải là người phàm, chỉ giả ăn mày để thử lòng dân làng Năm Mẫu, và cho biết sắp có đại nạn. Khi gặp đại nạn thì hai mẹ con chỉ cần chạy lên đỉnh núi cao thì có thể tránh được, sau đó bà lão biến mất.
Qua ngày hôm sau có đại nạn xảy ra thật, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Cả làng đều bị chết hết, chỉ có hai mẹ con góa chồng là sống sót nhờ làm theo lời chỉ dẫn của bà lão.
Cả thung lũng bị nước ngập hóa thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể nên được gọi là hồ Ba Bể. Còn hai mẹ con góa chồng thì dựng một gian nhà nhỏ sinh sống trên núi, về sau nơi này trở thành một ngôi làng đông đúc và vẫn có tên là làng Năm Mẫu.
- Rút ra bài học ý nghĩa cho bé:
Nhờ có tấm lòng nhân hậu mà mẹ con người phụ nữ góa chồng đã thoát khỏi thiên tai. Từ đó cần phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn và khi mình gặp khó khăn thì mọi người cũng sẽ giúp đỡ lại.
2.2. Truyện cổ tích hay Sự tích cây vú sữa
- Tóm tắt nội dung truyện Sự tích cây vú sữa:
Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần bị mẹ mắn đã bỏ nhà đi la cà khắp nơi. Mẹ cậu ở nhà mong ngóng con, một thời gian trôi qua mà vẫn không về, vì quá đau buồn nên người mẹ đã qua đời. Một hôm đi lang thang vừa đói, vừa mệt, lại bị trẻ lớn hơn đánh cậu mới nhớ đến mẹ mình và quay về. Khi cậu quay về thì thấy mọi cảnh vật vẫn như xưa nhưng không thấy mẹ đâu nên khản tiếng gọi mẹ:
"Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá ! Rồi cậu gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc."
Vừa gọi xong, cây xanh cậu bé ôm bỗng run rẫy, những đài hoa bé tí trổ ra, hoa tàn, quả xuất hiện và lớn nhanh, da căng mịn, xanh óng ánh. Cây xanh nghiêng cành một quả to rơi vào tay cậu bé nhưng quá chát, quả thứ hai lại quá cứng, đến quả thứ ba cậu khẽ bóp quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi nứt ra một kẽ nhỏ chảy ra một dòng sữa trắng ngọt và thơm giống như sữa mẹ. Cây xanh rung rinh cành lá và thì thào:
"Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ”.
Cậu bé òa khóc, cậu đã không còn mẹ nữa. Về sau, hạt của cây xanh được mọi người đem về gieo trồng và đặt tên là Cây vú sữa.
- Rút ra bài học ý nghĩa cho bé:
Qua câu chuyện, chúng ta thấy được tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ, người con vì ham chơi không biết trân trọng đến khi mẹ mất rồi mới nhận ra. Khi kể chuyện bé nghe với những câu chuyện tương tự truyện cổ tích này, bố mẹ có thể dạy cho bé phải biết trân trọng người đã có công ơn sinh thành, phải biết hiếu thảo, yêu thương và quan tâm đến đấng sinh thành của mình.
2.3. Truyện cổ tích Thỏ và Rùa
- Tóm tắt nội dung truyện cổ tích Thỏ và Rùa:
Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng nọ có một đôi bạn thân sống vui vẻ với nhau là Rùa và Thỏ. Một lần Thỏ và Rùa cãi nhau xem ai nhanh hơn và quyết định sẽ mở một cuộc thi chạy đua. Bắt đầu cuộc đua, Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng, chạy được một quãng đường, sau khi đã xác định bỏ Rùa một quãng khá xa thì Thỏ yên tâm nằm nghỉ ngơi dưới bóng cây mát quen đường.
Còn Rùa mặc dù chạy chậm nhưng vẫn cố gắng chạy, khi đến gốc cây thấy Thỏ đang nằm ngủ ngon giấc Rùa từ từ vượt qua và về đến đích giành chiến thắng. Lúc này, Thỏ mới giật mình thức giấc thì thấy Rùa đã về đến đích, Thỏ biết mình đã thua vì sự chủ quan của bản thân.
- Rút ra bài học ý nghĩa cho bé:
Trong câu chuyện trên, Thỏ vì quá chủ quan cho rằng Rùa không thể nào thắng được mình nên đã ngủ một giấc, đến khi thức dậy thì đã quá muộn màng, còn Rùa mặc dù chậm chạp, bị Thỏ bỏ xa nhưng vẫn cố gắng hết sức không bỏ cuộc giữa chừng và cuối cùng chiến thắng đã mỉm cười với Rùa. Qua đó rút ra được bài học, con người cần phải có đức tính kiên trì, siêng năng, không được chủ quan, khinh địch cho dù ta có mạnh hơn nhiều đi chăng nữa. Chỉ cần kiên nhẫn và siêng năng, mặc dù chậm hơn nhưng ta vẫn có thể thành công.
2.4. Truyện cổ tích Sọ Dừa
- Tóm tắt nội dung truyện cổ tích Sọ Dừa:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo, họ hiền lành, chăm chỉ nhưng ngoài năm mươi tuổi mà vẫn không có con. Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi vì quá khác nước, thấy cái sọ dừa có nước mưa nên đã uống, sau khi về nhà bà có thai. Ít lâu sau, người chồng mất, bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình tròn cứ lăn lốc như quả dừa. Bà tính vứt đi nhưng vì đứa con nói:
"Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp".
Bà thương tình để lại nuôi và đặt tên là Sọ Dừa. Khi lớn lên Sọ Dừa vẫn như vậy, không làm được gì, bà mẹ rất phiền lòng. Sọ Dừa thấy vậy nên kêu mẹ cho sang nhà phú ông chăn bò. Ngày ngày, cậu lăn bò ra đồng, tối đến lăn về, bò con nào con nấy đều no căng.
Vào ngày mùa, người hầu ra đồng hết nên phú ông sai ba người con gái đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị thì kiêu kì nên hắt hủi cậu, chỉ có cô em út có tính thương người nên đối đãi với cậu tử tế. Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa kêu mẹ qua hỏi cưới vợ là con gái nhà phú ông, hai cô chị vốn chê Sọ Dừa xấu xí nên không chịu lấy, chỉ có cô em út gật đầu đồng ý.
Trong ngày lễ thành hôn, người ta không thấy Sọ Dừa đâu, chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đi bên cô út. Hai cô chị thấy vậy thì vừa tức lại vừa tiếc. Từ đó, hai vợ chồng sọ dừa sống với nhau rất hạnh phúc, cậu chăm chỉ đèn sách và thi đỗ trạng nguyên. Một lần, Sọ Dừa được nhà vua sai đi sứ, trước khi đi cậu đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà và nói là để hộ thân.
Vì ganh tỵ với cô em út nên hai cô chị rắp tâm hãm hại, nhân lúc trạng nguyên đi vắng hai người rủ cô em đi chèo thuyền và đẩy xuống nước. Cô em út bị cá kình nuốt chửng, may nhờ có con dao nên thoát chết, dạt vào một hòn đảo, cô lấy dao khoét bụng cá chui ra, dùng đá đánh lửa nướng cá ăn, hai quả trứng gà nở thành một đôi gà bầu bạn.
Một hôm, có thuyền đi ngang đảo gà trống cất tiếng gọi:
"ò… ó… o
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về."
Quan cho thuyền vào bờ, phát hiện vợ mình và đưa về. Sau khi về, quan tổ chức tiệc ăn mừng nhưng giấu không cho vợ ra ngoài. Hai cô chị thay phiên nhau kể về cái chết của em gái, quan chỉ im lặng không nói gì, đợi đến cuối tiệc mới gọi vợ ra, hai cô chị nhìn thấy thì xấu hổ quá nên bỏ về và đi biệt tích.
- Rút ra bài học ý nghĩa cho bé:
Sọ Dừa vì chăm chỉ, cố gắng nên đã lấy được con gái của phú ông và thi đỗ trạng nguyên sống hạnh phúc với vợ, còn hai cô chị độc ác cuối cùng đã phải trả giá cho điều mình đã làm. Qua đó, trong cuộc sống chỉ cần chăm chỉ, kiên trì, ăn ở hiền lành thì sẽ gặp được điều may mắn, nếu ở ác, mưu mô thì sẽ có kết quả không tốt.
2.5. Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt
- Tóm tắt truyện Cây tre trăm đốt:
Một ông già có cô con gái xinh đẹp, trong nhà phải thuê một đầy tớ trai, vì không muốn mất tiền ông nói với đầy tớ rằng nếu chăm chỉ sẽ gả con gái cho. Cậu đầy tớ làm việc chăm chỉ suốt 3 năm giúp nhà ông mỗi ngày càng giàu có. Nhưng khi nhà giàu ông không giữ lời hứa mà đem gả con gái cho nhà phú hộ ở làng.
Đến lúc sắp đưa dâu ông lại kêu lên và lừa đầy tớ thêm một lần nữa. Ong kêu đầy tớ đi kiếm cho ông một cây tre có trăm đốt đem về đây thì sẽ gả con gái cho. Đầy tớ liền vào rừng đi kiếm, nhưng mãi chẳng thấy, cậu ngồi một chỗ khóc. Một ông bụt hiện lên và giúp đỡ, kêu cậu đi chặt đủ trăm đốt cây tre và chỉ cho câu thần chú ghép các đốt thành một cây tre trăm đốt.
Cậu đầy tớ mừng rỡ vội quay về, khi về đến thì thấy đám cưới đang diễn ra, cậu bèn đem một trăm khúc tre đã chặt rải dưới đất và đọc thần chú cho thành một cây tre trăm đốt. Ông chủ thấy lạ bèn đi ra cầm cây tre lên xem, cậu đầy tớ nhanh chóng đọc thần chú, tay ông chủ bị dính vào cây tre không gỡ ra được, thông gia thấy thế cũng ra xem và cũng bị dính theo.
Hai người không biết làm thế nào nên van xin đầy tớ thả ra và ông chủ gả con gái cho cậu đầy tớ, từ đó ông chủ và mọi người không ai dám khinh thường cậu nữa.
- Bài học ý nghĩa cho bé:
Trong câu truyện cậu đầy tớ sống bốt bụng, chăm chỉ, vượt qua bao khó khăn cuối cùng cũng nhận dược sự hạnh phúc, còn ông chủ không giữ lời hứa đã bị trừng phạt. Từ đó rút ra bài học các bé hãy trở thành một người tốt bụng, luôn chăm chỉ, thật thà và không được tham lam, cũng như luôn phải giữ lời hứa nữa nhé.
2.6. Truyện cổ tích hay và ý nghĩa Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán
- Tóm tắt nội dung truyện:
Ngày xưa, có một anh chàng không có tài nghề gì cả, chỉ được cái hiền lành, anh đi làm thuê kiếm được 30 đồng, quyết định mua cần về câu cá nhằm hành nghề tự do. Nhưng khi đi câu anh không câu được cá mà lại câu được một con rắn, anh đã kết bạn với con rắn đó. Nhờ rắn báo sắp có lụt lớn và chỉ cách phòng ngừa nên anh đã thoát nạn. Khi trận lụt đến , mùa màng, người, vật đều bị cuốn đi hết. Đến ngày bão tạnh anh mới chống bè tìm về nơi cũ, trong quá trình đi về anh cứu được một tổ kiến, một con chuột, một con trăn và một người đàn ông.
Sau khi nước rút hết, anh thả các sinh vật xuống bờ và thương tình người đàn ông nên cho ở lại và coi như em trai. Rắn là con Vua Thủy Tề, lúc đi về có mời anh xuống chơi và được Vua Thủy Tề tặng một chiếc đàn thất huyền có khả năng đẩy lùi quân địch xâm chiếm.
Một hôm, anh có việc phải đi xa, người kia ở nhà đã trộm cây đàn đi. Khi đó đang lúc giặc xâm lăng nên hắn đã đến xin nhà vua đánh giặc, nhờ có cây đàn mà hắn đã đánh lui được giặc. Được nhà vua phong làm đại tướng và gả công chúa. Nhưng công chúa bỗng dưng bị mắc bệnh câm và phải dời ngày thành hôn lại.
Còn anh khi về nhà thì không thấy cây đàn và người bạn nên đã đi tìm. Khi vào đến kinh đô, gặp lại người bạn cũ nhưng không ngờ người bạn đó đã vu oan là giặc và bắt giam anh đợi ngày xử. Trong ngục tối, bầy kiến năm xưa được anh cứu đến hỏi thăm và anh đã kể cho kiến nghe sự tình. Nghe xong kiến đi kiếm chuột để tìm sự trợ giúp. Chuột không biết cách nào để cứu nên đã đi tìm trăn. Trăn đưa ra một viên ngọc ngọc bảo chuột đem về đưa cho ân nhân.
Anh đã dùng viên ngọc này chữa bệnh câm cho công chúa, sau khi khỏi bệnh công chúa đòi lấy ân nhân của mình làm chồng. Nhà vua hỏi anh tại sao lại cứu được công chúa và anh đã kể lại toàn bộ câu chuyện từ lúc gặp rắn đến lúc được trả ơn. Nhà vua nghe xong thì tức giận, sai người bắt giam người bạn bất nghĩa kia. Còn anh sống hạnh phúc, sung sướng đến cuối đời.
- Bài học ý nghĩa rút ra cho bé:
Trong câu chuyện trên, anh nhờ có tính lương thiện cứu giúp người, động vật và được trả ơn khi gặp nguy hiểm, sống hạnh phúc. Còn người bạn vì tham lam, hại người đã từng giúp đỡ mình nên phải trả giá cho việc đã làm. Qua đó, các bố mẹ dạy cho bé bài học là nên giúp đỡ người khác lúc khó khăn, rồi đến khi mình khó khăn họ sẽ giúp đỡ lại mình, phải biết yêu thương động vật và không nên tham lam.
2.7. Truyện cổ tích Trí khôn của ta đây
- Tóm tắt truyện cổ tích Trí khôn của ta đây:
Có một bác nông dân ngày ngày đều dắt trâu đi cày, trâu đi trước kéo một cái cày thật nặng theo sau, công việc rất cực nhưng trâu vẫn vui vẻ. Một lần trong lúc nghỉ ngơi, bác nông dân đi uống nước, thì có một con cọp đến hỏi trâu tại sao trâu to xác mà để một người bé xíu đánh đập. Trâu trả lời:
" Tuy người bé nhỏ, nhưng họ có trí khôn".
Lúc đó bác nông dân cũng đi ra, thì cọp bèn hỏi:
" Nghe trâu nói người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn, vậy trí khôn ở đâu, lấy ra cho ta xem".
Bác nông dân đáp lại:
" Trí khôn tôi để ở nhà".
Thì cọp bảo về nhà lấy trí khôn cho xem, bác nông dân đồng ý và phải có điều kiện là trói cọp lại vào gốc cây để cọp không ăn thịt trâu của bác nông dân. Sau khi trói cọp vào gốc cây, bác nông dân đã châm lửa đốt và nói với cọp:
" Trí khôn của tao đây"
Trâu thấy vậy không nhịn được cười, cười đến mức đập cả hàm vào mặt đất gãy mất hàm răng trên. Nên loài trâu sau này không có răng trên và cọp có sọc trên trên người do dấu tích của loài người đốt.
- Rút ra bài học ý nghĩa:
Mỗi người đều có sự thông minh của mình, mỗi hoàn cảnh thể hiện một cách khác nhau. Không nên chê cười người khác kém thông minh vì ta sẽ phải trả giá cho điều đó.
2.8 Truyện cổ tích hay Sự tích con kiến
- Tóm tắt nội dụng truyện cổ tích:
Ngày xưa, có một người nọ vì gia đình nghèo đói nên phải đi hành khuất, nhưng đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Đi cả ngày nhưng không xin được miếng ăn nào nên nằm gục bên vệ đường. Bỗng nhiên hắn thấy trước mắt là một hòn núi to chất đầy vàng, hắn vội chạy đến lấy số vàng đó, thì gặp một ông thần. Ông thần không cho hắn lấy, thì hắn kể lại hết sự việc cho ông thần nghe, sau khi nghe xong ông thần nói với hắn sau này nếu giàu có thì không được hắt hủi người nghèo và hắn đồng ý.
Sau khi lấy được số vàng đó thì hắn trở nên giàu có nhất làng. Tuy nhiên, hắn vẫn không bỏ được tính keo kiệt của mình nên không có bạn bè, hàng xóm qua lại. Một ngày nọ, xuất hiện một người nghèo rách đến ăn xin, hắn đã đuổi đi. Không ngờ đó là vị thần năm xưa, toàn bộ gia sản của hắn đều bị sụp đổ và vị thần đã biến hắn ta thành con kiến.
- Ý nghĩa câu chuyện:
Ở câu chuyện trên, người nọ đã hứa với vị thần là sẽ không hắt hủi người nghèo nhưng lại thất hứa nên đã bị trừng phạt thích đáng. Rút ra bài học là chúng ta phải biết giữ lời hứa, phải biết chia sẻ và đồng cảm với những người nghèo khổ.
2.9. Truyện cổ tích Củ cải trắng
- Tóm tắt truyện Củ cải trắng:
Khi mùa đông đến, Thỏ con không có gì ăn nên đã đi ra ngoài tìm thức ăn. Đi mãi cuối cùng Thỏ cũng tìm được 2 củ cải trắng. Thỏ rất đói bụng và muốn ăn nhưng nghĩ chắc trời lạnh Dê con cũng không có gì để ăn nên đã đem 1 củ đến cho Dê con. Nhưng khi đến nơi thì Dê lại không có nhà nên đã đặt lên bàn và đi về.
Tình cờ, Dê con đi chơi cũng tìm được một củ cải trắng nhưng chỉ ăn trước một nửa, khi về đến nhà lại thấy một củ cải nữa nên đã quyết định đem sang cho Hươu con. Khi đến nơi, Hươu Con lại không có nhà nên để trên bàn rồi đi về. Lúc Hươu con về thì thấy có củ cải cải nhưng lại nghĩ trời lạnh chắc Thỏ con cũng không có gì để ăn nên đã đem sang cho Thỏ con. Lúc đó Thỏ đang ngủ rất say nên đã để lên bàn rồi đi về. Khi thức dậy Thỏ thấy củ cải đã rất vui và gọi các bạn cùng đến ăn củ cải trắng thơm ngon này.
- Bài học rút ra cho bé:
Câu chuyện Củ cải trắng ở trên, Thỏ con, Dê con và Hươu con dù rất đói bụng và muốn ăn nhưng vì nghĩ đến bạn mình không có gì để ăn trong mùa đông này nên đã chia sẻ cho bạn và cuối cùng tất cả đều được thưởng thức củ cải trắng thơm ngon. Từ đó rút ra bài học cho các bé, chỉ cần cho đi thì sẽ nhận lại được những thứ nhiều hơn mình có.
3. Kể truyện cổ tích cho bé nghe mang lại lợi ích gì
- Đối với trẻ nhỏ thì truyện cổ tích được xem là món ăn tinh thần rất bổ ích. Vì trong truyện luôn chứa những hình ảnh sinh động, thêm vào đó thường nhiều truyện cổ tích được trình bày với hình ảnh rất bắt mắt. Mà, bố mẹ cũng thấy đấy, trẻ con thường hay thích những cái đẹp, lạ nên rất dễ dàng bị lôi cuốn và thu hút, nhờ đó trí tưởng tượng cũng sẽ tốt hơn.
- Truyện cổ tích nói chung, truyện cổ tích Việt Nam nói riêng cũng giúp cho các bé hiểu hơn về cách diễn giải nguồn gốc cho một sự việc hay một cảnh quan, sự vật nào đó. Thêm nữa, nội dung nhiều câu chuyện được sáng tác bắt nguồn từ lòng tự hào, tự tôn của dân tộc, nên dần giúp bé hình tình yêu, ấn tượng đẹp với mảnh đất quê hương đất nước mình.
- Qua mỗi câu chuyện nói về lòng yêu nước còn có tác dụng giúp bồi dưỡng lòng tự hào về dân tộc, lòng yêu nước cho bé, giúp bé có ý thức phấn đấu và tích lũy kiến thức để trở thành một người tốt, có ích cho đất nước sau này.
- Mỗi một truyện cổ tích đều mang lại tính giáo dục cao cho trẻ. Biết điều gì nên làm và không nên làm, như thế nào để trở thành một người tốt.
- Giúp cho trẻ hình thành nên thói quen đọc sách, phát triển khả năng ngôn ngữ và não bộ phát triển tốt hơn.
Bố mẹ thấy đấy, truyện cổ tích rõ ràng là mang lại không ít lợi ích cho trẻ và là một trong những công cụ hữu hiệu để bố mẹ có thể dùng dạy trẻ tốt nhiều mặt. Vì vậy, Chuyên mục Bí quyết làm cha mẹ rất hy vọng, quý phụ huynh hãy tập cho con và cùng con có những giời đọc truyện thú vị mỗi ngày, nhằm tận dụng được hết sự hữu ích của hoạt động này.
Diễm Diễm tổng hợp
Từ khóa » Chuyện Kể Bé Nghe ý Nghĩa
-
Top 30 Câu Chuyện ý Nghĩa Mẹ Kể Cho Bé Nghe Mỗi đêm - Phunuketnoi
-
Kể Chuyện Bé Nghe: 14 Mẫu Truyện Thiếu Nhi ý Nghĩa ... - Hello Bacsi
-
Top 23 Câu Chuyện KỂ CHO BÉ NGHE TRƯỚC KHI NGỦ Rất Hay ...
-
[Kể Chuyện Bé Nghe] 10 Câu Chuyện Cổ Tích, Mẩu Chuyện Ngắn Hay ...
-
Những Mẩu Truyện Hay Nhất để Bố Mẹ Kể Chuyện Bé Nghe - ODPHUB
-
Những Câu Chuyện ý Nghĩa Mẹ Nên Kể Cho Bé
-
21 Mẫu Truyện Hay Và ý Nghĩa để Kể Vào đêm Khuya Cho Bé Ngủ Ngon!
-
Những Câu Chuyện ý Nghĩa Bố Mẹ Kể Cho Bé Nghe Mỗi đêm
-
Top 5 Câu Chuyện ý Nghĩa Mẹ Kể Cho Bé Nghe Mỗi đêm - KidPod
-
Top 20 Câu Chuyện Ba Mẹ Kể Mỗi đêm Sẽ Nuôi Dưỡng Bé Thành ...
-
Top Truyện Ngắn ý Nghĩa Dành Cho Thiếu Nhi - PHMT
-
Lợi ích Khi Mẹ Kể Chuyện Cho Bé Nghe Và 9 Câu Chuyện ý Nghĩa Cho Bé
-
Những Câu Chuyện Ý Nghĩa Kể Cho Bé Nghe Trước Khi Đi Ngủ
-
Truyện Cổ Tích - Kể Chuyện Cổ Tích Việt Nam Hay Nhất Cho Bé - Eva