"Ai Hành động Xấu Xa Thì Ghét Sự Sáng" - Giáo Xứ Yên Hòa

GIÁO XỨ YÊN HÒA
  • Home
  • GIỚI THIỆU
    • TIN GIÁO XỨ
  • SUY NIỆM
  • LỜI CHÚA
  • TNTT
Home / Suy niệm / "Ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng" "Ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng" Suy niệm

Chúa nhật IV Mùa Chay (B) – Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa

Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa... CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - B:Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa Bài đọc I : Sb 36,14-16.19-23; Bài đọc II: Êp 2,4-10; Tin Mừng: Ga 3,14-21------†------PHÚC ÂM: Ga 3, 14-21"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa".

1. Tình yêu của Thiên Chúa

Trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta thường phân chia thành hai lãnh vực, đạo và đời. Thiêng liêng và trần tục. Phàm những gì thuộc về thế gian, thuộc về trần tục, nếu chưa phải là tội lỗi, thì tự bản chất vốn dĩ đã là thấp kém. Từ đó chúng ta dễ đi tới một quan niệm đồng hoá thế gian với tất cả những gì là xấu xa và tội lỗi. Cuối cùng thì thế gian bị coi là một trong ba kẻ thù chính của con người. Trong ba kẻ thù ấy, thì ma quỷ đứng hàng đầu, nhưng có lẽ không trực diện bằng chính kẻ nội thù là xác thịt của chúng ta và kẻ thù gần cận nữa là thế gian.Với một quan niệm như thế, hẳn người ta sẽ ngạc nhiên nếu không phải là lúng túng trước lời khẳng định của Chúa Giêsu: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời. Phúc âm không nói: Thiên Chúa yêu thương dân Ngài, yêu thương Hội Thánh của Ngài hay yêu thương những người Ngài đã tuyển chọn, nhưng lại nói: Ngài yêu thương thế gian. Tại sao lại như thế?Tôi xin thưa: Sở dĩ Thiên Chúa yêu thương thế gian là bởi vì chính Ngài đã tạo dựng nên nó chứ không phải là một ai khác. Thực ra nếu có cái thế gian nào tội lỗi thì phải hiểu đó là một giới nào đó, một người nào đó, một loại người nào đó sống trong thế giới loài người hay trong chính Giáo Hội mà thôi. Ngôn ngữ thông thường vốn chia xã hội thành những giới khác nhau, chẳng hạn giới thanh niên, giới nghệ sĩ, giới tu sĩ. Đồng thời người ta cũng nói đến những giới bê bối như giới xỉ ke, giới đầu trộm đuôi cướp. Nhưng ngay cả những giới tội lỗi này cũng chưa hẳn đã bị kết án hay bị loại trừ bởi vì Đức Kitô đã đến chỉ vì họ và cho họ: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài xuống thế gian không phải để kết án, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu độ.Như vậy thì xét cho cùng chỉ có ma quỷ mới thực sự và vĩnh viễn bị lên án là kẻ thù, còn tất cả vẫn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa và có được niềm hy vọng cứu độ. Đức Kitô là ánh sáng và ánh sáng thì không bao giờ kỳ thị, phân biệt người lành kẻ dữ, chỗ cao ráo sạch sẽ, ánh sáng soi vào và làm cho vẻ cao đẹp thêm rực rỡ hơn. Nhưng ánh sáng cũng rọi vào chỗ sình lầy nhơ bẩn ấy để mà dọn dẹp, để mà tẩy uế. Chỉ có những ai từ chối ánh sáng, khép kín lòng mình, trốn tránh ánh sáng, che đậy sự thật mới không được cứu độ.Noi gương Chúa Giêsu chúng ta cũng phải trở nên ánh sáng cho trần gian, hay nói một cách khác, chúng ta cũng phải yêu mến thế gian bằng một tình thương cứu độ, nghĩa là yêu thương và sẵn sàng dâng hiến đời mình để làm cho thế gian được sáng hơn, được đẹp hơn, nhờ đó mà được tham dự vào vinh quang phục sinh của Đức Kitô.

2. Thiên Chúa yêu thương

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau chia sẻ về tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Các du khách có dịp viếng thăm nhà thờ chính tòa Gengiba bên Phi Châu, sẽ nhìn thấy lời chào đón này được viết ngay trên tường ngôi thánh đường: Bạn đang đứng trong nhà thờ của Đức Kitô.Ngôi nhà thờ này đã được xây dựng ngay trên phần đất trước kia được dùng để tập trung buôn bán, trao đổi những nô lệ da đen như những súc vật. Đặc biệt là bàn thờ được đặt trên một tảng đá nơi những nô lệ bị đánh đòn. Lý do bị đánh đòn trước khi đem bán là để kiểm tra sức khỏe của họ.Cây thánh giá bằng vàng được treo trên một chiếc cột trụ có khắc tên bác sĩ Livdy Stone, một người Anh đã từng mạnh mẽ và can đảm lên tiếng chống lại tệ nạn buôn bán nô lệ. Cột trụ này là nơi bác sĩ vẫn thường đứng để thuyết trình, để hô hào cổ vũ cho việc giải phóng nô lệ. Mãi đến ngày 16.6.1873 việc buôn bán nô lệ tại Phi châu mới bị ngăn cấm bởi một đạo luật được ban hành. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.Chiếc cột trụ đã trở nên như một dấu chỉ, gợi nhớ đến những hy sinh gian khổ và ngay cả cái chết để giải phóng cho những nô lệ da đen và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối lại với thù hận là yêu thương chân thật, đối lại với bóc lột là tự do và công bằng, đối lại với chiến tranh là hòa giải và tha thứ.Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta những ý nghĩ về tình thương của Thiên Chúa. Thực vậy, trong Cựu ước, Thiên Chúa đã truyền cho Maisen đúc một con rắn đồng, treo lên nơi hoang địa, để những ai bị rắn độc cắn cứ việc nhìn lên con rắn đồng ấy là được chữa lành. Và như thế, dân Do Thái đã được cứu khỏi hiểm họa rắn độc trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Sự việc trên cũng chỉ là một biểu tượng, một hình ảnh tượng trưng cho những gì Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc chúng ta.Đúng thế, để cứu chuộc chúng ta, Ngài chỉ cần phán một lời, nhưng Ngài đã không làm thế, trái lại, Ngài đã đi cho tới tận cùng những nỗi khổ đau của thân phận con người. Ngài đã chấp nhận mọi hy sinh, mọi đắng cay và sau cùng đã chấp nhận chính cái chết ê chề trên thập giá, để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi, để cứu chúng ta khỏi nọc độc của thế gian.Đây là điều mà Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Phúc âm. Chẳng hạn qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Ngài đã nói với Nicôđêmô: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một của mình để những ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết nhưng sẽ được sống muôn đời. Nơi khác Ngài bảo: Con Người đến hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Trong bữa Tiệc Ly, Ngài phán với các môn đệ: Này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con, này là máu Ta sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Rồi thì Ngài cũng đã xác quyết: Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta…Tất cả phải chăng để chứng tỏ một tình yêu bao la mà Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.Bởi đó, trong Mùa Chay này chúng ta hãy dành lấy một vài phút để suy nghĩ và cảm tạ tình thương của Chúa, đồng thời chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem, chúng ta đã làm được những gì để đáp trả tình yêu thương ấy.

3. Nhìn lên ánh sáng – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trong sa mạc, dân Israel kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê. Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết. Dân chúng xin ông Môsê khẩn cầu Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho ông làm một con rắn bằng đồng và treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống (Ds 21, 4b-9).Hôm nay, khi nói Người sẽ bị treo lên như con rắn đồng của Môsê, Đức Giêsu mời gọi ta cũng hãy biết nhìn lên Thánh giá để được sống. Việc nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên Thánh giá mở ra cho ta những nhận thức sau:1) Nhận thức về tội lỗi của ta. Dân Do thái phản nghịch với Chúa, nên họ đã bị rắn lửa cắn chết. Chính tội lỗi làm người ta phải đau khổ. Chính tội lỗi đã gây ra tai hoạ cho toàn dân. Chính tội lỗi đã gây ra chết chóc. Nhìn lên con rắn đồng là nhận biết mình tội lỗi. Cũng vậy, vì tội lỗi của ta mà Đức Giêsu đã chịu treo trên Thánh giá. Người nào có tội tình gì mà phải chết đau đớn, tủi nhục như thế. Không một mảnh vải che thân. Chết lúc tuổi thanh xuân. Chết như một tội nhân. Chết như một người nô lệ. Trước khi chết đã bị sỉ nhục, bị hành hạ đến tan nát hình hài, đến chẳng còn hình tượng con người. Tất cả chỉ vì tội lỗi của ta. Tội lỗi đã làm ta phải chết. Tội lỗi làm linh hồn ta bị biến dạng, méo mó, xấu xa. Tội lỗi khiến ta tủi nhục chẳng dám ngẩng mặt nhìn lên. Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của ta. Người chịu nhục nhã cho ta được vinh quang. Người chịu thương tích để chữa lành vết thương của ta. Người chịu chết như nô lệ để ta được tự do. Người chịu chết cho ta được sống. Người chịu treo lên để kéo ta khỏi vũng bùn nhơ tội lỗi. Nhìn ngắm Người chính là nhìn ngắm tội lỗi của ta. Hiểu được cái chết đau đớn tủi nhục của Người là ý thức được tội lỗi nặng nề của ta.2) Nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Nhận thức về tội lỗi đưa ta đến nhận thức về tình yêu thương của Chúa. Ta tội lỗi đáng phải chết. Nhưng Chúa thương yêu không bỏ rơi ta. Người tìm hết cách cứu ta. Tình yêu Chúa dành cho ta thật bao la tha thiết. Tình yêu đã khiến Chúa ra như điên dại. Còn ai điên dại hơn người dám hy sinh con một mình để cứu người khác. Thế mà Chúa Cha đã “yêu ta đến nỗi đã ban Con Một” của Người cho ta. Còn ai điên dại hơn kẻ dám liều mạng chết vì người yêu. Thế mà Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho ta. Người đã dậy ta: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã hy sinh mạng sống để làm chứng tình yêu Người dành cho ta. Ta có xứng đáng gì đâu? Ta chỉ là một hạt bụi. Ta ngập trong yếu đuối tội lỗi. Thế mà Người yêu thương đến điên dại, đến chết vì ta. Càng nhìn lên Thánh giá, ta càng thấy mình tội lỗi. Càng thấy mình tội lỗi, ta lại càng thấy tình yêu thương của Chúa dành cho ta thật là bao la, tha thiết, mênh mông khôn tả.3) Nhận thức về ơn cứu độ của Chúa. Trong sa mạc họ chẳng tìm ra người có thể cứu chữa họ. Chẳng có thuốc nào cứu họ khỏi chết. Chỉ mình Thiên Chúa có thể cứu họ. Thế nên họ phải nhìn lên con rắn đồng để được Chúa cứu. Ta cũng thế. Biết thân phận mình tội lỗi yếu hèn, ta càng cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa. Ta ngập chìm trong tội lỗi, chẳng thể nào vươn lên được nếu không có ơn cứu độ của Chúa. Ta yếu đuối, chẳng thể nào tự sức mình đứng lên nếu không có ơn Chúa nâng đỡ. Ta bị giam cầm trong ngục tù sự chết, chỉ có Chúa mới có thể tháo bỏ xiềng xích, đưa ta tới miền sự sống. Linh hồn ta ngập ngụa nhơ uế, chỉ có Chúa mới có thể rửa sạch tội tình. Linh hồn ta bị bóng tối tội lỗi phủ vây, chỉ có ánh sáng của Chúa mới soi chiếu cho ta biết đường ngay lẽ phải.Nhìn lên Thánh giá chính là từ nơi tối tăm nhìn lên ánh sáng. Ánh sáng tình yêu thương từ Thánh giá chiếu toả sẽ giúp ta an tâm trở về với Chúa là Cha, người Cha nhân hiền lúc nào cũng chờ đón đứa con hoang đàng trở về, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho ta. Ánh sáng cứu độ từ Thánh giá chiếu toả sẽ giải thoát ta khỏi bóng tối tội lỗi, đưa ta trở về làm con cái Thiên Chúa Sự Sáng. Ánh sáng tình yêu và ánh sáng cứu độ sẽ nâng ta lên, để từ nay ta vượt thoát lên khỏi bóng tối tội lỗi, sống thanh sạch công chính, luôn mơ ước những điều cao thượng, xứng đáng là con cái sự sáng. Trong mùa Chay, đặc biệt trong những ngày Tuần Thánh, ta hãy năng chiêm ngắm Thánh giá, để Chúa nâng tâm hồn ta lên với Chúa.Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: “Khi nào Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy lôi kéo hồn con lên với Chúa.KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG1. Bạn có cảm thấy mình được Chúa yêu thương không? Hãy kể lại một kinh nghiệm trong đó bạn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa.2. Bạn có thấy mình yếu đuối, cần ơn Chúa cứu độ không?3. Bạn đã chiêm ngắm Thánh giá lâu giờ chưa? Bạn có muốn chiêm ngắm Thánh giá trong mùa Chay này không?

4. Chuộng tối hơn sáng (Trích trong ‘Manna’)

Suy NiệmCúp điện bất ngờ là điều gây khó chịu.Trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu. Nói chung chẳng ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối. Bóng tối của quán bia ôm, của Karaokê, của sàn nhảy... Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối. Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ. Bóng tối trong tâm hồn cần có bóng tối ở ngoài. Nó sợ ánh sáng làm lộ chân tướng."Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa."Ghét ánh sáng, chuộng bóng tối: đó là thảm kịch nơi lòng con người, bởi lẽ con người được sinh ra để sống cho ánh sáng.Lắm khi người ta từ chối tin vào Đức Kitô, từ chối đến với ánh sáng và sự thật, chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá. Những lý do biện minh cho sự từ chối này thường đến sau khi đã chọn lựa.Cần thay đổi cuộc sống để tin hơn vào Thiên Chúa, nhưng cũng cần can đảm đến với ánh sáng dù biết mình đang chìm trong bóng tối; hay đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.Đừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà. Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình, bắt ta đối diện với sự thật trần trụi về mình, để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui.Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối đó là trở lại với ánh sáng, bằng cách ngước nhìn lên...Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã được chữa lành nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ.Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời nhờ tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá.Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau, nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.Kitô hữu không phải là người tôn thờ đau khổ, nhưng là người say mê tình yêu: tình yêu của Cha khi trao ban người Con yêu dấu, tình yêu của Con khi hiến tặng mạng sống mình.Nhiều nơi đã đặt tượng Chúa phục sinh trên thập giá, nhờ đó bầu khí nhà thờ tươi vui hơn. Nhưng ta vẫn không được quên nhìn lên thân xác bầm tím nát tan của Đức Giêsu trên Núi Sọ.Ước gì tôi biết nhìn lên tình yêu bị treo và trở lại với ánh sáng để ánh sáng đưa tôi vào sâu hơn trong tình yêu.Gợi Ý Chia Sẻ·1. Trong tôi có ánh sáng và bóng tối; ngoài ra còn có nhiều bóng mờ, nơi khôn g sáng hẳn hay tối hẳn. Bóng mờ dễ chuyển thành bóng tối. Bạn có thấy một số bóng mờ trong đời bạn không? Chúng nguy hiểm đến mức nào?·2. Thế giới hôm nay tràn ngập ánh sáng của đèn điện. Nhưng vẫn có nhiều bóng tối đang rình rập các bạn trẻ. Bạn có gặp bóng tối nào không?Cầu NguyệnLạy Chúa Giêsu,Tạ ơn Chúa đã cho chúng con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi chúng con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề.Xin cho chúng con có khả năng đẩy lui bóng tối của hận thù và bất công, của buồn phiền và thất vọng.Xin cho chúng con biết giữ gìn ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, và biết vâng theo những soi sáng của Chúa qua từng giây phút của cuộc sống.Lạy Chúa Giêsu, cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn tiếp diễn trên thế giới và trong lòng chúng con.Ước gì chúng con đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng can đảm thắp lên những ngọn lửa, để cả trái đất ngập tràn ánh sáng Chúa.

5. Sự thật đổi mới chúng ta

Trong cái tranh tối tranh sáng của cuộc đời. Thiên Chúa đổi mới chúng ta. Ngài ban Con Một Ngài cho chúng ta để mặc khải chân lý cho chúng ta và mở đường cho chúng ta đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Bài Tin Mừng hôm nay khó hiểu. Nó không kể lại một giai đoạn trong đời Chúa Giêsu hoặc một dụ ngôn. Đây là một suy tư về đời sống vĩnh cửu và về việc Thiên Chúa sai Con Một Ngài đến với chúng ta để cứu độ chúng ta, để đổi mới chúng ta.Ánh sáng về con người của chúng ta.Thật khó nói về đời sống vĩnh cửu: Chúng ta biết rất ít về cuộc sống này. Tuy nhiên một số kinh nghiệm trong cuộc đời trần gian có thể giúp chúng ta tưởng tượng ra cuộc sống ấy như thế nào.Có những lúc trong đời chúng ta có cảm giác như đã khám phá ra một điều gì quan trọng làm cho mọi sự được sáng tỏ trước mắt chúng ta. “Đúng rồi, tôi là như vậy, và tôi muốn trở thành như vậy đó”. Lúc ấy chúng ta có cảm tưởng đã tìm thấy được sự thật về con người của mình như các triết gia hoặc như các nhà tâm lý học nói. Có lẽ đây là một kinh nghiệm hiếm có, nên khi điều này xảy ra, khi chúng ta được nối kết vào con người sâu thẳm của chúng ta, chúng ta có cảm tưởng như tìm được con đường mà ta phải đi. Lúc đó ta dễ hoạt động hơn bởi vì ta đã khám phá được mình là ai. Lúc đó ta có thể hành động theo sự thật mà ta có về mình. Nếu điều này xảy ra, và thường là trong một giai đoạn u tối của cuộc đời khi chúng ta không còn biết “bám víu” vào đâu nữa, hoặc chúng ta không còn biết cuộc đời mình có giá trị gì, thì chúng ta lại được cứu. “Mà thật, đúng thế, trước đây tôi đã không thấy điều này. Ô, nhưng mà nó làm thay đổi mọi sự!”. Lúc đó ta cảm thấy mình được đổi mới, đầy sức lực, đầy những khả năng mới, sẵn sàng sống theo sự thật mà ta vừa khám phá ra.Cũng gần giống như vậy về sự sống vĩnh cửu là ánh sáng và sự thật. Sự sống ấy đến với chúng ta như một ân huệ của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta sống thực sự. Nhưng chúng ta biết rằng sự thật đôi khi quấy rầy những thói quen sống của chúng ta và chúng ta từ chối ánh sáng và những thách thức của nó. Vì thế mà Tin Mừng khắt khe với những kẻ từ chối Chúa Giêsu Kitô. Cũng như những sự thật mà đôi khi chúng ta phát hiện được trong cuộc đời chúng ta, sự sống vĩnh cửu không tự áp đặt cho ai cả. Nó chỉ tự giới thiệu mình để chúng ta lựa chọn mà thôi. Đây vừa là một lời mời gọi vừa là một hồng ân.Một lời mời gọi sống.Vậy Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con Một Ngài để giúp chúng ta sống sự thật nơi con người chúng ta và chính vì thế mà Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta sự thật về con người chúng ta và về mối quan hệ giữa chúng ta với tha nhân và với Thiên Chúa. Tin vào Chúa Giêsu là tin vào đời sống vĩnh cửu và mời gọi chúng ta sống theo sự thật này: Thiên Chúa là Cha, và chúng ta là anh em với nhau.Có lẽ thường thường chúng ta sống trong sự mập mờ của cuộc đời và những kinh nghiệm của chúng ta về sự thật sâu xa vẫn là điều hiếm có. Nhưng kẻ đã tìm được sự thật của Chúa Giêsu Kitô, kẻ tin vào Chúa Giêsu vì đã thực sự khám phá ra Ngài vào một ngày nào đó trong đời mình, người ấy đã tìm thấy được ánh sáng trong thâm cung của lòng mình. Ánh sáng này đôi khi có thể leo lét, nhưng kỷ niệm về việc tìm thấy nó vẫn tiếp tục soi sáng cuộc đời của họ, cho cuộc đời ấy một ý nghĩa, và dẫn đưa họ đến với tha nhân để sống theo sự thật.Tin Mừng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu đến không phải để kết án nhưng để cứu độ chúng ta, để cho cuộc đời chúng ta được đổi mới nhờ sự thật. Và chúng ta được đổi mới khi chúng ta nhìn thấy rõ hơn, khi chúng ta cảm thấy mình sống động hơn, khi những năng lực mới giúp chúng ta vạch ra những dự án mới hoặc cho chúng ta can đảm và sức mạnh để tiếp tục những gì mình đã bắt đầu. Chính nhờ thế, mà cuộc sống vĩnh cửu đã mở ra cho chúng ta: một con đường mới để sống với bản thân, với Thiên Chúa và với tha nhân, nhờ ánh sáng mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới và cho cuộc đời chúng ta.Sống vĩnh cửu là chiêm ngắm mầu nhiệm lớn lao nơi thâm tâm chúng ta và trong lòng kẻ khác, chiêm ngắm Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến mặc khải cho chúng ta. Sống vĩnh cửu là hành động theo sự thật. Vậy nên như Tin Mừng nói, công việc của chúng ta “sẽ được nhìn nhận như là công việc của Thiên Chúa”, công việc của những con người được tháp vào sự thật và không sợ ánh sáng bởi vì họ biết rằng ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô nhằm cứu độ mọi người chúng ta và cả thế giới.Nguồn: "Giaophanvinh.net"

"Ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng" 2015-03-15T01:05:00-07:00 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Admin

Share to:

Google+ Facebook Twitter

Related Articles :

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ   © GIÁO XỨ YÊN HÒA. All Right Reserved. Template by templatoid

Từ khóa » Suy Niệm ánh Sáng Và Bóng Tối