Ai Là Kẻ Chống Lại Loài Người? - Báo Bình Phước

BPO - Có rất nhiều định nghĩa về tội ác chống lại loài người, nhưng có thể hiểu một cách chung nhất: Tội ác chống lại loài người là bất kỳ hành động cụ thể nào tạo thành một phần của cuộc tấn công nghiêm trọng vào nhân phẩm hay làm nhục hoặc xuống cấp nghiêm trọng một hoặc nhiều con người. Những hành vi vi phạm này không phải là riêng lẻ hoặc lẻ tẻ, mà là một phần chính sách của chính phủ hoặc chính phủ dung túng hoặc phớt lờ những sự việc xảy ra. Việc ngược đãi con người dựa trên văn hóa, chủng tộc, tôn giáo hoặc niềm tin chính trị của họ cũng cấu thành tội ác chống lại loài người.

Chúng ta còn nhớ năm 2006, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị thi hành án tử hình vì bị cáo buộc giết chết 148 người Hồi giáo Shia tại Dejail vào năm 1982. Nhưng trước đó, ngày 5-2-2003, tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ - ông Colin Powell đã giơ trên tay 1 lọ thuốc chữa bệnh than (nhiều nguồn tin cho rằng đó là... lọ muối) với lời khẳng định đanh thép rằng đây là “bằng chứng về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt” được CIA thu giữ từ quốc gia Trung Đông này. Hành động của Ngoại trưởng Mỹ đã khiến nhiều cường quốc trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí về việc tấn công quân sự, lật đổ chế độ độc tài của Saddam Hussein tại Iraq, mặc kệ những lời tố cáo về lời nói dối trắng trợn này từ phía Iraq cũng như nhiều quốc gia khác. Chỉ 1 tháng sau lời phát biểu của Ngoại trưởng Colin Powell, Mỹ đã đứng đầu liên quân tấn công vào Iraq với chiến dịch quân sự lớn chưa từng có trong thế kỷ 21. Cuộc chiến tranh Iraq đã gây ra thương vong cho hàng trăm ngàn người dân thường vô tội của quốc gia này, gián tiếp dẫn tới sự ra đời của tổ chức khủng bố IS. Tuy nhiên, vũ khí hóa học hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa bao giờ được tìm thấy ở Iraq suốt hàng chục năm quân Mỹ đồn trú tại đây. Khoảng 1 năm sau khi cuộc chiến bắt đầu, ông Colin Powell cho biết, thông tin ông có lúc đó là sai lầm và bài diễn thuyết hùng hồn của mình tại Liên hợp quốc là không chính xác, ông xin từ chức và về hưu một cách không thể an toàn hơn được.

Mới đây vào ngày 17-9, quân đội Mỹ thừa nhận cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái ở Afghanistan ngày 29-8, giết chết 10 dân thường, trong đó có 7 trẻ em là “sai lầm bi thảm”. Người đứng đầu Bộ chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ, tướng Frank McKenzie gửi lời “chia buồn sâu sắc” tới gia đình các nạn nhân; đồng thời nhấn mạnh, cuộc tấn công được thực hiện với “niềm tin thiết tha” rằng, nó sẽ ngăn chặn được mối đe dọa sắp xảy ra đối với lực lượng Mỹ đang hỗ trợ người dân di tản ở sân bay quốc tế ở Kabul, Afghanistan. “Cuộc điều tra của chúng tôi hiện đã kết luận, cuộc tấn công là một sai lầm bi thảm và tôi chân thành xin lỗi. Với tư cách là một chỉ huy chiến đấu, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc tấn công và kết cục bi thảm này” - tướng McKenzie nói. Không biết cái gọi là “chịu trách nhiệm” này của tướng McKenzie là gì, hay chỉ nói vậy để trấn an dư luận quốc tế đang chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Mỹ. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ xảy ra tại Afghanistan, nơi mà hằng năm có hàng trăm dân thường vô tội thiệt mạng trong các cuộc tấn công của lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh.

Với Mỹ, việc quân đội giết hại dân thường vô tội ở các nước mà Mỹ hiện diện là quá đỗi bình thường. Hằng năm, trong báo cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đều thừa nhận việc này và tất nhiên con số công bố thấp hơn nhiều so với con số thương vong thực tế. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn thì chúng ta chỉ cần lên Google gõ cụm từ “dân thường bị thiệt mạng bởi quân đội Mỹ” sẽ cho ra hàng ngàn kết quả khác nhau, với số liệu rất đau thương ở những đất nước mà quân đội Mỹ hiện diện.

Tự cho mình cái quyền lãnh đạo thế giới, đóng vai là “người phán xử”, quân đội Mỹ cho mình cái quyền miễn trừ trách nhiệm khi ai đó vô tội ngã dưới họng súng của họ, nhưng lại sử dụng nó như một quyền năng, một cái cớ để can thiệp, lật đổ bất kỳ chính quyền, quân đội nào mà họ muốn. So sánh Mỹ như “người phán xử” trong trường hợp này quả không sai. Vì để leo lên được vị trí “người phán xử”, chính quyền Mỹ đã sẵn sàng “xử đẹp” những người ngáng đường và khi có được vị trí phán xử rồi thì lại rất thích nói chuyện đạo lý và luật pháp, nhưng là thứ luật do Mỹ đề ra.

Thế nên, điều buồn cười là Pol Pot và chế độ diệt chủng Khmer đỏ ở Campuchia lại chưa từng bị nhắc tới tội danh tội ác chống lại loài người (một chế độ đã giết hại gần 3 triệu người dân vô tội Campuchia, hơn 5.000 người dân Việt Nam) chỉ vì Mỹ lỡ đỡ đầu cho chế độ này chống phá Việt Nam. Điều này được khẳng định vào tháng 5-2015, The Phnom Penh Post đăng bài báo có tựa đề: “The Pol Pot dilemma”, cho thấy ai từng hà hơi tiếp sức cho Pol Pot, ngoài thế lực đứng sau mà nhiều người đã biết. Bài báo chỉ rõ một kho tư liệu hơn 500.000 bức điện tín ngoại giao Mỹ từ năm 1978 do WikiLeaks công bố, cho thấy Mỹ ủng hộ Khmer đỏ! Thực tế chỉ rõ Mỹ (Tổng thống J. Carter) đã hơn 10 năm ủng hộ Pol Pot, trong đó chỉ trong 6 năm, từ 1980-1986, Mỹ đã tài trợ cho Pol Pot gần 85 triệu USD.

Với những cuộc chiến lớn, nhỏ liên miên do Mỹ trực tiếp thực hiện hay việc hậu thuẫn cho các phe phái, các tổ chức vũ trang gây ra những xung đột, nội chiến ở một số quốc gia mà các đời Tổng thống Mỹ đã làm thì đã có hàng ngàn người dân vô tội thiệt mạng vì những cuộc chiến đó, với cách tiếp cận định nghĩa về tội ác chống lại loài người, có khi nào các bạn đặt câu hỏi: Ai mới là kẻ chống lại loài người?

Lê Đô

Từ khóa » Tội Chống Lại Loài Người