A. CÁC LOẠI DỪA

CÁC LOẠI DỪA

Dựa vào đặc điểm hình thái, kiểu thụ phấn và mục đích sử dụng có thể phân loại dừa thành 2 nhóm giống chính: nhóm giống dừa cao và nhóm giống dừa lùn. Ngoài ra, để có được các giống dừa mới có năng suất và chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, người ta còn lai tạo ra một nhóm giống dừa mới gọi là dừa lai. Đặc tính cơ bản của các nhóm giống dừa có thể được tóm tắt như sau:

NHÓM GIỐNG DỪA LÙN

  1. Dừa xiêm xanh

dua-xiem-xanh (1)

Là giống dừa uống nước phổ biến nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, ra hoa sớm sau khoảng 2,5 – 3 năm trồng, năng suất bình quân 140-150 trái/cây/năm, vỏ mỏng có màu xanh, nước có vị ngọt thanh (7-7,5% đường), thể tích nước 250-350 ml/trái, có nhu cầu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

  1. Dừa xiêm đỏ

dua-xiem-do

Là giống dừa uống nước phổ biến thứ nhì ở đồng bằng sông Cửu Long, ra hoa sớm sau khoảng 3 năm trồng, năng suất bình quân 140-150 trái/cây/năm, vỏ trái mỏng có màu nâu đỏ,  nước có vị ngọt thanh (7-7,5% đường), thể tích nước 250-350 ml/trái, có nhu cầu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

  1. Dừa xiêm lục

m1       dua xiem luc 1    xiem lục 11

Là giống dừa uống nước có chất lượng ngon nhất, có nguồn gốc Bến Tre, ra hoa rất sớm sau khoảng 2 năm trồng, năng suất bình quân 150-160 trái/cây/năm, vỏ trái rất mỏng có màu xanh đậm, nước rất ngọt (8-9% đường), thể tích nước 250-300 ml/trái, rất được ưa chuộng trên thị trường.

  1. Dừa xiêm lửa

xiem lua

Là giống dừa uống nước có màu sắc đẹp, ra hoa sớm sau khoảng 2,5 -3 năm trồng, trái sai, kích thước trái nhỏ, vỏ mỏng có màu vàng cam, nước ngọt (6,5-7% đường), năng suất bình quân 140 – 150 trái/cây/năm, thể tích nước 250-300 ml/trái, có thể trồng để uống nước kết hợp để khai thác du lịch sinh thái vườn dừa.

  1. Dừa Tam Quan

tam-quan

Là giống dừa uống nước có màu sắc đẹp, có nguồn gốc từ Tam Quan (Bình Định), ra hoa sau khoảng 3 năm trồng, năng suất bình quân 100 -120 trái/cây/năm, vỏ trái mỏng có màu vàng sáng, nước có vị ngọt thanh (7,5 – 8% đường), thể tích nước 250-350ml/trái. Dân gian cho rằng nước dừa Tam Quan tính mát nên thường dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, do năng suất không cao nên hiện nay giống dừa này chỉ được trồng với số lượng không nhiều chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

  1. Dừa ẻo nâu

dua-eo-nau

Là giống dừa uống nước có trái rất sai, kích thước nhỏ, vỏ trái có màu nâu, nước ngọt (7-7,5% đường), thể tích nước 100-150 ml/trái, năng suất 250-300 trái/cây/năm, có thể sử dụng để làm kem dừa, rau câu dừa và tạo cảnh quan cho du lịch sinh thái. Vì kích thước trái quá nhỏ nên giống dừa này được trồng với số lượng không nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam bộ và một ít cá thể ở các tỉnh ven biển miền Trung.

  1. Dừa ẻo xanh

moinhat           xiem xanh 1

Là giống dừa uống nước có trái rất sai, kích thước nhỏ, vỏ trái có màu xanh, nước ngọt (7-7,5% đường), thể tích nước 100-150 ml/trái, năng suất 250-300 trái/cây/năm, có thể sử dụng để làm kem dừa, rau câu dừa và tạo cảnh quan cho du lịch sinh thái. Giống dừa này được trồng với số lượng ít ở Bến Tre, Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cũng giống như dừa ẻo nâu dừa ẻo xanh có kích thước trái quá nhỏ nên cần lưu ý hạn chế quy mô phát triển diện tích các giống dừa này.

  1. Dừa xiêm núm

m2

Là giống dừa uống nước có chất lượng nước ngon (8 – 8,5% đường), ra hoa sau 3 năm trồng, năng suất bình quân 100 – 120 trái/cây/năm, vỏ trái có màu xanh, phần dưới của trái có một núm nhỏ nhô ra, thể tích nước 250 – 350ml/trái. Giống dừa này được trồng với số lượng không nhiều ở Hưng Phong – Giồng Trôm và một vài nơi khác.

  1. Dừa dứa

index    moicay dua dua

Là giống dừa uống nước có chất lượng và giá trị kinh tế cao, hiện có nhu cầu lớn trên thị trường. Tất cả các bộ phận của dừa dứa đều có mùi thơm lá dứa đặc trưng. Ở Việt Nam hiện nay có 3 nhóm giống khác nhau với kích thước và mùi thơm tỷ lệ nghịch với nhau.

Nhóm I: Trái tròn có kích thước nhỏ, vỏ trái có màu xanh, nước rất ngọt và mùi thơm đậm đà nhất nhưng tỷ lệ nẩy mầm rất thấp (<10%) nên không có cây giống trên thị trường. Ra hoa sau khoảng 2,5-3 năm trồng, năng suất bình quân 120-140 trái/cây/năm, nước ngọt (8-8,5% đường), thể tích nước 200-250 ml/trái.

Nhóm II: Trái có kích thước trung bình, vỏ trái có màu xanh, nước có vị ngọt và mùi thơm nhẹ hơn dừa dứa nhóm I. Nhóm giống này đang có phổ biến trên thị trường cây giống. Ra hoa sau khoảng 2,5-3 năm trồng, năng suất bình quân 120-150 trái/cây/năm, nước ngọt (7-7,5% đường), thể tích nước 250-350 ml/trái.

Nhóm III: Trái có kích thước to giống như dừa ta, vỏ trái có màu xanh hoặc vàng. Ra hoa sau khoảng 3-3,5 năm trồng, năng suất bình quân 60-80 trái/cây/năm, hàm lượng đường 6-6,5%. Nhóm giống dừa dứa này có độ ngọt và mùi thơm nhẹ nhất, lưu ý khi chọn giống trồng nên loại bỏ.

Lưu ý khi trồng dừa dứa nên trồng tập trung để có tỷ lệ trái có mùi thơm cao hơn.

NHÓM GIỐNG DỪA CAO

  1. Dừa ta

Đây là giống dừa cao phổ biến nhất ở Việt Nam, trái có 3 khía rỏ, có 3 màu (ta xanh, ta vàng, ta đỏ hay còn gọi là dừa lửa). Ra hoa sau khoảng 4,5 – 5 năm trồng, năng suất trung bình 60-70 trái/cây/năm, kích thước trái to, cơm dừa dày 11 – 13 mm,  khối lượng cơm dừa tươi 400-500g, hàm lượng dầu cao (63%-65%).

  1. Dừa dâu

dua-2

Là giống dừa cao phổ biến thứ nhì ở Việt Nam, trái tròn, có 3 màu (dâu xanh, dâu vàng và dâu đỏ). Ra hoa sau khoảng 4 – 4,5 năm trồng, năng suất trung bình 70-80 trái/cây/năm, kích thước trái trung bình, cơm dừa dày 10 – 12 mm, khối lượng cơm dừa tươi 300-400g, hàm lượng dầu cao (63%-65%).

  1. Dừa sáp

trai dua sap

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem. Về hình thái bên ngoài cây và trái của dừa sáp không khác gì so với dừa bình thường. Dừa sáp thuộc nhóm giống cao, ra hoa sau khoảng 4 – 4,5 năm trồng, năng suất bình quân 50-60 trái/cây/năm. Trong quần thể dừa sáp tự nhiên có tối đa chỉ khoảng 20-25% trái sáp, những trái còn lại là dừa bình thường. Trái dừa sáp (đặc ruột) có cơm dừa mềm xốp, nước sền sệt như keo, có hương thơm đặc trưng,  thường được sử dụng làm món tráng miệng, bánh kẹo, kem dừa sáp…

Để phân biệt được trái sáp với trái dừa bình thường người ta phải dùng tay lắc trái sau khi thu hoạch (khoảng 10 tháng tuổi trở lên), trái nào không lắc nước hoặc có lắc nước nhưng tiếng kêu không trong trẻo thì có khả năng đó là trái sáp. Trái dừa sáp không thể nẩy mầm theo phương pháp ươm truyền thống, nên khi trồng dừa sáp người ta dùng những trái không sáp trên cây dừa sáp để ươm, nhưng do đặc điểm di truyền nên cũng chỉ có khoảng 50% số cây được trồng sẽ cho trái sáp sau này. Mặt khác, do dừa sáp chỉ có khả năng cho trái sáp khi nào nó được thụ phấn của chính giống dừa sáp, nên để đạt tỷ lệ trái sáp cao cần phải trồng tập trung với số lượng nhiều.

Dừa sáp được trồng nhiều ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và các xã lân cận. Những năm gần đây do giá trị kinh tế của dừa sáp cao nên nó được nhân giống  trồng rải rác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ở Việt Nam dừa sáp có 2 kiểu đặc ruột:

– Kiểu thứ nhất (Kiểu A): Độ dày cơm dừa giống như dừa bình thường, nhưng cơm mềm, nước hơi sền sệt. Kiểu đặc ruột này thường gặp ở những cây dừa sáp cho trái có kích thước to, dạng trái giống như dừa ta xanh, hoặc trái to tròn có màu nâu.

– Kiểu thứ hai (Kiểu B): Cơm dừa dày hơn cơm dừa của trái dừa thường có hai lớp rõ rệt, lớp cơm dừa tiếp giáp với phần gáo dừa có cấu trúc giống như cơm nhão và lớp cơm dừa bên trong giáp với phần nước dừa bồng lên như bông. Nước dừa rất sệt, có màu trắng trong. Kiểu đặc ruột này thường gặp trên những cây dừa sáp cho trái tròn, kích thước trung bình giống như dừa dâu xanh.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đang sản xuất được giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi từ những phôi của trái sáp. Với kỹ thuật này cây dừa sáp được trồng sẽ cho tỷ lệ trái sáp từ 50% trở lên tùy quần thể được trồng nhiều hay ít.

NHÓM GIỐNG DỪA LAI

Dừa lai là những giống dừa dùng để lấy dầu, được Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nghiên cứu và sản xuất bằng phương pháp lai tạo có kiểm soát (thụ phấn nhân tạo hoặc thụ phấn trợ lực) giữa giống dừa cao (bố) và dừa lùn (mẹ). Dừa lai mang những đặc tính trung gian giữa 2 nhóm dừa nói trên. Ưu điểm nổi bật của các giống dừa lai là ra hoa sớm, năng suất trái và hàm lượng dầu cao, có khả năng thích ứng tốt với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Các giống dừa lai có khả năng thích nghi với điều kiện đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.

  1. Dừa lai PB 121

Đây là giống dừa được lai giữa giống dừa mẹ là lùn vàng Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống dừa bố là cao Tây Phi (có nguồn gốc từ châu Phi). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5 – 3 năm trồng, năng suất bình quân 150-200 trái/cây/năm, trái có kích thước nhỏ, cơm dừa dày 13 – 14 mm, khối lượng cơm dừa tươi 250-300g, hàm lượng dầu cao 65-67%. Đây là giống lai có năng suất và chất lượng dầu cao nhất hiện nay nhưng có kích thước trái nhỏ nên ít được thị trường ưa chuộng.

  1. Dừa Lai JVA 1

Đây là giống dừa được lai tạo giữa giống dừa mẹ là lùn vàng Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống bố là cao Bago Oshiro (có nguồn gốc từ Philippines). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5 – 3 năm trồng, năng suất bình quân 120 – 150 trái/cây/năm, trái có kích thước trung bình, cơm dừa dày 12 – 13 mm, khối lượng cơm dừa tươi 300 – 350g, hàm lượng dầu cao 65%.

  1. Dừa lai JVA 2

Đây là giống dừa được lai tạo giữa giống dừa mẹ là lùn đỏ Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống bố là cao Bago Oshiro (có nguồn gốc từ Philippines). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5 – 3 năm trồng, năng suất bình quân 100 – 140 trái/cây/năm, trái có kích thước trung bình, cơm dừa dày 12 – 13 mm, khối lượng cơm dừa tươi 350 – 400 g, hàm lượng dầu cao 65%.

Dừa lai được sản xuất theo một quy trình rất công phu và mất nhiều thời gian khoảng hơn 1,5 năm mới cho ra sản phẩm cây con, hơn nữa số lượng cây bố, mẹ được trồng tại các trung tâm sản xuất giống cũng không nhiều nên lượng cây giống cung cấp ra thị trường cũng rất hạn chế. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng cây dừa lai có khả năng sinh trưởng phát triển mạnh, năng suất trái cao hơn dừa bản địa từ 1,5 – 2 lần nên nhu cầu dinh dưỡng cung cấp cho cây cũng cao hơn nhiều, đòi hỏi người trồng phải đầu tư thâm canh cao và đặc biệt không được sử dụng trái của cây dừa lai để làm giống.

Nguyễn Thị Thủy –  Giám đốc Trung Tâm dừa Đồng Gò

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Từ khóa » Dừa Vàng Nâu