Albert Einstein Là Ai, Tiểu Sử Và Vì Sao Bộ Não Của ông Là Thước đo IQ

1. Tiểu sử Albert Einstein

Albert Einstein là ai mà được cả thế giới tôn sùng như một "người hùng" của nền khoa học hiện đại?

Nổi danh là người sở hữu "bộ não thiên tài", Einstein với lòng trung thành cho khoa học đã công hiến cho lịch sử nhân loại hàng loạt thành tựu mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, thời thơ ấu khác biệt của ông lại khiến nhiều người không thể tin nổi.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 1.

Albert Einstein được mệnh danh là người sở hữu "bộ não thiên tài". (Ảnh: Pinterest)

Sinh năm 1879 tại Đức, Einstein khiến gia đình vô cùng lo lắng khi bị bác sĩ nhận định là chậm phát triển do khả năng nói bị hạn chế. Sự bướng bỉnh và không theo rập khuôn của ông – những đặc điểm tính cách tạo nên một thiên tài – được bộc lộ khá sớm từ khi còn là đứa trẻ 5 tuổi.

Đam mê đối với khoa học của ông có lẽ đã được khơi dậy từ khi gia đình ông chuyển tới Munich để thành lập công ty kỹ thuật điện – môi trường lý tưởng để một đứa trẻ luôn tò mò như Einstein tiếp xúc với những kiến thức vật lý. Nhà khoa học từng cho biết có 2 thứ đã đưa ông đến với thế giới khoa học: Chiếc la bàn được bố tặng khi mới 5 tuổi và cuốn sách hình học ông đã đọc ngấu nghiến lúc 12 tuổi.

Việc học tập của Einstein bị gián đoạn do những thất bại liên tiếp của gia đình trong việc kinh doanh. Mãi năm 17 tuổi, ông đậu vào trường Đại học Bách khoa Zurich để đào tạo thành giáo viên toán học và vật lý.

Sau khi tốt nghiệp, ông có làm trợ lý kỹ thuật cho một văn phòng cấp bằng sáng chế Thụy Sĩ. Để có nhiều thời gian cho các công trình nghiên cứu khoa học của mình, ông cố gắng hoàn thành các công việc trong thời gian ngắn nhất.

Niềm đam mê và trung thành cho khoa học của Einstein là điều không thể chối cãi, tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân và gia đình của ông lại vấp phải nhiều bế tắc, nguyên nhân chính do sự "trăng hoa" và vô tâm của ông cho thành viên gia đình.

Cuộc đời Einstein khép lại vào năm 1955, thiên tài đã ra đi với đúng nguyện vọng cuối đời – không kéo dài sự sống một cách giả tạo.

Tuy nhiên, sau khi qua đời vài tiếng, bộ não của ông đã bị đánh cắp nhằm mục đích nghiên cứu mặc cho di nguyện hỏa táng của ông. Sau 30 năm, Harvey – người đã đánh cắp nó – đã cho rằng bộ não của ông khác với bình thường nên hoạt động cũng khác, nhưng đã bị các nhà nghiên cứu nhanh chóng bác bỏ.

2."Mực nước biển" đo trí thông minh nhân loại

Nếu mực nước biển được sử dụng như một "thước đo" cho chiều cao của vạn vật trên Trái Đất, thì IQ Einstein được xem là "mực nước biển" trong việc xác định trí thông minh của một người, đặc biệt là đối với những đứa trẻ thông minh thiên phú.

Dù trong quá khứ hay hiện tại, khi nói về một người có sức mạnh trí não đáng ngạc nhiên, con số IQ cụ thể không đủ tính thuyết phục hơn câu nói "sở hữu chỉ số IQ cao hơn Einstein", hay "có IQ ngang ngửa Einstein", đồng nghĩa với việc bạn chính là thiên tài nếu sở hữu IQ bằng hoặc cao hơn của nhà vật lý Albert Einstein.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 2.

Hình ảnh bộ não Einstein (Nguồn: Otis Historical Archives at the National Museum of Health and Medicine)

Có một sự thật thú vị đó là ông ấy chưa từng trải qua bất cứ bài kiểm tra trí não chính thức nào khi còn sống mặc dù những bài kiểm tra trí thông minh như vậy đã được áp dụng nhiều tại các trường học.

TIN LIÊN QUAN
  • Thomas Edison là ai, tiểu sử và 5 bí mật về cuộc đời thiên tài

Do đó, dựa theo các dữ liệu tiểu sử, các chuyên gia xác định IQ của ông năm trong khoảng 160 đến 180 – con số chỉ dành cho những thiên tài.

Những con số không thể hoàn toàn nói đúng về sự thông thái của một người, bởi các chỉ số IQ còn bị thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố khách quan cũng như bao quát được khả năng của người đó trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trí thông minh hơn người của Albert Einstein là sự thật không thể phủ nhận, nên ông chính là "mực nước biển" chính xác và cụ thể nhất cho một bộ não thiên tài.

3. Câu chuyện tình yêu của Albert Einstein

Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein nổi tiếng với lòng chung thủy vô điều kiện dành cho vật lý, nhưng trong đời sống cá nhân, ông lại là một người vô cùng trăng hoa với 2 cuộc hôn nhân tốn nhiều giấy mực.

Sau khi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Zurich năm 1896, Einstein có cơ hội quen biết người vợ đầu tiên của mình, Mileva Marić – một người phụ nữ thông minh và tài giỏi. Được xếp trong nhóm gồm 6 sinh viên, thay vì cạnh tranh với nhau, cả hai đã trở nên thân thiết và hỗ trợ nhau trong việc học tập.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 4.

Einstein và Mileva Marić (Nguồn: PictureLux/The Hollywood Archive/Alamy)

Tuy nhiên, sự nghiệp của Mileva Marić bị gián đoạn do cô có thai với Einstein năm 1901 và cả hai đi tới hôn nhân 1 năm sau đó bất chấp sự phản đối từ gia đình ông. Được sự hậu thuẫn đắc lực của người vợ trong cả chuyện gia đình và nghiên cứu, sự nghiệp của nhà vật lý Einstein có nhiều biến chuyển tích cực, tiêu biểu là phát minh ra Thuyết tương đối.

Có một cuộc sống lý tưởng, thế nhưng thói trăng hoa của Einstein vẫn tiếp diễn với những bức thư gửi cho những người tình của mình, thậm chí, ông còn tìm tới cô em họ của mình - Elsa Loewenthal – để phàn nàn về tính kiểm soát và ghen tuông của vợ mình.

Cuối cùng cuộc hôn nhân của Einstein đi tới hồi kết khi họ chính thức ly hôn vào năm 1914. Sau khi kết hôn với Elsa vào năm 1919, chuyến phiêu lưu tình cảm của ông vẫn tiếp diễn với nhiều mối quan hệ ngoài luồng.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 5.

Einstein và người vợ thứ hai - Elsa Loewenthal (Ảnh minh họa)

Xét về khía cạnh tình cảm, Einstein rõ ràng có niềm thích thú với thứ ngày nay được gọi là tình cảm tự do. Dẫu vậy, sự chung thủy một lòng của ông dành cho khoa học và vật lý là điều khó có thể thay đổi.

4. Phát minh vĩ đại của thiên tài Albert Einstein

Được tạp chí Times xướng tên là "Person of the Century" – Con người của thế kỷ, nhà vật lý Albert Einstein cùng những thành tựu vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của người thường, tiêu biểu là thuyết tương đối của Einstein, đã khiến "cục diện" nền khoa học nhân loại có "sự chuyển mình" vượt bậc.

4.1. Thuyết tương đối hẹp

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 6.

Thuyết tương đối hẹp của Einstein có tầm ảnh hưởng lớn tới khoa học nhân loại (Ảnh minh họa)

TIN LIÊN QUAN
  • Leonardo da Vinci là ai, tiểu sử: Bí ẩn người họa sĩ phát minh dù bay

Một trong những thành tựu sớm nhất và có tầm ảnh hưởng nhất thời đại của Einstein là thuyết tương đối hẹp – được công bố năm 1905 thông qua một bài báo. Công trình nghiên cứu này của ông cho thấy mối quan hệ giữa không – thời gian và các hiện tượng liên quan, qua đó thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của nhà khoa học về không gian và thời gian.

Sự ra đời của thuyết tương đối hẹp đã đem đến những đổi thay lớn cho nhân loại thông qua các ứng dụng cho đời sống hàng ngày, nổi bật là hệ thống định vị toàn cầu GPS hay nam châm điện.

4.2. Định luật năng lượng và khối lượng E = mc2

Một trong những ngã rẽ bất ngờ mang tính "Biểu tượng văn hóa" trong quá trình nghiên cứu Thuyết tương đối hẹp là phương trình E = mc2. Đây là một phương trình toán học được Einstein xây dựng nhằm thể hiện mối liên hệ giữa "vật chất và năng lượng

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 8.

E = mc2 là tiền đề cho sự xuất hiện của bom nguyên tử (Ảnh minh họa)

Chính phương trình này của ông cùng bức thư gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt là yếu tố gián tiếp cho sự xuất hiện của bom nguyên tử - vũ khí hủy diệt được sử dụng chống lại Nhật Bản trong Thế chiến II.

Công thức của Einstein đã đem đến một diện mạo mới cho nền khoa học nhân loại khi được áp dụng trong việc hình thành các lò phản ứng hạt nhân, hay là xác định tuổi của cổ vật bằng đồng vị phóng xạ Cacbon 14.

4.3. Thuyết tương đối tổng quát

Năm 1915, Einstein đã công bố công trình nghiên cứu khoa học của mình mang tên Thuyết tương đối tổng quát trước Viện hàn lâm khoa học Phổ, qua đó làm thay đổi nhận thức về không gian – thời gian và mở ra một cánh cửa tới vũ trụ cùng những khám phá thú vị về hố đen.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 9.

Hố đen là hệ quả của thuyết tương đối tổng quát (Ảnh minh họa)

Được xem là lý thuyết khoa học mang tính cách mạng nhất lịch sử, thuyết tương đối tổng quát giải thích thời gian và chuyển động tương đối như thế nào với quan sát viên. Một số hệ quả nổi bật liên quan tới thuyết này là hiểu sâu hơn quá trình hình thành và tiến hóa của vũ trụ, Big Bang, lỗ đen, hay sóng hấp dẫn.

4.4. Thuyết lượng tử ánh sáng

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 10.

Thuyết lượng tử ánh sáng giúp Einstein giành giải Nobel Vật lý 1921 (Ảnh minh họa)

Với công trình nghiên cứu này, nhà vật lý Einstein đã giúp các nhà khoa học biết được rằng cả ánh sáng và các vật chất đều bao gồm các hạt nhỏ có đặc tính giống như sóng liên kết. Ánh sáng bao gồm các hạt gọi là photon, và vật chất gồm các hạt electron, proton, neutron. Theo đó, hệ quả của lý thuyết này là hiệu ứng quang điện – tiền đề cho sự phát minh TV cùng các thiết bị có màn hình.

Thuyết lượng tử ánh sáng đã trở thành một thành tựu có ý nghĩa quan trọng đối với Einstein và giúp ông đạt được giải thưởng Nobel Vật lý năm 1921.

4.5. Bom nguyên tử

Thực tế, Einstein không hề trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu và chế tạo bom hạt nhân. Phần liên quan duy nhất trong cuộc chạy đua nghiên cứu các nguyên tố phóng xạ để tạo ra sự phân hạch hạt nhân trong giai đoạn đầu thế kỷ 20 chính là công thức E = mc2 của ông.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 11.

Bức thư Einstein gửi Tổng thống Mỹ (Ảnh minh họa)

TIN LIÊN QUAN
  • Tổng thống Theodore Roosevelt là ai và 8 kỳ tích lưu danh lịch sử Mỹ

Bức thư gửi cho vị Tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1939 và được Einstein phê duyệt chính là điểm liên quan thứ 2 của ông tới sự ra đời của bom nguyên tử - điều đã khiến ông hối hận nhất trong đời.

Bức thư nêu lên nguy cơ tạo nên một loại bom cực mạnh – thứ có thể phá hủy toàn bộ càng biển cùng một số vùng lân cận – trong quá trình nghiên cứu nguyên tố uranium. Hệ quả của bức thư này là những quả bom nguyên tử đầu tiên được chế tạo và sử dụng để chống lại Nhật Bản trong Thế chiến 2.

4.6. Tủ lạnh xanh

Tủ lạnh xanh là một phát minh thân thiện môi trường được thực hiện vào năm 1926 bởi ông cùng học trò của mình, Leo Szilard – nhà vật lý huyền thoại với phát minh về nguyên lý vận hành lò phản ứng hạt nhân. Với việc sử dụng butan, amoniac và nước, tủ lạnh xanh là một giải pháp thay thế thân thiện môi trường trong việc làm lạnh.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 13.

Tủ Tủ lạnh xanh của Einstein (Ảnh minh họa)

Phát minh đầy sáng tạo này đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1930 thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, và hiện đang được các nhà khoa học tích cực nghiên cứu và cải thiện với hy vọng có thể được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh nhu cầu về thiết bị làm lạnh tăng cao cũng như vấn đề bảo vệ môi trường đang được đề cao.

4.7. Sóng hấp dẫn

Kho tàng nghiên cứu khoa học của thiên tài Einstein đồ sộ đến mức các nhà khoa học vẫn đang miệt mài tìm hiểu chúng cho tới hiện tại. Năm 2016, các nhà khoa học Mỹ đã công bố phát hiện sóng hấp dẫn – một hệ quả của thuyết tương đối tổng quát.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 14.

Sóng hấp dẫn mở ra cánh cửa vào vũ trụ (Ảnh minh họa)

Việc phát hiện ra sóng hấp dẫn – những gợn sóng trong không gian – đã mở ra một kỷ nguyên mới cho khoa học nói chung và ngành thiên văn học nói riêng. Được Einstein tiên đoán trước cách đây hơn 100 năm, sóng hấp dẫn chính là chìa khóa giúp các nhà khoa học tìm thấy và hiểu sâu hơn về những đối tượng không phát ra ánh sáng.

5. Nhà hoạt động xã hội cho nhân quyền

Không chỉ là một nhà vật lý học thiên tài với những thành tựu nổi bật mang tầm quan trọng đối với lịch sử nhân loại, Albert Einstein còn tích cực đấu tranh cho hòa bình và nhân quyền với tư cách nhà hoạt động xã hội.

Albert Einstein là ai, tiểu sử và vì sao bộ não của ông là thước đo IQ - Ảnh 15.

Einstein gặp gỡ nhà lãnh đạo dân quyền Paul Robeson (Nguồn: Bettmann)

Sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ năm 1933, Einstein đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc nghiêm trọng của người Mỹ. Ông nhận ra các trường học, rạp chiếu phim và nhiều nơi công cộng khác đều bị tách biệt giữa người da màu và người da trắng. Do đó, ông đã trở thành người tiên phong trong phong trào đòi quyền lợi của người gốc Phi, cũng như phản đối nạn phân biệt chủng tộc.

Nỗ lực tiêu biểu nhất của Einstein trong việc đòi quyền công dân đã diễn ra năm 1946 – thời điểm bùng nổ làn sóng bạo lực chống người da đen tràn ngập khắp nước Mỹ. Tận dụng sự nổi tiếng quốc tế của mình, ông đã có bài phát biểu tại Đại học Lincoln ở bang Pennsylvania – ngôi trường dành cho người da đen - và thẳng thắn gọi nạn phân biệt chủng tộc là "căn bệnh của người da trắng".

Einstein cũng tình nguyện ra tòa làm chứng khi W.E.B. Du Bois – nhà sử học, xã hội học, người bảo vệ nhân quyền – bị chính phủ Mỹ truy tố là điệp viên năm 1951.

Không chỉ hoạt động cho dân quyền, Albert Einstein còn nhấn mạnh trách nhiệm của nhà khoa học trong cuộc đấu tranh ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông luôn tận dụng mọi cơ hội để lên án Chính phủ Mỹ trong việc độc quyền vũ khí hạt nhân, thậm chí còn lên đài truyền hình để cảnh báo mọi người về hậu quả khủng khiếp của loại vũ khí này.

Lời kêu gọi của một người có sức ảnh hưởng toàn cầu như ông đã dấy lên phong trào phản đối việc chế tạo và sử dụng bom tại Mỹ và thế giới.

6. Albert Einstein và những câu nói bất hủ

Bên cạnh những cống hiến cho nhân loại với tư cách một nhà khoa học, nhà vật lý lỗi lạc, Albert Einstein còn được biết đến là một triết gia có cho riêng mình những tư tưởng sống tiến bộ. Các câu nói của ông đều là những bài học ý nghĩa và mang tầm vóc. Cùng điểm qua một số câu nói của Einstein khiến ông trở thành một người vĩ đại.

- "Tôi không phải thiên tài đặc biệt, tôi chỉ là người luôn tò mò mà thôi".

- "Học từ ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, hy vọng cho ngày mai. Điều quan trọng là không ngừng đặt ra câu hỏi".

- "Quan niệm chung" thực tế chỉ là hàng loạt những định kiến được nhồi nhét vào đầu bạn từ trước khi bạn đủ 18 tuổi".

- "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là có hạn. Còn trí tưởng tượng bao quát toàn thế giới".

- "Mỗi người đều là thiên tài. Nhưng nếu đánh giá một con cá bằng khả năng trèo cây, nó sẽ sống cả đời với ý nghĩ mình thật ngu ngốc".

  • Nikola Tesla là ai: Tiểu sử, sự thật nhà khoa học từ chối giải Nobel

- "Nếu A là sự thành công trong cuộc sống, thì A bằng tổng của X, Y và Z. Trong đó, X là làm việc, Y là chơi, và Z là biết giữ miệng im lặng".

- "Hầu hết các giáo viên tốn thời gian vào những câu hỏi thăm dò học sinh của mình có điều gì không biết không, trong khi nghệ thuật đặt câu hỏi đích thực là tìm hiểu học sinh đã hiểu hoặc có thể hiểu những gì".

- "Cuộc sống giống như đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng, thì phải không ngừng chuyển động".

- "Tất cả tôn giáo, nghệ thuật và khoa học đều là những nhánh của một cái cây".

- "Những người chưa từng mắc sai lầm thì chưa bao giờ thử những điều mới mẻ".

- "Thước đo trí thông minh là khả năng thay đổi".

Những câu nói mang tính truyền cảm hứng cho thế hệ sau của Albert Einstein nhiều tới nỗi có thể tập hợp thành tuyển tập. Không chỉ để lại cho nhân loại các công trình nghiên cứu tuyệt vời, mỗi hành động và lời nói của ông đều có ảnh hưởng tích cực tới hòa bình và sự phát triển của thế hệ tương lai. Do đó, không quá lời nếu nói Albert Einstein chính là "mực nước biển" cho trí thông minh của nhân loại.

Xem thêm:

Tin liên quan

Tháp Eiffel ở đâu, xây dựng năm nào và bí mật được khắc ở chân tháp

Từ khóa » Tiểu Sử Của Albert Einstein