Ai Là Cỏ Lùng Trong Ruộng Lúa ? - Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

I. LI CHÚA

24Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

31Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

II. SỐNG LỜI CHÚA

Khi nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn về cỏ lùng, chúng ta có đồng cảm với những người đầy tớ tình nguyện xin nhổ cỏ lùng khỏi ruộng lúa không? Chúng ta nghĩ họ là những người có tinh thần trách nhiệm cao muốn ruộng của Chúa chỉ toàn là lúa tốt nên phải nhổ sạch cỏ. Đó cũng chính là thái độ bức xúc của chúng ta khi phải đối diện với sự dữ, khi phải sống chung với những người có vấn đề tiêu cực trong cuộc sống như  tính ích kỷ, tự kiêu, tham lam, dối trá, lười biếng, trộm cắp, đưa điều đặt chuyện, … Nhưng ai thực sự đang là cỏ lùng trong ruộng lúa của Chúa? Ai là những người đang lỗi phạm giới răn yêu thương của Chúa? Biết đâu đang khi chúng ta xin Chúa nhổ cỏ lùng, thì Chúa lại ôn tồn nói với chúng ta: “Cỏ lùng đó, chính là con.” Như thế, việc trì hoãn, khoan nhượng của Chúa không chỉ là một ân huệ cho ai khác, nhưng trước tiên là hồng ân cho chính cuộc đời của chúng ta khi chúng ta chưa biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương. Từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta hiểu thêm rằng: Giáo Hội của Chúa luôn có cỏ lùng trong ruộng lúa và cũng luôn có lúa mì trong cỏ lùng.  

1. Cỏ lùng trong ruộng lúa

Cỏ lùng trong ruộng lúa là hình ảnh của một Giáo Hội luôn có các thánh và những người tội lỗi sống chung. Mặc dầu Giáo Hội luôn ước mong rằng: tất cả mọi tín hữu đều là những người tốt lành, nhiệt thành, tận tụy. Nhưng trong thực tế, Giáo Hội của Chúa Giêsu là một Giáo Hội mở ra cho tất cả mọi người, trong đó các thánh nhân là những người yêu thương các tội nhân. Mặc dầu  những người tội lỗi trong Giáo Hội là một vấn đề lớn trong cả Giáo Hội sơ khai và hiện nay, khiến nhiều người bức xúc muốn loại bỏ những người tội lỗi ra khỏi Giáo Hội, nhưng Giáo Hội không thể có chọn lựa nào khác hơn là bước theo đời sống của Đức Giêsu Kitô. Người  không loại trừ người có tội mà còn đón tiếp và đến nhà dùng bữa tối với họ. Người tuyên bố rằng Người đến không phải để gọi người công chính nhưng để gọi người tội lỗi ăn năn. Do đó dụ ngôn về một thửa ruộng trong đó lúa mì và cỏ lùng mọc chung với nhau cho đến mùa gặt là một minh họa cụ thể về lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. 

2. Lúa mì trong cỏ lùng

Đời sống con người rất phức tạp, chúng ta không thể phân loại người tốt ra khỏi người xấu một cách chính xác vì quá khứ của một thánh nhân có thể là một người tội lỗi và tương lai của người tội lỗi có thể là một thánh nhân. Thực ra, tất cả những ai tin vào danh của Đức Giêsu đều trở nên con Thiên Chúa; khi đó có thể là giây phút cuối đời của họ. Một điều chắc chắn là nơi trái tim mỗi người đều có cả điều tốt và điều xấu. Một người được gọi là tốt vẫn có thể còn có những thái độ giận hờn, tự mãn, khinh suất, ghen tị, kết án người khác; trong khi những người bị gọi là tội lỗi nhiều khi lại có tâm trạng thống hối, lòng trắc ẩn và tinh thần hy sinh giúp đỡ người khác. Đó là lý do tại sao Chúa không loại bỏ Phêrô mặc dầu ông đã chối Chúa. Tuy Chúa thấy những cỏ lùng rất lớn nơi đời sống của ông nhưng Người cũng thấy cả lúa mì trong đó nữa. Đặc biệt, trong tình yêu cảm thông tha thứ của Chúa, lúa mì sẽ mọc nhanh thay thế chỗ của cỏ lùng. Cũng như thánh Phêrô, nơi đời sống của mỗi người, Chúa Giêsu luôn nhìn thấy tiềm năng tốt lành của hạt lúa Người đã gieo trong chúng ta, và Người luôn cho chúng ta cơ hội để tựa nương và tình thương và quyền năng biến đổi của Người.

3. Bài học thực hành

Nếu ai trong chúng ta có một người hàng xóm khó nết, hay một người bạn đời vô trách nhiệm, hoặc một người mẹ chồng lẩm cẩm nói không thật lời, chúng ta sẽ cư xử thế nào? Hay nếu chúng ta phải sống chung với một người con dâu thiếu đức hạnh, hoặc những người con, cháu không đáp ứng sự mong chờ của mình, chúng ta sẽ có thái độ nào? Chắc chắn là chúng ta rất buồn. Nhưng nếu chúng ta chỉ ngồi đó mà than thân trách phận hay cầu mong họ biến đi khỏi cuộc đời mình thì chúng ta không xứng đáng là môn đệ đích thực của Đức Kitô, Đấng Cứu Độ đã sống thân tình với những người tội lỗi và chinh phục họ bằng lòng nhân hậu, thương xót vô biên của Người.

Quả thực, chúng ta không thể có tình yêu nhân hậu như Đức Kitô, nhưng nếu chúng ta hiện diện trước nhan Chúa, trong thinh lặng của tâm hồn, bình tĩnh kiểm thảo đời sống dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ nhận ra mình đang được bao phủ bởi lòng thương xót của Thiên Chúa suốt cả cuộc đời. Hy vọng, chính kinh nghiệm đó sẽ dạy chúng ta biết cảm thông, tha thứ và khoan dung trước những lỗi lầm của tha nhân và chinh phục họ trở về nhờ quyền năng của Thánh Thần.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã nhẫn nại chờ đợi sự biến đổi chậm chạp của mỗi người chúng con. Khi chúng con là cỏ lùng qua lối sống ích kỷ hẹp hòi, Chúa đã không loại bỏ; trái lại, Chúa đã cảm hóa, đổi mới con tim chúng con biết sống yêu thương để trở thành lúa tốt trong cánh đồng của Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết cảm thông tha thứ và kiên nhẫn với những lỗi lầm của anh chị em chúng con. Amen.

 Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh

Từ khóa » Cây Cỏ Lùng