Ai Cho Tôi Làm Người Lương Thiện :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Lời tự bạch của người viết : Nhân nghe chương trình “Saigon buổi sáng” trên sóng FM có cuộc phỏng vấn về những phạm nhân đã mãn hạn tù, trở lại cuộc sống bình thường. Những lời tâm sự , bộc bạch thống thiết và bi thương của các phạm nhân khiến con tim người nghe nhói đau và xúc động đến rơi nước mắt. Vâng, những giọt nước mắt đồng cảm.Từ đó bài viết này hình thành như một chia sẻ...

“ Tao muốn làm người lương thiện ! Ai cho tao lương thiện?” Đấy là câu nói của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao , nó khiến cho những ai có lương tri đếu cảm thấy đau lòng, đều phải ưu tư . Những tưởng tâm trạng chua xót , bi thương và bế tắc ấy chỉ có trong truyện Chí Phèo , chỉ có trong thời kỳ trước Cách Mạng Tháng 8-1945, thế mà trong xã hội hiện tại vẫn không có không ít người phải đau đớn thốt lên rằng : “Ai cho tôi làm người lương thiện ? ”

Vâng , những người ấy là những người đã từng có một quá khứ không mấy tốt đẹp, không được trong sáng , họ đã từng phải ngồi tù, đã từng bị đưa đi cải tạo, đã từng vào trại giáo dưỡng …Nay họ đã mãn hạn tù , đã thi hành xong bản án của mình và được trả tự do. Tuy nhiên, họ gặp phải nhiều điều khó khăn khi muốn làm lại cuộc đời , muốn hòa nhập vào cộng đồng xã hội , muốn sống một cuộc sống bình thường .

Người xưa đã nói : “Nhân bất thập toàn” . Là con người không ai dám vỗ ngực xưng tên rằng mình là người hoàn thiện, chưa bao giờ gây ra lầm lỗi . Điều quan trọng là ta biết nhìn ra những khuyết điểm , những lỗi lầm của mình để sửa đổi , làm cho hoàn thiện hơn . Chính điều này mới đáng quý , nó cũng thể hiện sức mạnh nội tâm và khả năng làm chủ bản thân của ta , Những ai từng phạm lỗi và biết sửa đổi đều đáng quý , đáng trân trọng .

Hơn nữa hầu hết những người đã từng phạm tội , đã từng gây nguy hại cho người khác , gây bất an cho cộng đồng xã hội đếu có hoàn cảnh đặc biệt . Ta nên hiểu và cảm thông với họ , không nên phân biệt đối xử với họ một khi họ đã quay đầu , đã quyết định đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi và muốn hoàn lương . Chính sự cảm thông đối xử thân thiện và giúp đở của xã hội sẽ giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống , giúp họ xây dựng một cuộc sống hiền lương , góp phần hạn chế giảm bớt số lượng những người tái phạm . Mặt khác khi một người phạm tội . có những hành động bất lương , xã hội không thể đổ hết mọi tội lỗi m trách nhiệm lên người đó , mà phải biết rằng cộng đồng xã hội cũng gánh một phần trách nhiệm trong sự phạm tội của họ . Như chúng ta đã biết việc hình thành nhân cách của con người ngoài yếu tố tự giáo dục , tự rèn luyện của bản thân còn có sự tác động từ môi trường gia đình , nhà trường và xã hội . Trong đó gia đình là môi trường có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến nhân cách đạo đức và nếp sống của mỗi người . Vì vậy , các bậc phụ huynh , những người làm công tác giáo dục và mọi người xung quanh đều có phần trách nhiệm trước những việc làm sai trái , những hành động thiếu đạo đức của những phạm nhân .

Ngày nay trong xã hội chúng ta đang tồn tại định kiến và phân biệt đối xử rất hà khắc đối với những người đã từng phạm pháp . Phần lớn mọi người vẫn luôn nhìn những người đã từng phạm pháp bằng ánh mắt miệt thị , không muốn cộng tác và tiếp xúc với họ . Và sự phân biệt đối xử ấy không chỉ có trong đời sống hằng ngày mà nó còn được cụ thể hóa bằng văn bản . Hãy nhìn vào những tiêu chí , những yêu cầu đới với các ứng viên hầu hết các nhà tuyển dụng trong nước thì chúng ta sẽ thấy rõ điều này . Trong nhiều tiêu chí yêu cầu tuyển dụng có một mục nêu rất rõ ràng rằng : “ Không tuyển dụng nhữngngười có tiền án tiền sự , những người đã từng phạm pháp” . Nếu tất cả các nhà tuyển dụng đều áp dụng những điều này thí chẳng khác gì xã hội chúng ta đang đẩy những người đã từng phạm pháp vào bước đường cùng . Chúng ta thử nghĩ , một người không đủ điều kiện để tự kinh doanh , tự kiếm sống phải đi làm thuê , đi kiếm công ăn việc làm , nhưng họ đến đâu cũng bị xua đuổi bị từ chối thì làm sao họ có thể sống được ? Họ lấy tiền đâu ra để chi trả những sinh hoạt phí thường nhật ? Lấy đâu để chin trả những chi phí lúc ốm đau ? Đây là chưa nói đến việc họ còn phải nuôi gia đình , người thân . Trước sự bức bách đấu tranh để sinh tồn như thế thì không còn cách nào khác buộc họ phải làm những việc phi pháp . Không ai dám khẳng định là tất cả những người đã từng phạm pháp khi đã mãn hạn tù , đã thi hành xong bản án đều biết hoàn lương , biết phục thiện . Hẳn nhiên là có những người “ ngựa quen đường cũ” vẫn tiếp tục phạm pháp không chịu sửa đổi , Nhưng ít ra thì cũng có một số người thực sự tỉnh ngộ , họ thấy được tội lỗi của mình muốn được sống tốt để chuộc lại lỗi lầm , để làm lại cuộc đời . Chính sự vô tâm , thiếu trách nhiệm và thiếu sự cảm thông của cộng đồng xã hội đã khiến cho những biết phục thiện ấy phải ngậm đắng nuốt cay , phải chịu nhiều thiệt thòi . nếu như họ có ý chí phấn đấu và có sức kiên định thì phải chịu bầm dập và khổ đau ê chề mới có thể hòa nhập được vào cộng đồng xã hội , kiếm được công ăn việc làm . Còn những ai thiếu ý chí , thiếu sức kiên định thì rất dễ đi đến con đường phạm pháp . Chừng nào xã hội chúng ta còn có sự khinh miệt và phân biệt đối xử với những người đã từng phạm pháp thì chừng ấy con số những phạm nhân tái phạm vẫn còn gia tăng .

Cũng may là ở nước ta vừa mới thành lập một nguồn quỹ từ thiện nhằm hổ trợ vế mặt pháp lý để tạo điều kiện cho những người đã mãn hạn tù trở vế dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng ; đồng thời tư vấn , hướng nghiệp , đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho họ , để họ sớm ổn định cuộc sống gia đình và đóng góp cho xã hội . Quỹ ấy có tên là Quỹ hoàn lương Tp. HCM do hai cựu tử tù trong vụ án Tamexco và Minh Phụng –Epco là Lê Minh Hải và Liên Khui Thìn đồng sáng lập, được Ủy Ban Nhân dân Tp .HCM cho phép thành lập theo quyết định số 3019 / QĐ ngày 08 / 7 /2010 . Chính hai vị này là người trong cuộc nên họ thấu hiểu được sự khó khăn và trở ngại của người đồng cảnh ngộ với mình sau khi mãn hạn tù, vì thế họ đãi hợp với nhau để xây dựng Quỹ hoàn lương . Việc làm của họ vừa thể hiện sự đồng cảm sâu sắc đối với những phạm nhân muốn phục thiện , muốn hoàn lương , vừa gióng lên hồi chuông đánh thức nhân tâm trong cộng đồng xã hội , kêu gọi mọi người cảm thông và tạo điều kiện thuận lợi cho những người đã một thời lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời , có cuộc sống tốt đẹp . Chính cái tên “Quỹ hoàn lương” của tổ chức này cũng nói lên tiêu chí hoạt động cũng như mục đích của nó .

Mong sao đất nước ta ngày càng có nhiều tổ chức như Quỹ hoàn lương và nhiều người trong xã hội trở thành thành viên của tổ chức ấy , hoặc đóng góp ngân quỹ cho tổ chức ấy hoạt động , để giúp đở những người đã phạm pháp mà biết sửa đổi , biết phấn đấu hoàn thiện bản thân , để cho số lượng những người phạm pháp , những người tái phạm pháp trong xã hội ngày càng giảm dần . Làm được việc này thì cần phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội .

Từ khóa » Hình ảnh Ai Cho Tôi Lương Thiện