Agribank Quyết Tâm Xử Lý Dứt điểm Nợ Xấu

Đến 15/08/2018, Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32%/ tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi. Trên tinh thần quyết liệt xử lý nợ xấu dứt điểm, Agribank đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trong toàn hệ thống. Agribank một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra nhiều chính sách xử lý dứt điểm nợ xấu.

Xử lý nợ xấu gắn với phục hồi sản xuất kinh doanh Trong hơn 2 năm qua, Agribank xác định việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu. Chưa đầy 1 tháng ngay sau ngày Quốc hội công bố Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN và Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu để triển khai Nghị quyết này. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của NHNN, Agribank đã đưa ra Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt, đồng thời tổ chức Hội nghị toàn hệ thống để quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo, cũng như triển khai những cơ chế để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Cụ thể, ngân hàng đã thành lập 2 Trung tâm xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam; Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank; Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) theo giá thị trường; Mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15/8/2017; Miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh… Thực tế, mục tiêu được quán triệt ngay từ đầu của Agribank là gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, nên trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng.

Với hàng loạt giải pháp mạnh mẽ này, chỉ trong hơn 1 năm từ 15/8/2017 đến 15/08/2018 Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32%/ tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi. Trong đó: Thu đã bán cho VAMC 5.515 tỷ đồng chiếm 13,8% nợ đã bán (39.907 tỷ đồng); Thu nợ đã xử lý rủi ro (XLRR) 6.921tỷ đồng, chiếm 14,8% nợ đã XLRR (46.698 tỷ đồng); Thu và xử lý nợ xấu nội bảng 34.402 tỷ đồng; Thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo quyết định 780, Thông tư 09, Nghị định 55 là 15.093 tỷ đồng... Báo cáo mới nhất, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của Agribank duy trì ở mức 1,98%. Sớm gỡ vướng mắc từ thực tiễn Dù Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, góp phần xử lý nhanh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên trong quá trình xử lý nợ xấu đã xuất hiện một số vướng mắc trong quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo… cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đơn cử như: nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ nhưng nếu quyết liệt thu giữ tài sản, thì sẽ đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận tài sản bảo đảm. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra TAND có thẩm quyền để được quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án. Như vậy, tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản bảo đảm không có tranh chấp; tài sản bảo đảm là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết. Mặc dù đã có sự phối hợp giữa các bên liên quan, song để việc triển khai Nghị quyết 42 đạt hiệu quả hơn nữa, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt giữa các đơn vị liên quan, tránh tình trạng tổ chức tín dụng đơn độc trong xử lý nợ xấu.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC… Với mục tiêu quyết liệt cùng ngành Ngân hàng xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại thời gian tới, đặc biệt tập trung tối đa mọi nguồn lực để xử lý thu hồi nợ sau xử lý nhằm tăng năng lực tài chính trước khi cổ phần hóa theo lộ trình vào năm 2019, Agribank xác định nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động này đó là tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt sử dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý thu hồi nợ đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra. Agribank cũng như các tổ chức tín dụng khác mong muốn các Bộ, Ban Ngành liên quan bám sát Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng trước khi thực hiện thu hồi nợ vay đúng theo tinh thần của Nghị quyết 42; hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo; Tập trung quyết liệt hơn nữa trong giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; Hướng dẫn chỉ đạo về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42... Đồng thời, cùng ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 42, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về xử lý nợ xấu, nhằm gia tăng hơn nữa ý thức trả nợ của khách hàng. Agribank rao bán đấu giá hàng ngàn m2 đất thế chấp Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh, Agribank có 141.000 tỷ đồng nợ xấu được phép xử lý theo Nghị quyết 42. Trong đó, nợ xấu nội bảng khoảng 18.000 tỷ đồng, nợ đã cơ cấu 36.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC 40.000 tỷ đồng, nợ xử lý rủi ro 42.000 tỷ đồng. Kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2022, Agribank xác định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ, linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ tại Nghị quyết 42 như: miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo; sử dụng dịch vụ xử lý nợ của AMC; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường… Việc phát mại tài sản đảm bảo được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Trong thời gian gần đây, Agribank đã thông báo đấu giá hàng loạt khoản nợ, trong đó có nhiều tài sản thế chấp là bất động sản hàng trăm tỷ đồng tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó có nhiều tài sản có giá trị được chào bán, đấu giá như: quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, TP HCM có diện tích gần 7.000 m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc, với giá khởi điểm 405 tỉ đồng… quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM với giá khởi điểm 96,23 tỷ đồng; thửa đất số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội có diện tích 201,3 m2 cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 68,5 tỷ đồng; đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty Liên doanh Life Pro Việt Nam bao gồm toàn bộ nguyên phụ liệu, máy móc, công trình với giá khởi điểm là 257,4 tỷ đồng... Trong tháng 9/2018, Agribank và Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) có hơn 10 đợt tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo, với tổng giá trị chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng. Trong tháng 11/2018, ngân hàng vẫn tiếp tục rao bán, đấu giá hàng loạt tài sản. Cụ thể, rao bán 5 quyền sử dụng đất tại Hà Nội có tổng diện tích sử dụng là 840m2 có tổng mức giá khởi điểm là gần 40,9 tỉ đồng; 9 tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền ở hữu đất ở nằm ở ngay mặt tiền trung tâm quận 3, TP HCM được Agribank rao bán. Giá khởi điểm cho loạt tài sản này là hơn 346 tỉ đồng; Agribank chi nhánh Sở giao dịch cũng chào bán toàn bộ khoản nợ xấu của Công ty Tập đoàn Đông Thiên Phú, với giá khởi điểm hơn 144 tỉ đồng; Agribank Bình Định đang rao bán tài sản bảo đảm gồm bất động sản có diện tích hơn 166.000 m2 ở Hoài Nhơn, Bình Định và các tài sản gắn liền trên đất; Ngoài ra, còn nhiều khoản nợ trên trăm tỷ đồng đáng chú ý khác như Agribank Hưng Yên đang chào bán 7 TSBĐ của Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, bao gồm các hệ thống máy móc, công trình xây dựng trên đất, hàng tồn kho,..với giá khởi điểm hơn 133 tỷ đồng, thời gian từ 12/11-30/11/ 2018… Các khối tài sản đảm bảo nêu trên chỉ là trong số rất nhiều khoản nợ xấu khác cũng đang được các chi nhánh của Agribank và Agribank AMC rao bán trong thời gian qua. Nhiều khoản nợ được đấu giá nhiều lần, cho thấy nỗ lực rất lớn của ngân hàng nhằm kiềm chế tỷ lệ nợ xấu về mức tối thiểu.

Minh Trung - TSC

Từ khóa » Nợ Sau Xử Lý