Ða Cấp Biến Tướng Sang Cả Lĩnh Vực Chăm Sóc Sức Khỏe

Mới đây, câu chuyện về “Cộng đồng khởi nghiệp thời 4.0” là ví dụ điển hình, các nhân viên chỉ ngồi một chỗ “khua môi múa mép” tư vấn qua điện thoại, bịp bợm người bệnh hòng bán ra những liều “thần dược” rởm với giá cắt cổ. Từ vụ việc trên cho thấy, hình thức kinh doanh đa cấp đang có sự biến tướng chuyển sang mô hình kinh doanh bất chính, quảng cáo sai sự thật gây nhầm lẫn đánh lừa người tiêu dùng.

Thổi phồng công dụng

Liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trong lĩnh vực sức khỏe, không chỉ có “cộng đồng khởi nghiệp thời 4.0” vừa bị phát hiện mà trên các trang mạng xã hội, hoạt động kiểu bán hàng đa cấp này diễn ra công khai. Khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại là sẽ có nhân viên tư vấn gọi lại để bán sản phẩm, thậm chí “ship” hàng đến tận nhà. Điều đáng nói, các sản phẩm này thường hay bị các đối tượng “mạo danh” hình ảnh các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế, lấy lòng tin của khách hàng, hòng dễ dàng lừa đảo.

Hơn nữa, những sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN)... luôn được quảng cáo có khả năng trị bệnh nhằm bán hàng với tỷ suất lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá trị thật của mặt hàng. Tuy vậy, chất lượng sản phẩm ra sao, có được đăng ký chất lượng sản phẩm và giấy phép lưu hành hay không thì người tiêu dùng không thể biết được, dẫn đến tiền mất tật mang.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước hết là do nhận thức của người tiêu dùng. Nhiều người chọn mua TPCN, thuốc Đông y gia truyền... bằng cảm quan, thường quan tâm đến nhãn hiệu, giá cả, còn chất lượng thì tin tưởng vào lời quảng cáo của người bán. Chính sự dễ dãi, cả tin của người tiêu dùng khiến việc kinh doanh những mặt hàng này không có dấu hiệu suy giảm.

Ða cấp biến tướng sang cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏeAnh Lâm Văn Cường mong muốn báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc để dẹp loạn bán hàng đa cấp online.

Anh Lâm Văn Cường (1986) trú tại Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ. Bố anh là nạn nhân của “cộng đồng khởi nghiệp thời 4.0” bán hàng đa cấp theo kiểu tư vấn online. Sau khi mua sản phẩm Bồng Cốt Đan về uống, bố anh mắt bỗng kém đi, da sạm hơn sau khi dùng thử một liệu trình chữa bệnh xương khớp được kê đơn bởi các “bác sĩ online” cũng của cộng đồng này - anh Cường bức xúc.

Theo PGS.TS. Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, việc bán thuốc hay thực phẩm chức năng chỉ bằng hình thức online mà không thăm khám, bắt mạch thì không thể biết được bệnh, nếu cứ mua uống tràn lan sẽ không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng... - PGS Khánh cho biết.

Trước đó, tại buổi giao ban thường kỳ của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đánh giá về hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, hiện hình thức này đang có sự biến tướng chuyển sang mô hình kinh doanh đa cấp bất chính. Hàng hóa được bán theo hình thức đa cấp chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, trong đó có các thực phẩm chức năng, thiết bị trị liệu... Các mặt hàng này thường rất khó phân biệt được với thuốc chữa bệnh, tính năng công dụng của sản phẩm không rõ ràng nên doanh nghiệp và nhà phân phối đã lợi dụng để thổi phồng, quảng cáo sai sự thật gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không những chỉ có bán hàng đa cấp đang biến tướng khó lường mà hình thức văn phòng đại diện cũng bị lợi dụng đủ kiểu để lừa gạt khách hàng. Thậm chí, nhiều văn phòng đại diện chỉ tồn tại ở dạng ảo, không có không gian làm việc, nhưng với hình thức bán hàng đa cấp, bằng cách này, cách khác, họ móc nối, thành lập đội ngũ nhân viên để tiếp thị bán hàng và nhận thu nhập dưới hình thức hoa hồng doanh số.

Sẽ siết chặt!

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh kiểm tra và xử phạt các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, nhưng các sản phẩm thực phẩm chức năng giả mạo, kém chất lượng vẫn tràn lan, đặc biệt là hàng giả nguồn gốc xuất xứ gây bức xúc và hoang mang cho người tiêu dùng.

Để quản lý và siết chặt tình trạng bát nháo thị trường đa cấp dưới hình thức bán hàng online, mới đây, Bộ Công Thương vừa phê duyệt kế hoạch thanh, kiểm tra nhiều mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử. Chiến dịch thanh, kiểm tra được bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết năm 2020. Trong đó, thực phẩm chức năng là một trong những mặt hàng nằm trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm... Các địa bàn trọng điểm nằm trong chiến dịch kiểm tra là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, việc lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm đối với phát triển kinh tế, xã hội; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Bên cạnh đó, việc kiểm tra cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng tự giác, chấp hành thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Từ khóa » Symcar Lừa đảo