Acecook: Mỳ Hảo Hảo ở Việt Nam Không Có Ethylene Oxide

Trong thông cáo phát đi chiều 12/9, Acecook Việt Nam cho biết, họ đã chủ động lấy mẫu một số sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm phân tích Eurofins -một tập đoàn khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thử nghiệm thực phẩm. Eurofins có mạng lưới hơn 1.000 công ty độc lập tại hơn 50 quốc gia và vận hành hơn 900 phòng thí nghiệm trên thế giới.

Kết quả kiểm nghiệm của họ cho thấy, mỳ Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất EO (với phép thử có giới hạn phát hiện là 0,003 mg/kg), nhưng có một lượng nhỏ 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ EO) với hàm lượng 1,17 mg/kg. Theo Acecook Việt Nam, hàm lượng 2-CE trong mỳ Hảo Hảo tôm chua cay thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada (940 mg/kg) và một số quốc gia khác.

Do đó, phía Acecook Việt Nam cho rằng, mỳ Hảo Hảo tôm chua cay bán tại thị trường trong nước hoàn toàn đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn sức khoẻ người tiêu dùng.

Đây là kết quả kiểm nghiệm chủ động từ phía doanh nghiệp. Chia sẻ với VnExpress, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được báo cáo về kết quả này nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bộ cũng đã rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay với các sản phẩm tương tự của Acecook. Hiện quá trình kiểm nghiệm sản phẩm vẫn đang được bộ này cùng cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Y tế tiến hành.

Bộ cũng yêu cầu điều tra, đánh giá chi tiết về chủng loại, thành phần nguyên liệu, quá trình khử khuẩn, nguồn gốc và lượng EO dùng khử khuẩn, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát tương ứng nhằm ngăn chặn phơi nhiễm EO của thực phẩm.

Mỳ Hảo Hảo tôm chua cay của Acecook Việt Nam được bán tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hoài Thu

Mỳ Hảo Hảo tôm chua cay của Acecook Việt Nam được bán tại hệ thống siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Hoài Thu

Còn với sản phẩm xuất khẩu, kết quả kiểm nghiệm của Acecook Việt Nam cho thấy, có sự hiện diện của chất 2-CE, với mỳ Hảo Hảo tôm chua cay là 0,62 mg/kg và miến Good là 5,98 mg/kg - đây là hai sản phẩm bị một số nước ở châu Âu cảnh báo yêu cầu thu hồi một số lô gần đây.

Mức hàm lượng này, theo Acecook Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada (940 mg/kg) và một số quốc gia khác. Việc xuất hiện của 2-CE trong sản phẩm xuất khẩu cũng là lý do khiến 2 lô sản phẩm của doanh nghiệp này bị thu hồi tại EU vừa qua. "Do quy định đặc thù của EU về cách tính hàm lượng EO là giá trị gộp của EO và 2-CE, việc xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm thực phẩm được cho là vi phạm quy định của họ", đại diện Acecook Việt Nam giải thích.

Lý giải sự xuất hiện của 2-CE trong mỳ Hảo Hảo tôm chua cay, theo doanh nghiệp, kiểm tra ban đầu cho thấy có nhà cung cấp đã sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu. Ngoài ra, kết quả phân tích nguyên liệu của nhà cung cấp cũng phát hiện sự hiện diện của chất 2-CE. Tuy nhiên, để có thể xác minh đầy đủ, nghiên cứu triệt để nhằm làm rõ nguyên nhân, phía Acecook Việt Nam nói cần thêm thời gian.

"Chúng tôi đã làm việc lại với các nhà cung cấp, yêu cầu họ phải cam kết tuyệt đối không sử dụng chất EO để khử khuẩn. Đồng thời sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối trong và ngoài nước để không xảy ra sự cố tương tự", đại diện Acecook Việt Nam nhấn mạnh.

Trong thời gian này, Acecook Việt Nam sẽ ngưng xuất khẩu vào thị trường EU, và làm việc với nhà phân phối để ngưng xuất hàng ra thị trường với những sản phẩm còn chưa đạt tiêu chuẩn EU về chất 2-CE. Doanh nghiệp này cũng đang thu hồi sản phẩm thuộc các lô được nhà chức trách EU cảnh báo.

Để kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đã đề xuất các bộ, ngành rà soát, đánh giá tổng thể, bài bản về những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người với những hóa chất mới, đa tính năng có khả năng xuất hiện trong thực phẩm, từ đó có biện pháp kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bộ này đề xuất, cùng các bộ, ngành lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng các sản phẩm chế biến bột và các sản phẩm mỳ ăn liền theo 3 nhóm: sản phẩm sản xuất trong nước, sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.

Việc tiêu thụ sản phẩm bị nhiễm ethylene oxide không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể có các vấn đề về sức khoẻ nếu sử dụng sản phẩm trong thời gian dài.

Về các quy định dư lượng chất EO trong thực phẩm, Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về cho phép hay cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia, tương tự Việt Nam cũng chưa có quy định liên quan việc dùng chất này trong nông nghiệp, thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Trong khi đó, EU, Mỹ hay Canada đưa ra các quy định khác nhau về ngưỡng giới hạn chất EO trong thực phẩm.

Tại EU, chất EO bị cấm sử dụng khử trùng, lưu trữ thực phẩm từ năm 1991. Mức giới hạn ethylen oxide được tính là tổng của các sản phẩm chuyển hoá, gồm cả 2-CE. Theo quy định năm 2015, ngưỡng tối đa chất EO có trong chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ là 0,1 mg/kg.

Các loại hạt có dầu, ngưỡng tối đa EO cho phép là 0,05 mg/kg; trái cây, rau, nấm; các loại ngũ cốc và sản phẩm từ động vật là 0,02 mg/kg. Các sản phẩm trồng trọt dư lượng EO được phép tối đa 0,05 mg/kg.

Còn Mỹ, Canada lại có mức giới hạn riêng đối với EO và 2-CE. Chẳng hạn tại Canada, mức giới hạn dư lượng cho phép đối với EO là 7 mg/kg và với 2-CE là 940 mg/kg đối với gia vị, hạt. Tại Mỹ, ngưỡng cho phép đối với EO là 7 mg/kg đối với gia vị, hạt; 50 mg/kg đối với hạt óc chó. Riêng đối với 2-CE, Mỹ quy định mức tối đa là 940 mg/kg.

Vì thế, theo lưu ý của Bộ Công Thương, doanh nghiệp khi sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm cần kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng; đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng; kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, nhất là các cấu phần thuê mua gia công. Doanh nghiệp cũng cần làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy; đồng thời nghiên cứu, kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Anh Minh

  • 'Chưa xác minh được thành phần nào trong mỳ chứa ethylene oxide'
  • Bộ Công Thương: Việt Nam chưa quy định cấm ethylene oxide trong thực phẩm
  • EU cảnh báo sản phẩm chứa ethylene oxide từ nhiều nước
  • Acecook: 'Sản phẩm tại châu Âu không bán ở Việt Nam'

Từ khóa » Eo Trong Mì Hảo Hảo