Ai Muốn Làm “cừu đen”? - Báo Bình Phước

“Cừu đen” và ngụy quân tử

Anh là một người có học. Đã có đôi lần tôi gặp anh trong những cuộc cà phê, tán gẫu cùng bạn bè làm báo, viết văn. Sau một số bài viết kiểu “chém gió” trên Facebook nhận được nhiều lượt thích, bình luận, anh nổi hứng viết rất hăng. Cách viết của anh là bám vào những vấn đề được truyền thông phản ánh rồi săm soi những chi tiết bất cập, hạn chế, bới móc, nói ngược. Muốn chứng tỏ cho mọi người thấy bản thân là người có kiến thức xã hội sâu rộng, lĩnh vực gì anh cũng viết. Các bài viết của anh nhận được sự tán dương của không ít người có tư tưởng cực đoan, bất mãn. Họ cổ xúy anh sưu tầm, cóp nhặt thông tin, gán ghép viết bài, sử dụng ngôn ngữ chỉ trích, phê phán, quy kết chính quyền yếu kém trong điều hành, tổ chức chống dịch, gây hoang mang dư luận…

Thấy anh sa đà vào những chuyện tiêu cực, chúng tôi góp ý thì anh bao biện: “Tôi phản biện cũng là cách để thúc đẩy phát triển”. Rồi anh liên hệ câu chuyện ngụ ngôn về con cừu đen. Chuyện là, trong đàn cừu trắng, sự hiện diện của một con cừu đen làm người chăn cừu rất khó chịu. Anh ta muốn giết quách con cừu đen cho xong. Thế rồi ngày nọ, mưa tuyết phủ khắp thảo nguyên. Cả đàn cừu bị tuyết phủ trắng khiến người chăn cừu vô cùng lo lắng, sợ bị lạc đàn cừu giữa thảo nguyên mênh mông. Rất may, con cừu màu đen đã giúp người chăn cừu nhận ra vị trí đàn cừu. Từ đó, anh ta mới biết trân quý giá trị của sự khác biệt… “Tôi là cừu đen. Tôi muốn tạo sự khác biệt” - anh nói và vẫn tiếp tục với suy nghĩ, hành động lệch lạc của mình.

Chuyện tương tự như vậy đã và đang diễn ra, tồn tại không hiếm trong đời sống xã hội. Người thì muốn chứng tỏ bản thân. Người thì sợ bị công chúng lãng quên, tìm cách hâm nóng tên tuổi. Cũng không ít người có tư tưởng trục lợi, “đục nước béo cò”, lợi dụng tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh để mưu cầu lợi ích cá nhân… Dù diễn ra ở đâu và cấp độ nào thì những cách thể hiện cái “tôi” cá nhân cực đoan, đi ngược với lợi ích chung đều là biểu hiện của kiểu ngụy quân tử, ngụy hàn lâm. Đó chính là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nguy hại khôn lường.

Nhận diện và dự báo tính nguy hại của những biểu hiện nêu trên là vô cùng cần thiết. Bởi khi có tư tưởng cực đoan, bất mãn bộc lộ trong đời sống xã hội, nhất là trong giới trí thức, họ sẽ nhanh chóng trở thành mục tiêu lợi dụng của các thế lực thù địch. Từ những bài viết “chém gió”, dần dần họ bị lôi kéo, biến thành con rối trong tay các thế lực thù địch lúc nào không hay. Thực tế cho thấy, nhiều người trước đây từng cống hiến trong hệ thống chính trị đã nhanh chóng “đổi màu”, trở thành cái loa phát ngôn, tuyên truyền luận điệu xuyên tạc, chống phá của tổ chức khủng bố Việt Tân và các thế lực thù địch. Họ được các thế lực thù địch gán cho các danh xưng tự phong như: “Nhà bất đồng chính kiến”, “Nhà phản biện xã hội”, “Nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “Nhà hoạt động”, “Nhà dân oan”…

Đừng xát muối, đắp thuốc độc vào vết thương

Tình trạng tin giả, thông tin xấu, độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thời gian qua cho thấy, vai trò của các “nhà tự xưng” như trên và những thành phần bất mãn, chống đối trong đời sống xã hội không phải là ít. Cách họ thể hiện thái độ trên không gian mạng kiểu ám chỉ, chính là công cụ cho các thế lực thù địch thực hiện mưu đồ chính trị.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã điều hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân đến TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch. Sự có mặt của đội ngũ Bộ đội Cụ Hồ đã làm thay đổi căn bản tình hình chống dịch. An ninh trật tự ổn định, công tác tuần tra, kiểm soát đi vào nền nếp chính quy. Việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh cho người dân được đảm bảo với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bằng thái độ ân cần, vì nhân dân phục vụ. Hình ảnh những người lính quân phong, quân kỷ chỉnh tề có mặt trên các cung đường, hẻm phố… đã mang đến bầu không khí ấm áp, an tâm, tin tưởng trong đại bộ phận nhân dân. Sắc màu quân phục trở thành cảm hứng chủ đạo trên truyền thông và mạng xã hội với vô số bài viết, dòng trạng thái, bình luận… dành tình cảm yêu thương, trân quý cho bộ đội. Đó là những minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò chủ lực, chủ yếu của quân đội trong nhiệm vụ giúp dân phòng, chống dịch.

Ánh mắt niềm tin của bộ đội Sư đoàn 309, Quân đoàn 4 trên đường vào TP. Hồ Chí Minh giúp dân chống dịch. Ảnh: LƯƠNG ANH

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, việc quân đội vào tâm dịch giúp dân, đảm nhiệm những công việc cụ thể, tỉ mỉ để chăm lo cho dân từ bữa ăn, giấc ngủ… là sự thể hiện sinh động bổn phận, trách nhiệm, bản chất tốt đẹp truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù gian lao khổ hạnh đến mấy, dân cần là bộ đội có mặt. Bởi, quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều là những đứa con thân yêu của mỗi nhà dân.

Bộ đội Sư đoàn 302, Quân khu 7 vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm đến từng nhà dân. Ảnh: KIM SÁNG

Vậy nhưng, ở những diễn biến theo chiều ngược lại, các phần tử cực đoan, bất mãn, có tư tưởng thù địch, đã tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận vai trò của quân đội, bóp méo, bôi đen hình ảnh bộ đội Cụ Hồ. Họ cố tình dàn dựng, cắt ghép hình ảnh theo kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” để lèo lái dư luận. Xin đơn cử một vài trường hợp: Họ lấy những hình ảnh chụp cảnh nhiều cán bộ, chiến sĩ nằm ngủ tập thể trong một hội trường rồi lu loa lên rằng, bộ đội bị “đày đọa” đến kiệt sức, không biết còn an toàn để quay về với gia đình nữa không? Tuy nhiên, sự thật là những bức ảnh đó được chụp tại cuộc cứu nạn ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong đợt lũ năm ngoái, hoàn toàn không liên quan đến Covid-19. Thậm chí, chỉ một bức ảnh có cán bộ chỉ huy, phóng viên, cán bộ địa phương cùng tham gia hoạt động tiếp tế lương thực cho dân, họ cũng vin cớ xuyên tạc nhiệm vụ chống dịch của quân đội chỉ là dàn cảnh để “diễn”...

Mỗi lời nói của người chỉ huy là một mệnh lệnh trong trái tim chiến sĩ. Ảnh: LƯƠNG ANH

Những chiêu trò ám chỉ, cắt ghép hình ảnh, thông tin, ngụy tạo chứng cứ, xuyên tạc, bóp méo hình ảnh các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đều nằm trong các kịch bản phá hoại cuộc chiến phòng, chống dịch, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ những chiêu trò xuyên tạc đó, chúng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông kích động, kêu gọi người dân biểu tình, bạo loạn. Tất cả đều trong lộ trình “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ”… đã được các thế lực thù địch vạch sẵn.

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, đời sống xã hội càng khó khăn thì các hình thức, thủ đoạn chống phá càng dồn dập, tinh vi. Đáng bàn là, không ít người đã bị mua chuộc, lôi kéo, dẫn dụ vào con đường phản nước, hại dân. Đến khi tỉnh ngộ thì đã muộn. Việc nhiều đối tượng ở các địa phương bị điều tra, khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến các hành vi tung tin giả, chống phá, gây rối… thời gian qua, tiếp tục là bài học cảnh tỉnh cho những ai đang theo vết xe đổ này.

Trong cơn mưa tuyết, rất cần có cừu đen. Nhưng với những kẻ khoác bộ da cừu màu đen để che đậy “lòng lang dạ sói” bên trong thì cần phải được nhận diện, đấu tranh để vạch mặt, loại bỏ. Điều này cần sự tỉnh táo của mọi công dân, mọi người dùng mạng xã hội với phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Bản chất của phản biện xã hội là để xây dựng, thúc đẩy phát triển. Lợi dụng phản biện để tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá đất nước thì cần phải nghiêm trị. Với những ai có tư tưởng lệch lạc, đã trót “nhúng chàm” hãy tỉnh ngộ. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thương tích cho đất nước. Nếu không giúp được gì cho đồng bào thì cũng đừng nghe theo kẻ xấu mà tiếp tay xát muối, đắp thuốc độc vào các vết thương trên cơ thể đất nước, đồng bào mình.

Từ khóa » Cừu đen 33