Ai được Quyền In Tiền Mỹ? | Thời Sự

Ai được quyền in tiền Mỹ? HÀ LINH QUÂN 03/05/2020 11:00

Trong bữa tiệc đêm, chờ thời điểm chuyển giao Thiên niên kỷ (31/12/1999), ở Nhà Trắng chỉ có những nhân vật danh tiếng nhất nước Mỹ mới được mời dự.

Giữa Robert De Niro, Muhammad Ali, Itzhak Perlman… người ta nhìn thấy Alan Greenspan - Đơn giản vì ông là Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - Tổ chức độc quyền phát hành tờ “Đô” Hoa Kỳ.

Sảnh lớn Ngân hàng Anh những thế kỷ trước. Ảnh: S.T.

Sảnh lớn Ngân hàng Anh những thế kỷ trước. Ảnh: S.T.

Trước khi vén bức màn che những bí mật thâm cung nhất trong lịch sử nền tài chính thế giới về sự ra đời của FED, chúng ta quay lại cội nguồn của nó từ nước Anh hơn 200 năm trước.

Cuộc chiến tồn tại của các ngân hàng trung ương tư nhân

Năm 1689, khi William đệ nhất lên ngôi vua Anh, ngân khố rỗng tếch vì chi phí cho chiến tranh liên miên. Giữa cơn túng bấn,W. Paterson, chủ ngân hàng ở London, hiến kế thành lập Ngân hàng Trung ương tư nhân (ngân hàng Anh) đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

Theo đó, ngân hàng sẽ cho chính phủ Anh vay “vĩnh viễn” 1,2 triệu bảng Anh, lãi suất 8%/năm và phí quản lý mỗi năm là 4.000 bảng Anh. Tính ra, chính phủ chỉ mất 100.000 bảng mà lại có ngay 1,2 triệu bỏ túi và còn vĩnh viễn không phải trả tiền nợ gốc. Dĩ nhiên, các ông trùm ngân hàng Anh không hào phóng và ngu ngốc! Họ chỉ xin mỗi đặc ân: Độc quyền phát hành tiền giấy và xem nó như đồng tiền quốc gia!

Chân dung Alexander Hamilton trên tờ 10 USD.

Chân dung Alexander Hamilton trên tờ 10 USD.

Năm 1694, ngân hàng Anh được ra đời. Từ nay, các khoản nợ của hoàng gia sẽ biến thành nợ quốc gia “vĩnh viễn”. Nhà vua chỉ cần đem thuế dân ra thế chấp cho ngân hàng Anh phát hành tiền giấy. Ai cũng có lợi! Hoàng gia, chính phủ có tiền, muốn đánh nhau hay tiêu khiển tùy thích.

Và, ai hay, người cười tươi nhất chính là các ông trùm sò ngân hàng - những người thu lợi nhiều nhất nhờ dòng tiền từ lãi suất các món nợ “vĩnh viễn” của quốc gia mỗi ngày một lớn. Dĩ nhiên, tất cả ngồi trên nghĩa vụ đóng thuế của người dân Anh!

Ở Tân thế giới, những người châu Âu di cư cũng bắt đầu cuộc khai phá Bắc Mỹ - thuộc địa của Anh. Do việc thiếu tiền (bảng Anh) lưu thông, chính quyền thuộc địa đã táo bạo phát hành loại tiền giấy pháp định không được đảm bảo bằng vàng, để tháo cái “nút cổ chai” cho nền kinh tế phát triển.

“Âm mưu” thoát ly quyền lực của đồng bảng Anh làm các ông chủ ngân hàng nổi giận. Họ gây sức ép để Quốc hội Anh thông qua “Đạo luật Tiền tệ” cấm chính quyền thuộc địa Mỹ được in tiền riêng của mình. Chỉ sau 1 năm, đạo luật ngiệt ngã đó đã vùi dập nền kinh tế Mỹ. Và đó chính là ngòi nổ thổi bùng cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ.

Năm 1787, Hiến pháp Mỹ được ban hành, khẳng định: “Quốc hội nắm quyền đúc tiền”. Thế nhưng, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ngài Hamilton, lại không nghĩ thế. Ông lên kế hoạch thành lập Ngân hàng trung ương tư nhân (theo mô hình Ngân hàng Anh), có quyền in tiền quốc gia rồi cho chính phủ vay lại để giảm gánh nặng nợ nần, hậu quả từ cuộc chiến giành độc lập. Người chấp bút bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, ngài Thomas Jefferson, kịch liệt phản đối.

Ông nói: “Không thể để cho các nhà ngân hàng bắt chúng ta phải suốt đời sống chung với nợ!”. Còn Hamilton biện bạch: “Nợ là điều tốt khi bị lý trí kiềm chế. Quốc gia cần có nhiều tiền để thúc đẩy sự phát triển!”

Vấn đề được đưa Quốc hội thảo luận. Sau rất nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa, cuối cùng kế hoạch của Hamilton cũng được Thượng và Hạ viện thông qua. Tổng thống Washington thừa biết rằng Hiến pháp trao cho Quốc hội độc quyền phát hành tiền tệ. Tuy nhiên, trước lời cảnh báo sụp đổ chính phủ của Bộ Tài chính, Washington đã thỏa hiệp. Ngày 25/2/1792, Tổng thống Mỹ ký thành lập Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thứ nhất (The First Bank of the United States).

Từ đó, cơn khát tiền của Chính phủ Hoa Kỳ đã được Ngân hàng Trung ương xoa dịu. Tuy nhiên, làn sóng chống đối ngày một dâng cao trong chính giới Mỹ, nhất là khi Jefferson trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 3/3/1811, Ngân hàng thứ nhất của Mỹ đã phải đóng cửa sau cuộc bỏ phiếu vô cùng kịch tính ở cảHạ viện (65/64) và Thượng nghị viện (17/17, rồi được quyết định bằng lá phiếu thuận của Phó tổng thống).

Giới chủ ngân hàng không cam chịu thua. Chiến tranh Anh - Mỹ năm 1812 đã mang cơ hội cho họ. Hoa Kỳ rời khỏi cuộc chiến với món nợ cao ngập đầu. Ngày 5/12/1815, chính Tổng thống Mỹ khi ấy đề nghị thành lập Ngân hàng Trung ương tư nhân thứ hai.

17 năm sau, Ngài Jackson ra tranh cử tổng thống với lời tuyên bố: “Quốc hội phát hành tiền tệ! Có Jackson thì không có ngân hàng!”. Và ông thắng cử. Thế nhưng, thiện chí của ông không được Quốc hội đón nhận khi họ thông qua dự luật cho phép Ngân hàng Trung ương thứ hai tồn tại thêm 20 năm. Thế là, dùng quyền Tổng thống, Jackson phủ quyết.

Báo Mỹ ví sự kiện này với việc Chúa đuổi người cho vay lãi ra khỏi thánh đường. Trong vòng 3 năm không có Ngân hàng Trung ương, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, nợ quốc gia trở về 0! Sau đó ông bị một kẻ “tâm thần” bắn 2 phát đạn, không chết! Về già, trên mộ Jackson có khắc dòng chữ: “Tôi đã giết được ngân hàng!”.

Bí mật trên đảo Jekyll

Sau cái “chết” của Ngân hàng trung ương thứ 2, nước Mỹ đã có gần 80 năm thịnh vượng. Năm 1906, một trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển thành phố San Francisco. Năm sau, Tin đồn lan khắp New York: Knickerbocker Trust, tập đoàn đầu tư ủy thác hàng đầu nước Mỹ, vỡ nợ vì đầu cơ thị trường đồng thế giới thất bại.

Người Mỹ đã hoảng loạn sẵn từ cơn động đất, đổ xô đến các công ty tài chính rút tiền và theo phản ứng dây chuyền làm sụp đổ luôn thị trường chứng khoán. Nhờ nhà tài phiệt J.P.Morgan, cuộc giải cứu ngoạn mục nhất trong lịch sử tài chính Mỹ thành công. Ông khẩn cấp triệu tập các chủ ngân hàng lớn đến nhà riêng ở gần Manhattan và cảnh báo… không cho về (!), nếu tất cả không cam kết móc hầu bao để vực dậy thị trường chứng khoán.Tháng 11 năm 1910, vào một đêm tuyết rơi đầy trên sân ga tàu hỏa ở Hoboken, New Jersey, có 6 vị khách mang theo những bao súng săn vịt trời giống hệt như nhau, nhưng làm ra vẻ như không biết nhau, âm thầm từng người bước lên toa tầu đặc biệt sang trọng của Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich.

Họ không ngồi tụm vào nhau, gọi nhau bằng các bí danh, thế nên đám người hầu hạ trên tàu không thể biết họ là ai. Mặc dù sáu nhân vật này đều là những người nổi tiếng, quan trọng không kém cạnh gì ngài thượng nghị sĩ. Họ đại diện cho 1/4 số tài sản của cả thế giới! Đó là A.P. Andrew - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Nhà kinh tế học, xuất thân đại học Harvard, F.A.Vanderlip - Chủ tịch National City Bank, H.P. Davision- nhân vật số 2 của J.P.Morgan & Company, C.D.Norton - Chủ tịch First National Bank, B.Strong - Giám đốc Bankers Trust Company, và người cuối cùng là Paul Warburg, thay mặt đế chế ngân hàng Rothschild lừng lẫy châu Âu.

Nhóm tinh hoa của thế giới tài chính đã bí mật đi 1300km từ New Jersey đến thị trấn nhỏ, Brunswick, nằm bên bờ Đại Tây Dương. Sau đó họ xuống tàu ra Jekyll - một hòn đảo mà J.P.Morgan mua để làm nơi săn hươu, vịt trời. Trước khi 7 người đặt chân lên đảo, toàn bộ gia nhân ở đó đã bị đuổi vào đất liền. Thế chỗ cho họ là đám người mới hoàn toàn!

Bảy nhân vật quyền lực ấy ở liền 9 ngày trên đảo. Họ ngồi bàn thảo tỉ mỉ “Đạo luật Dự trữ Liên bang” do Paul Warburg, một người “Do Thái” ngân hàng khởi xướng. Cái khó nhất là thuyết phục Quốc hội “đạo luật này bảo vệ dân”. Nhà thông thái Paul Warburg đề nghị tránh chữ “Ngân hàng trung ương”, dễ gây mặc cảm khó chịu từ công chúng Mỹ, mà thay bằng “Cục Dự trữ Liên Bang” (FED), nghe giống như một cơ quan chính phủ. (Mặc dù chức năng của FED giống hệt ngân hàng, chỉ khác mỗi điều: Nhà nước không có một xu cổ phần!) Trụ sở FED đặt ở Washington - thủ đô chính trị, chứ không ở Phố Wall, New York - “sào huyệt” của giới tài chính.

Điều chỉnh lãi suất, kiểm soát lạm phát, gia tăng tối đa việc làm… là các mục tiêu chính sách tiền tệ ban đầu của FED. (Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, FED thêm nhiệm vụ giám sát và điều tiết các hoạt động ngân hàng, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính). Để làm việc đó, FED được độc lập về luật pháp với Nhà Trắng. Quyết định của nó không cần sự phê chuẩn của Chính phủ. Thế nhưng, mỗi năm FED phải báo cáo Quốc hội về chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế đất nước 2 lần. Nó có một Ban Thống đốc 7 người, Tổng thống chỉ định và được Quốc hội thông qua, nhiệm kỳ là 14 năm, chỉ ngắn hơn các thẩm phán Tòa án Tối cao.

Cơ quan quyền lực nhất của FED là FOMC - Ủy ban Thị trường mở Liên bang - kiểm soát lãi suất cơ bản, công cụ chính trong chính sách tiền tệ của Mỹ. Nó gồm cả Ban Thống đốc và 12 chủ tịch của 12 ngân hàng dự trữ liên bang án ngữ ở những khu vực chiến lược trên khắp Hoa Kỳ. Chúng là các cửa sổ của nền kinh tế Mỹ. Mỗi năm FOMC sẽ họp kín 8 lần, ấn định lãi suất và tăng giảm lượng lưu thông tiền tệ.

FED có quyền tự kiểm soát hầu bao của mình nhờ lãi thu được từ những trái phiếu kho bạc và tài sản khác của nó. (FED là cỗ máy kiếm tiền khủng khiếp. Riêng năm 2018, nó lãi 102 tỷ USD).

Nhờ được thiết kế thông minh như thế, FED đã vượt qua “cửa ải” Quốc hội Hoa Kỳ, chính thức bước vào hoạt động vào ngày 25/10/1914. Ngày nay, nó đã trở thành thế lực tài chính mạnh nhất toàn cầu. Nhất cử nhất động của nó đều làm thế giới nín thở!

Từ khóa » Tiền đô La Mỹ được In ở đâu