Ai Lợi Nhất Sau Trận Chiến Waterloo? | Vương Thủy Hoàng

Vào 11 giờ trưa ngày 18/6/1815, tại vùng ngoại vi Brussels – Bỉ, ba phát đại bác nổ, mở màn cho trận Waterloo, một trận chiến quyết định thắng bại trong toàn bộ sự nghiệp của Napoleon – Hoàng đế Pháp trước liên quân Anh – Phổ.

Đầu tháng 6, Napoleon chỉ mới tập kết được hơn 125.000 binh mã, còn liên minh châu Âu có tới 1.000.000 quân, trong đó 300.000 quân Anh – Phổ trực tiếp đối mặt, 500.000 quân Nga – Áo đang trên đường đến biên giới Pháp.

Mặc dù, chiến đấu rất dũng cảm trong suốt 8 tiếng đồng hồ ở Waterloo, nơi địa hình thực chất bất lợi cho quân Pháp, trong điều kiện cả 2 bên đã sức cùng lực kiệt, đến thời điểm hơn 8 giờ tối, quân Anh lại có thêm viện binh của quân Phổ, quân Pháp không còn cách nào khác, buộc phải rút lui. Trên đường rút, Napoleon đã 7 lần tái chiến nhưng đều thất bại.

*

Sau 15 năm nhiếp chính, sau 5 lần chiến thắng liên minh châu Âu, đến Waterloo, Napoleon đã thất bại. Thiên tài quân sự nước Pháp đã thất bại. Trận Waterloo lừng danh đã đi vào lịch sử chiến tranh. Nhưng nước Anh, cũng như Công tước Wellington – người chỉ huy quân Anh nhiều lần thất bại dưới tay Napoleon, đến Waterloo mới lấy lại được danh tiếng, lợi lộc và chiến thắng.

… Nhưng chỉ hơn 24 giờ sau trận Waterloo, nước Anh cũng như châu Âu mới biết ai là người “thắng” lớn nhất – không mất một người lính, một viên đạn, một giọt máu: đó là Nathan Rothschild, người con thứ ba, người gan dạ thông minh nhất trong 5 anh em thuộc gia tộc Do Thái Rothschild, một trong những ông trùm ngân hàng nổi tiếng tại London, kể từ năm 1815.

*

Cuộc chiến tranh châu Âu qua trận Waterloo là một cuộc chiến tranh quan hệ đến số phận và tiền đồ của toàn châu Âu.

Về mặt chính trị, nếu như chung cuộc Napoleon thắng lợi thì nước Pháp sẽ ở vào vị thế bá chủ. Còn nếu Wellington đánh bại quân Pháp thì nước Anh sẽ ở vào thế cân bằng chiến lược của một nước lớn chủ đạo của châu lục này.

Về mặt tài chính, tại thị trường cổ phiếu London, nếu Anh thất bại, giá trái phiếu của xứ sở sương mù sẽ rơi xuống tận đáy; ngược lại, nếu thắng, trái phiếu nước Anh sẽ tăng ngút trời xanh! Vì vậy, Waterloo không chỉ là trận quyết đấu sinh tử giữa hai lực lượng hùng binh, mà còn là canh bạc lớn của hàng vạn nhà đầu tư. Kẻ thắng sẽ giàu có vô biên, kẻ thua sẽ trắng tay mất nghiệp.

Các nhà quan sát nói rằng không khí trên thị trường giao dịch cổ phiếu London lúc bấy giờ căng thẳng đến cực điểm; tất cả mọi người đều chờ đợi kết quả cuối cùng của trận Waterloo trong âu lo. Trước và ngay khi trận chiến ác liệt diễn ra, các gián điệp của Rothschild đã hết sức thu thập thông tin tình báo.

Quân Pháp tấn công quân Anh ở pháo đài Hougoumont, 1815. Nguồn: wikipedia.org.

Đến chạng vạng tối ngày 18, tận mắt chứng kiến tình hình chiến sự, biết kết cục thất bại của Napoleon đã an bài, Rothworth, một nhân viên chuyển thư nhanh của Rothschild mang theo bản tin chiến sự đã lao lên xe ngựa chạy với tốc độ phi mã về hướng Bruxells (Bỉ), sau đó chuyển hướng về cảng Oostende. Nhảy lên chuyến thuyền Rothschild tốc hành với giấy thông hành đặc biệt, ngay trong đêm giữa sóng to gió lớn, được một thủy thủ giúp vượt eo biển Anh với giá 2.000 phơ-răng, đến sáng ngày 19, Rothwort đã đến được bờ bên kia Folkestone. Đích thân Nathan đã đứng đợi anh ta, tức tốc xé thư, lướt nhanh qua dòng tít của bản tin chiến sự rồi giục ngựa lao thẳng về phía Sở Giao dịch chứng khoán London.

Khi Nathan tiến vào Đại sảnh – người được xem là “trụ cột của Rothschild”, bước chậm rãi về phía ghế chủ tọa, mọi người đều đem tất cả sự giàu sang vinh nhục của mình ký thác vào ánh mắt của ông ta. Im lặng trong giây lát, Nathan liếc mắt ra hiệu cho các nhà đầu tư cổ phiếu của gia tộc Rothschild đang đứng chờ bên cạnh; mọi người ngay lập tức ùa về phía quầy giao dịch, bắt đầu bán tống bán tháo công trái Anh.

Giá công trái bắt đầu tuột dốc, tạo nên một cơn sóng trượt giá, cơn sau mạnh hơn cơn trước, báo hiệu một sự sụp đổ hoàn toàn. Lúc này, có người đã thét lên: “Rothschild đã biết rồi!”, “Wellington đã thất bại!”. Trong lúc hoảng loạn mất hết lí trí, người nọ bắt chước người kia, bán đổ bán tháo những trái phiếu tưởng như đã mất hết giá trị. Chỉ sau mấy giờ, trái phiếu của Anh đã chất thành đống như đống rác; giá trị mệnh giá công trái chỉ còn 5%.

Nathan lúc này vẫn ngồi thản nhiên quan sát tất cả những diễn biến xảy ra. Ông ta liếc nhẹ ánh mắt về những nhà đầu tư cổ phiếu – cái liếc mắt mà nếu không trải qua huấn luyện lâu dài thì không ai có thể hiểu được. Ngay lập tức, các nhà đầu tư cổ phiếu ập đến các quầy giao dịch, mua vào bằng hết những công trái Anh đã có trên sàn.

11 giờ đêm ngày 21/6, Henry Perey – người đưa tin của Công tước Wellington cũng về tới London. Tin cho hay Wellington đã thắng, đại quân của Napoleon đã thua sau 8 giờ chiến đấu, tổn thất một phần ba quân số; nước Pháp đã bại vong!

Tin tức này đã chậm hơn một ngày so với tin tình báo của Nathan! Và trong một ngày này, theo các nhà thống kê tài chính cùng thời, Nathan đã kiếm được một lượng tiền nhiều gấp 20 lần so với tổng số của cải mà Napoleon và Wellington có được từ mấy chục năm chinh chiến!

(Tổng hợp & lược thuật từ Chiến tranh tiền tệ – NXB Trẻ 2009 và Tôn tử binh pháp 36 mưu kế – NXB Văn hóa Thông tin 2009)

HOÀNG KIM BẢO

Share this:

  • Facebook
  • X
Like Loading...

Từ khóa » Tái Chiến Wordpress