Ai Là Tác Nhân Khiến Sri Lanka Vỡ Nợ? - PLO

Ông R Ramakumar - GS Kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội Tata, Ấn Độ - cho biết Sri Lanka đang rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từng thấy. Nước này vừa tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên kể từ khi giành được độc lập.

Theo tờ The Conversation, 22 triệu dân của đất nước hiện đang đối mặt tình trạng mất điện kéo dài đến 12 giờ và tình trạng khan hiếm nghiêm trọng thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác, chẳng hạn như thuốc men.

Nước này phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu bao gồm xăng dầu, thực phẩm và thuốc men. Tình trạng thiếu ngoại hối ở Sri Lanka đang được cho là nguyên nhân dẫn đến giá cao ngất ngưởng.

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài lấy nhiên liệu. Ảnh: AFP

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài lấy nhiên liệu. Ảnh: AFP

“Ngoại giao bẫy nợ” của TQ là nguyên nhân khiến Sri Lanka khủng hoảng?

Nhiều người tin rằng quan hệ kinh tế của Sri Lanka với Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng. Mỹ đã gọi hiện tượng này là “ngoại giao bẫy nợ”.

Thuật ngữ này đề cập việc một quốc gia hoặc tổ chức chủ nợ cung cấp các khoản vay khổng lồ cho quốc gia đi vay để tạo đòn bẩy chính trị. Các quốc gia đi vay sẽ dễ bị chi phối trước chủ nợ nếu không có khả năng chi trả.

Tuy nhiên, theo ông Ramakumar, các khoản vay từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka vào năm 2020. Phần lớn nhất - khoảng 30% - có thể là do trái phiếu quốc tế, và Nhật thực tế còn chiếm tỉ trọng cao hơn trong nợ nước ngoài của nước này, ở mức 11%.

Các vụ vỡ nợ đối với các khoản vay liên quan đến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dành cho Sri Lanka, đặc biệt là khoản tài trợ cho cảng Hambantota, đang được coi là yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, chúng dường như không hợp lý. Ngân hàng Exim Trung Quốc đã tài trợ cho Sri Lanka xây dựng cảng Hambantota. Giữa lúc hoạt động thua lỗ, Sri Lanka đã cho Tập đoàn Thương gia Trung Quốc thuê lại cảng trong 99 năm và tập đoàn này đã trả cho Sri Lanka 1,12 tỉ USD. Điều này cho thấy sự thua lỗ của cảng Hambantota không dẫn đến khủng hoảng cán cân thanh toán mà còn tăng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka thêm 1,12 tỉ USD.

Vậy những lý do thực sự của cuộc khủng hoảng là gì?

Các khoản vay có điều kiện của IMF

Sau khi độc lập từ người Anh vào năm 1948, ngành nông nghiệp của Sri Lanka chủ yếu tập trung vào các cây trồng xuất khẩu như chè, cà phê, cao su và các loại cây gia vị. Phần lớn GDP của dất nước dựa vào lượng ngoại hối thu được từ việc xuất khẩu các loại cây trồng nói trên. Số tiền này được dùng để nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Trong những năm qua, Ski Lanka cũng bắt đầu xuất khẩu hàng may mặc và kiếm ngoại hối từ du lịch và kiều hối. Bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu sẽ là một cú sốc kinh tế và khiến dự trữ ngoại hối rơi vào tình trạng căng thẳng.

Vì lý do này, Sri Lanka thường xuyên gặp phải khủng hoảng cán cân thanh toán. Từ năm 1965 trở đi, nước này đã nhận 16 khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Mỗi khoản vay này đều đi kèm với các điều kiện “khó nhằn”, chẳng hạn như một khi Sri Lanka nhận được khoản vay, nước này phải giảm thâm hụt ngân sách, duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm trợ cấp lương thực của chính phủ cho người dân Sri Lanka và giảm giá đồng tiền (vì vậy xuất khẩu sẽ trở nên khả thi hơn).

Tuy nhiên, thông thường, trong những giai đoạn kinh tế suy thoái, một chính sách tài khóa tốt yêu cầu các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn để kích thích nền kinh tế. Điều này khiến các điều kiện của IMF đối với Sri Lanka trở nên bất khả thi. Tuy vậy, nước này vẫn tiếp tục nhận các khoản cho vay của IMF, khiến nền kinh tế Sri Lanka “nợ chồng thêm nợ”.

Khoản vay gần đây nhất của IMF dành cho Sri Lanka là vào năm 2016. Nước này đã nhận được 1,5 tỉ USD trong ba năm từ 2016 đến 2019 kèm với những điều kiện tương tự. Theo đó, nền kinh tế Sri Lanka liên tục suy giảm trong giai đoạn này, tăng trưởng, đầu tư, tiết kiệm và doanh thu lao dốc, trong khi gánh nặng nợ nần ngày một tăng lên.

Sai lầm nghiêm trọng của chính phủ

Tình trạng vốn đã không “sáng sủa” nay lại càng tệ hơn khi nước này đối mặt với hai cú sốc kinh tế vào năm 2019. Đầu tiên là một loạt vụ nổ bom tại các nhà thờ và khách sạn cao cấp ở Colombo vào tháng 4-2019. Các vụ nổ khiến lượng khách du lịch đến Sri Lanka giảm mạnh, một số báo cáo cho thấy mức sụt giảm lên đến 80%, và dự trữ ngoại hối cạn kiệt.

Thứ hai là việc chính phủ mới dưới thời Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã cắt giảm thuế một cách phi lý. Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được cắt giảm từ 15% xuống còn 8%. Các loại thuế gián thu khác như thuế xây dựng quốc gia, thuế trả công và phí dịch vụ kinh tế đều bị bãi bỏ. Thuế suất thuế doanh nghiệp giảm từ 28% xuống 24%. Khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội bị thất thu do các đợt cắt giảm thuế này.

Vào tháng 4-2021, một tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Sri Lanka, chính quyền ông Rajapaksa lại mắc một sai lầm nghiêm trọng khác. Để ngăn chặn việc cạn kiệt dự trữ ngoại hối, chính quyền ông Rajapaksa đã cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu phân bón.

Sri Lanka là quốc gia hoàn toàn dựa vào nông nghiệp nên chính sách này (được rút lại vào tháng 11-2021) đã khiến sản xuất nông nghiệp trong nước giảm mạnh và nhu cầu nhập khẩu lương thực lại tăng cao.

Dự trữ ngoại hối trong thời gian này vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Năng suất chè và cao su giảm do lệnh cấm phân bón khiến thu nhập từ xuất khẩu giảm, theo đó dẫn đến việc không đủ tiền nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước và tình trạng thiếu lương thực đã phát sinh.

Do nguồn cung thực phẩm và một số mặt hàng khan hiếm, nhưng nhu cầu không giảm, khiến giá những mặt hàng này ngày càng tăng cao. Vào tháng 2 năm nay, lạm phát ở Sri Lanka đã tăng đến mức 17,5%. Nếu như trước đây 1 kg gạo có giá khoảng 80 rupee Sri Lanka (0,25 USD) thì giờ đây đã tăng lên 500 rupee (1,56 USD).

Theo GS Ramakumar, Sri Lanka rất có thể sẽ nhận khoản vay thứ 17 của IMF để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Ông nhận định rằng khoản vay mới chắc chắn sẽ đi kèm với các điều kiện mới. Theo đó, chính phủ Sri Lanka sẽ phải ban hành chính sách tài khóa mới giúp giảm phát trong nước. Theo GS, điều này sẽ hạn chế hơn nữa triển vọng phục hồi kinh tế và làm trầm trọng thêm những đau khổ của người dân Sri Lanka.

Sri Lanka: Sau vỡ nợ là nguy cơ bên bờ vực

Sri Lanka: Sau vỡ nợ là nguy cơ bên bờ vực

DƯƠNG KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Việt Nam Dính Bẫy Nợ Trung Quốc