Ai Cập – Wikipedia Tiếng Việt

Cộng hòa Ả Rập Ai Cập
Tên bản ngữ
  • جمهورية مصر العربية
    • tiếng Ả Rập:Jumhūrīyat Miṣr al-ʿArabīyah
      tiếng Ả Rập Ai Cập:Gomhoreyet Maṣr El ʿArabeya
Quốc kỳ Ai Cập Quốc kỳ Quốc huy Ai Cập Quốc huy
Quốc ca: "Bilady, Bilady, Bilady""بلادي، بلادي، بلادي""Tổ quốc, tổ quốc, tổ quốc"
Location of Ai Cập
Tổng quan
Thủ đôvà thành phố lớn nhấtCairo30°2′B 31°13′Đ / 30,033°B 31,217°Đ / 30.033; 31.217
Ngôn ngữ chính thứcTiếng Ả Rập
Ngôn ngữ quốc giaTiếng Ả Rập Ai Cập[a]
Tôn giáo chínhHồi giáo
Tên dân cưNgười Ai Cập
Chính trị
Chính phủCộng hoà bán tổng thống đơn nhất
• Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi
• Thủ tướng Mostafa Madbouly
Lập phápQuốc hội[1]
• Thượng viện Thượng viện
• Hạ việnHạ viện
Lịch sử
Thành lập
• Thống nhất Thượng và Hạ Ai Cập khoảng 3150 tcn
• Khởi đầu triều đại Muhammad Ali 9 tháng 7 năm 1805[2]
• Độc lập từ Anh 28 tháng 2 năm 1922
• Ngày Cách mạng 23 tháng 7 năm 1952
• Tuyên bố nền cộng hoà 18 tháng 6 năm 1953
• Hiến pháp hiện hành 18 tháng 1 năm 2014
Địa lý
Diện tích 
• Tổng cộng1.010.407,87 [3] km2 (hạng 29)387.048 mi2
• Mặt nước (%)0.60
Dân số 
• Điều tra 2022102,674,587[4]
• Mật độ102/km2 (hạng 118)248/mi2
Kinh tế
GDP  (PPP)Ước lượng 2021
• Tổng số1,346,225 tỷ USD Tăng[5] (hạng 21)
• Bình quân đầu người13,083 USD[5] (hạng 99)
GDP  (danh nghĩa)Ước lượng 2021
• Tổng số394,284 tỷ USD [5] (hạng 36)
• Bình quân đầu người3,832 USD[5] (hạng 118)
Đơn vị tiền tệBảng Ai Cập (E£) (EGP)
Thông tin khác
Gini? (2017)Giảm theo hướng tích cực 31,5[6]trung bình
HDI? (2022)Tăng 0,728[7]cao · hạng 105
Múi giờUTC+2[c] (EET)
Giao thông bênphải
Mã điện thoại+20
Mã ISO 3166EG
Tên miền Internet
  • .eg
  • مصر.
  1. ^ Văn học Ả Rập là ngôn ngữ chính thức duy nhất. Tiếng Ả Rập Ai Cập là ngôn ngữ nói quốc gia. Các phương ngữ khác và ngôn ngữ thiểu số được nói theo vùng.
  2. "Trong số các dân tộc ở Cận Đông cổ đại, chỉ có người Ai Cập ở lại nơi họ vẫn ở, mặc dù họ đã thay đổi ngôn ngữ một lần và tôn giáo của họ hai lần.[8][9] Arthur Goldschmidt Jr.
  3. ^ Xem Tiết kiệm thời gian ban ngày ở Ai Cập.

Ai Cập (tiếng Ả Rập: مِصر Miṣr, tiếng Ả Rập Ai Cập: مَصر Maṣr, tiếng Copt: Ⲭⲏⲙⲓ Khēmi tiếng Anh: Egypt), tên chính thức là nước Cộng hòa Ả Rập Ai Cập, là một quốc gia liên lục địa có phần lớn lãnh thổ nằm tại Bắc Phi, cùng với bán đảo Sinai thuộc Tây Á. Ai Cập giáp Địa Trung Hải, có biên giới với Dải Gaza và Israel về phía đông bắc, giáp vịnh Aqaba về phía đông, biển Đỏ về phía đông và nam, Sudan về phía nam, và Libya về phía tây. Ngoài ra, Ai Cập có biên giới hàng hải với Jordan và Ả Rập Xê Út qua vịnh Aqaba và biển Đỏ.

Trong số các quốc gia hiện tại, Ai Cập có lịch sử vào hàng lâu đời nhất, là một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới vào thiên niên kỷ 10 TCN.[10], và đã trải qua một số bước phát triển sớm nhất về chữ viết, nông nghiệp, đô thị hoá, tôn giáo có tổ chức và chính phủ trung ương. Di sản văn hoá phong phú của Ai Cập là bộ phận của bản sắc dân tộc, từng phải chịu ảnh hưởng mà đôi khi là đồng hoá từ bên ngoài như Hy Lạp, Ba Tư, La Mã, Ả Rập, Ottoman, và châu Âu như Anh, Pháp (thời gian ngắn). Ai Cập từng là một trong các trung tâm ban đầu của Cơ Đốc giáo, song trải qua Hồi giáo hoá trong thế kỷ VII và từ đó duy trì là một quốc gia Hồi giáo, song Cơ Đốc giáo vẫn chiếm một phần đáng kể ở quốc gia này.

Ai Cập có trên 100 triệu dân, là quốc gia đông dân nhất tại Bắc Phi và thế giới Ả Rập, là quốc gia đông dân thứ ba tại châu Phi và thứ 14 trên thế giới. Đại đa số cư dân sống gần bờ sông Nin, trong một khu vực có diện tích khoảng 40.000 km², là nơi duy nhất có đất canh tác. Các khu vực rộng lớn thuộc sa mạc Sahara chiếm hầu hết lãnh thổ Ai Cập, song có cư dân thưa thớt. Khoảng một nửa cư dân Ai Cập sống tại khu vực thành thị, các trung tâm dân cư đông đúc là Đại Cairo, Alexandria và các thành phố lớn khác tại đồng bằng châu thổ sông Nin.

Ai Cập hiện đại được nhận định là một cường quốc khu vực và cường quốc bậc trung, có ảnh hưởng đáng kể về văn hoá, chính trị và quân sự tại Bắc Phi, Trung Đông và thế giới Hồi giáo.[11] Kinh tế Ai Cập nằm vào hàng lớn nhất và đa dạng nhất tại Trung Đông, và theo dự kiến sẽ nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ XXI. Ai Cập là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Phong trào không liên kết, Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu Phi, và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tên gọi Ai Cập

Tên gọi của Ai Cập trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Trong tiếng Anh, quốc gia này được gọi "Egypt", bắt nguồn từ tên tiếng Hy Lạp cổ đại "Aígyptos" (IPA: [ˈe.ʝip.tos]). Bằng tiếng Trung, tên "Aígyptos" của tiếng Hy Lạp được phiên âm thành "Āi jí", và viết bằng chữ Hán là "埃及". Trong các tài liệu Kinh thánh bằng tiếng Việt thì Ai Cập được phiên âm là Ê-díp-tô (phiên âm thẳng từ phát âm tiếng Hy Lạp).

km.t bằng chữ tượng hình
kmmtniwt

Miṣr là quốc hiệu chính thức theo tiếng Ả Rập của Ai Cập hiện đại, nó có gốc ngôn ngữ Semit, cùng gốc trực tiếp với tiếng Hebrew מִצְרַיִם (Mitzráyim), có nghĩa là "hai đoạn thẳng" và cũng có thể có nghĩa là "một đất nước" hay "một quốc gia".

Tên cổ của nước này là kemet, hay "miền đất đen," xuất phát từ lớp đất phù sa lắng đọng màu mỡ màu đen do những trận lụt của sông Nin đem đến, khác biệt so với 'miền đất đỏ' (deshret) của sa mạc. Ở giai đoạn sau, cái tên này trở thành keme trong tiếng Copt. Tên Egypt theo tiếng Anh bắt nguồn từ từ Aegyptus trong tiếng Latin và xuất phát từ Αίγυπτος (Aiguptos) trong tiếng Hy Lạp cổ. Từ này có thể lại có nguồn gốc từ câu ḥwt-k3-ptḥ ("Hwt ka Ptah") trong tiếng Ai Cập cổ có nghĩa là "ngôi nhà Ka của Ptah," tên của một ngôi đền thánh Ptah tại Memphis (Ai Cập).

Vị trí địa lý

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Địa lý Ai Cập
Miền quê Ai Cập, phía nam Cairo.

Ai Cập có biên giới với Li bi ở phía tây, Sudan ở phía nam, với Israel ở đông bắc. Vai trò địa chính trị quan trọng của Ai Cập xuất phát từ vị trí chiến lược của Ai Cập: là một quốc gia liên lục địa ở cả châu Á và châu Phi, họ sở hữu một cầu nối lục địa (Eo đất Suez) giữa Châu Phi và Châu Á, và một cầu nối đường thủy (Kênh Suez) nối giữa Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương thông qua Biển Đỏ.

Các thành phố và thị trấn gồm Alexandria, một trong những thành phố cổ vĩ đại nhất, Aswan, Asyut, Cairo, thủ đô Ai Cập hiện đại, El-Mahalla El-Kubra, Giza, nơi có Kim tự tháp Khufu, Hurghada, Luxor, Kom Ombo, Port Safaga, Port Said, Sharm el Sheikh, Shubra-El-Khema, Suez,nơi có Kênh Suez, Zagazig, và Al-Minya.

Các sa mạc: Ai Cập chiếm một phần Sa mạc Sahara và Sa mạc Libya. Các sa mạc này được coi là "vùng đất đỏ" trong thời Ai Cập cổ đại, và nó bảo vệ Vương quốc của các Pharaohs tránh khỏi các mối đe dọa từ phía tây.

Ốc đảo gồm: Ốc đảo Bahariya, Ốc đảo Dakhleh, Ốc đảo Farafra, Ốc đảo Kharga, Ốc đảo Siwa. Một ốc đảo là một vùng đất xanh tươi và màu mỡ ở giữa sa mạc.

Năm 2017, theo thỏa thuận điều chỉnh biên giới trên biển được Ai Cập và Ả Rập Saudi ký kết hồi tháng 4 năm 2016 nhân chuyến thăm Cairo của Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út. Chính quyền Cairo nhất trí chuyển giao chủ quyền hai đảo Tiran và Sanafir trên biển Đỏ cho Ả Rập Xê Út dù người dân không đồng tình. Ai Cập khẳng định hai hòn đảo Tiran và Sanafir thuộc chủ quyền của Ả Rập Xê Út và do Ai Cập kiểm soát khi trước đó Ả Rập Xê Út đã đề nghị Ai Cập bảo vệ những đảo này trong những năm 1950.[12]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Ai Cập cổ đại

Tồn tại bằng chứng về thuật khắc đá dọc theo thềm sông Nin và tại các ốc đảo sa mạc. Trong thiên niên kỷ 10 TCN, nền văn hoá săn bắn-hái lượm và đánh cá bị thay thế bằng nền văn hoá xay hạt lương thực. Biến đổi khí hậu hoặc chăn thả quá độ vào khoảng năm 8.000 TCN bắt đầu làm khô hạn đất đồng cỏ chăn nuôi của Ai Cập, hình thành sa mạc Sahara. Các bộ lạc ban đầu này di cư đến gần sông Nin, tại đó họ phát triển một nền kinh tế nông nghiệp định cư và xã hội tập trung hơn.[13]

Đến khoảng năm 6000 TCN, một nền văn hoá đồ đá mới bén rễ tại thung lũng sông Nin.[14] Trong thời kỳ đồ đá mới, một số nền văn hoá tiền triều đại phát triển độc lập tại Thượng và Hạ Ai Cập. Văn hoá Badari và kế thừa nó là văn hoá Naqada thường được cho là các tiền thân của Ai Cập thời các vương triều. Di chỉ Hạ Ai Cập có niên đại sớm nhất được biết đến là Merimda, có niên đại trước văn hoá Badari khoảng bảy trăm năm. Các cộng đồng Hạ Ai Cập đương thời cùng tồn tại với các đối tác ở phía nam trong hơn hai nghìn năm, duy trì khác biệt về văn hoá song vẫn thường xuyên giao lưu thông qua mậu dịch. Bằng chứng có niên đại sớm nhất được biết đến về các bản khắc tượng hình Ai Cập xuất hiện trên các bình gốm Naqada III thuộc giai đoạn tiền triều đại, có niên đại khoảng 3200 TCN.[15]

Khu lăng mộ Giza là kỳ quan cổ đại có niên đại sớm nhất, và là kỳ quan cổ đại duy nhất còn tồn tại.

Một vương quốc thống nhất được Quốc vương Menes thành lập vào khoảng năm 3150 TCN, khởi đầu cho một loạt triều đại cai trị Ai Cập trong ba thiên niên kỷ sau đó. Văn hoá Ai Cập phồn thịnh trong giai đoạn kéo dài này và duy trì đặc trưng Ai Cập trong tôn giáo, nghệ thuật, ngôn ngữ và phong tục. Sau hai triều đại đầu tiên của Ai Cập thống nhất là giai đoạn Cổ vương quốc khoảng 2700–2200 TCN, trong giai đoạn này có nhiều kim tự tháp được xây dựng, đáng chú ý nhất là các kim tự tháp Giza.

Giai đoạn Chuyển tiếp lần thứ nhất là một thời gian chấn động chính trị trong khoảng 150 năm.[16] Tuy nhiên, việc các trận lụt của sông Nin mạnh hơn và chính phủ ổn định hoá giúp đem lại phồn thịnh mới cho quốc gia trong giai đoạn Trung vương quốc từ khoảng 2040 TCN, đạt đến đỉnh cao dưới thời trị vì của Pharaon Amenemhat III. Một giai đoạn bất hoà thứ nhì báo hiệu xuất hiện triều đại gốc ngoại quốc đầu tiên của Ai Cập, đó là người Hyksos gốc Tây Á. Những kẻ xâm lược Hyksos chiếm phần lớn Hạ Ai Cập vào khoảng 1650 TCN và định đô tại Avaris. Một đội quân Thượng Ai Cập dưới quyền Ahmose I đẩy lui người Hyksos, và lập ra vương triều thứ mười tám và dời đô từ Memphis đến Thebes.

Giai đoạn Tân vương quốc khoảng 1550–1070 TCN bắt đầu từ vương triều thứ mười tám, trong giai đoạn này Ai Cập vươn lên thành một cường quốc quốc tế, bành trướng đến cực độ thành một đế quốc có lãnh thổ xa về phía nam đến Tombos tại Nubia, và bao gồm bộ phận của Levant tại phía đông. Giai đoạn này có một số vị Pharaon nổi tiếng như Hatshepsut, Thutmose III, Akhenaten cùng vợ là Nefertiti, Tutankhamun và Ramesses II. Biểu hiện được chứng thực lịch sử đầu tiên về thuyết độc thần là từ giai đoạn này, với cải cách Aten. Tiếp xúc thường xuyên với các quốc gia khác giúp đưa các tư tưởng mới đến Ai Cập. Sau đó, Ai Cập lần lượt bị người Libya, người Nubia, và người Assyria xâm chiếm và chinh phục, song người Ai Cập bản địa cuối cùng đẩy lui được họ và giành lại quyền kiểm soát quốc gia.[17]

Năm 525 TCN, quân Achaemenes Ba Tư dưới quyền Quốc vương Cambyses II bắt đầu tiến hành chinh phục Ai Cập, cuối cùng bắt được Pharaon Psamtik III. Cambyses II lấy tước hiệu là pharaoh, song cai trì Ai Cập từ quê hương mình tại Ba Tư, cho một satrap (thống đốc) quản lý Ai Cập. Giai đoạn vương triều thứ 27 kéo dài từ năm 525 TCN đến năm 402 TCN do Ba Tư cai trị hoàn toàn. Một vài cuộc khởi nghĩa thành công tạm thời chống Ba Tư diễn ra trong thế kỷ V TCN, song chưa từng lật đổ lâu dài người Ba Tư.[18] Vương triều thứ 30 là vương triều bản địa cuối cùng trong kỷ nguyên pharaon. Họ thất thủ trước người Ba Tư vào năm 343 TCN sau khi Nectanebo II chiến bại. Tuy nhiên vương triều thứ 31 không kéo dài do người Ba Tư bị Alexandros Đại đế lật đổ vài thập niên sau đó. Một tướng quân người Hy Lạp Macedonia của Alexandros là Ptolemaios I Soter lập ra vương triều Ptolemaios.

Ai Cập Ptolemaios và La Mã

[sửa | sửa mã nguồn]
Vương hậu Cleopatra VII cùng con trai của bà với Julius Caesar là Caesarion, trong Đền Dendera.

Vương quốc Ptolemaios là một nhà nước Hy Lạp hoá hùng mạnh, kéo dài đến miền nam Syria ngày nay tại phía đông, đến Cyrene tại phía tây, và phía nam đến biên giới với Nubia. Alexandria trở thành thành phố thủ đô và một trung tâm của văn hoá và mậu dịch Hy Lạp. Để được dân chúng Ai Cập bản địa công nhận, các quân chủ gốc Hy Lạp nhìn nhận bản thân là người kế thừa của các pharaon. Các quân chủ Ptolemaios cuối cùng tuân theo truyền thống Ai Cập, phác hoạ bản thân trên các công trình kỷ niệm công cộng theo phong cách và trang phục Ai Cập, và tham gia sinh hoạt tôn giáo Ai Cập.[19][20]

Vị quân chủ cuối cùng của dòng Ptolemaios là Cleopatra VII, bà tự tử cùng tình nhân của mình là Mark Antony sau khi Octavianus chiếm được Alexandria và đội quân đánh thuê của bà chạy trốn. Vương triều Ptolemaios phải đối diện với các cuộc khởi nghĩa của người Ai Cập bản địa, nguyên nhân thường là vì chính thể này không được lòng dân và tham dự nhiều cuộc chiến bên ngoài lẫn bên trong khiến quốc lực suy thoái, kết quả bị La Mã sáp nhập. Tuy thế, văn hoá Hy Lạp hoá tiếp tục thịnh vượng tại Ai Cập ngay cả sau khi người Hồi giáo chinh phục nơi đây.

Thánh sử Mark đưa Cơ Đốc giáo đến Ai Cập vào thế kỷ I.[21] Thời gian cai trị của Diocletianus (từ 284 đến 305) đánh dấu chuyển tiếp từ thời kỳ La Mã sang Đông La Mã (Byzantine) tại Ai Cập, khi một lượng lớn người Cơ Đốc giáo Ai Cập bị ngược đãi. Tân Ước được dịch sang tiếng Ai Cập. Sau Công đồng Chalcedon vào năm 451, một giáo hội Copt Ai Cập riêng biệt được thành lập vững chắc.[22]

Trung đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Đông La Mã giành lại quyền kiểm soát Ai Cập sau một cuộc xâm chiếm ngắn ngủi của Sassanid Ba Tư vào đầu thế kỷ VII, người Ba Tư đặt Ai Cập làm một tỉnh được 10 năm (619–629). Đến năm 639–42, Ai Cập bị người Ả Rập Hồi giáo xâm chiếm và chinh phục. Khi người Ả Rập đánh bại quân đội của Đông La Mã tại Ai Cập, họ mang theo Hồi giáo Sunni đến đây. Vào lúc ban đầu trong giai đoạn này, người Ai Cập bắt đầu hoà trộn đức tin mới với các niềm tin và hành lễ bản địa, dẫn đến nhiều trật tự Sufi phát triển cho đến nay.[21] Những lễ nghi này trước đó đã tồn tại qua thời kỳ Cơ Đốc giáo Copt.[23]

Các đế quốc Hồi giáo bổ nhiệm những người Hồi giáo cai trị Ai Cập trong sáu trăm năm sau đó, Cairo từng là thủ đô của Đế quốc Hồi giáo Fatima. Đến khi Vương triều Ayyub của người Kurd kết thúc, một tầng lớp quân sự người Turk-Circassia gọi là Mamluk nắm quyền kiểm soát Ai Cập vào khoảng năm 1250. Đến cuối thế kỷ XIII, Ai Cập có liên hệ với khu vực biển Đỏ, Ấn Độ, Mã Lai và Đông Ấn.[24] Cái chết Đen vào giữa thế kỷ XIV khiến cho khoảng 40% dân số Ai Cập thiệt mạng.[25]

Thời kỳ Ottoman (1517–1867)

[sửa | sửa mã nguồn]

Người Thổ Ottoman chinh phục Ai Cập vào năm 1517, lãnh thổ này sau đó trở thành một tỉnh của Đế quốc Ottoman. Quân sự hoá mang tính phòng thủ đã tàn phá các thể chế xã hội dân sự và kinh tế của Ai Cập.[24] Hệ thống kinh tế suy yếu kết hợp với tác động của dịch bệnh khiến Ai Cập dễ bị ngoại bang xâm chiếm. Các thương nhân Bồ Đào Nha tiếp quản ngành mậu dịch.[24] Từ năm 1687 đến năm 1731, Ai Cập trải qua sáu nạn đói.[26] Nạn đói năm 1784 khiến cho khoảng một phần sáu dân số thiệt mạng.[27]

Ai Cập luôn là một tỉnh khó quản lý đối với Ottoman, một phần là do tầng lớp Mamluk duy trì được quyền lực và ảnh hưởng. Ai Cập duy trì là bộ phận bán tự trị dưới quyền tầng lớp Mamluk cho đến khi quân Pháp của Napoléon Bonaparte tiến hành xâm chiếm vào năm 1798. Sau khi người Pháp bị người Anh đánh bại, khoảng trống quyền lực xuất hiện tại Ai Cập, và một cuộc đấu tranh quyền lực ba bên bùng phát giữa người Thổ Ottoman, người Mamluk Ai Cập, và các thương gia Albania phục vụ cho Ottoman.

Muhammad Ali là người sáng lập Vương triều Muhammad Ali và là Khedive đầu tiên của Ai Cập và Sudan.

Đến năm 1805, một chỉ huy quân sự người Albania của quân đội Ottoman tại Ai Cập là Muhammad Ali Pasha đoạt được quyền lực. Ông mang tước hiệu phó vương của Ai Cập, song chỉ lệ thuộc Ottoman trên danh nghĩa. Muhammad Ali tàn sát tầng lớp Mamluk và lập ra một triều đại cai trị Ai Cập cho đến cách mạng năm 1952.

Muhammad Ali sáp nhập miền bắc Sudan (1820–1824), Syria (1833), và bộ phận của bán đảo Ả Rập và Tiểu Á; tuy nhiên đến năm 1841 các cường quốc châu Âu vì lo sợ ông sẽ lật đổ chính Đế quốc Ottoman nên buộc ông trao trả hầu hết lãnh thổ chinh phục được cho Ottoman. Tham vọng quân sự của ông đòi hỏi ông phải hiện đại hoá quốc gia: Ông cho kiến thiết công nghiệp, một hệ thống kênh tưới tiêu và giao thông, cải cách dịch vụ công.[28] Ông dựng nên một nhà nước quân sự với khoảng bốn phần trăm dân chúng phục vụ quân đội, khiến Ai Cập có một vị thế mạnh mẽ trong Ottoman.[29]

Kế vị Muhammad Ali lần lượt là Ibrahim (tháng 9 năm 1848), rồi đến cháu nội Abbas I (tháng 11 năm 1848), rồi đến Said (năm 1854), và Isma'il (năm 1863) là người khuyến khích khoa học và nông nghiệp cũng như cấm chỉ chế độ nô lệ tại Ai Cập.[29]

Châu Âu xâm phạm

[sửa | sửa mã nguồn]

Ai Cập dưới thời Vương triều Muhammad Ali trên danh nghĩa là một tỉnh của Ottoman, rồi vị thế của một nhà nước chư hầu tự trị từ năm 1867 đến năm 1914. Ai Cập hợp tác với Pháp xây dựng Kênh đào Suez, công trình hoàn thành vào năm 1869. Việc xây dựng công trình này dẫn đến khoản nợ khổng lồ từ các ngân hàng châu Âu, và khiến quần chúng bất mãn do đặt ra sưu thuế nặng nề. Năm 1875, Ismail buộc phải bán cổ phần của Ai Cập trong kênh đào cho chính phủ Anh. Trong vòng ba năm, điều này dẫn đến các người quản lý kênh đào người Anh và Pháp có vị trí trong nội các Ai Cập, và nắm được thực quyền trong chính phủ do sau lưng họ có quyền lực tài chính của những người giữ trái phiếu.[30] Các yếu tố khác như dịch bệnh, lũ lụt, và chiến tranh khiến kinh tế suy sụp và càng làm tăng độ phụ thuộc của Ai Cập vào nợ nước ngoài.[31]

Các nữ giới theo chủ nghĩa dân tộc tuần hành tại Cairo, 1919

Dân chúng địa phương bất mãn với Ismail và với việc châu Âu xâm phạm, kết quả là hình thành các tổ chức dân tộc chủ nghĩa đầu tiên vào năm 1879, trong đó Ahmad Urabi là một nhân vật nổi bật. Lo ngại cho quyền kiểm soát của mình, Anh và Pháp can thiệp quân sự, oanh tạc Alexandria và đánh tan quân đội Ai Cập trong trận Tel El Kebir năm 1882.[32] Họ đưa con trai của Ismail là Tewfik làm bù nhìn của một lãnh thổ do Anh bảo hộ trên thực tế.[33]

Ai Cập duy trì là bộ phận trên pháp lý của Ottoman cho đến năm 1914,[34] khi nơi đây trở thành một lãnh thổ thuộc Anh nhằm phản ứng trước quyết định của Thanh niên Thổ tại Ottoman về việc tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất bên phái Liên minh Trung tâm. Tước hiệu của nguyên thủ quốc gia từ khedive trở thành sultan nhằm cự tuyệt vết tích bá chủ của sultan Ottoman. Abbas II bị phế truất, thay thế là người chú Hussein Kamel.[35]

Sau Thế Chiến, Saad Zaghlul và Đảng Wafd lãnh đạo phong trào dân tộc chủ nghĩa Ai Cập giành đa số ghế trong cơ quan lập pháp địa phương. Người Anh cho lưu đày Zaghlul và các cộng sự sang Malta vào tháng 3 năm 1919, khiến bùng phát cuộc khởi nghĩa hiện đại đầu tiên tại Ai Cập. Cuộc khởi nghĩa khiến chính phủ Anh phải đơn phương ban bố tuyên ngôn độc lập Ai Cập vào ngày 22 tháng 2 năm 1922.[36]

Chính phủ mới soạn thảo và thi hành một hiến pháp vào năm 1923 trên cơ sở hệ thống nghị viện. Saad Zaghlul được bầu làm thủ tướng của Ai Cập vào năm 1924. Đến năm 1936, Hiệp định Anh-Ai Cập được ký kết. Ai Cập liên tục bất ổn do tàn dư ảnh hưởng của Anh và quốc vương gia tăng can thiệp chính trị, dẫn đến giải tán nghị viện trong một cuộc đảo chính quân sự mang tên Cách mạng 1952. Quốc vương Farouk buộc phải thoái vị để cho con là Fuad đăng cơ. Anh hiện diện quân sự tại Ai Cập cho đến năm 1954.[37]

Cộng hoà (1953–nay)

[sửa | sửa mã nguồn]
Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tại Mansoura, 1960

Sau Cách mạng 1952, quyền cai trị Ai Cập sang tay thế lực quân sự. Đến ngày 18 tháng 6 năm 1953, nước Cộng hoà Ai Cập được tuyên bố thành lập, Tướng quân Muhammad Naguib là tổng thống đầu tiên. Naguib bị Gamal Abdel Nasser buộc phải từ chức vào năm 1954, Nasser là một nhân vật theo chủ nghĩa liên Ả Rập và là người gây dựng thực tế phong trào 1952. Nasser trở thành tổng thống vào tháng 6 năm 1956. Sau khi quân Anh hoàn thành rút lui khỏi Khu vực Kênh đào Suez, Nasser cho quốc hữu hoá kênh đào này vào ngày 26 tháng 7 năm 1956, thúc đẩy Khủng hoảng Kênh đào Suez. Năm 1958, Ai Cập và Syria hình thành Cộng hòa Ả Rập Thống nhất, liên minh này kết thúc vào năm 1961 khi Syria ly khai. Trong hầu hết thời gian tồn tại, Cộng hoà Ả Rập Thống nhất còn tham gia một bang liên lỏng lẻo với Bắc Yemen trong Hợp chúng quốc Ả Rập. Năm 1959, Chính phủ Toàn Palestine trên Dải Gaza, một nhà nước lệ thuộc Ai Cập, được sáp nhập vào Cộng hoà Ả Rập Thống nhất với lý do liên minh Ả Rập.

Trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, Israel tấn công Ai Cập, chiếm đóng bán đảo Sinai và Dải Gaza mà Ai Cập chiếm giữ từ năm 1948. Trong chiến tranh năm 1967, luật tình trạng khẩn cấp được ban hành và có hiệu lực cho đến năm 2012, ngoại trừ 18 tháng vào năm 1980/81.[38]

Trong thời kỳ Nasser nắm quyền diễn ra cải cách và phân phối ruộng đất, phát triển mạnh mẽ trong giáo dục đại học, và chính phủ ủng hộ các ngành công nghiệp quốc gia. Trong thập niên 1960, kinh tế Ai Cập đi từ chậm chạp đến bờ vực sụp đổ, xã hội trở nên ít tự do hơn, và uy tín của Nasser suy giảm đáng kể.[39]

Năm 1970, Tổng thống Nasser từ trần và người kế nhiệm là Anwar Sadat, ông chuyển Ai Cập từ thân Liên Xô sang thân Hoa Kỳ. Ông phát động chính sách cải cách kinh tế Infitah, trong khi kiềm chế thế lực phản đối từ tôn giáo và thế tục. Năm 1973, Ai Cập và Syria phát động Chiến tranh Tháng 10, bất ngờ tấn công Israel nhằm giành lại bán đảo Sinai. Sau đó, Ai Cập lấy lại Sinai để đổi lấy hoà bình với Israel vào năm 1979.[40] Sự kiện gây tranh luận rất lớn trong thế giới Ả Rập, khiến Ai Cập bị trục xuất khỏi Liên đoàn Ả Rập.[41] Năm 1975, Sadat thay đổi các chính sách kinh tế của Nasser và tìm cách giảm các quy định của chính phủ và khuyến khích đầu tư nước ngoài thông qua chương trình Infitah. Chính sách này có các khích lệ như giảm thuế và thuế quan nhập khẩu, giúp thu hút một số nhà đầu tư song chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ít mạo hiểm và sinh lợi như du lịch và xây dựng, khiến ngành công nghiệp non trẻ của Ai Cập bị bỏ rơi.[42] Sadat bị một phần tử Hồi giáo cực đoan ám sát vào năm 1981.

Hosni Mubarak lên nắm quyền sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó ông là ứng cử viên duy nhất.[43] Hosni Mubarak tái khẳng định quan hệ với Israel song xoa dịu căng thẳng với các láng giềng Ả Rập. Về đối nội, Mubarak đối diện với các vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù sản lượng nông nghiệp và công nghiệp gia tăng, song kinh tế không giữ được nhịp độ phát triển do bùng nổ dân số, trong khi nghèo đói và thất nghiệp khiến các gia đình nông thôn đổ xô lên các thành thị như Cairo. Trong thời kỳ Mubarak cai trị, chính trường Ai Cập do Đảng Dân chủ Quốc gia chi phối. Pháp luật hạn chế quyền tự do lập hội và biểu đạt khi áp đặt các quy định mới và hình phạt khắc nghiệt. Do đó, đến cuối thập niên 1990, chính trị nghị viện gần như không còn ý nghĩa và lộ trình thay thế để biểu đạt chính trị cũng bị tước đi.[44] Trong các thập niên 1980, 1990 và 2000, có nhiều vụ tấn công khủng bố tại Ai Cập và có tính chất nghiêm trọng, bắt đầu nhắm đến mục tiêu là Cơ Đốc giáo Copt, du khách ngoại quốc và quan chức chính phủ.[45]

Cairo phát triển thành một khu vực đại đô thị có dân số trên 20 triệu người,

Đến năm 2005, Mubarak tuyên bố cải cách luật bầu cử tổng thống, mở đường cho bầu cử nhiều ứng cử viên lần đầu tiên kể từ năm 1952.[46] Tuy nhiên, luật mới áp đặt hạn chế đối với ứng cử viên, khiến Mubarak dễ dàng tái đắc cử.[47] Thay đổi hiến pháp năm 2007 cấm chỉ các chính đảng sử dụng tôn giáo làm cơ sở cho hoạt động chính trị, cho phép tổng thống quyền giải tán quốc hội và kết thúc giám sát bầu cử của tư pháp.[48]

Ngày 25 tháng 1 năm 2011, biểu tình đại quy mô bắt đầu nhằm chống lại chính phủ của Mubarak. Đến ngày 11 tháng 2 năm 2011, Mubarak từ chức vào rời Cairo.[49] Quân đội Ai Cập nắm quyền quản lý quốc gia.[50][51] Sau một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp, Ai Cập tổ chức bầu cử nghị viện.[52] Mohamed Morsi trở thành tổng thống dân cử vào ngày 24 tháng 6 năm 2012.[53] Hiến pháp mới được phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 12 năm 2012. Ngày 3 tháng 7 năm 2013, sau một làn sóng bất mãn của quần chúng với tính chuyên quyền quá độ của chính phủ Anh em Hồi giáo dưới quyền Morsi,[54] quân đội phế truất Tổng thống Morsi thông qua đảo chính và lập chính phủ lâm thời.[55]

Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội hậu thuẫn sau đó đàn áp Anh em Hồi giáo và các ủng hộ viên của họ, sát hại hàng trăm người biểu tình đường phố vào tháng 8 năm 2013.[56][57] Ngày 18 tháng 1 năm 2014, chính phủ lâm thời thiết lập hiến pháp mới sau một cuộc trưng cầu dân ý[58] Ngày 26 tháng 3 năm 2014, người lãnh đạo Các lực lượng vũ trang Ai Cập là Abdel Fattah el-Sisi từ chức trong quân đội và tuyên bố tranh cử tổng thống.[59] Abdel Fattah el-Sisi chiến thắng với cách biệt lớn,[60] và tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 8 tháng 6 năm 2014. Anh em Hồi giáo và một số nhóm hoạt động tư do và thế tục tẩy chay bỏ phiếu.[61]

El-Sisi tái đắc cử vào năm 2018, không vấp phải sự phản đối nghiêm trọng nào. Năm 2019, một loạt sửa đổi hiến pháp đã được quốc hội thông qua, nâng cao hơn nữa quyền lực của Tổng thống và quân đội, tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm và cho phép El-Sisi tranh cử hai nhiệm kỳ khác. Các đề xuất đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Tranh chấp giữa Ai Cập và Ethiopia về Đập Đại Phục hưng Ethiopia leo thang vào năm 2020. Ai Cập coi con đập là một mối đe dọa hiện hữu, lo ngại rằng con đập sẽ làm giảm lượng nước mà nó nhận được từ sông Nile.

Chính trị

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Chính trị Ai Cập và Quan hệ nước ngoài của Ai Cập

Ai Cập đã là một nước cộng hòa từ ngày 18 tháng 6 năm 1953. Tổng thống Mohamed Hosni Mubarak đã làm Tổng thống nền Cộng hoà từ 14 tháng 10 năm 1981, sau vụ ám sát cựu Tổng thống Mohammed Anwar El-Sadat. Ông ta là lãnh đạo đảng cầm quyền Đảng Dân chủ Quốc gia. Mubarak giữ chức vụ cho đến nhiệm kỳ thứ năm thì bị nhân dân Cairo nổi dậy lật đổ vào tháng 2 năm 2011. Thủ tướng Ahmed Nazif lên cầm quyền ngày 9 tháng 7 năm 2004, sau khi Atef Ebeid từ chức.

Chính quyền Ai Cập bị nhiều nước coi là độc tài quân sự. Dù quyền lực trên danh nghĩa được tổ chức theo hệ thống bán tổng thống đa đảng, theo đó quyền hành pháp trên lý thuyết được phân chia giữa Tổng thống và Thủ tướng, trên thực tế hầu như chỉ một mình Tổng thống được bầu ra trong những cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên trong vòng hơn năm mươi năm qua. Ai Cập cũng có những cuộc bầu cử nghị viện đa đảng thường xuyên. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất, trong đó Mubarak thắng cử nhiệm kỳ thứ năm liên tiếp, được tổ chức vào tháng 9 năm 2005 (xem dưới đây).

Cuối tháng 2 năm 2005, Mubarak thông báo trên một chương trình truyền hình rằng ông đã ra lệnh cải tổ luật bầu cử tổng thống của đất nước, dọn đường cho những cuộc bầu cử đa ứng cử viên trong tương lai. Lần đầu tiên kể từ phong trào năm 1952, dân chúng Ai Cập có cơ hội thực sự để bầu ra một nhà lãnh đạo từ một danh sách ứng cử viên. Tổng thống nói rằng ý định này của ông xuất phát từ "nhận thức đầy đủ của tôi về sự cần thiết phải củng cố những nỗ lực để tăng cường hơn nữa tự do và dân chủ." Tuy nhiên, luật mới đặt ra những hạn chế khắc nghiệt đối với người muốn ra tranh cử, và đã được toan tính trước nhằm ngăn chặn các ứng cử viên đã rất nổi tiếng như Ayman Nour không thể ra tranh cử chống lại Mubarak, và dọn đường để ông dễ dàng được tái tranh cử.

Những lo ngại một lần nữa lại dấy lên sau cuộc bầu cử năm 2005 về sự can thiệp của chính phủ vào quá trình bầu cử thông qua việc gian lận và lừa gạt. Hơn nữa, bạo lực do những người ủng hộ Mubarak tiến hành chống lại những người đối lập và sự tàn bạo của cảnh sát đã xảy ra trong quá trình bầu cử. Điều này đặt ra nghi vấn về cam kết mà chính phủ đã loan báo về một quá trình dân chủ.

Vì vậy, đa số người dân Ai Cập vẫn còn hoài nghi về quá trình dân chủ hóa và vai trò của các cuộc bầu cử. Một tỷ lệ rất nhỏ những người đủ tư cách bầu cử trên thực tế đã bị gạt ra khỏi danh sách cuộc bầu cử năm 2005. Tuy nhiên, báo chí đã cho thấy họ ngày càng tự do hơn trong việc chỉ trích tổng thống, và những kết quả của cuộc bầu cử nghị viện gần đây cho thấy những đảng Hồi giáo như đảng hiện bị cấm Anh Em Hồi giáo đã thắng nhiều ghế, việc này chứng tỏ một sự thay đổi thật sự đang diễn ra.

Quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Trụ sở thường trực của Liên đoàn Ả rập đóng tại Cairo. Tổng thư ký Liên đoàn từ lâu theo truyền thống đều là người Ai Cập. Cựu Bộ trưởng ngoại giao Ai Cập Amr Moussa hiện là Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập. Liên đoàn Ả rập đã rời khỏi Ai Cập sang Siry trong một giai đoạn ngắn năm 1978 để phản đối hiệp ước hòa bình của Ai Cập với Israel nhưng đã quay trở lại năm 1989.

Ai Cập là nước Ả rập đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel, sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel theo Thỏa thuận trại David. Ai Cập có ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia Ả rập, và từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng làm người hòa giải các tranh chấp giữa các nước Ả rập, và tranh chấp Israel-Palestine. Đa số các quốc gia Ả rập vẫn tin tưởng Ai Cập trong vai trò này, dù ảnh hưởng của nó thường bị hạn chế.

Cựu Phó thủ tướng Ai Cập Boutros Boutros-Ghali đã làm Tổng thư ký Liên hiệp quốc từ 1991 đến 1996.

Một tranh chấp lãnh thổ với Sudan về vùng được gọi là Tam giác Hala'ib, khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước vẫn còn nhiều trở ngại.

Quân đội

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Quân đội Ai Cập

Quân đội Ai Cập có lẽ là lực lượng quân sự mạnh nhất trên lục địa châu Phi,Trung Đông,được xếp đứng thứ 10 trên thế giới và là một trong những lực lượng lớn nhất vùng Trung Đông[cần dẫn nguồn]. Các lực lượng quân sự Ai Cập cũng có nhiều kinh nghiệm chiến trường hơn đa số các quân đội khác trong vùng. Quân đội Ai Cập có khoảng 468.500 người phục vụ thường xuyên.

Lực lượng vũ trang Ai Cập gồm 4 thành phần chính: Lục quân; Hải quân; Không quân và Bộ tư lệnh Phòng không. Trong đó, lực lượng lục quân lớn nhất, chiếm tới 90% quân số.

Chỉ huy tối cao là Tổng thống, trong thời chiến kiêm luôn chức Nguyên soái quân đội, Đô đốc hải quân, Nguyên soái (Colonel General) các lực lượng Phòng không và Không quân. Trong thời bình, tước vị Chỉ huy tối cao chỉ là danh nghĩa.

Nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với đàn ông Ai Cập từ tuổi 19. Những sinh viên có thể lùi thời hạn nhập ngũ tới tuổi 28. Thời gian nghĩa vụ phụ thuộc vào mức độ giáo dục của từng người.

Ai Cập có mối hợp tác quân sự mạnh với Hoa Kỳ, và trong nhiều lĩnh vực chiến lược, gồm quá trình hợp tác đang thực hiện nhằm hiện đại hóa trang bị vũ khí và huấn luyện các lực lượng Ai Cập.

Ai Cập tham gia thường xuyên vào các cuộc tập trận với Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng như các đồng minh Ả rập, gồm những cuộc thao diễn hai năm một lần diễn ra tại Ai Cập.

Ai Cập liên tục tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, gần đây nhất là tại Đông Timor, Sierra Leone, và Liberia.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Phân cấp hành chính ở Ai Cập Bài chi tiết: Tỉnh của Ai Cập
Bản đồ Ai Cập

Ai Cập được chia thành 26 tỉnh và thành phố Al Uqsur (Luxor), được xếp hạng là một thành phố chứ không phải một vùng thủ hiến. Dưới tỉnh là các khu. Dưới khu là các thành phố và các tổng. Dưới thành phố là các quận. Dưới tổng là các xã.

Kinh tế

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Kinh tế Ai Cập

Ai Cập là một thị trường được các công ty quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Kinh tế Ai Cập phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, môi giới trung gian, xuất khẩu dầu mỏ và du lịch; cũng có hơn 5 triệu người Ai Cập đang làm việc ở nước ngoài, đa số tại Ả rập Xê út, Vùng Vịnh như UAE, và Châu Âu. Hoa Kỳ cũng có một lượng lớn dân nhập cư Ai Cập. Ai Cập có thu nhập GDP đầu người ở mức 5800 USD, đứng thứ 133 trên thế giới. Ngoài ra, hiện tại Ai Cập cung cấp khoảng 55% sản lượng vải cotton trên thế giới.

Đập Aswan được hoàn thành năm 1971 và Hồ Nasser được hình thành từ đó đã thay đổi vị trí của dòng sông Nile lâu đời đối với nông nghiệp và sinh thái Ai Cập. Với một dân số tăng trưởng nhanh chóng (đông nhất thế giới Ả rập), hạn chế về đất canh tác, và sự phụ thuộc vào sông Nile khiến các nguồn tài nguyên và kinh tế nước này phải chịu nhiều sức ép lớn.

Chính phủ đã gắng sức đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thiên niên kỷ mới thông qua cải cách kinh tế và đầu tư ồ ạt vào viễn thông và hạ tầng cơ sở, đa số nguồn tài chính có được từ viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ (từ 1979, khoảng $2.2 tỷ mỗi năm). Ai Cập là nước nhận viện trợ lớn thứ ba của Hoa Kỳ từ sau chiến tranh Iraq. Các điều kiện kinh tế đang bắt đầu được cải thiện nhiều sau một giai đoạn trì trệ nhờ việc tự do hóa các chính sách kinh tế của chính phủ, cũng như tăng nguồn thu từ du lịch và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Trong bản báo cáo hàng năm của mình, IMF đã xếp hạng Ai Cập là một trong những nước dẫn đầu thế giới về thực hiện cải cách kinh tế.

Dân cư

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Nhân khẩu học Ai Cập

Ai Cập là nước đông dân thứ ba ở châu Phi (sau Nigeria và Ethiopia), có dân số khoảng 105 triệu người[62] (2023). Hầu hết dân số tập trung dọc theo hai bờ sông Nile (nhất là tại Alexandria và Cairo) và tại Châu thổ và vùng gần Kênh đào Suez. Gần 90% dân số theo Hồi giáo và đa số còn lại theo Kitô giáo (nhiều nhất là phái Chính thống giáo Copt). Ngoài việc phân chia theo tôn giáo, người Ai Cập có thể được xếp loại theo nhân khẩu thành những người sống ở vùng thành thị và nông dân (fellahin) hay các chủ trại ở các làng nông nghiệp.

Từ thời cổ đại, đặc biệt trước khi Thượng và Hạ Ai Cập thống nhất, những ảnh hưởng từ Bắc Phi và Địa Trung Hải đã trở thành thống trị ở phía bắc, trong khi người Ai Cập ở phía Nam vẫn giữ quan hệ với người Nubians và Ethiopians. Dù có những khác biệt đó, người Ai Cập hiện đại đang ngày càng có quan hệ gần gũi hơn với nhau và đều là con cháu của xã hội Ai Cập cổ, luôn gắn với nông nghiệp và đông đúc so với các vùng xung quanh.[63][64] Dân Ai Cập đã sử dụng nhiều loại ngôn ngữ từ ngữ hệ Phi-Á trong suốt lịch sử của họ bắt đầu từ Ai Cập Cổ cho tới Ai Cập Ả rập hiện đại.

Sự Ả Rập hoá Ai Cập là một quá trình văn hóa đã bắt đầu với việc du nhập Đạo Hồi và ngôn ngữ Ả rập sau khi người Ả rập Hồi giáo chinh phục họ vào thế kỷ thứ VII. Trong các thế kỷ tiếp theo, một hệ thống thứ bậc xã hội đã được tạo ra theo đó người Ai Cập đã cải đạo Hồi giáo có được vị trí mawali hay "khách hàng" đối với tầng lớp Ả rập cai trị, trong khi những người vẫn theo Kitô giáo, người Copt, bị gọi là dhimmis. Sự ưu tiên của cộng đồng Ả rập thiểu số tiếp tục biến đổi thành một hình thức mới trong giai đoạn hiện đại ở vùng nông thôn, nơi những tàn tích của các bộ lạc Ả rập Bedouin tồn tại song song với các nông dân Ai Cập. Một tác giả đã miêu tả nhân khẩu học xã hội nông thôn vùng Thượng Ai Cập như sau:

Thượng Ai Cập bao gồm tám vùng thủ hiến xa nhất về phía nam.... lịch sử vùng này là một trong những trung tâm cách biệt nhất khỏi trung tâm đời sống quốc gia. Mối quan hệ địa phương hình thành từ điều kiện đó trong nhiều thế kỷ đã khiến Thượng Ai Cập có một nét riêng biệt bên trong quốc gia Ai Cập hiện đại. Bên cạnh đó, sự hiện diện từ xa xưa của người Copts, những nhóm bộ tộc từ thời chinh phục của người Ả rập đã hình thành nên một tôn ti trật tự đặt hai nhóm [thiểu số], ashraf và Ả rập lên vị trí thống trị. Trật tự này được các bộ tộc nhỏ hơn tuân theo, với người nông dân [Ai Cập] ở vị trí thấp nhất trong xã hội(28) [...] Tôn giáo là trung tâm của sự phát triển xã hội Thượng Ai Cập. Ashraf tuyên bố họ là con cháu trực tiếp của Prophet, trong khi Ả rập cho rằng họ có nguồn gốc từ một nhóm bộ tộc ở Ả rập. Mặt khác, người nông dân (fellahin) vẫn bị cho là con cháu của các cộng đồng tiền Hồi giáo Ai Cập và đã cải sang Hồi giáo, một lịch sử khiến họ không thể vượt lên cả ashraf lẫn Ả rập. [...] Trong các cộng đồng Hồi giáo cũng như Kitô giáo, và đặc biệt ở mức độ kinh tế xã hội thấp hơn, việc thực thi tôn giáo rất quan trọng đối với những yếu tố dân gian không chính thống, một trong những nguồn gốc từ thời pharaoh.[65]

Fellah có nghĩa là "nông dân", "tá điền", trong tiếng Ả rập nó chỉ những người dân vùng nông thôn tại những nơi người Ả rập đã chinh phục được. 60% dân số Ai Cập,[66]fellahin (số nhiều của fellah???) có cuộc sống khổ cực và tiếp tục sống trong những ngôi nhà làm bằng gạch bùn giống như tổ tiên xưa kia của họ. Đầu thế kỷ XX, con số này còn cao hơn, trước khi có làn sóng nhập cư của họ vào các thành thị và thị trấn. Năm 1927, nhà nhân loại học Winifred Blackman, tác giả cuốn Người Fellahin Thượng Ai Cập, đã tiến hành một nghiên cứu dân tộc học về cuộc sống của những người nông dân Thượng Ai Cập và kết luận rằng có một sự tiếp nối giữa các đức tin và sự thi hành văn hóa và tôn giáo trong những người fellahin với những thời Ai Cập cổ đại.[67]

Các nhóm dân tộc thiểu số ở Ai Cập gồm một lượng nhỏ bộ tộc Ả rập Bedouin sống ở phía đông và phía tây sa mạc và Bán đảo Sinai, người Siwis ở Ốc đảo Siwa nói ngôn ngữ Berber và các cộng đồng Nubian cổ tụ tập dọc theo sông Nile vùng cực nam Ai Cập. Ai Cập cũng có khoảng 90.000 người tị nạn, đa số là 70.000 người tị nạn Palestine và 20.000 người tị nạn Sudan. Một cộng đồng Do Thái từng rất mạnh mẽ đã hoàn toàn biến mất, hiện chỉ còn một số lượng nhỏ ở lại Ai Cập và những người chỉ tới đó vào các dịp lễ hội tôn giáo. Nhiều địa điểm khảo cổ học và lịch sử quan trọng của Do Thái hiện vẫn còn tại đó.

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Tôn giáo tại Ai Cập
Tôn giáo tại Ai Cập.[68]
Tôn giáo Tỷ lệ
Hồi giáo    90%
Chính thống giáo    9%
Khác    1%

Theo hiến pháp, bất kỳ một thể chế mới nào đều phải tuân theo luật Hồi giáo (tiếng Ả rập: الإسلام). Ai Cập là một nước Hồi giáo với gần 90% dân số theo đạo này, phần lớn thuộc dòng Sunni một nhánh của Hồi giáo.[69] Người theo Cơ Đốc giáo chiếm khoảng 10% dân số, phần lớn là dòng Chính thống giáo Copt với 9%, 1% còn lại gồm Công giáo, Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Syria, và Chính thống giáo Armenia, phần lớn sống tại Alexandria và Cairo. Ai Cập cũng là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông thứ hai châu Phi sau Nigeria và đứng thứ ba khu vực Trung Đông sau Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện vẫn còn một cộng đồng Do Thái nhỏ, với khoảng 300 người Ai Cập.

Có những người Ai Cập tự coi mình là vô thần và theo thuyết bất khả tri, nhưng không thể biết số lượng của họ vì việc công khai điều này đồng nghĩa với việc bị trừng phạt. Năm 2000, một nhà văn Ai Cập vô thần công khai, kêu gọi thành lập một hiệp hội những người vô thần ở Ai Cập, đã bị kết tội lăng mạ Hồi giáo và những nhà tiên tri trong bốn cuốn sách của ông.[70]

Trường phái Hanafi của Hồi giáo Sunni được nhà nước tổ chức rộng rãi thông qua Wizaret Al-Awkaf (Bộ các vấn đề tôn giáo). Al-Awkaf kiểm soát mọi thánh đường và quản lý mọi tu sĩ Hồi giáo. Các Imams được đào tạo trong những trường hướng nghiệp Imam và tại Đại học Al-Azhar. Ủy ban này ủng hộ Hồi giáo Sunni và có nhiệm vụ đưa ra những lời phán quyết Fatwa về các vấn đề. Ai Cập có hai thể chế tôn giáo chính. Đại học Al-Azhar (Arabic: جامعة الأزهر) là thể chế Hồi giáo cổ nhất và là viện nghiên cứu cấp cao nhất (đã được thành lập từ khoảng năm 970 Công Nguyên). Ai Cập cũng có nhiều di sản Cơ Đốc giáo với sự hiện diện của Giáo hội Chính thống giáo Copt do Thượng phụ thành Alexandria lãnh đạo, với khoảng từ 12 tới 20 triệu tín đồ trên khắp thế giới (Một trong những Nhà thờ Chính thống giáo Copt là Nhà thờ Thánh Takla Haimanot tại Alexandria).

Bahá'ís ở Ai Cập với số người theo khoảng vài trăm nghìn, nhưng các thể chế và hoạt động cộng đồng của họ bị cấm ngặt; họ cũng không được phép có chứng minh thư. Tháng 4, 2006 một tòa án đã công nhận Đức tin Bahá'í nhưng chính phủ đã quyết định tái thẩm lại trường hợp đó. Một thành viên nghị viện, Gamal Akl của đảng chính trị đối lập Anh Em Hồi giáo, đã nói Bahá'ís là những người vô đạo và phải bị giết trên mảnh đất mà họ đã quyết định thay đổi tôn giáo của mình.[71]

Người Ai Cập cổ đại rất tôn sùng thần "Kim ngưu". Các thầy cúng sẽ nuôi dưỡng những chú bò có xuất thân "Kim ngưu" rất cẩn thận, khi chúng được bốn tháng tuổi thì đem tới miếu Kim Ngưu để tiến hành lễ hiến tế. Tại đây, các thiếu nữ phải trút bỏ quần áo và tự nguyện dâng cho thần sự trinh trắng. Đó là trách nhiệm tôn giáo bắt buộc của phụ nữ Ai Cập cổ đại.[72]

Văn hoá

[sửa | sửa mã nguồn] Bài chi tiết: Văn hoá Ai Cập
Ẩm thực Ai Cập

Thủ đô Cairo của Ai Cập là thành phố lớn nhất châu Phi và từ nhiều thế kỷ đã là một trung tâm học thuật, văn hóa và thương mại. Viện hàn lâm ngôn ngữ Ả rập của Ai Cập chịu trách nhiệm chỉnh lý ngôn ngữ Ả rập (Arabic:اللغة العربية) trên khắp thế giới.

Ai Cập có một nền công nghiệp truyền thông và nghệ thuật phát triển từ cuối thế kỷ XIX, hiện nay có hơn 30 kênh truyền hình vệ tinh và 100 phim truyện sản xuất hàng năm. Trên thực tế Cairo từ lâu đã được gọi là "Hollywood của phương Đông." Để phát triển hơn nữa ngành truyền thông của mình, đặc biệt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Các quốc gia Ả rập Vùng Vịnh và Liban, một thành phố điện ảnh lớn đã được xây dựng. Ai Cập là nước Ả rập duy nhất có nhà hát opera.

Một số người Ai Cập nổi tiếng:

  • Saad Zaghlul (lãnh đạo cuộc cách mạng hiện đại Ai Cập đầu tiên)
  • Gamal Abdel Nasser (cựu tổng thống)
  • Anwar Sadat (cựu tổng thống và là người đoạt giải Nobel Hòa bình)
  • Boutros Boutros-Ghali (cựu tổng thư ký Liên hiệp quốc)
  • Naguib Mahfouz (tác giả đoạt giải Nobel)
  • Umm Kulthum (ca sĩ)
  • Omar Sharif (diễn viên)
  • Ahmed Zewail (nhà hóa học đoạt giải Nobel)
  • Mohamed ElBaradei (Lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; đoạt giải Nobel hòa bình năm 2005)
  • Mohamed Salah (cầu thủ bóng đá)

Để biết thêm những người khác, xem Danh sách người Ai Cập

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Theo trưng cầu hiến pháp Ai Cập 2019, Hội đồng Shura bị bãi bỏ vào năm 2014 sẽ trở thành thượng viện Cộng hòa Ả Rập Ai Cập
  2. ^ Pierre Crabitès (1935). Ibrahim of Egypt. Routledge. tr. 1. ISBN 978-0-415-81121-7. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2013. ... on ngày 9 tháng 7 năm 1805, Constantinople conferred upon Muhammad Ali the pashalik of Cairo ...
  3. ^ “Total area km2, pg.15”. Capmas.Gov – Arab Republic of Egypt. السكان/pop.pdf Bản gốc Kiểm tra giá trị |url= (trợ giúp) (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2015.
  4. ^ “https://youtube.com/watch?v=vlf62np6B2E”. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp); |url= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  5. ^ a b c d “Egypt”. International Monetary Fund. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2018.
  6. ^ “GINI index”. World Bank. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  7. ^ “2018 Human Development Report”. United Nations Development Programme. 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2018.
  8. ^ name="USDept of State/Egypt"
  9. ^ Arthur Goldschmidt (1988). Modern Egypt: The Formation of a Nation-State. Westview Press. ISBN 978-0-86531-182-4.
  10. ^ Midant-Reynes, Béatrix (2000). The Prehistory of Egypt: From the First Egyptians to the First Kings. Oxford: Blackwell Publishers.
  11. ^ “Lessons from/for BRICSAM about South-North Relations at the Start of the 21st Century: Economic Size Trumps All Else?”. International Studies Review. 9.
  12. ^ “Ai Cập chính thức trả hai đảo cho Saudi Arabia”.
  13. ^ Midant-Reynes, Béatrix. The Prehistory of Egypt: From the First Egyptians to the First Kings. Oxford: Blackwell Publishers.
  14. ^ “The Nile Valley 6000–4000 BC Neolithic”. The British Museum. 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 8 năm 2008.
  15. ^ Bard, Kathryn A. Ian Shaw, ed. The Oxford Illustrated History of Ancient Egypt. Oxford: Oxford University Press, 2000. p. 69.
  16. ^ “The Fall of the Egyptian Old Kingdom”. BBC. ngày 17 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2011.
  17. ^ “The Kushite Conquest of Egypt”. Ancientsudan.org. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 25 tháng 8 năm 2010.
  18. ^ Shaw (2002) p. 383
  19. ^ Bowman, Alan K (1996). Egypt after the Pharaohs 332 BC – AD 642 (ấn bản thứ 2). Berkeley: University of California Press. tr. 25–26. ISBN 0-520-20531-6.
  20. ^ Stanwick, Paul Edmond (2003). Portraits of the Ptolemies: Greek kings as Egyptian pharaohs. Austin: University of Texas Press. ISBN 0-292-77772-8.
  21. ^ a b “Egypt”. Berkley Center for Religion, Peace, and World Affairs. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2011. See drop-down essay on "Islamic Conquest and the Ottoman Empire"
  22. ^ Kamil, Jill. Coptic Egypt: History and Guide. Cairo: American University in Cairo, 1997. p. 39
  23. ^ El-Daly, Okasha (2005). Egyptology: The Missing Millennium. Luân Đôn: UCL Press. tr. 140.
  24. ^ a b c Abu-Lughod, Janet L. (1991) [1989]. “The Mideast Heartland”. Before European Hegemony: The World System A.D. 1250–1350. New York: Oxford University Press. tr. 243–244. ISBN 978-0-19-506774-3.
  25. ^ “Egypt – Major Cities”. Countrystudies.us. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  26. ^ Donald Quataert (ngày 11 tháng 8 năm 2005). The Ottoman Empire, 1700–1922. Cambridge University Press. tr. 115. ISBN 978-1-139-44591-7. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2013.
  27. ^ “Icelandic Volcano Caused Historic Famine In Egypt, Study Shows”. ScienceDaily. ngày 22 tháng 11 năm 2006. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  28. ^ Izzeddin, Nejla M. Abu (1981). Nasser of the Arabs: an Arab assessment. Third World Centre for Research and Publishing. tr. 2. ISBN 978-0-86199-012-2.
  29. ^ a b Baten, Jörg (2016). A History of the Global Economy. From 1500 to the Present. Cambridge University Press. tr. 217. ISBN 9781107507180.
  30. ^ Nejla M. Abu Izzeddin, Nasser of the Arabs, p 2.
  31. ^ Baten, Jörg (2016). A History of the Global Economy. From 1500 to the Present. Cambridge University Press. tr. 217, p.224 Figure 7.6: "Height development in the Middle East and the world (male)" and p.225. ISBN 9781107507180.
  32. ^ Anglo French motivation: Derek Hopwood, Egypt: Politics and Society 1945–1981. Luân Đôn, 1982, George Allen & Unwin. p 11.
  33. ^ De facto protectorate: Joan Wucher King, Historical Dictionary of Egypt. Metuchen, New Jersey, USA; 1984; Scarecrow. p 17.
  34. ^ “Treaty of Lausanne (1923): Article 17 of the treaty refers to Egypt and Sudan”. byu.edu.
  35. ^ Jankowski, James. Egypt, A Short History. tr. 111.
  36. ^ Jankowski, James. Egypt, A Short History. tr. 112.
  37. ^ “Egypt”. The World Factbook. CIA. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2011.
  38. ^ “The Emergency Law in Egypt”. International Federation for Human Rights. Truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2011.
  39. ^ Jesse Ferris (2013). Nasser's Gamble: How Intervention in Yemen Caused the Six-Day War and the Decline of Egyptian Power. Princeton University Press. tr. 2. ISBN 0-691-15514-3. during the 60's, "Egyptian economy went from sluggishness to the verge of collapse, ... society became less free, and Nasser's appeal waned considerably"
  40. ^ USMC Major Michael C. Jordan (1997). “The 1973 Arab-Israeli War: Arab Policies, Strategies, and Campaigns”. GlobalSecurity.org. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2009.
  41. ^ Vatikiotis, P.J. (1991). The history of modern Egypt: from Muhammad Ali to Mubarak (ấn bản thứ 4.). Luân Đôn: Weidenfeld and Nicolson. tr. 443. ISBN 978-0-297-82034-5.
  42. ^ Amin, Galal. Egypt's economic predicament: a study in the interaction of external pressure, political folly, and social tension in Egypt, 1960–1990, 1995
  43. ^ Cambanis, Thanassis (ngày 11 tháng 9 năm 2010). “Succession Gives Army a Stiff Test in Egypt”. The New York Times. Egypt. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2011.
  44. ^ Dunne, Michele (January 2006). "Evaluating Egyptian Reform". Carnegie Papers: Middle East Series (66): 4.
  45. ^ Murphy, Caryle Passion for Islam: Shaping the Modern Middle East: the Egyptian Experience, Scribner, 2002, p.4
  46. ^ “Mubarak throws presidential race wide open”. Business Today Egypt. ngày 10 tháng 3 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  47. ^ “Democracy on the Nile: The story of Ayman Nour and Egypt's problematic attempt at free elections”. Weeklystandard.com. ngày 27 tháng 3 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2011.
  48. ^ “Anger over Egypt vote timetable”. BBC News. ngày 20 tháng 3 năm 2007. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2011.
  49. ^ “Mubarak Resigns As Egypt's President, Armed Forces To Take Control”. Huffington Post. ngày 11 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  50. ^ Kirkpatrick, David D. (ngày 11 tháng 2 năm 2010). “Mubarak Steps Down, Ceding Power to Military”. The New York Times. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2011.
  51. ^ “Egypt crisis: President Hosni Mubarak resigns as leader”. BBC. ngày 11 tháng 2 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2011.
  52. ^ Memmott, Mark (ngày 28 tháng 11 năm 2011). “Egypt's Historic Day Proceeds Peacefully, Turnout High For Elections”. Npr.org. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2013.
  53. ^ “Egypt's new president moves into his offices, begins choosing a Cabinet”. CNN. ngày 25 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2013.
  54. ^ “Think Again: The Muslim Brotherhood”. Al-Monitor. ngày 28 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2016.
  55. ^ Kirkpatrick, David D. (ngày 3 tháng 7 năm 2013). “Army Ousts Egypt's President; Morsi Denounces 'Military Coup'”. New York Times. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2013.
  56. ^ “Egypt protests: Hundreds killed after police storm pro-Morsi camps”. Australian Broadcasting Corporation. ngày 15 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2014.
  57. ^ “Abuse claims rife as Egypt admits jailing 16,000 Islamists in eight months”. The Independent. ngày 16 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2014.
  58. ^ “Egypt constitution 'approved by 98.1 percent'”. Al Jazeera English. ngày 18 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 1 năm 2014.
  59. ^ “Egypt's El-Sisi bids military farewell, says he will run for presidency”. Ahram Online. ngày 26 tháng 3 năm 2014. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2014.
  60. ^ “Former army chief scores landslide victory in Egypt presidential polls”. The Guardian. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2014.
  61. ^ “Sisi elected Egypt president by landslide”. ngày 30 tháng 5 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2014.
  62. ^ VTV, BAO DIEN TU (4 tháng 6 năm 2023). “Dân số Ai Cập gia tăng quá nhanh, đã đạt 105 triệu người”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.
  63. ^ C. Loring Brace, David P. Tracer, Lucia Allen Yaroch, John Robb, Kari Brandt, A. Russell Nelson. “Clines and clusters versus "Race:" a test in ancient Egypt and the case of a death on the Nile”. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 11 năm 2010.
  64. ^ Joel D Irish. “Who were the ancient Egyptians? Dental affinities among Neolithic through postdynastic peoples”. National Library of Medicine. doi:10.1002/ajpa.20261. ISSN 0002-9483. PMID 16331657.
  65. ^ Dan Tschirgi. “Marginalized Violent Internal Conflict In The Age Of Globalization: Mexico And Egypt”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 10 năm 2007.
  66. ^ “SEMP Biot #312: Who are the Fellahin?”. SEMP. 24 tháng 12 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2006.
  67. ^ http://weekly.ahram.org.eg/2000/481/bk3_481.htm. |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  68. ^ “Religions”. CIA World Factbook. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 7 năm 2013.
  69. ^ “Egypt”. The World Factbook. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2006.
  70. ^ Jailan Halawi. “Limits to expression”. Al-Ahram. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2004.
  71. ^ “State to appeal ruling that favours Egypt's Baha'is”. Khaleej Times. 3 tháng 5 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 6 năm 2011.
  72. ^ “Phụ nữ Ai Cập cổ hiến trinh tiết cho... bò”. Báo VietnamNet. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 7 năm 2023.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Chính phủ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Egyptian Government Services Portal Lưu trữ 2006-03-20 tại Wayback Machine
  • Egypt State Information Services
  • Egypt Information Portal - available in Arabic and English

Tin tức

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Ai Cập.
  • Al-Ahram Weekly
  • AllAfrica – Egypt news
  • Egypt Today magazine
  • Business Today Egypt magazine

Khái quát

[sửa | sửa mã nguồn]
Tìm hiểu thêm vềAi Cậptại các dự án liên quan
Tìm kiếm Wiktionary Từ điển từ Wiktionary
Tìm kiếm Commons Tập tin phương tiện từ Commons
Tìm kiếm Wikinews Tin tức từ Wikinews
Tìm kiếm Wikiquote Danh ngôn từ Wikiquote
Tìm kiếm Wikisource Văn kiện từ Wikisource
Tìm kiếm Wikibooks Tủ sách giáo khoa từ Wikibooks
Tìm kiếm Wikiversity Tài nguyên học tập từ Wikiversity
  • Webcams in Egypt Lưu trữ 2007-09-28 tại Wayback Machine
  • Egypt's location on a 3D globe (Java) Lưu trữ 2006-05-29 tại Wayback Machine
  • BBC News Country Profile - Egypt
  • CIA World Factbook - Egypt Lưu trữ 2006-05-17 tại Wayback Machine
  • US State Department - Egypt includes Background Notes, Country Study and major reports
  • Congressional Research Service (CRS) Reports regarding Egypt Lưu trữ 2009-02-15 tại Wayback Machine
  • Human Rights Watch -Egypt
  • Open Directory Project - Egypt Lưu trữ 2006-05-12 tại Wayback Machine directory category
  • Joinafrica.com - Egypt Lưu trữ 2006-05-16 tại Wayback Machine

Giáo dục

[sửa | sửa mã nguồn]

Xem: Danh sách các trường đại học tại Ai Cập

  • Study Destinations in Egypt Lưu trữ 2006-06-15 tại Wayback Machine
  • Supreme Council of Universities Lưu trữ 2005-12-17 tại Wayback Machine

Du lịch

[sửa | sửa mã nguồn] Wikivoyage có cẩm nang du lịch về Egypt.

Xem: Danh sách các viện bảo tàng tại Ai Cập

  • Tour Egypt (Association of Egyptian Travel Businesses)
  • Egypt Hotel & Travel Guide
  • Journey through Eternal Egypt
  • Images from Egypt Lưu trữ 2006-06-20 tại Wayback Machine

Khác

[sửa | sửa mã nguồn]
  • CAIRO - 1001 Years of Islamic Art and Architecture (Video series in four parts) Lưu trữ 2007-01-07 tại Wayback Machine
  • Egypt Maps - Perry-Castañeda Map Collection
  • Egypt Photo Galleries Pictures from a visit in tháng 12 năm 2004
  • Egypt through the ages..
  • Ancient Egyptian History - A comprehensive & consise educational website focusing on the basic and the advanced in all aspects of Ancient Egypt
  • Egyptian Mythology Lưu trữ 2016-03-19 tại Wayback Machine
  • Khnumhotep & Niankhkhnum
  • Egyptian law Lưu trữ 2006-05-25 tại Wayback Machine from Jurispedia
  • Photographs of Egypt Pictures from a visit in May/tháng 6 năm 2005
  • Images of Egypt on Odd-stuff! Lưu trữ 2012-03-07 tại Wayback Machine
Khu vực địa lý
  • x
  • t
  • s
Tỉnh của Ai Cập
Thượng Ai CậpAswan  · Asyut  · Beni Suef  · Faiyum  · Luxor  · Minya  · Thung Lũng Mới  · Qena  · Biển Đỏ  · SohagFlag of Egypt
Trung Ai CậpCairo  · Giza
Hạ Ai CậpAlexandria  · Beheira  · Dakahlia  · Damietta  · Gharbia  · Kafr el-Sheikh  · Matrouh  · Monufia  · Qalyubia  · Sharqia
Kênh đào SuezIsmailia  · Port Said  · Suez
SinaiBắc Sinai  · Nam Sinai
Tỉnh cũNgày 6 tháng 10  · Helwan
  • x
  • t
  • s
Các nước và lãnh thổ ở Trung Đông
  • Ai Cập
  • Ả Rập Xê Út
  • Bahrain
  • Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
  • Síp
  • Iran
  • Iraq
  • Israel
  • Jordan
  • Kuwait
  • Liban
  • Oman
  • Palestine
  • Qatar
  • Bắc Síp
  • Syria
  • Thổ Nhĩ Kỳ
  • Yemen
  • x
  • t
  • s
Quốc gia và vùng lãnh thổ giáp Địa Trung Hải
Quốc gia
  • Albania
  • Algérie
  • Bosna và Hercegovina
  • Croatia
  • Cộng hòa Síp
  • Ai Cập
  • Pháp
  • Hy Lạp
  • Israel
  • Ý
  • Liban
  • Libya
  • Malta
  • Monaco
  • Montenegro
  • Maroc
  • Slovenia
  • Tây Ban Nha
  • Syria
  • Tunisia
  • Thổ Nhĩ Kỳ
Quốc gia công nhận hạn chế
  • Bắc Síp
  • Palestine
Lãnh thổ phụ thuộc
  • Akrotiri và Dhekelia (Anh)
  • Gibraltar (Anh)
  • x
  • t
  • s
Các quốc gia và lãnh thổ tại Châu Phi
Quốc gia có chủ quyền
  • Ai Cập
  • Algérie
  • Angola
  • Bénin
  • Botswana
  • Bờ Biển Ngà
  • Burkina Faso
  • Burundi
  • Cameroon
  • Cabo Verde
  • Comoros
  • Cộng hòa Dân chủ Congo
  • Cộng hòa Congo
  • Djibouti
  • Guinea Xích Đạo
  • Eritrea
  • Eswatini
  • Ethiopia
  • Gabon
  • Gambia
  • Ghana
  • Guinée
  • Guiné-Bissau
  • Kenya
  • Lesotho
  • Liberia
  • Libya
  • Madagascar
  • Malawi
  • Mali
  • Mauritanie
  • Mauritius
  • Maroc
  • Mozambique
  • Namibia
  • Cộng hòa Nam Phi
  • Nam Sudan
  • Niger
  • Nigeria
  • Rwanda
  • São Tomé và Príncipe
  • Sénégal
  • Seychelles
  • Sierra Leone
  • Somalia
  • Sudan
  • Tanzania
  • Tchad
  • Togo
  • Cộng hòa Trung Phi
  • Tunisia
  • Uganda
  • Zambia
  • Zimbabwe
Bộ phận củaquốc gia có chủ quyền
  • Bồ Đào Nha
    • Madeira
  • Pháp
    • Mayotte
    • Réunion
  • Tây Ban Nha
    • Quần đảo Canaria
    • Ceuta
    • Melilla
    • Plazas de soberanía
  • Yemen
    • Socotra
  • Ý
    • Pantelleria
Quốc gia được công nhận hạn chế
  • Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi
  • Somaliland
Lãnh thổ phụ thuộc
  • Các đảo rải rác tại Ấn Độ Dương (Pháp)
  • Saint Helena, Ascension và Tristan da Cunha (Anh Quốc)
Chủ quyền không rõ
  • Tây Sahara
Thành viên tổ chức quốc tế
  • x
  • t
  • s
Liên đoàn Ả Rập
Thành viênAi Cập · Algérie · Ả Rập Xê Út · Bahrain · Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất · Comoros · Djibouti · Iraq · Jordan · Kuwait · Liban · Libya · Maroc · Mauritanie · Oman · Palestine · Qatar · Sudan · Somalia · Syria · Tunisia · Yemen
Quan sát viênẤn Độ · Eritrea · Venezuela
  • x
  • t
  • s
Liên minh châu Phi

Ai Cập · Algérie · Angola · Bénin · Botswana · Bờ Biển Ngà · Burkina Faso · Burundi · Cameroon · Cabo Verde · Tchad · Comoros · Cộng hòa Congo · Cộng hòa Dân chủ Congo · Cộng hòa Trung Phi · Djibouti · Eritrea · Ethiopia · Eswatini · Gabon · Gambia · Ghana · Guinée · Guiné-Bissau · Guinea Xích Đạo · Kenya · Lesotho · Liberia · Libya · Madagascar · Malawi · Mali · Mauritanie · Mauritius · Mozambique · Namibia · Niger · Nigeria · Cộng hòa Nam Phi · Rwanda · São Tomé và Príncipe · Sénégal · Seychelles · Sierra Leone · Somalia · Sudan · Tanzania · Tây Sahara · Togo · Tunisia · Uganda · Zambia · Zimbabwe

  • x
  • t
  • s
Quốc gia thành viên và quan sát viên của Cộng đồng Pháp ngữ
Thành viên
  • Ai Cập
  • Albania
  • Andorra
  • Bỉ (Cộng đồng Pháp ngữ của Bỉ)
  • Bénin
  • Bờ Biển Ngà
  • Bulgaria
  • Burkina Faso
  • Burundi
  • Campuchia
  • Cameroon
  • Canada
    • New Brunswick
    • Québec
  • Cabo Verde
  • Cộng hòa Trung Phi
  • Comoros
  • Cộng hòa Congo
  • Cộng hòa Dân chủ Congo
  • Djibouti
  • Dominica
  • Guinea Xích Đạo
  • Bắc Macedonia Guadeloupe
  • Gabon
  • Ghana*
  • Guinée
  • Guiné-Bissau
  • Haiti
  • Hy Lạp
  • Cộng hòa Síp*
  • Lào
  • Luxembourg
  • Liban
  • Madagascar
  • Mali
  • Mauritanie
  • Mauritius
  • Moldova
  • Monaco
  • Maroc
  • Niger
  • Pháp
    • bao gồm Guyane thuộc Pháp
    • Martinique
    • Saint-Pierre và Miquelon
  • Tchad
  • România
  • Rwanda
  • Saint Lucia
  • São Tomé và Príncipe
  • Sénégal
  • Seychelles
  • Thụy Sĩ
  • Togo
  • Tunisia
  • Vanuatu
  • Việt Nam
Cờ Cộng đồng
Cờ Cộng đồng
Quan sát viên
  • Armenia
  • Áo
  • Croatia
  • Séc
  • Gruzia
  • Hungary
  • Latvia
  • Litva
  • Mozambique
  • Ba Lan
  • Serbia
  • Slovakia
  • Slovenia
  • Ukraina
* Thành viên dự khuyết.    
  • x
  • t
  • s
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo
Thành viênAfghanistan • Albania • Algérie • Azerbaijan • Bahrain • Bangladesh • Bénin • Burkina Faso • Brunei • Cameroon • Tchad • Comoros • Bờ Biển Ngà • Djibouti • Ai Cập • Gabon • Gambia • Guinée • Guiné-Bissau • Guyana • Indonesia • Iran • Iraq • Jordan • Kuwait • Kazakhstan • Kyrgyzstan • Liban • Libya • Maldives • Malaysia • Mali • Maroc • Mauritanie • Mozambique • Niger • Nigeria • Oman • Pakistan • Palestine • Qatar • Ả Rập Xê Út • Sénégal • Sierra Leone • Somalia • Sudan • Suriname • Syria • Tajikistan • Thổ Nhĩ Kỳ • Tunisia • Togo • Turkmenistan • Uganda • Uzbekistan • Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất • Yemen
Quan sát viên
Quốc gia và vùng lãnh thổBosna và Hercegovina • Cộng hòa Trung Phi • Nga • Thái Lan • Bắc Síp
Cộng đồng Hồi giáoMặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro
Tổ chức quốc tếTổ chức Hợp tác Kinh tế • Liên minh châu Phi • Liên đoàn Ả Rập • Phong trào không liên kết • Liên Hợp Quốc
  • x
  • t
  • s
Các quốc gia thuộc G15
Hội nghị thượng đỉnh
  • 1990
  • 1991
  • 1992
  • 1994
  • 1995
  • 1996
  • 1997
  • 1998
  • 1999
  • 2000
  • 2001
  • 2004
  • 2006
  • 2010
  • 2012
Thành viên
  • Ai Cập
  • Algérie
  • Argentina
  • Ấn Độ
  • Brasil
  • Chile
  • Indonesia
  • Iran
  • Jamaica
  • Kenya
  • Malaysia
  • México
  • Nigeria
  • Sénégal
  • Sri Lanka
  • Venezuela
  • Zimbabwe
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • BIBSYS: 90074621
  • BNE: XX450764
  • BNF: cb11863530z (data)
  • GND: 4000556-2
  • HDS: 003431
  • ISNI: 0000 0001 2259 2789
  • KulturNav: 7d52ce20-fea6-42a6-bcf3-9f11ebed03d8
  • LCCN: n80061791
  • MBAREA: 8e0551f2-95c2-3cc0-a0a9-f2d344f10667
  • NARA: 10046273
  • NDL: 00562068
  • NKC: ge129127
  • NLA: 35058797
  • NLI: 000979563
  • RERO: 02-A000056642
  • SUDOC: 027316866
  • TDVİA: misir
  • Trove: 814605
  • UKPARL: mfuTWJhJ
  • VIAF: 130890862
  • WorldCat Identities (via VIAF): 130890862

Từ khóa » Egypt ở Châu Lục Nào